Châu Âu giữa vòng xoáy Mỹ - Trung

Thứ Ba, 30/06/2020, 11:22
Trong một thế giới đang thay đổi chóng mặt, EU cần tìm vị trí mới cho mình khi thế đối đầu Mỹ - Trung đang ngày càng rõ rệt.

Thận trọng hơn với Trung Quốc

Diễn biến đáng chú ý trong thời gian gần đây là Đức, nước chủ tịch đương nhiệm của EU trong nhiệm kỳ 6 tháng cuối năm 2020 đã quyết định hoãn tổ chức cuộc gặp cấp cao với Trung Quốc vốn dự kiến diễn ra vào tháng 9 năm nay. Đây là một động thái bất ngờ bởi cuộc gặp này theo kế hoạch sẽ diễn ra ở cấp cao nhất, tức là lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự.

Việc chủ động "hoãn" được các nhà ngoại giao đánh giá là người Đức không muốn gặp ông Tập vào lúc này. Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy EU đang không hài lòng với những việc làm của Trung Quốc thời gian qua.

Mối quan hệ EU - Trung Quốc bỗng trở nên đột ngột căng thẳng thời gian gần đây đặc biệt là sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua nghị quyết về xây dựng luật an ninh Hong Kong hôm 28-5 vừa qua. Cho dù đang giữ mối quan hệ làm ăn thân thiết với Trung Quốc nhưng luật an ninh Hong Kong như một "cái tát" đánh thẳng vào những giá trị mà EU luôn đề cao là tự do cá nhân và quyền con người. Dự luật này lại được đưa ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã để lại rất nhiều "điều tiếng" trong cách hành xử của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Pháp và Đức đang tập trung xây dựng lại vị thế của EU trong bối cảnh mới.

Thực tế, mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc lâu nay được đánh giá là khá "hỗn loạn". Trong khi một số nước dè dặt với Trung Quốc vì những khác biệt về tư tưởng chính trị và mô hình quản lý thì nhiều quốc gia trong EU lại coi Trung Quốc như là sự cứu cánh về mặt kinh tế. Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc với thị trường nội địa khổng lồ đang tạo ra động lực lớn cho EU trong đầu tư lẫn thương mại.

Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, Trung Quốc đã đứng ra mua lại nhiều khoản nợ ở các nước châu Âu đi kèm với những phi vụ mua bán, sáp nhập. Ước tính, các công ty có chủ sở hữu đóng tại Trung Quốc, Hong Kong hoặc Ma Cao đang sở hữu 11% các doanh nghiệp của EU, tăng từ mức 2,5% so với hồi năm 2007. Để so sánh, thì tỷ lệ kiểm soát này của các chủ sở hữu đến từ Mỹ và Canada là 26%, giảm mạnh so với mức 42% hồi năm 2007. Trong khi Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của EU với những mặt hàng vô cùng quan trọng như ô tô, máy bay, nông nghiệp và hàng xa xỉ.

Mối quan hệ làm ăn giữa EU và Trung Quốc đã phát triển chóng mặt trong hơn 2 năm qua khi những tranh chấp thương mại do Tổng thống Donald Trump khởi xướng đang thúc đẩy hai nền kinh tế này tiến gần nhau hơn. Tuy nhiên, như đã nói, bất chấp những lợi ích kinh tế to lớn, EU cũng không thể từ bỏ những giá trị căn bản của mình, động thái mới nhất của tân Chủ tịch EU cũng đến từ quan điểm thận trọng hơn khi nhìn về phía đối tác ở phía Đông này.

EU giữa ngã ba đường

Là một trong những khu vực chịu thiệt hại nặng nhất do đại dịch, EU dĩ nhiên đang muốn nhanh chóng khôi phục lại kinh tế. Tuy nhiên, khối này sẽ khó giải quyết được vấn đề nếu thiếu Trung Quốc. Nhưng nếu quá chú trọng lợi ích kinh tế thì EU sẽ đối mặt với nguy cơ đánh mất các giá trị căn bản mà khối này theo đuổi. Lâu nay EU đã gạt sang một bên các khác biệt để giữ ổn định quan hệ thương mại nhưng cách hành xử của Trung Quốc trong thời gian qua đòi hỏi EU phải lên tiếng bởi đó là uy tín và hình ảnh của khối này trong mắt cộng đồng quốc tế. Ngay tại châu Âu, dư luận cũng ngày càng chú ý nhiều hơn những nguy cơ đến từ một Trung Quốc đang trỗi dậy.

EU cũng phải chịu áp lực chính trị từ đồng minh quen thuộc là Mỹ. Nếu khối này để cho Washington đơn phương đối đầu với Bắc Kinh thì quan hệ của hai bên sẽ bị ảnh hưởng. Nói gì thì nói, EU vẫn đang sống dưới "cái ô an ninh" của Mỹ. Hành động rút 10 nghìn quân khỏi Đức của chính quyền Trump mới đây thực sự khiến châu Âu rúng động. Bản thân ông Donald Trump cũng nhiều lần đe dọa sẽ phát động thương chiến với EU nếu khối này không tỏ rõ thái độ với Trung Quốc.

Vấn đề là EU có thể mạnh về kinh tế nhưng lại khá chia rẽ về chính trị. Những nước lớn như Đức, Pháp có thể cứng rắn với Trung Quốc hơn dựa trên tiềm lực kinh tế chính trị của mình. Nhưng Ý, Hungary hay nhiều nước Đông và Nam Âu khác lại luôn nhìn về phía Trung Quốc với ánh mắt mong chờ. Bản thân nước Ý đã đơn phương từ bỏ EU trong việc gia nhập vào sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) mà Trung Quốc khởi xướng.

EU hoạt động trên cơ chế đồng thuận, một liên minh với 27 nước thành viên không thể đưa ra bất cứ quyết sách nào nếu một thành viên không đồng ý. Ý tưởng về việc trừng phạt Trung Quốc có thể có, nhưng để tất cả các thành viên thông qua trong bối cảnh hiện tại là điều rất khó xảy ra. Trong vụ việc Huawei, quan điểm của mỗi nước tại EU lại có sự khác biệt. Bất chấp những cảnh báo về an ninh, nhiều quốc gia trong EU vẫn đang lựa chọn hãng công nghệ Trung Quốc này là đối tác chính trong việc phát triển mạng 5G.

EU thận trọng hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Sự ngả nghiêng của EU cũng đến từ cách hành xử thô bạo của Mỹ với đồng minh của mình. Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền năm 2016, những tranh cãi giữa EU và Mỹ bùng nổ trong nhiều lĩnh vực. Tổng thống Donald Trump cũng đẩy EU vào thế phải chọn phe trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc mà ông khởi xướng. Từ chính trị, kinh tế cho đến những vấn đề quốc tế, Mỹ đang đặt EU vào thế phải chọn lựa mà không có chỗ dựa vững chắc để cuối cùng EU phải tự tìm ra con đường đi của chính mình.

Quay về với ý tưởng châu Âu độc lập

Sự kiện bộ tứ Normandy đạt được thỏa thuận Minsk tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang đem đến cho châu Âu một sự lựa chọn mới. Với việc Mỹ đứng ngoài cuộc khủng hoảng có thể đẩy châu Âu đến bờ vực của một cuộc chiến tranh lạnh thì hai cường quốc đang đóng vai trò dẫn dắt EU là Pháp và Đức đã đứng lên giải quyết vấn đề. Sự nổi lên của nước Đức trong vai trò nhà hòa giải những vấn đề quốc tế trong thời gian qua đã mang đến cho EU một điểm tựa mới.

Nước Đức từ vị thế một cường quốc kinh tế đang trở thành một tiếng nói chính trị có trọng lượng trên trường quốc tế. Bản thân nước Đức cũng đang trở nên cứng rắn hơn trong những quyết sách đối ngoại của mình. Thủ tướng Angela Merkel, người đã lãnh đạo nước Đức suốt 15 năm qua đang làm rõ hơn vai trò của Đức trong EU thời gian gần đây.

Sau khi từ chối đến Mỹ gặp Tổng thống Trump tại hội nghị G7, bà Merkel đã "hoãn" lại cuộc gặp với ông Tập Cận Bình vào tháng 9 tới. Với cương vị là Chủ tịch EU trong thời gian tới, những quyết định này có thể hiểu rằng nước Đức đang muốn hướng đến việc xây dựng một EU không thiên vị và cân bằng hơn.

Bản thân EU với tư cách là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới có đủ sức nặng của mình trong các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, việc EU bị nhìn nhận như cái bóng của nước Mỹ trước đây đã làm cho liên minh này trở nên yếu hơn so với sức mạnh mà nó nắm giữ. Trong bối cảnh nước Mỹ đang từ bỏ những cam kết trước đó và các thế lực mới nổi lên, EU cần phải tự đứng lên để khẳng định vai trò cũng như tầm ảnh hưởng của mình.

Những nỗ lực của EU trong thời gian qua dường như để lập lại vị thế cân bằng này. EU không những chỉ cần độc lập với Mỹ, Trung Quốc mà còn cần đoàn kết lại để tạo nên sức mạnh, khẳng định vị thế riêng của mình trong bối cảnh mới. Đại dịch COVID-19 cũng là dịp để EU nhìn nhận lại những đối tác, tìm ra hướng đi riêng trong bối cảnh quốc tế đầy biến động.

Thay vì làm hài lòng những đối tác quốc tế, EU sẽ tập trung vào những vấn đề của mình, tạo dựng đoàn kết nội khối để khẳng định tiếng nói riêng của mình trên trường quốc tế. Đó mới là hướng đi lâu dài và bền vững của EU trong một thế giới đang thay đổi không ngừng.

Tử Uyên
.
.