Châu Âu trên một lằn ranh mới
Từ những phát biểu cá nhân
Bắt đầu từ một vụ việc hôm 17-10 vừa qua, khi cảnh sát phát hiện xác một người đàn ông bị chặt đầu trên con phố Conflans Sainte-Honorine ở Tây Bắc Paris. Vụ việc nhanh chóng được điều tra và xác định được nạn nhân cũng như hung thủ. Nạn nhân là một thầy giáo dạy sử tại trường trung học địa phương, còn hung thủ là một thanh niên 18 tuổi đã bị bắn hạ ngay sau đó. Hành vi của hung thủ được xác định bắt nguồn từ việc thầy giáo bị sát hại đã cho học sinh xem tranh vẽ về nhà tiên tri Mohammed của Hồi giáo tại lớp học, như một phần của cuộc thảo luận về quyền tự do ngôn luận trước đó khoảng 10 ngày.
Vụ việc này cũng diễn ra chỉ hơn 2 tuần sau khi một thanh niên cầm dao tấn công nhiều người trước trụ sở cũ của tờ báo Charlie Hebdo - vốn được biết tới sau vụ tấn công năm 2015, khi xuất bản các bức tranh biếm họa về nhà tiên tri của đạo Hồi. Sau đó, trong buổi lễ dành cho người thầy giáo xấu số, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi đây là một "cuộc tấn công khủng bố Hồi giáo", nói rằng người đàn ông bị giết vì "dạy quyền tự do ngôn luận" và lên tiếng bảo vệ quyền được vẽ tranh biếm họa của người Pháp.
Ai cũng biết, đối với người Hồi giáo thì nhà tiên tri Mohammed được coi là "sứ giả của Thượng đế". Trong đức tin của người theo đạo Hồi, việc thể hiện hình vẽ, tranh ảnh liên quan đến nhà tiên tri này là điều tối kỵ, bị coi là báng bổ. Chính vì vậy những phát ngôn của ông Macron đã khiến không ít người Hồi giáo cảm thấy không hài lòng.
Hai nhà lãnh đạo vốn không ưa gì nhau. |
Tuy nhiên, phản ứng sau đó đến từ vị lãnh đạo cao nhất của quốc gia Hồi giáo lớn nhất châu Âu là Thổ Nhĩ Kỳ mới khiến tất cả bất ngờ. Tổng thống Tayyip Erdogan trong những phát biểu công khai đã gọi vị đồng cấp người Pháp là "có vấn đề" và "cần đi kiểm tra sức khỏe tâm thần". Ông Erdogan liên tiếp cáo buộc ông Macron đang "chỉ huy một chiến dịch kích động hận thù" nhắm vào người Hồi giáo đồng thời kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ "không chú ý đến, không mua hàng của Pháp".
Những phát ngôn với ngôn từ gây sốc như vậy bỗng nhiên đẩy ông Erdogan lên vị thế của người bảo vệ đạo Hồi và cũng nhận được không ít sự ủng hộ từ cộng đồng này.
Dĩ nhiên những phát biểu có phần thiếu kiềm chế của ông Erdogan cũng nhận lại những lời chỉ trích từ phía Pháp và các quốc gia châu Âu. Nhưng nó cũng phơi bày một sự thật khác ẩn giấu phía sau mối quan hệ đồng minh đang rạn vỡ ngay giữa châu lục này.
Đến những rạn vỡ chiến lược
Sẽ có rất nhiều điều để nói về mối quan hệ giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian gần đây. Bản thân Tổng thống Pháp trước đây cũng từng chỉ trích ông Erdogan vì những hành động bị cho là vi phạm dân chủ, nhân quyền trong thanh trừng nội bộ sau cuộc đảo chính ở nước này năm 2016. Nước Pháp cũng là quốc gia ngăn cản việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU mạnh mẽ nhất trong suốt nhiều năm qua.
Gần đây, mới trong tháng 7 vừa qua, một cuộc đụng độ giữa tàu chiến Pháp với đội tàu Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc vận chuyển vũ khí tới Libya, nơi mà Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp ủng hộ cho hai phe khác nhau cũng đã đem đến rất nhiều tranh cãi. Điều này khiến cho chúng ta thấy mối bất hòa giữa hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia đóng góp vào loại lớn nhất trong NATO không phải ngẫu nhiên mà bùng phát.
Kể từ sau cuộc đảo chính năm 2016 do nhóm tướng lĩnh thân phương Tây tiến hành, ông Erdogan đã có nhiều thay đổi trong cách nhìn nhận của mình. Những quyết định rời xa các đồng minh châu Âu ngày càng rõ ràng trong chiến lược ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ đã chủ động xích lại gần Nga và Trung Quốc trong nhiều vấn đề quốc tế. Quyết định mua vũ khí Nga để nâng cấp khả năng phòng thủ của mình là đòn giáng mạnh vào tính liên kết của NATO.
Trong khi đó, châu Âu lại càng ngày càng phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều vấn đề. Thổ Nhĩ Kỳ vừa là tấm lá chắn của châu Âu ở khu vực Đông Địa Trung Hải, vừa ngăn chặn nguy cơ người tị nạn lẫn các lực lượng Hồi giáo cực đoan xâm nhập đến từ Trung Đông. Sự rút lui của Mỹ tại cựu lục địa càng khiến vai trò của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trở nên quan trọng trong việc bảo đảm an ninh. Thế nhưng, càng ngày, chính quyền của ông Erdogan lại càng xa cách châu Âu, thậm chí xung đột lợi ích ở những khu vực mà họ đóng vai trò quan trọng.
Vấn đề là, phản ứng thái quá của cả hai bên đang làm lộ ra những vết nứt mới khó hàn gắn hơn khi nó còn liên quan đến vấn đề tôn giáo.
Cuộc đối đầu nguy hiểm
Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một phần của châu Âu nhưng đó không bao giờ là một quốc gia châu Âu đúng nghĩa. Với khoảng 80 triệu tín đồ, đây là một trong những quốc gia Hồi giáo lớn nhất hành tinh với những khác biệt về văn hóa và đức tin rất lớn. Bất chấp nền chính trị thế tục, giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia phương Tây vẫn còn khoảng cách lớn về tư tưởng.
Như lần này, khi ông Erdogan lên tiếng chỉ trích Tổng thống Macron thì những tiếng nói tương tự cũng phát đi từ nhiều nước Hồi giáo khác như Pakistan, Syria, Libya, Maroc, Qatar, Jordanie, Senegal, Bangladesh,... Còn những tiếng nói phản đối lại đến từ các nước châu Âu, như Ý, Hà Lan, Đức, Áo. Một cuộc chia phe khá rõ ràng.
Cộng đồng Hồi giáo thế giới đang dồn sức ép về phía nước Pháp của ông Macron. |
Vấn đề hòa nhập của người Hồi giáo vào xã hội phương Tây vẫn luôn gặp khó khăn do những đặc thù văn hóa của cộng đồng này. Ngày càng đông đảo và giữ vai trò quan trọng tại châu Âu nhưng việc tìm kiếm sự cân bằng giữa tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và an ninh quốc gia trong chính sách với người Hồi giáo luôn khiến các quốc gia phương Tây đau đầu.
Những lo ngại về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan luôn khiến cộng đồng này bị dè chừng. Đáng ngại hơn, những bất đồng âm ỉ giữa cộng đồng người Hồi giáo và các chính quyền một số quốc gia châu Âu đó đang có xu hướng bị chính trị hóa thành cuộc đối đầu giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo. Một cuộc đối đầu ý thức hệ hết sức nguy hiểm.
Sẵn có một cộng đồng Hồi giáo lớn nhất trong các nước phương Tây nên nước Pháp rất hiểu những khó khăn của vấn đề này. Có thể ông Macron đã quyết tâm đương đầu với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan cũng như cải tổ đạo Hồi ở châu Âu nhưng việc ông lên tiếng nhắm thẳng tới những biểu tượng của đạo Hồi như vậy vẫn là hết sức nguy hiểm. Chính vì thế, dù có lên tiếng bảo vệ ông Macron, các quốc gia châu Âu cũng vẫn hết sức dè chừng để tránh làm phật lòng cộng đồng này.
Khác với những bất đồng liên quan đến lợi ích có thể thỏa thuận được thì những bất đồng về tư tưởng hay niềm tin sẽ rất khó được giải quyết thỏa đáng. Chỉ mới đây thôi, vụ việc xảy ra ngày 29 tháng 10 ở Nice, một thanh niên Hồi giáo cực đoan người Tunisia đã cầm dao vào Nhà thờ Đức Bà và giết chết 3 người. Và hôm 2 tháng 11, có 4 người đã bị đâm chết gần một giáo đường Do Thái và một nhà hát ở trung tâm thủ đô Vienna của nước Áo bởi một "chiến binh" của IS.
Cũng chính IS đã tuyên bố đặt ông Macron vào tầm ngắm sau những phát biểu tháng trước. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, liên tiếp 4 vụ tấn công đẫm máu đã xảy ra ở châu Âu có liên quan đến người Hồi giáo. Bất ổn đã bùng phát ngay giữa lòng trung tâm văn minh của nhân loại.