Chiến tranh lạnh 2.0

Thứ Ba, 21/07/2020, 20:21
Trong khi nhiều quan chức Mỹ gọi tên chiến lược ngoại giao của Trung Quốc là “ngoại giao chiến lang” thì tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc chỉ trích chính quyền Tổng thống Trump hành xử theo “chủ nghĩa côn đồ quốc tế cố hữu!”...

“Mắt đền mắt, răng đền răng”

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẽ áp đặt hạn chế thị thực đối với các công dân Mỹ “có hành vi nghiêm trọng” liên quan đến Hong Kong. Phía Trung Quốc không giải thích “hành vi nghiêm trọng” là gì nhưng ai cũng hiểu rằng đây là đòn trả đũa tức thời của Trung Quốc sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố hạn chế thị thực đối với một số quan chức Trung Quốc, cũng vì vấn đề Hong Kong.

Từ hồi cuối tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố phía Mỹ sẽ có biện pháp cấm vận quan chức Trung Quốc vì vai trò trực tiếp hay gián tiếp của họ trong vấn đề Hong Kong. Quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ hạn chế thị thực đối với một số quan chức Trung Quốc chính là để thực hiện chỉ đạo này của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Dường như cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều đang lựa chọn cách tiếp cận trả đũa toàn diện “mắt đền mắt, răng đền răng” đối với bất kỳ một động thái nào của phía bên kia. Ngay khi công bố quyết định hạn chế thị thực đối với các công dân Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cũng hối thúc Mỹ “ngừng can thiệp” vào các vấn đề Hong Kong, cảnh báo rằng nước này sẽ phản ứng bằng các biện pháp đối phó mạnh mẽ nếu Mỹ tiếp tục hành động.

Dường như không một ai nghi ngờ quyết tâm này của phía Trung Quốc.

Thái độ ứng xử ăn thua đủ này giữa hai cường quốc kinh tế số 1 và số 2 thế giới không phải mới xuất hiện mà đã kéo dài trong suốt thời gian qua. Từ trả đũa lẫn nhau bằng các đòn áp thuế thương mại đến đấu khẩu về nguồn gốc dịch bệnh xuất phát từ Vũ Hán, từ nhận định về trách nhiệm của Tổ chức Y tế thế giới WHO đối với viêc bệnh dịch COVID-19 lan truyền đến những hành động quyết liệt liên quan đến số phận Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu...

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẽ áp đặt hạn chế thị thực đối với các công dân Mỹ. Ảnh: L.G.

Trong khi nhiều quan chức Mỹ gọi tên chiến lược ngoại giao của Trung Quốc là “ngoại giao chiến lang” thì tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc chỉ trích chính quyền Tổng thống Trump hành xử theo “chủ nghĩa côn đồ quốc tế cố hữu!”.

Đã từng có một tia hy vọng le lói về sự hòa dịu sau khi vượt qua những vòng đàm phán cam go cùng những lời chỉ trích gay gắt ném vào nhau, hai bên đạt được Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1, ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng nổ. Đến nay, gần nửa năm đã trôi qua, thỏa thuận này vẫn trong tình trạng “giậm chân tại chỗ”. Thực tế là trong suốt 6 tháng qua cả hai bên đều phải gồng mình lên để đối phó với bệnh dịch không phải là lý do thuyết phục cho tình trạng “đóng băng” này. Nguyên nhân sâu xa vẫn là tình trạng căng thẳng giữa hai bên trong mọi vấn đề khiến cho một thỏa thuận như thế khó có thể triển khai trên thực tế, ít ra là đến thời điểm này.   

Tất cả đều cho thấy hai bên đang bên bờ vực của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, cuộc Chiến tranh Lạnh 2.0. Mỹ sẽ không ngơi nghỉ trong cuộc chiến nhằm làm Trung Quốc chệch hướng khỏi tiến trình từ một cường quốc mới nổi cạnh tranh quyết liệt với Mỹ để trở thành một siêu cường toàn cầu, trong khi Bắc Kinh sẽ không ngừng phản kháng.

Gây sức ép

Trong lúc dịch COVID-19 đang tàn phá nước Mỹ, thiết lập trình trạng “báo động đỏ” đối với mục tiêu ông Trump có thể ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa, điều không may là chính quyền Tổng thống Trump tin rằng chiến lược tái tranh cử tốt nhất có thể tiến hành thông qua việc gây sức ép với Trung Quốc.

Chính quyền Tổng thống Trump cho rằng Trung Quốc phải “chịu hoàn toàn trách nhiệm” vì để dịch COVID-19 lây lan ra toàn cầu. Có 2 luận điểm để Mỹ quy kết trách nhiệm cho Trung Quốc: thứ nhất, virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) có nguồn gốc từ Trung Quốc; thứ hai, trong giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh, phía Trung Quốc đã cố ý che giấu thông tin, gây thiệt hại lớn cho toàn thế giới.

Không chỉ quy trách nhiệm cho Trung Quốc về dịch bệnh COVID-19, chính quyền Tổng thống Trump còn đổ lỗi cho WHO vì đã không hành động đủ nhanh và kịp thời để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Vẫn thấp thoáng bóng dáng của Trung Quốc trong vụ việc này: Bắc Kinh bị Mỹ tố là lũng đoạn WHO (mặc dù đóng tiền chỉ bằng 1/10 so với Mỹ), khiến WHO là “đồng phạm” trong việc để dịch bệnh lây lan.

Không chỉ quy trách nhiệm cho Trung Quốc về dịch bệnh COVID-19, chính quyền Tổng thống Donald Trump còn đổ lỗi cho WHO vì đã không hành động đủ nhanh và kịp thời để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Ảnh: L.G.

Bất chấp việc đã đạt được Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1, thực tế là Mỹ đã tái khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Washington đã mở rộng lệnh cấm đối với Tập đoàn công nghệ Huawei. Trước đây Mỹ chỉ cấm Huawei cung cấp chip bán dẫn cho các doanh nghiệp Mỹ nhưng nay, Mỹ cấm luôn Huawei cung cấp chip bán dẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài nào sử dụng công nghệ của Mỹ.

Ngoài ra, Mỹ cũng mở rộng chiến tuyến sang lĩnh vực đầu tư và tài chính bằng việc yêu cầu tiêu chuẩn kế toán khắt khe hơn nhiều đối với các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.

Bên cạnh đó, Mỹ liên tục gây sức ép với Bắc Kinh về các vấn đề khác như tàu chiến Mỹ thực thi quyền “tự do hàng hải” tại eo biển Đài Loan, tích cực hỗ trợ Đài Bắc trong bối cảnh Tổng thống Thái Anh Văn đắc cử nhiệm kỳ 2.

Hong Kong là một ví dụ khác. Khi Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia mới áp dụng cho Hong Kong, Mỹ tuyên bố bắt đầu bãi bỏ các ưu đãi đặc biệt dành cho Hong Kong. Tiếp đó, hành vi của Mỹ trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hong Kong “trực tiếp hoặc gián tiếp dính líu đến việc làm xói mòn quyền tự trị của Hong Kong” (theo lời tuyên bố của ông Trump), đã dẫn tới phản ứng giận dữ của Bắc Kinh.

Ở Biển Đông, nơi Trung Quốc tiến hành hàng loạt hành động phi pháp, xây dựng và quân sự hóa các kết cấu nhân tạo, xua đuổi ngư dân các nước khỏi vùng biển vốn là khu vực đánh bắt truyền thống của họ trong nhiều thế kỷ qua, Mỹ đã chính thức gửi công hàm lên Liên Hợp quốc, phản đối các yêu sách phi pháp của Trung Quốc tại khu vực này. Các hoạt động tập trận của Mỹ với đồng minh cũng diễn ra thường xuyên hơn. Sự bành trướng của Trung Quốc ở khu vực này, theo đánh giá của Mỹ, sẽ báo hiệu kỷ nguyên lãnh đạo châu Á của Mỹ đã kết thúc, thay thế bằng một cường quốc mới, hung hăng và ngạo mạn hơn.

Bản chất của xung đột

Cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 đã làm hiện hình thêm bản chất xung đột của mối quan hệ Mỹ-Trung.

Về phía Trung Quốc, trong lúc cả thế giới, trong đó có Mỹ phải gồng mình lên để chống đại dịch thì Bắc Kinh đã nhân cơ hội “tiện tay dắt dê”, mở rộng ảnh hưởng bằng cách duy trì “sức mạnh mềm” thông qua những kênh ảnh hưởng khác nhau. Trong 2 tháng, từ tháng 3 đến tháng 4-2020, Trung Quốc đã xuất khẩu sang Mỹ 27,8 tỷ chiếc khẩu trang cùng 130 triệu bộ quần áo bảo hộ! Làm gì có nước nào trên thế giới chỉ trong một thời gian ngắn lại có thể cung cấp cho Mỹ nhiều vật tư thiết bị phòng dịch chỉ trong một thời gian ngắn như vậy?  

Tuy nhiên, với bất cứ một động thái tiêu cực nào từ phía Mỹ, Bắc Kinh đều phản ứng hết sức quyết liệt. Đơn cử như cuộc đấu khẩu xung quanh tên gọi cũng như nguồn gốc của dịch bệnh COVID-19 cho thấy cách tiếp cận của Trung Quốc về mặt này, khi mỗi nhà ngoại giao là một “chiến binh sói” chống lại bất cứ một biểu hiện chỉ trích nào nhằm vào Trung Quốc.

Ngoài ra, Bắc Kinh sẵn sàng tiếp quản những “khoảng trống” do Mỹ để lại. Khi Mỹ quyết định chấm dứt tư cách thành viên trong WHO, cũng có nghĩa là cắt luôn khoản tiền đóng góp hằng năm hơn 400 triệu USD  cho tổ chức này thì Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố cho thấy sẽ tăng mức độ tài trợ, đồng thời tán thành việc WHO tiến hành các hoạt động điều tra nghiêm túc về dịch bệnh COVID-19.

Bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, Mỹ cũng tranh thủ quy trách nhiệm cho Bắc Kinh, cố gắng làm tổn thương tối đa “sức mạnh mềm” của đối thủ. Đồng thời, Mỹ gia tăng các hành động trừng phạt nhằm vào các cá nhân cũng như tổ chức Trung Quốc liên quan đến dịch bệnh và cả các vấn đề chính trị như Hong Kong.

Tất cả nhằm hạn chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, vốn không chỉ đe dọa lợi ích an ninh của Mỹ mà còn khiến các nước láng giềng trong khu vực hết sức lo ngại.

Mâu thuẫn Trung - Mỹ chỉ có thể hóa giải nếu hai bên xử lý thỏa đáng trách nhiệm của mỗi bên. Một Trung Quốc lớn mạnh không chỉ phải tôn trọng các quy tắc và chuẩn mục toàn cầu mà còn phải gánh vác trách nhiệm lớn hơn trong việc bảo vệ và nâng cấp cái trật tự thế giới mà nhờ nó, Trung Quốc đã phát triển thịnh vượng.

Là một siêu cường thế giới, Mỹ có trách nhiệm duy trì bầu không khí hòa dịu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vì lợi ích của các bên và của chính nước Mỹ. Không một ai muốn chọn phe trong Chiến tranh Lạnh 2.0 Mỹ-Trung. Phe duy nhất mà một quốc gia nên chọn, đó là hòa bình.

Yên Ba
.
.