“Chiến thắng từ vạch xuất phát” – Nỗi ám ảnh thành công bằng mọi giá của người Hong Kong

Thứ Ba, 10/03/2020, 08:47
Theo một khảo sát được công bố năm 2019, nếu người lớn ở Hong Kong dành trung bình 50,1 giờ/tuần cho công việc thì một trẻ em trong độ tuổi đi học ở Hong Kong dành 61,5 giờ cho việc học tập. Hàng nghìn học sinh đang phải gánh chịu những áp lực khủng khiếp từ một nền giáo dục cạnh tranh gay gắt...


Công viên Victoria Park nằm ở trung tâm bán đảo Hong Kong với rừng cây cổ thụ khổng lồ và thảm cỏ xanh mát, xen lẫn là những sân chơi trẻ em rộng rãi với các trang thiết bị hiện đại nhưng hầu như vắng bóng trẻ em cấp 1 và cấp 2 vào lúc 4h chiều. “Những đứa trẻ, chúng đang ở đâu?”.

Nhẽ ra, chúng đang tung tăng chạy nhảy và cười đùa sau những giờ học căng thẳng trong một công viên đẹp như khu nghỉ dưỡng thường thấy trên các bìa tạp chí hay các video quảng cáo truyền hình. Nhưng, không ai hình dung nổi, vào giây phút đó, chúng đang đắm chìm trong các trung tâm dạy thêm hoặc các lò luyện kỹ năng sống đang bùng nổ như một ngành công nghiệp đem lại lợi nhuận khổng lồ ở Hong Kong.

Nỗi ám ảnh điểm số và thành tích

Hãy xem lịch sinh hoạt tiêu biểu của một học sinh tiểu học Hong Kong được tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng tường thuật: “8h30 sáng đến 3h chiều: Học tại trường; 3h đến 4h: Học gia sư hoặc các môn ngoại khóa tại trường; 5h đến 6h: Làm bài tập hoặc gia sư tiếng Anh tại nhà; 7h30 đến 8h: Luyện piano hoặc violon; 8h đến 9h: Học tiếng phổ thông, tiếng Anh, toán hoặc các môn khoa học; 9h đến 10h: Đọc truyện, đi ngủ; Thứ bảy: Học tiếng Anh ở trung tâm; Chủ nhật: Học bơi, võ, ballet, thuyết trình, piano hoặc violon, vẽ...”.

Theo một khảo sát được công bố năm 2019, nếu người lớn ở Hong Kong dành trung bình 50,1 giờ/tuần cho công việc thì một trẻ em trong độ tuổi đi học ở Hong Kong dành 61,5 giờ cho việc học tập. Hàng nghìn học sinh đang phải gánh chịu những áp lực khủng khiếp từ một nền giáo dục cạnh tranh gay gắt từng chỗ ngồi cho đến những giờ học dài đằng đẵng và khối lượng bài tập khổng lồ cùng sự kỳ vọng đến ám ảnh của các bậc phụ huynh. Tất cả nằm ở khẩu hiệu “Chiến thắng từ vạch xuất phát” - tư tưởng đã ăn sâu vào xã hội xứ “Cảng thơm” hàng chục năm nay.

Theo đó, rất nhiều cha mẹ Hong Kong đã dồn mọi nguồn lực từ thời gian, năng lượng, tiền bạc để đầu tư cho con cái họ trở thành người dẫn đầu - người số 1 ngay từ khi đứa trẻ còn trong bụng mẹ. Hãy thử hình dung về cuộc đua của một gia đình trung lưu như sau: Ngay từ khi mang thai, cặp vợ chồng đã thuê nhà tư vấn học đường trong hàng trăm trung tâm như vậy mọc nhan nhản ở xứ “Cảng thơm” để lập kế hoạch cuộc đời cho thai nhi trong bụng họ.

Bước đầu, những người lớn này sẽ lập ra các bảng tính để đưa vào tất cả số liệu rồi tính toán, phân tích đứa trẻ sắp ra đời sẽ ghi danh vào trường mẫu giáo, tiểu học, trung học, rồi cuối cùng là đại học nào. Sau đó, họ sẽ thiết kế các phương pháp, bước đi cho từng chặng đường để đạt được mục tiêu đề ra. Khi đứa trẻ ra đời cho đến lúc 2 tuổi, chúng sẽ được gửi vào những nhóm chơi (play group) tốt nhất với giá 150 triệu VND cho 3 buổi 1,5 giờ/tuần để rèn giũa những kỹ năng cho cuộc phỏng vấn đầu tiên vào trường mẫu giáo tinh hoa khi chúng 3 tuổi.

Để vượt qua cuộc phỏng vấn khó khăn này, các cha mẹ được định hướng dạy con tập chơi với các con số, màu sắc, hình khối, động vật... thậm chí cả cách nhìn vào mắt người phỏng vấn và khả năng nói song ngữ tiếng Anh lẫn tiếng Trung Quốc phổ thông.

Trong suốt thời gian mẫu giáo và tiểu học, ngoài thời gian ở trường, những đứa trẻ sẽ được đưa tới các trung tâm gia sư dạy tiếng Anh, toán, khoa học... hoặc các lớp học ngoại khóa về nghệ thuật, âm nhạc, võ thuật, hùng biện... Tất cả nhắm đến đích tốt nghiệp những trường đại học danh tiếng nhất và sau đó họ sẽ có một cuộc đời thành công với danh tiếng và thu nhập cao tại một thành phố là trung tâm tài chính toàn cầu và một trong 4 con rồng châu Á.

Karen, hàng xóm sống cùng tòa nhà với tôi ở khu Vịnh Đồng La, là nhân viên phân tích rủi ro của Ngân hàng HSBC đã chia sẻ lý do vì sao vợ chồng cô phải “ép” con gái 9 tuổi học nhiều đến vậy: “Có rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, phụ huynh rồi các trang web, các mẩu quảng cáo, truyền thông, báo chí... ra rả bên tai bạn hằng ngày rằng: ở đây luôn có một trường học tốt hơn, một đứa trẻ thông minh hơn có thể nói nhiều thứ tiếng, một công ty hàng đầu với mức thu nhập hàng nghìn đô la, một danh tiếng quốc tế... Tất cả chỉ cần cho con bạn khởi động sớm.

Nếu bạn chỉ mong con mình là một đứa trẻ bình thường thì nó sẽ bị tụt lại phía sau. Nếu không được nhận vào những trường tốt nhất, có thể chúng sẽ không trở thành những người tốt nhất. Liệu bạn có dừng lại khi tất cả những người xung quanh đều dành nguồn lực tốt nhất để mua cho con cái họ những tấm vé vào tương lai như vậy?”.

Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Trung Văn Hương Cảng tiết lộ, có tới 1/3 cha mẹ Hong Kong được phỏng vấn tin rằng trẻ em cần phải được đào tạo để chiến thắng từ vạch xuất phát ngay từ khi còn bé thơ. 1/2 số người lớn được hỏi cho rằng họ đã cho con ghi danh vào những lớp học thêm và lớp học âm nhạc từ mẫu giáo.

Có một câu danh ngôn thường xuyên được chế nhạo trên các phương tiện truyền thông là “Quá trẻ để cầm đũa nhưng đủ già để làm bài tập về nhà” với ý nghĩa châm chọc hiện tượng học sinh mẫu giáo ở Hong Kong đang phải làm bài tập quá nhiều. Cuộc đua “chiến thắng từ vạch xuất phát” đã trở thành một cơn sốt ám ảnh xã hội Hong Kong hàng chục năm nay đến nỗi cơ quan chức năng phải tung ra hàng loạt các video, tờ rơi, áp phích quảng cáo “hạ nhiệt” cơn sốt này với nỗi lo sợ về hậu quả nặng nề cho những đứa trẻ. Nhưng, tỷ lệ học sinh trầm cảm cứ ngày một tăng lên khi mới đây Bộ Giáo dục công bố cứ 10 học sinh tiểu học thì có một em mắc chứng lo lắng, sợ hãi vì áp lực học hành.

Vì sao người Hong Kong lại ám ảnh điểm số và thành tích đến vậy? Tất cả bắt nguồn sâu xa từ hệ thống giáo dục và nền kinh tế đầy tính cạnh tranh của trung tâm tài chính thương mại hàng đầu thế giới. Hệ thống giáo dục của xứ Hương Cảng được vận hành theo cuộc đua giữa các trường nhằm tạo thứ hạng cao hơn và danh tiếng tốt hơn.

Giáo viên chịu áp lực nặng nề khi họ cố gắng nuôi dưỡng một lớp học có nhiều huy chương và cố gắng không có bất kỳ thành viên yếu kém nào vì những học sinh này sẽ làm tụt lùi thành tích của lớp. Áp lực của giáo viên tạo gánh nặng lên kết quả kiểm tra của học sinh khiến các em lo lắng và sợ hãi thất bại. Những nhân tố này vô hình trung đã thúc đẩy văn hóa học thêm, dạy thêm ở Hong Kong bởi hầu hết phụ huynh đều cho rằng việc con mình có được nhận vào một trường học danh tiếng hay không phụ thuộc 70% kết quả học tập ở trường và 30% ở những trung tâm dạy thêm - nơi học sinh được rèn giũa, bổ trợ nhiều hơn kiến thức và các kỹ năng thi cử.

Một thành phố chỉ vẻn vẹn 1.000 cây số vuông với dân số lên tới gần 8 triệu người, nhiều năm liền được xếp hạng có chi phí sinh hoạt và nhà ở đắt đỏ nhất thế giới - điều này vô hình trung tạo nên những áp lực sống cho người Hong Kong, đặc biệt là tầng lớp lao động bình dân. Một người Hong Kong phải hi sinh 21 năm thu nhập mới có thể mua một căn hộ dưới 30m2 và giá nhà ngày một bị đẩy cao hơn bởi làn sóng đầu tư từ Trung Quốc đại lục khiến giấc mơ có nhà của người trẻ Hong Kong ngày càng trở nên xa vời.

Cứ 7 người dân thì có 1 người là triệu phú đô la (tỷ lệ triệu phú đô la cao nhất thế giới) nhưng có tới 1/3 dân số sống dưới mức nghèo khổ là khắc họa điển hình nhất cho sự phân cách giàu nghèo ở trung tâm tài chính này. Thêm vào đó, ý tưởng tối đa hóa lợi nhuận bắt nguồn từ một nền kinh tế thị trường có tính cạnh tranh gay gắt khiến con người quan tâm đến lợi ích vật chất hơn là việc kiến tạo một cuộc sống cân bằng, hạnh phúc. Cứ như vậy, cuộc đua “chiến thắng từ vạch xuất phát” ngày càng trở nên khốc liệt và không có dấu hiệu hạ nhiệt.

“Mẹ hổ” Hong Kong và những đứa trẻ đánh mất tuổi thơ

Năm 2011, Khúc chiến ca của hổ mẹ (Battle Hymn of Tiger mother) - cuốn hồi ký của Amy Chua, 49 tuổi, giảng viên trường Luật Yale (Mỹ) đã gây chấn động nước Mỹ về phương pháp dạy con hà khắc theo kiểu Trung Quốc. Theo đó, trẻ phải tuân theo những kỷ luật thép: không được xem tivi, chơi điện tử, tham gia các hoạt động vui chơi tại trường, tụ tập với bạn bè... để đứng đầu trong tất cả các môn học tại trường (trừ môn thể dục và kịch).

Ngược lại, nếu thất bại,  chúng sẽ phải gánh chịu những hình phạt nặng nề bao gồm cả đánh đòn, nhịn ăn, cấm túc... Cuối cùng, Amy Chua đã “đào tạo” cô con gái lớn trở thành một thần đồng piano, còn cô em gái thành một nghệ sĩ violin tài năng và cả hai đều trở thành sinh viên Đại học Havard danh tiếng.

Thuật ngữ “mẹ hổ” trở nên nổi tiếng toàn thế giới để chỉ những bậc cha mẹ dạy con bằng phương pháp “Yêu cho roi vọt, ghét cho ngọt bùi” và sẵn sàng dùng mọi phương cách, “thủ đoạn” để đảm bảo một tương lai thành công cho đứa trẻ bất chấp sở thích, ý muốn, niềm vui của chúng. Những bà mẹ hổ sẵn sàng tước đoạt niềm vui tuổi thơ của đứa trẻ miễn sao con mình trở thành “người chiến thắng ngay từ vạch xuất phát”.

Hiện tượng “mẹ hổ” là một đặc trưng văn hóa của xã hội Hong Kong mặc dù thành phố này đã bị “Tây hóa” từ khi là thuộc địa của đế quốc Anh. Năm 2017, mạng xã hội Hong Kong lan truyền một video ghi lại nụ cười hạnh phúc của một bà mẹ tên là Chan khi con trai 5 tuổi của cô thi đỗ vào trường tiểu học danh tiếng ở bán đảo Cửu Long (ngôi trường này có nhiều học sinh nói tiếng Anh đạt thứ hạng cao nhất Hong Kong).

Để được theo học ở đây, cô Chan đã lập một kế hoạch cho con từ khi bé lọt lòng. Theo đó, gia đình đã chi hàng nghìn đô la Hong Kong để cho bé theo học 11 môn ngoại khóa bao gồm đấu kiếm, Taekwondo, bơi lội, diễn thuyết, tiếng Anh, tiếng Trung, toán...

Vợ chồng Chan đã chuyển từ Yautong đến khu Cửu Long là nơi trường học đặt trụ sở để tăng cơ hội nhập học cho con trai (trường học ở Hong Kong ưu tiên nhận học sinh dựa trên hộ khẩu thường trú). Giá thuê căn hộ là 25 nghìn đô la Hong Kong/tháng (75 triệu VND). “Tất cả những nỗ lực của chúng tôi đều xứng đáng khi con trai được học tại ngôi trường danh tiếng nhất” - cô Chan không giấu nổi giọt nước mắt hạnh phúc bên gương mặt ngơ ngác, thẫn thờ của cậu bé 5 tuổi.

Tony Cheng - một người bạn học của tôi tại Trung tâm tiếng Anh Asia đã mỉa mai khi nói về vấn nạn học hành ở Hong Kong: “Nếu bạn hỏi một đứa trẻ Hong Kong là điều gì khiến chúng tự hào nhất? Câu trả lời sẽ là có thành tích top 3 ở lớp hoặc vô địch cuộc đua mathalon; Nếu bạn hỏi chúng làm gì vào thời gian rảnh? Hầu hết sẽ nói chúng không có thời gian để chơi vì đã quá bận rộn với các lớp học thêm toán, tiếng Anh, âm nhạc, hội họa, thể thao. Nếu bạn hỏi chúng có thích những giờ học này không? Sẽ là những cái lắc đầu, im lặng và tiếng thì thầm “Vì cha mẹ tôi muốn vậy”.

Tuổi thơ của Cheng là những chuỗi ngày dày đặc lịch học kéo dài từ sáng sớm cho đến nửa đêm. Trước kỳ thi tốt nghiệp cấp 3, mẹ của Cheng đã từ bỏ công việc tại một quỹ đầu tư danh tiếng để toàn tâm toàn ý tập trung chăm sóc và kèm cặp anh.

Ước mơ của mẹ Cheng là anh được nhận vào Khoa Y hoặc Khoa Luật của trường Đại học Hong Kong - là ngôi trường được xếp hạng top 20 trường đại học chất lượng nhất thế giới. Bác sĩ và luật sư cũng là hai ngành nghề “ám ảnh” nhất phụ huynh Hong Kong vì danh tiếng và tiền bạc do hai công việc này đưa lại. ”Kỳ thi đã không đạt mong muốn của bố mẹ, họ thất vọng và so sánh tôi với những đứa trẻ khác. Đó là điều khiến tôi sợ hãi nhất” - Cheng nhớ lại. 

Nhiều nghiên cứu tâm lý học và xã hội học đã cho thấy, phương pháp nuôi dạy của cha mẹ hổ của phương Đông có thể sẽ phá hủy khả năng đối mặt với những thách thức cuộc sống của con cái. Theo đó, một nghiên cứu trẻ em tiểu học trong vòng 5 năm đã tiết lộ cha mẹ hoàn hảo có thể khiến trẻ em tự chỉ trích bản thân quá mức và làm hao mòn sự tự tin cũng như niềm tin của con trẻ vào bản thân. “Khi cha mẹ can thiệp quá sâu vào đời sống của con cái, nó có thể là tín hiệu với đứa trẻ là nó làm chưa đủ tốt. Kết quả là đứa trẻ trở nên sợ hãi khi gây ra sai lầm dù là nhẹ nhất và chúng sẽ than trách, đổ lỗi cho bản thân không hoàn hảo.

Qua thời gian, chủ nghĩa cầu toàn nói trên sẽ gây bất lợi cho đứa trẻ vì nó có khả năng khiến đứa trẻ trở nên lo lắng, trầm cảm, thậm chí tự tử trong những trường hợp nghiêm trọng” - một nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu phân tích. Tuy nhiên, những cái tên huyền thoại sinh ra nhờ cha mẹ hổ vẫn là một thứ “ma túy” có sức hút ở Hong Kong khi liên tục xuất hiện trên quảng cáo hoặc phương tiện đại chúng.

Ví dụ câu chuyện về Lang Lang - một nghệ sĩ piano Trung Quốc nổi tiếng toàn cầu. Khi anh 5 tuổi, cha Lang Lang đã bỏ việc và đưa con trai đến Bắc Kinh để tham gia lớp học piano. Nhưng cậu bé sau đó bị giáo viên đuổi vì cho rằng thiếu tài năng âm nhạc. Cha anh rất tức giận và bảo anh tự sát bằng thuốc và nhảy ra khỏi tòa nhà, Lang kể lại trong cuốn tự truyện Journey of a Thousand Miles.

“Tuy nhiên, tôi không bao giờ cầu xin bố mẹ tháo gỡ áp lực. Tôi đã chấp nhận nó. Tôi thậm chí rất thích nó”. Giống như Lang, Huang Doudou, một trong những vũ công môn múa cổ điển thành công nhất ở Trung Quốc cũng có một người cha nghiêm khắc. Anh ấy đã thử biểu diễn cho Học viện Khiêu vũ Bắc Kinh theo nguyện vọng của cha mẹ anh ấy nhưng đã thất bại 2 lần vì ban giám khảo nghĩ rằng chân anh ấy quá ngắn. Cha anh ta sau đó treo anh lộn ngược mỗi ngày sau giờ học để kéo dài chân; móc cả hai chân lên cặp vòng sắt treo trên xà nhà. Anh cao 3 cm trong 3 tháng và cuối cùng được nhận vào trường múa Thượng Hải.

“Là đứa trẻ duy nhất trong gia đình, tôi nhận được tất cả tình yêu từ cha mẹ và cả những hy vọng và áp lực của họ” - anh nói. Đông Nguyệt - một MC nổi tiếng ở Trung Quốc bị cha mẹ cấm nhìn vào gương và mặc quần áo mới khi cô còn nhỏ để tập trung vào việc học hành thay vì làm đẹp. Cô bị buộc phải đọc những bài thơ Trung Quốc và chạy 1.000 mét mỗi sáng, Nguyệt kể lại trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình năm 2012. Cô nói rằng cô ghét cha mẹ mình nhưng sau đó nhận ra sự rèn luyện khó khăn của họ đã góp phần vào thành công của cô.

Trong xã hội còn nặng nề tư tưởng Khổng giáo và nhuốm màu thực dụng của Hong Kong, việc thành công bằng mọi giá không phải là một điều xa lạ. “Thành tích và bằng cấp là những tấm vé giúp bạn có được danh tiếng và tiền bạc trong xã hội này” - Karen, người hàng xóm của tôi chia sẻ. Chính vì vậy, hầu hết những đứa trẻ Hong Kong từ trong bụng mẹ đã được chăm sóc và nuôi dạy theo cách “chiến thắng từ vạch xuất phát”.

Trẻ em xứ “Cảng thơm” ngày càng stress, quá tải, không hạnh phúc khi tỷ lệ thiếu niên có vấn đề tâm thần tăng đều 5% mỗi năm. Năm 2014, một nghiên cứu của Đại học Trung Văn tiết lộ 1/5 phụ huynh Hong Kong nói chuyện với con 1 lần/tuần vì mỗi ngày họ dành 14 đến 16 tiếng cho công việc. Hầu hết học sinh tiểu học Hong Kong dành trên 1 giờ mỗi ngày cho bài tập về nhà.

Thậm chí, một nghiên cứu của Đại học Hong Kong trên một vài trường cho thấy thời gian chơi ngoài trời của học sinh lớp 1 còn ít hơn thời gian ngoài trời của tù nhân, với con số là 295 phút/tuần (trẻ em) và 300 phút/tuần (người tù). Chính điều này đã “mở mắt” cho tôi biết vì sao công viên lộng lẫy như các khu nghỉ dưỡng ở Hong Kong lại thường xuyên vắng bóng học sinh vào những khung giờ cuối tuần hay cuối ngày như vậy.

Trong khi đó, chỉ cần đứng trên đường phố hoặc cổng trường học trong một vài phút, bạn sẽ nhận được hàng chục tờ rơi, video, ảnh quảng cáo về các trung tâm gia sư hàng đầu - nơi có những nhân vật xuất chúng đã từng đạt điểm Ielts, Toefl, SAT cao ngất ngưởng. “Chiến thắng ngay từ vạch xuất phát” vẫn là giấc mơ không ngừng đeo bám và ám ảnh người Hong Kong.

Nhiều người nước ngoài sinh sống ở Hương Cảng nhiều năm không thể lý giải tại sao các bậc cha mẹ Hong Kong vẫn mang tư tưởng “Hy sinh đời bố, củng cố đời con” bằng cách dồn tất cả tiền tiết kiệm để mua cho con căn hộ hoặc lo cho chúng một đám cưới để đời.

Theo nghiên cứu mới được công bố trên báo chí Hong Kong, có tới 26% phụ huynh tuổi từ 49 đến 59 vẫn trợ cấp cho con trong độ tuổi lao động tiền sinh hoạt. 9% trả nợ mua nhà cho con có giá trị lên đến hàng triệu đô la. Nhiều người hy sinh tiền tiết kiệm để chi một đám cưới có giá trung bình là 360.577 đô la Hong Kong (1,2 tỷ VND).

Thu Phương (Viết từ Hong Kong)
.
.