“Chiến trường” COVID-19

Thứ Hai, 20/04/2020, 08:15
Sự ầm ĩ trong màn đấu khẩu không hồi kết giữa hai bên thật ra chỉ là bức màn che giấu một cuộc đấu quyết liệt giữa Bắc Kinh và Washington: duy trì ưu thế “quyền lực mềm” trong cuộc cạnh tranh gay gắt tranh giành ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu...

Từ chối cơ hội

Đúng vào lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát với quy mô toàn cầu, đặt nhân loại trước thách thức nguy nan và cần có một sự đoàn kết, chung lưng đấu cật để cùng nhau vượt qua đại dịch thì người ta lại chứng kiến một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Bắc Kinh với Washington, lần này không phải về thuế quan hay thương mại, công nghệ, mà trên một chiến trường mới: COVID-19.

Nếu theo suy luận logique thì lẽ ra khi dịch COVID-19 lan nhanh ra toàn cầu, đó là cơ hội hiếm hoi để hai cường quốc thế giới tạm gác lại những bất đồng tranh chấp để bắt tay hợp tác, cùng nhau vượt qua đại dịch. Với tiềm lực kinh tế, công nghệ khổng lồ của Mỹ và Trung Quốc, sự bắt tay giữa hai bên quả thực sẽ mang lại niềm hy vọng lớn cho nhân loại để có thể cung cấp nhân lực, vật lực cho công cuộc chống dịch, nhanh chóng nghiên cứu, sản xuất ra những loại vaccine ngăn ngừa và chữa được căn bệnh quái ác có thể cướp đi mạng sống của hàng trăm ngàn người trên thế giới.

Cuộc bầu cử tổng thống dịp cuối năm đang tới gần khiến cho cả ông Trump cũng như các đối thủ tranh cử của ông khó làm dịu lập trường của họ đối với Trung Quốc. Ảnh: L.G.

Nhưng, dường như hai bên hoàn toàn không có hứng thú để nắm bắt lấy cơ hội này. Kể từ khi dịch bệnh mới bùng phát ở Vũ Hán cho đến những ngày Trung Quốc tạm thời vượt qua đỉnh dịch, trong khi nước Mỹ bắt đầu lao đao trước thảm trạng số người nhiễm bệnh và tử vong tăng lên từng giờ, âm lượng công kích qua lại lẫn nhau giữa hai bên đi theo một vòng xoáy liên tục không ngừng tăng cấp độ.

Sự ầm ĩ trong màn đấu khẩu không hồi kết giữa hai bên thật ra chỉ là bức màn che giấu một cuộc đấu quyết liệt giữa Bắc Kinh và Washington: duy trì ưu thế “quyền lực mềm” trong cuộc cạnh tranh gay gắt tranh giành ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.

Bảo vệ hình ảnh

Để có thể cạnh tranh trực tiếp với Mỹ cho mục tiêu trở thành một cường quốc toàn cầu, Trung Quốc hết sức coi trọng sức mạnh của “quyền lực mềm”, bao gồm những yếu tố phi truyền thống như ảnh hưởng văn hóa, uy tín chính trị, hình ảnh quốc gia.

Bởi thế nên khi dịch COVID-19 bùng phát bắt đầu từ Vũ Hán, chỉ trừ thời gian đầu còn lúng túng chưa định hướng rõ ràng, còn từ khi Trung Quốc quyết định phong tỏa toàn bộ thành phố Vũ Hán nhằm ngăn chặn dịch lây lan, bất cứ động thái nào của Mỹ cũng được xem như là một biểu hiện không thiện chí, nhằm phá hoại hình ảnh của Trung Quốc trước thế giới. 

Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên sơ tán hàng trăm công dân của mình khỏi Vũ Hán khi Trung Quốc bắt đầu phong tỏa thành phố này, đồng thời Bộ Ngoại giao Mỹ nâng cảnh báo lên mức cao nhất đối với Trung Quốc, kêu gọi người Mỹ không đến Trung Quốc do dịch bệnh bùng phát.

Nhưng, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất làm điều này. Trong những tuần lễ sau ngày 23-1 phong tỏa Vũ Hán, đã có hơn 60 quốc gia áp đặt một số hạn chế trong di chuyển đến và đi Trung Quốc, trong đó khoảng 20 quốc gia sơ tán công dân của mình khỏi Vũ Hán. Vậy nhưng Trung Quốc lại đặc biệt tức giận trước phản ứng mà Trung Quốc coi là “thái quá” của Mỹ, cáo buộc Mỹ đã tạo ra “tiền lệ xấu” trong đối xử với Trung Quốc.

Hội nghị an ninh Munich họp vào trung tuần tháng 2-2020 với sự có mặt của nhiều nguyên thủ và các nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới đã chứng kiến những cáo buộc gay gắt nhằm vào Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper; đáp lại, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thẳng thừng nói rằng đó là những lời “dối trá”.

Theo phía Trung Quốc thì động thái của Mỹ dựa trên sự kỳ thị và được thúc đẩy bởi động cơ chính trị mà theo lời ông Vương Nghị là “châm ngòi cho sự hoảng loạn không cần thiết”.

Ăn miếng trả miếng

Cách tiếp cận “ăn miếng trả miếng” của Trung Quốc đặc biệt rõ khi liên quan đến những phát biểu về tên gọi của dịch bệnh COVID-19 mà ở giai đoạn ban đầu, nó vẫn được gọi là “cúm Vũ Hán”, dựa theo nguồn gốc nơi bắt đầu phát sinh dịch bệnh.

Sau khi khẩn trương thúc ép Tổ chức Y tế thế giới WHO phải ra bản hướng dẫn thay đổi tên gọi “virus Vũ Hán” thành virus SARS-CoV-2, từ đó trở đi, bất cứ một phát ngôn nào của các quan chức Mỹ nhằm ám chỉ hay đích danh nguồn gốc của loại dịch này liên quan đến Trung Quốc hay Vũ Hán, đều bị Bắc Kinh phản ứng hết sức giận dữ.

Trung Quốc trục xuất 3 phóng viên của tờ Wall Street Journal khỏi văn phòng tại Bắc Kinh với lý do là tờ báo này từ chối xin lỗi về một bài viết liên quan đến Trung Quốc. Ảnh: L.G.

Nếu như nhiều quan chức Mỹ coi việc gọi tên dịch bệnh theo địa phương nơi bắt đầu phát hiện ra dịch bệnh, chẳng hạn như “bệnh sởi Đức” hay “cúm Tây Ban Nha”, là bình thường và không có ý xúc phạm hoặc kỳ thị thì phía Trung Quốc lại không nghĩ vậy. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng bị Trung Quốc coi là có “hành động đáng khinh” khi gọi mầm bệnh dịch này là “virus Vũ Hán”. Nó cho thấy Trung Quốc cương quyết đến thế nào để bảo vệ hình ảnh đất nước như là một phần của “quyền lực mềm” nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ trên phạm vi toàn cầu.

Giới truyền thông của hai bên cũng trở thành nạn nhân của lối tiếp cận “mắt đền mắt, răng đền răng” này. 

Trung tuần tháng 2, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu 5 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc là các thực thể chính phủ chính thức và phải tuân thủ Đạo luật phái đoàn nước ngoài của Mỹ. Theo đạo luật này, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc được coi là các “phái đoàn nước ngoài” chứ không phải là “cơ quan đại diện nước ngoài”. Điều đó có nghĩa là các phóng viên truyền thông nhà nước Trung Quốc tại Mỹ phải khai báo danh tính cho chính quyền Mỹ và các cơ quan báo chí nhà nước Trung Quốc phải công khai bất động sản mà các cơ quan này đang nắm giữ.

Ngay sau đó, Trung Quốc trục xuất 3 phóng viên của tờ Wall Street Journal khỏi văn phòng tại Bắc Kinh với lý do là tờ báo này từ chối xin lỗi về một bài viết liên quan đến Trung Quốc với tiêu đề “Trung Quốc là con bệnh thực sự của châu Á”. Đáp lại, Washington hạn chế số lượng nhân viên Trung Quốc tại 5 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc lớn nhất ở Mỹ, hệ quả là khiến 60 người mất việc làm...

Có cảm tưởng như những động thái trả đũa “đáp đền tiếp nối” của thời Chiến tranh Lạnh đang quay trở lại chi phối mối quan hệ Mỹ-Trung trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành ở cả hai nước.

Chiến trường mới

Như vậy, dịch COVID-19 đang bày ra một “chiến trường” mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Thay vì cạnh tranh trên các mặt trận truyền thống như thương mại, tài chính, công nghệ, giờ đây, các mối đe dọa mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu hay dịch bệnh (mà COVID-19 là điển hình), trở thành những yếu tố mới trong cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ-Trung.

Trong cuộc cạnh tranh này, những lời cáo buộc, đổ lỗi cho nhau chỉ là phần nổi của tảng băng. Điểm mấu chốt là mỗi bên đều cố gắng phơi bày những điểm yếu về thể chế và các hệ thống giá trị của phía bên kia.

Mà COVID-19 đã làm bộc lộ những điểm yếu này một cách không thương tiếc.

Trong giai đoạn đầu, khi dịch bệnh COVID-19 mới bùng phát ở Trung Quốc, truyền thống Mỹ và phương Tây không ngừng nói về những “số liệu” không đáng tin cậy về nguồn gốc, số người bị lây nhiễm virus, con số tử vong thực tế... do phía Trung Quốc đưa ra. Một số quan chức Mỹ liên tục thể hiện thái độ hoài nghi đối với các số liệu này, đồng thời suy diễn rằng chính cấu trúc của xã hội Trung Quốc đã dẫn tới tình trạng không minh bạch về thông tin bệnh dịch.

Những lời đổ lỗi cũng liên tục được đưa ra nhằm liên kết cách xử lý kém của Trung Quốc trong giai đoạn đầu của dịch với tình trạng bùng nổ lây lan trên khắp thế giới từ tháng 2 trở đi.  

Thậm chí, khi Trung Quốc thực thi những biện pháp quyết liệt chưa từng có tiền lệ như phong tỏa cả một tỉnh Hồ Bắc với 50 triệu dân để ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng thì những biện pháp này lại bị cho là mất dân chủ, vi phạm quyền tự do riêng tư của công dân.

Nhưng, phải đến khi chính Mỹ bị dính đòn nặng của COVID-19 với số lượng người nhiễm bệnh và tử vong tăng nhanh khủng khiếp thì khi ấy người ta mới thấy những yếu kém trong việc ra quyết định cũng như của hệ thống y tế Mỹ. Sự lúng túng, kém cỏi trong xử lý khủng hoảng của một bên không có nghĩa là bên kia đã xử lý đúng. Trái lại, COVID-19 làm lộ ra sự yếu kém của cả hai nước mà những lời đổ lỗi qua lại cho nhau hầu như không giúp ích gì cho việc khắc phục khủng hoảng.

Dịch bệnh COVID-19 rồi sẽ qua đi nhưng sẽ là quá lạc quan nếu hy vọng vào một sự đảo ngược nhanh chóng chiều hướng căng thẳng trong quan hệ Trung-Mỹ, vốn bị COVID-19 làm cho trầm trọng thêm.

Ở Mỹ, cuộc bầu cử tổng thống dịp cuối năm đang tới gần khiến cho cả ông Trump cũng như các đối thủ tranh cử của ông khó làm dịu lập trường của họ đối với Trung Quốc.

Trong khi đó, việc phải cương quyết giữ thể diện, uy tín cũng khiến cho Trung Quốc khó có thể lùi bước trước bất cứ một động thái nào có thể làm tổn hại đến “quyền lực mềm”, yếu tố quyết định sự chính danh và tham vọng trở thành cường quốc của Bắc Kinh.

Yên Ba
.
.