Châu Âu trong cơn sóng dữ

Thứ Sáu, 01/05/2020, 11:46
Đại dịch COVID-19 đang tràn khắp cựu lục địa. Nhưng, chưa hết, trong lúc vừa phải căng mình đối phó với dịch bệnh và suy thoái kinh tế, Liên minh châu Âu (EU) còn phải đối mặt với những rắc rối gây chia rẽ và rạn nứt trong nội khối của mình.

Một thách thức lịch sử

Ngày 14-3-2020, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus chính thức đưa ra thông báo: “Châu Âu đã trở thành tâm dịch mới của đại dịch COVID trên toàn cầu”. Đó thực sự là đòn giáng mạnh vào niềm tự hào của châu Âu, nơi vẫn được coi là văn minh, hiện đại với hệ thống y tế hàng đầu thế giới.

Dịch COVID-19, từ chỗ xuất hiện riêng lẻ nhưng không được kiểm soát, đã bùng phát và biến thành một thảm họa đích thực. Ý, Tây Ban Nha rồi đến Pháp, Anh và cả Đức đều đã trở thành những ổ dịch lớn. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy một tháng. Có lẽ ngay cả những nhà quản lý châu Âu cũng không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Khi mà cả nền kinh tế EU ngừng hoạt động, chỉ có một ngành duy nhất phát đạt: Ngành dịch vụ tang lễ.

EU đứng trước thử thách lớn khi muốn tìm tiếng nói chung trong bối cảnh khủng hoảng.

Những con số rất rõ ràng: Nước Pháp chỉ có thể điều trị tích cực cho 5.000 bệnh nhân nhưng phải đón hơn 6.000 người bệnh cùng lúc. Tây Ban Nha và Ý chỉ có hơn 10 giường bệnh trên 100.000 dân nên nhanh chóng quá tải. Chỉ trong vòng 20 ngày, Ý, Pháp và Tây Ban Nha có số người chết vượt cả Trung Quốc suốt 3 tháng trước đó. Đức, quốc gia có hệ thống chăm sóc y tế hoàn thiện nhất khu vực với 29 giường bệnh trên mỗi 100.000 dân cũng ngấp nghé bờ vực.

Áp lực lớn đè nặng lên hệ thống y tế đã làm bộc lộ những điểm yếu. Tỷ lệ nhân viên y tế bị nhiễm bệnh ở Tây Ban Nha là 14%, con số cao nhất thế giới. Nó cho thấy các trang bị bảo hộ cơ bản cho đội ngũ y tế cũng đã trở thành một vấn đề nan giải, chứ chưa nói đến những đòi hỏi cao hơn.

Với hàng trăm nghìn ca nhiễm, hàng chục nghìn ca tử vong đã có (và con số vẫn tăng lên mỗi ngày), EU thực sự đối diện thách thức lớn nhất trong lịch sử của mình. Là một khu vực mở, EU càng dễ bị ảnh hưởng hơn dưới tác động của COVID so với bất kỳ một quốc gia đơn lẻ nào khác. Vì là một khu vực nhiều gắn kết, liên minh này cũng cần sự phối hợp đoàn kết cao hơn so với bất cứ quốc gia nào khác để đối phó với dịch bệnh. Buồn thay, điều đó luôn không dễ tìm thấy trong các cuộc khủng hoảng.

Khi phải đối diện với sinh tử, những vấn đề mới bộc lộ rõ ràng khiến người ta phải đặt ra câu hỏi...

Tại sao châu Âu “thất thủ”?

Sự chủ quan là lý do đầu tiên. Khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Trung Quốc từ cuối tháng 12 năm ngoái, không mấy nhà lãnh đạo EU nghĩ nó sẽ tác động đến mình. Với họ, con virus mới này cũng chỉ như một loại virus cúm mùa nên sẽ dễ dàng đối phó với nó như những loại cúm bình thường khác. Những chuyến bay từ châu Âu đi và về Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường.

Đến khi ổ dịch Lombardy bùng phát ở Ý vào cuối tháng 2, tất cả đã quá muộn. Ít nhất, 4 tuần trước đó đã bị châu Âu bỏ phí mà đáng lẽ có thể tận dụng để ngăn chặn đại dịch từ sớm. Nên nhớ, vùng Lombardy cũng là nơi có hàng chục ngàn người Trung Quốc sinh sống làm việc. Có tình cờ không khi dịch bùng phát trùng với thời điểm những người lao động Trung Quốc này trở lại sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán?

Không gian mở của EU đã làm bùng phát đại dịch COVID-19.

Sự bùng nổ diện rộng ở châu Âu cũng đến từ chính không gian đi lại cởi mở của liên minh này. Hiệp ước Schengen cho phép công dân tại 27 quốc gia đi lại tự do mà không có bất cứ một sự kiểm soát nào, và bởi vậy, virus SARS-CoV-2 có thể đến khắp mọi ngõ ngách của EU. Cho đến giữa tháng 3, khi hàng nghìn người đã chết và dịch bệnh đã ngoài tầm kiểm soát thì các biện pháp đóng cửa biên giới mới được thực hiện.

Một điểm quan trọng nữa: khả năng tự phòng vệ rất yếu của mỗi người dân. Chiếc khẩu trang vốn xuất hiện bình thường trên đường phố châu Á lại bị coi là thiếu lịch sự, không phù hợp với văn hóa và không được “hoan nghênh” ở châu Âu, ngay cả khi dịch bắt đầu lây lan trong cộng đồng. Chỉ đến khi mọi thứ vượt quá tầm kiểm soát, một số quốc gia mới đưa ra khuyến cáo về việc nên đeo khẩu trang nơi công cộng.

Cộng hưởng với nó là việc những hoạt động tụ họp đông người, các lễ hội, hoạt động thể thao hay sinh hoạt tôn giáo vẫn diễn ra bình thường cho đến tận giữa tháng 3. Tất cả đã đẩy hệ thống y tế của các nước EU vào tình huống bị đánh vỗ mặt, không kịp phản ứng lại trước sức lây lan kinh khủng của virus.

Và khi đại dịch đã bùng phát, một vấn đề lớn nữa của EU lộ diện: sự yếu kém trong khả năng phối hợp để cùng giải quyết thách thức.

Khi EU chia rẽ

Đan Mạch và Thụy Điển là hai quốc gia cách nhau chỉ 16km ở hai bên bờ eo biển Oresund nhưng cách thức đối diện với đại dịch của hai nước EU này hoàn toàn khác biệt. Trong khi Đan Mạch đã đưa ra lệnh cấm đi lại như hầu hết các quốc gia châu Âu khác thì phía bên kia, tại Thụy Điển, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường.

Có thể thấy, EU đã không tìm được tiếng nói chung trong cuộc chiến chống virus lần này ngay từ quan điểm chống dịch, chứ chưa nói đến sự phối hợp trong những vấn đề cụ thể hơn.

Trong khi Thụy Điển hay Áo chọn cách tiếp cận giảm nhẹ với một số hạn chế nhỏ thì Đức, Pháp hay Ý đã thực hiện cách ly phong tỏa toàn quốc để dập dịch. Hà Lan, quốc gia cửa ngõ của liên minh với cảng Rotterdam lớn nhất châu Âu thì công khai áp dụng miễn dịch cộng đồng. Nước Anh ban đầu cũng chọn cách tiếp cận này nhưng sau đó đã phải từ bỏ khi số ca lây nhiễm và tử vong vượt quá tầm kiểm soát.

Áo là nước đã đơn phương đóng cửa biên giới với Ý ngay từ cuối tháng 2 khi dịch bắt đầu bùng phát ở vùng Lombardy, trước cả khi một quyết định của EU được đưa ra gần 3 tuần. Sự khác biệt về truyền thống, văn hóa hay cách điều hành của các chính phủ đã được đưa ra để giải thích cho những phương thức tiếp cận với đại dịch khác nhau ấy.

Khi mà lợi ích quốc gia không phải lúc nào cũng đồng nhất với lợi ích của cả khối, việc tìm kiếm một giải pháp chung luôn là điều khó khăn. Trong khi đó, y tế lại là lĩnh vực được EU phó mặc cho từng quốc gia thành viên tự giải quyết. Điều đó khiến cho những kêu gọi về phối hợp hành động chỉ diễn ra trong các buổi họp báo.

Thực tế cho đến lúc này, điều duy nhất thống nhất được giữa các thành viên liên minh lại là về tiền bạc. Gói hỗ trợ gần 1.000 tỷ Euro đã được thông qua sau cuộc họp kéo dài 3 ngày liên tiếp giữa các bộ trưởng tài chính trong khối, cho dù vẫn còn rất nhiều tranh cãi. Cũng chưa rõ, mỗi nước sẽ đóng góp bao nhiêu trong gói hỗ trợ này hay việc phát hành “trái phiếu Corona” có được chấp nhận hay không. Bản thân việc tạm dỡ bỏ trần nợ công trong năm tài khóa 2020 của các thành viên cũng gây ra rất nhiều lo ngại.

Hố sâu ngăn cách vẫn hiện rõ giữa các quốc gia. Trong khi Pháp muốn hành động nhanh chóng và mạnh mẽ thì Đức lại cảnh báo những quyết định như vậy có thể gây tổn hại đến thể chế của EU. Những bất đồng kiểu ấy đang khiến sự phối hợp (nếu có) giữa các thành viên gặp nguy cơ sẽ chỉ mang tính tạm thời.

EU đang đứng giữa một cuộc khủng hoảng chưa từng có, nó đòi hỏi những biện pháp ứng phó chưa có tiền lệ. Nhưng, những cơ chế sẵn có dường như là không đủ để EU đưa ra được những biện pháp mạnh mẽ như họ mong muốn. Chưa biết đến bao giờ đại dịch mới kết thúc nhưng cho đến lúc này có thể thấy cơ cấu hiện tại của EU đã không giúp họ ứng phó tốt trong khủng hoảng.

Tiếp sau đây sẽ là những vấn đề về kinh tế xã hội, liệu những khác biệt giữa các quốc gia có lại một lần nữa đào thêm hố sâu ngăn cách trong liên minh hay không? Đó sẽ là một câu hỏi mà rất khó có thể đưa ra câu trả lời khả quan trong bối cảnh hiện tại.

Tử Uyên
.
.