Chiếu bóng ở làng

Thứ Sáu, 16/01/2009, 15:00
Bãi chiếu bóng quê là nơi chứng kiến bao cuộc tình, bao sự chờ đợi, nhớ nhung, bao hy vọng và thất vọng, bao sắp xếp đón đưa và vỡ mộng… chẳng khác gì những câu chuyện phim. Có anh chàng làng Cốc yêu một cô nàng làng Ngói, chỉ mong nàng đến ở các buổi chiếu phim để được nhìn thấy nhau. Vì nhát gái và rụt rè, chàng không dám tìm cách ngồi gần mà luôn giữ khoảng cách cả một đoạn xa, miễn sao được nhìn thấy mái tóc dài chấm gót ấy, dáng người thon thả ấy và chiếc áo màu tím hoa cà ấy...

1. Mới bốn giờ chiều mà bãi chiếu bóng chợ huyện đã lác đác có người đến xếp gạch xí chỗ. Nơi đây vốn là chợ huyện mỗi tuần họp ba phiên. Buổi sáng chính là nơi người ta bày bán thôi thì đủ cả các mặt hàng quê với trăm thứ bà rằn, từ phản thịt lợn, thịt chó đến dãy bán su hào, bắp cải; từ dãy bán nông sản đến hàng tôm khô, cá chuối, cá chép tươi, quầy tạp hoá, áo bông, khăn len... Bây giờ, lều quán đã được thu lại, cả một mặt bằng rộng rãi với các bãi cỏ xanh nham nhở, sỏi đá lổn nhổn đã thấy rất nhiều viên gạch các loại khác nhau xếp dần từ trên xuống, cách nơi sẽ được đặt phông màn khoảng ba mét. Như một luật bất thành văn, ai đến trước tất xí được phần chỗ ngồi gần màn ảnh, ai đến sau thì tự động xếp gạch của mình ở phía sau…

Nhưng việc xếp gạch xí chỗ ở chợ huyện vẫn thua việc xí phần tại bãi chiếu bóng của xã. Trước cửa Ủy ban nhân dân xã và ngay cạnh quốc lộ, một khu đất trống rộng rãi đã được người ta quây bằng cót ép thành bãi chiếu phim. Những nhà dân xung quanh đương nhiên không phải mua vé nhưng cũng tranh thủ xếp gạch xí chỗ cho người quen các làng lân cận. Từ đầu giờ chiều đã thấp thoáng có mấy đứa trẻ thò lò mũi xanh đến xếp gạch. Những năm sau này, người quê thay vì xếp gạch liền mang những chiếc ghế nhựa ra để sẵn xí chỗ. Buổi chiếu bóng chưa diễn ra mà sân bãi đã lổn nhổn, lô nhô không hàng không lối bao nhiêu là ghế nhựa xanh đỏ cùng với bao nhiêu gạch vỡ gạch viên. Bức tranh sân bãi chiếu bóng được điểm xuyết thêm nào giấy báo, áo mưa, nào vỏ bao xi măng… hoà cùng bức tranh đa sắc quanh sân của hoa nhãn đầu mùa, của sắc vàng hoa cải, của xanh mướt ngô non, đỏ mọng cà chua chín…khiến màu sắc cả một vùng sân bãi mang đặc trưng của một vùng bãi bồi sông Hồng vừa đẹp nên thơ vừa lạ lẫm với khách ở phố lần đầu về xem phim dưới quê sau ngày Sài Gòn giải phóng.

Nhưng không ít đôi nam thanh nữ tú ở quê lại lấy chuyện xí chỗ không chỉ có sự khổ mà còn có cả niềm vui. Họ thường đi xem muộn và không thể tranh chỗ ngồi với đám choai choai và các ông già bà cả nên đành đứng xung quanh thành vòng tròn bao quanh sân. Đám bá vai bá cổ, chen vai thích cánh. Đám chắp tay đằng sau. Đám vừa xem vừa đi lại như dân quân đi tuần. Nhiều đôi xem phim thì ít mà yêu nhau thì nhiều. Mặc cho cảnh xem đứng, mặc cho chuyện ai xí chỗ sớm thì có chỗ ngồi tốt, sân bãi ở xã hay trên phố huyện luôn chật ních người xem. Bởi khán giả đâu chỉ của một làng, một xã mà là của cả huyện. Vả lại, phim phải chiếu cho nhiều làng nên về được mỗi làng thì cũng năm thì mười họa, phim chiến đấu của Liên Xô thì lại hay được đón chờ, mong mỏi… Nên mỗi khi phim về là bãi chiếu bóng lại như một ngày hội…

2. Vui đáo để là những buổi tối khi máy nổ phát điện, đèn chiếu vừa bật lên, máy chiếu chạy sè sè, trên màn ảnh các chiến sĩ trong phim chiến đấu của Liên Xô "Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt" đang hút hồn người xem bởi những màn phi ngựa nước đại đuổi phát xít Đức thì trăng non cũng vừa ló rạng. Lát sau, trăng quê toả sáng bát ngát cả một vùng làng xóm, bãi bồi. Trăng giát vàng xuống những mái đầu lô nhô, nhấp nhổm, hồi hộp theo dõi các nhân vật trên phim. Nhưng trăng cũng khiến cảnh vật trên phim và trên bãi chiếu bóng như hòa trộn vào nhau, khiến trẻ con cận sớm cứ phải căng mắt ra mới nhận ra được đâu là nhân vật trên màn ảnh, đâu là khán giả dưới bãi chiếu bóng. Trăng thanh gió mát, có bà chị to béo kia do mệt mỏi bởi một ngày đồng áng đang nông vụ chí kỳ, vừa xem vừa gục đầu xuống đôi tay kê trên đầu gối ngủ gật từ lúc nào, mặc cho ông chồng còm ngồi bên vẫn dán mắt lên màn ảnh. Gió mát trăng thanh, có cặp trai gái nọ bắt chước cảnh yêu đương trên phim, cũng rụt rè gục đầu vào nhau tình tự…

Vui và buồn thấm thía là những buổi tối phim đang chiếu thì giông bão nổi lên và mưa ào xuống. Lạ là mưa to gió lớn thế nào người quê cũng không bỏ xem phim giữa chừng. Những chiếc áo mưa được chuẩn bị sẵn liền được giăng lên. Có khi dưới mỗi chiếc áo mưa là cả chục người đứng xem phim. Phim đen trắng, khô khan và nặng nề, muỗi chạy màn ảnh nhằng nhịt… Mưa lại lạnh, chỗ ngồi thì ẩm ướt, người ta càng có nhu cầu muốn xích lại, sát vào bên nhau cho ấm. Đâu đó, dưới các tấm áo mưa, có tiếng cười rúc rích của đám thôn nữ, vì bị đám trai làng bên mạnh bạo hùa nhau chen sát người vào, lấy cớ là người thì đông mà áo mưa thì nhỏ che không xuể. Cuối bãi chiếu lại có tiếng một cô gái đanh đá với giọng chanh chua: "Này đừng có mà mượn gió bẻ măng!" chắc là bị mấy anh chàng ôm trộm. Có anh chàng đáo để được thể, dù chẳng bị ai ôm cũng kêu toáng lên: "Này chớ đục nước béo cò!".

Tiếng nói trong trẻo của cô gái vút lên khiến giọng khàn đục của anh chàng không thể át đi nổi khi cả bãi đang im lặng theo dõi bộ phim đen trắng của Việt Nam là "Mối tình đầu", khiến người ta không nhịn được những trận cười bỗng nhiên vỡ oà ra… Nhiều chàng nhờ mưa mà được hả hê. Chỉ khổ không ít cô nàng sau trận xem phim dưới mưa rét mướt, đầu tóc nhầu nhĩ, dép thì chiếc còn chiếc mất, áo sống thì xộc xệch…

3. Xe chiếu bóng của đội chiếu bóng lưu động mỗi khi về huyện đều gửi lịch chiếu xuống từ tận các bãi chiếu bóng của huyện, cho đến sân kho hợp tác xã dùng làm bãi chiếu của thôn. Buổi sáng khi chỉ mới thấp thoáng chiếc xe bò kéo phông màn, loa đài dừng ngoài trụ sở xã là trong làng ngoài thôn đã râm ran, xôn xao, náo nức truyền tai nhau tin "hôm nay có phim". Xóm làng như thôi ngái ngủ. Người thôn quê như cảm thấy cơn khát sắp được giải toả. Người người, nhà nhà lo thu xếp chuyện đồng chuyện nhà, các bà các chị cấy vội cho xong sớm đám mạ xuân, các ông lực điền vút roi cho trâu đi nhanh hơn những đường cày cuối cùng, trẻ con lo học bài từ chiều… để tối còn đi xem phim.

Khác với mọi ngày, hôm nay khắp trong làng từ khu ruộng màu chân đê đến xóm nhỏ chuyên thả vó bè bắt cá rìa sông nhà nhà đều sớm lo xong việc đồng áng, cho trâu bò về chuồng và ăn cơm sớm. Ông già bà cả không đi xem được cũng đành chiều con cháu mà sớm xong bữa, không dùng dằng, nhẩn nha như mọi chiều. Chưa tối, dù chẳng hẹn hò mà bao thôn nữ đã đi ra đi vào băn khoăn không biết chọn chiếc áo nào để chưng diện, để  một  phen khoe với gái làng bên. Rồi các cô tụm năm tụm ba chia nhau chút son môi do cô bạn mới mua ở trường huyện về để "tăng chút vôi ve" và môi má thêm hồng. Ánh nắng chiều chưa tắt sau luỹ tre làng, ráng mỡ gà còn giăng khắp một vùng trời mà đám thanh niên đã bàn nhau rồi rủ nhau nên đi một xe đạp hay đèo nhau. Trai làng bắt chước người lớn, đề phòng có người vui như tết vì được chở bạn gái đi xem, lại có chàng buồn như trấu cắn, lủi thủi cô đơn bởi phải đi xem một mình…

Có anh chàng làng Mọc kia nhà cạnh gốc cây gạo, sát giờ chiếu phim, ruột nóng như lửa đốt, chồn chân mỏi gối đứng chờ trước cổng nhà bạn gái mà vẫn chưa đón được mỹ nhân. Chàng không biết cô nàng vốn mong phim như mong mẹ về chợ, vì quá sốt ruột mong được xem bộ phim chưởng Hồng Kông đã chờ đợi từ mấy tháng nay mà vội vã đi theo đám bạn gái đi xí chỗ từ chiều. Gặp nhau nơi bãi chiếu, nàng đành đền chàng một gói… lạc rang với hạt dưa, để vừa xem phim vừa cắn tí tách.

4. Bãi chiếu bóng quê là nơi chứng kiến bao cuộc tình, bao sự chờ đợi, nhớ nhung, bao hy vọng và thất vọng, bao sắp xếp đón đưa và vỡ mộng… chẳng khác gì những câu chuyện phim. Có anh chàng làng Cốc yêu một cô nàng làng Ngói, chỉ mong nàng đến ở các buổi chiếu phim để được nhìn thấy nhau. Vì nhát gái và rụt rè, chàng không dám tìm cách ngồi gần mà luôn giữ khoảng cách cả một đoạn xa, miễn sao được nhìn thấy mái tóc dài chấm gót ấy, dáng người thon thả ấy và chiếc áo màu tím hoa cà ấy. Tan buổi chiếu, chàng cứ đi sau nàng mà chẳng dám vượt lên. Không nói một lời nào, như các bộ phim có kết mở dành hạnh phúc cho sự tưởng tượng (mà ở quê sao không chiếu phim có kết có hậu?), để khi về nhà lại tiếc nuối, nhớ nhung và lòng lại dặn lòng sẽ ngồi gần nàng hơn trong buổi phim sắp tới…

Có cô nàng làng Tè trót thương thầm một bạn trai làng Ngang mà không được thầy mẹ cho đi chơi buổi tối, nên cứ khi phim về là mở cờ trong bụng. Thừa sự khôn ngoan và mặn nồng của người đang yêu, nàng và chàng bao giờ cũng tìm được một chỗ ngồi xa nhất so với màn ảnh. Và khi chuyện tình trong phim "Đến hẹn lại lên" đang diễn ra thì bàn tay chàng cũng tìm tay nàng để nắm chặt…

5. Bãi chiếu dù ở sân kho hợp tác hay nơi chợ huyện vẫn thường có lệ tháo khoán. Thường thì đội chiếu bóng lưu động dựng lên một cửa ra vào để kiểm soát vé. Và khu bãi chiếu bóng được chắn với bên ngoài bởi những tấm lưới võng dệt bằng đay. Buổi chiếu được diễn ra khoảng gần nửa tiếng là đến khi tháo khoán cho khán giả không vé. Tấm lưới võng được thu lại. Rất nhiều khán giả không có tiền mua vé hoặc có tiền nhưng không muốn mua vé liền ồ vào bãi chiếu.

Trong số khán giả đó đa phần là những  người nghèo. Có những ông bố khuôn mặt khắc khổ, bàn tay chai sần vì cấy cày đã phải khổ sở, đắn đo rất nhiều, khi tìm vuốt lại cho phẳng phiu những đồng bạc lẻ ít ỏi trong túi quần, phân vân không biết nên mua vé xem phim hay để dành mai mua thêm chút thịt mỡ về làm tóp mỡ cả nhà ăn cả tuần. Và họ chọn cách chờ vào bãi chiếu bóng bằng tháo khoán để được xem phim, bù lại việc không được xem phần đầu một bộ phim hay là ngày mai bát cơm của con trẻ có thêm chút thịt. Nhưng cũng có vài trọc phú quê dù có tiền vẫn không mua vé. Họ nhiễm thói quen được xem phim mà không phải mua vé, giống như nhiều người ở phố có thói quen thích xem ca nhạc bởi giấy mời…

"Tháo khoán rồi!". Tiếng ai đó trong hàng trăm khán giả đứng dồn nơi cửa soát vé kêu lên. Đám đông những khán giả quê nghèo liền xô đẩy nhau, chạy ùa vào bãi chiếu, vội vã tìm chỗ ngồi, hồi hộp theo dõi chuyện phim đã bị ngắt quãng. Mãi mãi, người quê vẫn thích xem phim tháo khoán…

Làng Cốc, tháng chạp 2008

Vũ Ngọc Thanh
.
.