Châu Âu và cú sốc Brexit
- Lựa chọn của châu Âu nếu Brexit không thỏa thuận
- Lựa chọn nào cho châu Âu sau Brexit không thỏa thuận?
Những biến động sâu sắc
Việc Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, là một trong những sự kiện gây chấn động thế giới trong năm 2016. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6-2016 cho thấy có 52% cử tri Anh ủng hộ rời EU so với 48% muốn ở lại, đã tạo nên một trong những bất ngờ lớn nhất trên chính trường nước Anh kể từ sau Đại chiến thế giới 2.
Trước đó, ngay cả những lãnh đạo phe ủng hộ Brexit cũng không ngờ tới chiến thắng của mình. Nó đã tạo ra cú sốc lớn với chính phủ do đảng Bảo thủ lãnh đạo ở nước Anh, khiến cho thủ tướng David Cameron phải từ chức. Hai vị thủ tướng tiếp theo là Theresa May và Boris Johnson thì “vật vã” tìm lối thoát cho nước Anh bằng cách cố gắng đạt được một “thỏa thuận tốt” nhằm giảm thiểu thiệt hại của của sai lầm này.
Những cuộc đàm phán để tìm kiếm thỏa thuận Brexit đã được tiến hành suốt từ năm 2017, với điểm mốc quan trọng là ngày 31-12 năm nay, khi khép lại giai đoạn chuyển tiếp để cả Anh lẫn EU chính thức bước đi trên con đường riêng của mình.
Theo đúng lộ trình, ngày 15-12 vừa qua, những cuộc đàm phán sẽ phải kết thúc để kịp thời ký kết thỏa thuận cho một cuộc chuyển giao sau đó 2 tuần. Nhưng, những vướng mắc về vấn đề thương mại đã ngăn cản thỏa thuận được ký kết đúng hạn. Cho đến thời điểm này, cả hai bên vẫn tích cực trên bàn đàm phán nhưng khả năng đạt được thỏa thuận trước ngày 31-12 là vô cùng nhỏ, khi những bất đồng còn rất rõ ràng.
Trong suốt 3 năm đàm phán vừa qua, người ta nhắc nhiều đến sự cấp thiết của một thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU thời hậu Brexit. Bởi, khoản thuế ước tính lên tới 80 tỷ euro áp vào những dòng hàng hóa sẽ là một đòn nặng giáng vào cả hai nền kinh tế. Thế nhưng, câu chuyện về Brexit không chỉ đơn giản như vậy, bởi đằng sau những con số nhiều tỷ Euro đó còn là những vấn đề có tác động sâu rộng gây ảnh hưởng lâu dài. Đó cũng chính là lực đẩy châu Âu vào một thời kỳ khác.
Brexit đang cắt đứt mối liên hệ giữa Anh và EU. |
"Nước Anh toàn cầu" ?
Như đã nói, việc người dân Anh lựa chọn rời khỏi EU là một cú sốc với chính phủ Bảo thủ vào năm 2016. Ở thời điểm đó, Thủ tướng David Cameron ban đầu muốn dùng cuộc trưng cầu dân ý để đánh gục phe đối lập đang kêu gọi rời bỏ EU, thì lại bất ngờ nhận phải một kết cục cay đắng. Hệ quả là ông David Cameron phải rời bỏ chính trường, dù trước đó chính phủ của ông được đánh giá cao nhờ những thành tựu trong điều hành kinh tế.
Với cơ sở là sự thịnh vượng ở thời điểm 2016 trong khi EU chìm trong khủng hoảng, nước Anh tưởng như sẽ được hưởng lợi nhờ Brexit bằng cách ”thoát khỏi vũng bùn”. Nhưng, thực tế sau 4 năm, mọi chuyện đang trở nên rắc rối hơn rất nhiều. Ngay trong lĩnh vực kinh tế, sau những hào hứng ban đầu, nước Anh đã nhận ra những thiệt hại mà mình phải hứng chịu.
Trong số 80 tỷ euro tiền thuế mà hai bên phải chịu, có tới 50 tỷ là đánh vào các doanh nghiệp Anh. Kèm theo đó, việc rút khỏi EU sẽ đóng cửa tự do đi lại, giảm khả năng tiếp cận thị trường, đồng thời chặn nguồn hàng hóa và lao động vốn đang là sự bổ sung quan trọng cho nước Anh.
Bản thân nền kinh tế Anh cũng đã yếu đi so với thời điểm năm 2016 khi những báo cáo kinh tế từ năm 2019 cho thấy đà suy giảm. Cú sốc COVID năm nay càng đẩy nền kinh tế đảo quốc này vào nguy cơ khủng hoảng mới. Vì thế, dù nói cứng về một Brexit không thỏa thuận nhưng lúc này nước Anh mới là những người sốt sắng nhất trong cuộc đàm phán tìm kiếm một thỏa thuận thương mại mới với EU để bảo vệ nền kinh tế của mình.
Nhưng, Brexit không chỉ tác động xấu đến nền kinh tế Anh, nó còn dẫn đến những hệ lụy mà ở thời điểm năm 2016 người ta chưa nhìn thấy. Với thể chế là một liên hiệp của 4 vùng lãnh thổ khác nhau, Vương quốc Anh cũng có những vấn đề của riêng mình. Những tranh cãi về việc rời khỏi EU đang thúc đẩy nguy cơ về việc Scotland muốn rời khỏi Anh còn Bắc Ailen thì chưa bao giờ cảm thấy hài lòng vì những đề xuất mới cho mình. Ngay tại nước Anh, phong trào đòi trở về EU cũng có tiếng nói đáng kể. Vậy là cùng với việc muốn độc lập khỏi EU, nước Anh đồng thời bị chia rẽ từ nội bộ.
Trong suốt thời gian dài, thỏa thuận thương mại chiếm vị trí trọng tâm trong đàm phán nhưng đó là nhờ những vấn đề đối ngoại, an ninh chính trị đã được giữ ổn định trong giai đoạn chuyển tiếp. Tuy nhiên, sau ngày 31-12 tới đây, khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc, việc nước Anh sẽ tồn tại độc lập với EU như thế nào lại là một câu hỏi hóc búa.
London đã từ chối việc tiếp tục tham gia các hoạt động quân sự đối ngoại của EU và đang thúc đẩy một chiến lược “Nước Anh toàn cầu” độc lập của mình. Trong suốt thời gian qua, nước Anh đã rút ra dần ra khỏi các hoạt động chung của EU để chuẩn bị cho bước đi mới. Nhưng, thực tế là họ chưa có bước đi nào như thế, bởi nguồn lực của họ thời điểm hiện tại không đủ lớn. Trong khi đó, đồng minh lớn nhất của họ là nước Mỹ đang có dấu hiệu muốn quay trở lại những liên minh trước đây dưới thời tổng thống đắc cử Biden sắp tới. Có vẻ như nước Anh lại càng trở nên đơn độc.
Trước đây, tại EU, nước Anh đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa Mỹ và châu Âu nhưng khi rời khỏi EU và theo đuổi con đường đối ngoại riêng thì từ chỗ giữ vai trò trung tâm, Anh rơi vào trạng thái mơ hồ để xác lập địa vị của mình.
Brexit tạo động lực để thúc đẩy EU đoàn kết hơn. |
EU dựng nhà chung
Ở thời điểm năm 2016, EU đang chìm trong hàng núi vấn đề: khủng hoảng nợ công, căng thẳng ở biên giới phía Đông với nước Nga, trong khi ở phía Nam, làn sóng di cư từ Trung Đông tạo ra sức ép lớn. Chính vì thế, việc Anh - nền kinh tế lớn thứ hai của khu vực - rút lui đã tạo ra cú sốc lớn. Ở thời điểm đó, người ta thậm chí đã nói tới nguy cơ về sự tan vỡ của liên minh lớn nhất và thành công nhất thế giới này.
Thế nhưng, “trong cái rủi lại có cái may”, Brexit đã giúp những quốc gia chủ chốt khác trong EU gia tăng tiếng nói, bắt đầu từ việc cân đối lại 11% khoản đóng góp cho ngân sách EU bị mất đi từ Anh bằng sự gia tăng phần đóng góp của Đức, Pháp và những quốc gia Bắc Âu giàu có khác. Khó khăn trong ngân sách thôi thúc chính sách kinh tế tiết kiệm trước đó được Đức đề xuất đã góp phần giải cứu EU khỏi cuộc khủng hoảng nợ công. Mới nhất, việc EU thông qua được gói cứu trợ chung khổng lồ lên tới 750 tỷ euro đem đến hy vọng về việc phục hồi nền kinh tế khu vực. Trong khó khăn, EU đang tìm thấy sức mạnh từ sự đoàn kết nội khối.
Về mặt chính trị, sự rút lui của nước Anh thúc đẩy sự lãnh đạo của hai cường quốc còn lại là Pháp và Đức. Ý tưởng về một EU độc lập, đoàn kết hơn đã được triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua. Việc EU có thể tự giải quyết vấn đề Ukraine với Nga hay đạt những thỏa thuận về ngăn chặn làn sóng di cư với Thổ Nhĩ Kỳ là những thắng lợi quan trọng cho thấy khả năng dẫn dắt của hai quốc gia này.
Cũng kể từ thời điểm Brexit, EU đã thúc đẩy một chiến lược toàn cầu mới tạo cơ sở cho những tham vọng lớn hơn, bao gồm cả việc thúc đẩy quyền tự chủ chiến lược và tiến tới thành lập một liên minh quốc phòng của riêng mình. Dĩ nhiên, việc nước Anh ra đi đã làm cho sức mạnh chung của EU bị suy yếu nhưng việc nước Anh từ bỏ ảnh hưởng đã tăng cường vai trò của các quốc gia khác như Hà Lan, Đan Mạch để nâng cao vai trò của châu Âu trên trường quốc tế, đồng thời xây dựng mái nhà chung châu Âu cân bằng hơn.