Chiếc ô trong tay người khác

Thứ Hai, 02/03/2020, 11:14
Câu chuyện ấy không bắt đầu ở Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 năm 2020. Song, chưa bao giờ sự chia rẽ về các quan điểm an ninh - quốc phòng trong thế giới phương Tây lại được bộc lộ rõ ràng đến như vậy. Và hiển nhiên, khi chưa có bất cứ hướng giải quyết thỏa đáng nào được đề cập, những khoảng cách vẫn đang sẵn sàng tiếp tục được nới rộng thêm.

Hoàng hôn trên đỉnh đồi

Vẫn luôn là như vậy, kể từ sau Đệ nhị Thế chiến, mọi vấn đề quan trọng nhất của phương Tây nói riêng cũng như thế giới nói chung đều liên quan mật thiết (nếu không phải là xoay quanh) những chính sách của nước Mỹ. Và lần này cũng không phải ngoại lệ.

Kỳ Hội nghị An ninh Munich năm nay (đạt số lượng kỷ lục các nguyên thủ cùng các quan chức cấp cao của các quốc gia hay các tổ chức quốc tế quan trọng) gần như trở thành một trận khẩu chiến giữa những người bạn thân thiết cũ ở hai bờ Đại Tây Dương. Hoặc nói cách khác, nó gần như trở thành một phiên tòa mà ở đó, Washington phải chật vật chống đỡ với những lời kết tội được phát đi từ trục Paris - Berlin.

Với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, “phương Tây vẫn đang cùng nhau chiến thắng”.

Một cách rõ ràng nhất, như bộc phát những uẩn ức tích tụ kể từ ngày đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử (và bắt đầu chỉ trích các đồng minh châu Âu về chuyện đóng góp quá ít vào công cuộc phòng thủ chung, đồng thời kêu ca rằng nước Mỹ đã phải gánh vác quá nhiều và cuối cùng là đòi hỏi sự công bằng với những màu sắc ngôn từ phi ngoại giao), những ngọn cờ đầu của Liên minh châu Âu (EU) không buồn che giấu quan điểm đích thực của họ nữa.

Trong diễn văn khai mạc (nghĩa là quan điểm chủ đạo của nước Đức và rộng hơn là EU), Tổng thống nước chủ nhà Đức Frank Walter Steinmeier “nói trắng” ra rằng: Chính đồng minh thân cận nhất của châu Âu - nước Mỹ - là quốc gia đã và đang bác bỏ khái niệm “cộng đồng quốc tế” khi đặt lợi ích riêng của mình lên trên tất cả (với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”) đồng thời mặc kệ các quốc gia khác tự lo liệu mọi chuyện.

Cũng theo ông, chính sách “Nước Mỹ trên hết” được đặt cơ sở trên việc tăng chi phí đối với cả các nước láng giềng lẫn các đối tác. Cũng bởi vậy, chiến lược ấy làm gia tăng bất ổn và làm đảo lộn trật tự thế giới. Hệ quả của nó là việc thế giới ngày càng xa rời những mục tiêu chính về ổn định và hòa bình, thông qua hợp tác quốc tế. Những đường nét của chủ nghĩa biệt lập cổ điển đang được ông chủ Nhà Trắng hiện tại cố gắng cách tân và áp dụng, sẽ “chỉ dẫn đến một thời kỳ đen tối, hay những ngõ cụt”.

Bên cạnh đó, suy giảm các mối quan tâm của Washington đối với khu vực châu Âu - Đại Tây Dương thực tế đã bắt đầu rất lâu và sẽ còn tiếp diễn với các chính quyền Mỹ sau này, khi trọng tâm chiến lược của Mỹ chuyển về châu Á - Thái Bình Dương.    

Nghĩa là, thực tế, châu Âu không còn muốn chấp nhận hình ảnh truyền thống mà nước Mỹ vẫn tự mô tả mình: Một “thành phố trên đỉnh đồi”, rực rỡ và tráng lệ, để tất cả phải ngước nhìn. Thực tế, hoàng hôn đang buông xuống gấp gáp trên thành phố đó và trên cả những rạn nứt khổng lồ trong lòng thế giới phương Tây.

Nước xa và lửa gần

Tại Munich, nước Mỹ bị xem như đã bị dồn ép đến một ngã ba đường bởi những lời công kích của EU - những thử thách mà qua đó, mọi nhà quan sát sẽ cố gắng nắm bắt lựa chọn của họ: vẫn tiếp tục bất cần hay sẽ nhượng bộ những người bạn thân thiết cũ?

Kết cục, chẳng có câu trả lời nào rõ ràng. Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump không tham dự nên không ai biết chắc liệu nếu có mặt, ông có còn hành xử thực dụng (về các vấn đề hợp tác an ninh - quốc phòng) đến mức độ nào. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (European Council) Donald Tusk từng phải thốt lên đầy mỉa mai: “Đến cuối cùng, nếu có chuyện gì xảy ra, những người bạn mà chúng ta có thể tin cậy chính là hai bàn tay của chúng ta” như trong quá khứ hay không.

Với Tổng Thư ký NATO Stoltenberg, châu Âu vẫn đang được bảo vệ hiệu quả.

Song, thay mặt ông, những người khác vẫn giữ mọi việc dưới một lớp sương mờ. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ - Ngoại trưởng Mike Pompeo - xoa dịu châu Âu bằng việc phản bác “các suy nghĩ bi quan”, ca ngợi cả phương Tây “đã chiến thắng và sẽ tiếp tục cùng nhau chiến thắng”, đồng thời kêu gọi EU “hãy tin tưởng vào liên minh xuyên Đại Tây Dương cũng như tương lai tươi sáng của phương Tây”. Có điều, ông né tránh đề cập tới vai trò của EU hay Liên Hiệp Quốc trong những vấn đề toàn cầu - nghĩa là né tránh khuynh hướng đa phương hóa mà châu Âu hướng tới.

Trong khi đó, đối diện với việc một lần nữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nghiêm túc để cập đến ý tưởng thành lập một liên minh an ninh và quân sự của châu Âu và nhằm bảo vệ cho riêng châu Âu, các quan chức cấp cao của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà nước Mỹ là quốc gia lãnh đạo, dù không tỏ ý miệt thị sâu sắc như ông chủ Nhà Trắng từng làm, cũng vẫn vô cùng cứng rắn.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg - người từng phải nghe Tổng thống Pháp đánh giá rằng NATO “đang chết não trong tư duy địa chính trị” vào năm ngoái - bác bỏ đề nghị của Paris về “một cuộc đối thoại chiến lược” mà trong đó Pháp - thành viên duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân trong EU, sau khi nước Anh đã ra đi - muốn được tham gia nhiều hơn nữa vào các vai trò mang tính răn đe. Đối với Stoltenberg (nghĩa là đối với NATO),  châu Âu “đã được bảo vệ hiệu quả và lâu dài dưới chiếc ô vũ khí hạt nhân của Mỹ và Anh”. Không chỉ vậy, 28 nước thành viên NATO ở châu Âu đều đã và đang cài đặt các phương tiện răn đe - một thực tế diễn ra hàng thập niên qua, chứ không chỉ là các cam kết.

Sự lãnh đạm này, rõ ràng, là gáo nước lạnh dội thẳng vào tham vọng tăng cường vị thế của riêng nước Pháp và cả mệnh đề mà trục Pháp - Đức nhấn mạnh: Châu Âu phải tự nắm giữ vận mệnh, bởi đã đến lúc không còn có thể trông chờ vào chiếc ô che chở nào từ bên ngoài.

Nói cách khác, nếu EU gặp“hỏa hoạn”, NATO vẫn phản đối việc châu Âu tự xử lý bằng công cụ chữa cháy “của nhà”. Họ không tin, cũng như không nhà quan sát nào thực sự tin lời Tổng thống Pháp, rằng dự án “Quân đội riêng của châu Âu” sẽ không trở thành đối trọng với NATO.

Giữa trời mưa bão

Tuy nhiên, bất kể NATO và Mỹ phản ứng thế nào, việc giảm bớt sự phụ thuộc (về an ninh - quốc phòng địa chính trị) vẫn đã, đang và sẽ là một mục tiêu được ưu tiên ở bờ Đông của Đại Tây Dương.

Chỉ ra rằng các hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa (hạt nhân) ở châu Âu chủ yếu được điều phối bởi Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn khẳng định: “Chúng ta cần một châu Âu có chủ quyền. Và nếu muốn bảo vệ công dân của chúng ta, chúng ta phải nhìn vào khía cạnh đó!”. “Tiếp sức” cho chủ nhân Điện Elysee, Ngoại trưởng Đức Heoiko Maas tuyên bố: Đức và EU cần phải can dự mạnh mẽ hơn vào các điểm nóng quốc tế, kể cả tham gia các sứ mệnh quân sự, bởi đó chính là nhiệm vụ kiến tạo chính sách đối ngoại mới của EU trong thế kỷ XXI.

Nhưng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, châu Âu cần phải thể hiện được chủ quyền.

Thế giới phẳng đi từng ngày và một hệ thống đơn cực - như trật tự mà nước Mỹ muốn duy trì - càng lúc càng trở nên khó chấp nhận đối với các cường quốc hàng đầu. Thế giới ấy, với đầy rẫy những hiểm họa, xung đột, bệnh dịch, thiên tai... đang trở nên quá nhiều thách thức nhưng cũng là những cơ hội để bất cứ thế lực quốc tế nào nâng cao vị thế. Nước Pháp, nước Đức và cả EU đều chất chứa nhu cầu đó, bởi lòng tự tôn truyền thống cũng không cho phép họ giẫm chân tại chỗ. Sau sự ra đi của nước Anh, hơn lúc nào hết, EU phải tỏ ra mạnh mẽ nhất, để thay đổi và phát triển.

Vả chăng, trong cơn dông bão, có ai lại muốn cứ phải đi nhờ dưới vành ô che chở của kẻ coi rẻ mình hoặc là kẻ đã dứt áo? 

Chưa có gì kết thúc ở Munich. Tất cả đều mới chỉ là khởi đầu...

Đông Phong
.
.