Chất lượng cán bộ

Thứ Tư, 06/05/2020, 10:22
Cuối tháng 3/2020, Ban Bí thư đã có kết luận về xử lý sai phạm trong tuyển dụng cán bộ. Một tuần sau đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc tinh giản biên chế phải đi đôi với nâng cao chất lượng cán bộ. Những thông tin ấy cho thấy vấn đề chất lượng cán bộ hiện nay đang là mối quan tâm cấp bách nhất.

Chất lượng cán bộ và lực cản trong hệ thống

Ấp tôi đang ở để tránh dịch, một nơi giáp biên giới với Campuchia vừa xảy ra một chuyện: trưởng ấp mới "nhậm chức" không lâu (anh thậm chí mới chỉ nhận việc vì trưởng ấp cũ tự dưng... bỏ đi nơi khác sống, chứ chưa có quyết định chính thức) đã quyết định đề xuất dỡ bỏ các mái nhà chìa ra lấn chiếm vỉa hè trên chợ của ấp.

Tất nhiên là rồi bà con sẽ phải chấp hành, nhưng việc này khiến trưởng ấp mới đâm ra... bị ghét. Mái hiên chìa ra của hơn chục hộ gia đình trên chợ ấy tồn tại nhiều năm rồi, và nói vui thì nó là thứ "có tính lịch sử”. Trưởng ấp nhiệm kỳ trước và các cấp trên của anh ta đã không làm gì cả, trước một vi phạm khá rõ ràng. Trưởng ấp mới giờ bị coi là một sự phiền toái vì dám thay đổi nếp sống của bà con, dù những gì anh ta cố gắng chỉ là làm việc đúng.

Ở cấp xã còn một việc tréo ngoe hơn. Một chị người quen bức xúc nhờ tôi đưa một việc lên báo, thậm chí tìm cách để đi kiện. Số là trước đây chị cho xã mượn đất để xây trụ sở trường học, đổi lại chị được xây nhà trên khoảnh đất của xã, nằm đối diện đất nhà chị. Chủ tịch xã đời trước hứa sẽ hợp thức hóa mảnh đất mà xã cho chị mượn xây nhà ấy sau. Đây tất nhiên là một lời hứa suông cho qua chuyện, vì ông ta không có quyền làm vậy.

Ảnh: L.G

Vì cả tin, chị chấp nhận. Nhiều năm sau, chủ tịch xã mới lên quyết định đòi lại mảnh đất này. Chủ tịch xã ngày ấy thì giờ cũng đi đâu rồi không rõ, trường học thì bỏ hoang, còn chị thì uất ức. Ông chủ tịch xã mới lên lại đóng vai một người gây phiền toái. Tôi cũng không biết khuyên chị thế nào. Chẳng lẽ lại đi kiện một người chỉ đang cố làm điều đúng luật?

Những câu chuyện như thế này không hiếm trong hệ thống: người nhiệm kỳ trước làm sai, và sau khi anh ta rời ghế, hệ thống lại phải bỏ ra một chi phí đáng kể để sửa sai. Anh đời trước để vỉa hè bị lấn chiếm thì anh đời sau phải chi tiền để phá cái mái. Và phí tổn sửa lỗi này bao gồm cả một "tài sản" vô hình (và cũng vô giá): sự hăm hở của cán bộ mới nhậm chức đang cố gắng làm cho mọi thứ trở lại đúng đắn, nhưng nhận ra những lực cản đáng kể "có tính lịch sử".

Năm 2013, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, khi ấy còn là Phó Thủ tướng, đã nói thẳng: "Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào" (trích báo Lao động).

Bốn năm sau, trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ tịch UBND Quận Hải Châu (Đà Nẵng) khi ấy là ông Lê Anh thậm chí đưa ra con số đáng giật mình hơn: ông nói chỉ cần cho ông tuyển 5 người cũng làm được đủ công việc của 25 người đang có, những người mà theo ông, do "thế hệ trước để lại" (trích báo Dân trí).

Tức ông tự tin rằng chỉ cần 20% nhân lực là đủ để làm 80% công việc, một tỉ lệ thật tình cờ theo đúng nguyên tắc thiểu số trọng yếu, hay còn được biết đến với cái tên nguyên tắc Pareto. Nó được đặt theo tên của nhà kinh tế học người Ý Vifredo Pareto, người phát hiện ra tỉ lệ này tồn tại ở hầu hết mọi mặt của cuộc sống (tất nhiên không phải hoàn toàn chính xác phải là 80/20, mà có thể xê dịch đi một chút), như là 80% kết quả thường đến từ 20% nỗ lực, 20% trong tổng số thời gian sẽ giải quyết 80% lượng công việc của ta, hay 20% lượng khách hàng đem về 80% doanh thu...

Diễn đạt một cách đơn giản, thì nguyên tắc này giúp chúng ta nhận ra được điều gì là quan trọng, để từ đó tối đa hóa nguồn lực. Ví dụ: nếu 80% lợi nhuận được tạo ra từ 20% danh mục đầu tư, thì nhà đầu tư có thể giảm bớt đi những danh mục không cần thiết để tập trung cho 20% mang lại lợi nhuận tốt nhất; nếu nhận ra 20% thời gian đạt năng suất làm việc hiệu quả nhất thuộc về quãng nào trong ngày, thì công ty có thể giảm giờ làm một cách khoa học; nếu nhận ra 20% nhân viên nào đem lại 80% lợi ích cho công ty, hãy đề bạt họ, tuyển dụng những người giống vậy, và thậm chí xây dựng văn hóa tổ chức dựa trên những con người như thế.

Các tổ chức nhà nước không nằm ngoài quy luật này: chúng ta sẽ nhìn thấy 20% người giải quyết 80% công việc của cơ quan, gánh cho 80% nhân sự còn lại, những người có thể do "thế hệ trước để lại" như lời ông Lê Anh ở trên, hoặc do gửi gắm, hay đơn giản là họ đã làm việc đủ lâu để không thể bị buộc thôi việc dựa trên năng suất, trừ phi mắc những lỗi rất nặng liên quan đến kỷ luật.

Hệ quả là chúng ta có một cơ chế có thể tạo ra bất mãn: một người mới gia nhập hệ thống cơ quan nhà nước có thể rất hồ hởi ban đầu, nhưng nhiệt huyết của anh ta sẽ nguội lạnh dần khi nhận ra quá nhiều lực cản. Anh ta có thể bắt đầu sự nghiệp với một vị trí trong 20% nhân sự lo toan 80% công việc, nhưng nhanh chóng phải đưa ra lựa chọn: hoặc 1, tiếp tục cống hiến, mệt mỏi vượt qua những lực cản hệ thống để cố hoàn thành công việc, với mức đãi ngộ thậm chí kém hơn người có năng suất thấp hơn nhưng thâm niên cao hơn; hoặc 2, rời bỏ hệ thống cơ quan nhà nước.

Trong trường hợp 1. Đa số muốn ở lại lâu dài trong hệ thống đều phải học cách thỏa hiệp. Một trưởng ấp mới lên bị cả chợ ghét vì cái mái hiên, sẽ ngại, thậm chí không còn cố gắng ngăn cản một cái mái hiên khác. Một Chủ tịch xã bị kiện vì sửa sai cho người tiền nhiệm có thể cố gắng giữ mọi thứ nguyên trạng cho xong nhiệm kỳ của mình, cho đỡ phiền toái. Một cán bộ trẻ tuổi làm việc có hiệu quả có thể sẽ phải chấp nhận nhiều năm "nếm mật nằm gai" mà chẳng tiến xa hơn là bao trong sự nghiệp.

Đáng lo ngại hơn, nếu cảm thấy chỉ ngồi yên là không đủ, họ có thể tha hóa: nếu trưởng ấp nhận thấy thay việc đề xuất tháo mái hiên rắc rối quá, anh ta có thể kiếm chác bằng cách vòi vĩnh người dân muốn giữ nguyên trạng cái mái hiên trái phép ấy. Ông chủ tịch xã nơi tôi đang ở cũng có thể đòi chị người quen một khoản tiền để trì hoãn cái lệnh đòi đất, ít nhất hết nhiệm kỳ của ông.

Ngăn chặn tha hóa

Trong một bài viết đáng chú ý có tên "Ngày tôi thôi việc sau 20 năm làm công chức" gửi dự cuộc thi nói về khoảnh khắc làm thay đổi đời người do báo Tuổi trẻ phát động vào cuối năm ngoái, tác giả đã viết những dòng gan ruột thế này:

"Tôi không tìm thấy niềm vui trong công việc, khi mọi thứ cứ lặp đi lặp lại đều đặn mỗi ngày một cách tẻ nhạt theo những giấy tờ văn bản hành chính dập khuôn. Những đề xuất cải tiến của tôi luôn vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của đồng nghiệp, "làm chơi chơi cũng chừng đó lương mà lãnh, bày ra chi cho nhiều không chỉ mệt mình mà còn làm mệt người".

Tôi hụt hẫng, làm việc như được lập trình sẵn, không vui không buồn, đến và về đúng giờ, không luận bàn, chẳng tranh cãi".

Trong bài, anh ta đã chọn bỏ việc để khởi nghiệp với cà phê ở tuổi 40, dù gắn bó với nghiệp công chức đã 20 năm. Trong hai thập niên đó, anh đã chọn cách thỏa hiệp, làm cho xong việc, không luận bàn, tranh cãi. Anh không còn là người muốn đề xuất cải tiến như thuở ban đầu, và rất có thể đã nằm trong tầm ngắm của cái gọi là "tinh giản biên chế", một cụm từ phổ biến suốt hơn một thập niên qua, với nội hàm là nỗ lực phát hiện và giảm bớt số lượng những công chức làm việc không hiệu quả.

Nỗ lực này không hẳn là thất bại trên khía cạnh con số: trong 5 năm qua, "cả nước giảm khoảng 236.000 biên chế, tương ứng giảm khoảng 6,5% so với biên chế thực tế tại thời điểm 30/4/2015. Trong đó: (1) Cán bộ, công chức (từ cấp huyện trở lên) giảm trên 22.000 người, tương ứng giảm khoảng 6,3%. (2) Viên chức (từ cấp huyện trở lên) giảm trên 69.000 người, tương ứng giảm khoảng 3,8%. (3) Các loại hợp đồng lao động khác giảm trên 18.000 người, tương ứng giảm khoảng 11,%. Riêng năm 2019 giảm được khoảng 10.000 tỷ đồng kinh phí hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị" - trích nguyên văn Cổng thông tin Bộ Nội vụ.

Nhưng các con số này chưa đủ để hạ nhiệt hòn than vẫn nóng trong một thập kỷ đổ lại. Cuối tháng Ba năm nay, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 71-KL/TW do đồng chí Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư ký về xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức. Đầu tháng Tư, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu tinh giản biên chế, kèm theo một ý rất mới: việc này không phải chỉ đơn thuần là giảm số lượng, mà phải chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ.

Có lẽ vì tinh giản biên chế không chỉ là cố nhìn ra những người không làm được việc, mà còn là nhìn ra những người làm được việc và loại bỏ bớt chướng ngại vật để họ làm tròn bổn phận suôn sẻ. Nâng cao chất lượng cán bộ đôi khi là tạo điều kiện để họ bớt phải nhíu mày khi cố làm việc đúng, khuyến khích và đảm bảo rằng sự chính trực sẽ không đi đôi với thiệt hại và chịu đựng.

Nếu đặt mình vào họ, bạn thậm chí có thể nhìn thấy logic đầy nguy cơ và đau đớn của sự tha hóa: một cán bộ nhiệt huyết ở vạch xuất phát có thể đi từ thất vọng, thỏa hiệp, đến việc nương theo hệ thống để nhũng nhiễu, và trớ trêu thay, lại trở thành lực cản cho chính người mới tiếp theo.

Khi những ngọn nến đều được giữ cho cháy sáng ngay từ đầu thì không còn phải mất công đi tìm ngọn nào đã tắt để mang ra khỏi phòng nữa.

Phạm An

Điều đáng tiếc nhất

Hai bức ảnh về việc nhận gạo ở cây ATM gạo tại Hà Nội khiến tôi bị ám ảnh suốt mấy ngày vừa rồi.

Bức đầu tiên, xô đẩy, chen chúc, chèn ép nhau. Cả mạng xã hội như lên đồng để chửi bới về thói tranh cướp, tham lam, mất trật tự, không giữ khoảng cách an toàn.

ATM gạo Hà Nội tạm đóng cửa!

Bức thứ hai, ATM phát gạo trở lại, một dòng người dằng dặc trên sân vận động Nghĩa Tân, kiên nhẫn vô cùng chờ đến lượt mình. Cách nhau 2 mét. Ảnh trên động bao nhiêu ảnh này tĩnh bấy nhiêu

Không hiểu sao bức thứ hai làm tôi cảm thấy xót lòng hơn bức thứ nhất. Nó cho thấy nhu cầu gạo là có thật. Tất nhiên nhu cầu gạo là có thật, nếu không vì cần gạo, ai đi tranh cướp xô đẩy nhau chỉ để nhận mấy kg lương thực. Nhưng nhu cầu ấy đến mức nào?

Ảnh: L.G.

Mới hơn 2 tuần giãn cách xã hội, đã chừng ấy người thiếu ăn? Đã bao lần thiên tai, bão lũ, hạn hán trên diện rộng,  chưa lần nào con người tỏ ra thiếu thốn đến mức ấy.

Cần nhớ, gạo phát ở cây ATM gạo là gạo có giá xấp xỉ 15 nghìn/ kg. Kể cả được phát 5 kg một lần, thì giá trị số gạo nhận được chỉ hơn 70 nghìn đồìng.

Và tôi chỉ muốn biết, các nhà quản lý lúa gạo đang ở chỗ nào? Có lẽ họ đang quay cuồng giữa những số liệu. Trong rối ren rất nhiều quyết định ngừng xuất rồi lại xuất, xuất theo cách nào đó mà ai cũng phải đặt ra nhiều nghi vấn, thứ duy nhất lộ ra để lo ngại không phải là lương thực của chúng ta có đủ cho dân chúng hay không mà trình độ quản lý (chưa nói đến tâm các nhà quản lý) được thể hiện thế nào. Câu chuyện về năng lực và trình độ cán bộ nhiều cấp, qua mùa dịch này, thật sự là một câu chuyện đáng suy nghĩ.

Sang một vấn đề khác, là vấn đề giáo dục

Trẻ em không đến trường, học online. Tất nhiên giai đoạn đầu phải bỡ ngỡ. Nhưng đã hơn 4 tuần, mà vẫn cứ bỡ ngỡ. Các chuyên gia giáo dục  đánh giá việc dạy và học online là không thành công, thì cần phải xem lại vai trò các nhà quản lý giáo dục.

Việc thất bại đầu tiên có nguyên nhân từ việc thiếu đầu tư hệ thống, tức là công nghệ (phần mềm, nền tảng cơ sở dữ liệu…), đội ngũ (người dạy, người học, người quản lý…). Không thể thờ ơ và bằng lòng với việc dạy online tức là có máy tính/ smartphone và internet là được. Việc chuẩn bị cho ứng dụng CNTT trong dạy học nói chung, dạy học trực tuyến nói riêng đến giờ vỡ lẽ ra là chưa bao nhiêu.

Bởi thế, việc giám sát, đánh giá dạy và học online (nếu có) cũng chẳng có tác dụng gì. Giáo viên dạy không hiệu quả nhà trường cũng chẳng làm gì được. Kết hợp gia đình với nhà trường khi triển khai dạy học online cũng đầy lỏng lẻo, đầy lúng túng. Bọn trẻ nhiều đứa cứ “chăm chú học” bằng youtube, game, có vẻ như học cả 5 tiết đầy đủ cha mẹ không hề hay biết. Không biết có bao nhiêu trường họp online với phụ huynh để tư vấn việc giám sát học của con. Chắc không nhiều lắm. Cơ bản đến lúc này, việc dạy và học online mang đầy tính chất tạm bợ. Hết dịch học lại.

COVID-19 như một biến cố để bắt chúng ta, cả xã hội, nhìn lại hiện tại, đánh giá lại chất lượng cuộc sống của mình. Có những điều hay điều dở. Những vụn vặt thường ngày rồi cũng qua đi, nhưng sẽ rất nhiều câu hỏi đọng lại chờ lời giải đáp. Và nỗi thất vọng về một quan chức A hay B nào đó, ở một địa phương nào đó, ra những công văn hết sức ngu ngơ hoặc có những hành vi vớ vẩn kiểu như không đem khẩu trang lại dọa nạt cán bộ phòng dịch…, rồi cuối cùng cũng chỉ là trò cười. Nhưng thất vọng từ việc quản lý lúa gạo hay quản lý giáo dục, thì không thể cười được.

Đấy là điều đáng tiếc nhất trong giai đoạn cả đất nước đang chống dịch một cách tuyệt vời.

Phạm Hà

Tinh giản không thể là thanh trừng

Khi tôi đặt bút viết những dòng này, báo chí và mạng xã hội đang tràn ngập các chia sẻ về vụ án Đường Nhuệ” ở Thái Bình. Và trong vụ án ấy, đã có những cán bộ bị bắt giữ vì có liên quan mà nổi trội nhất (tính đến 17/4) là ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình - Sở Tư pháp Thái Bình. 

Những thông tin ấy chắc hẳn sẽ khiến chúng ta hình dung ra một “liên minh ma qủy” giữa tội phạm với quan chức tư pháp đúng kiểu mafia trên thế giới. Nhưng có lẽ những cán bộ có thẩm quyền của Nhà nước dính dáng tới Đường Nhuệ sẽ không chỉ nằm ở mức độ Giám đốc một trung tâm dịch vụ công. Nếu chúng ta nghe lại đoạn ghi âm cuộc điện thoại giữa Đường Nhuệ và con nợ của anh ta, chúng ta sẽ nhận ra rằng anh ta tự tin thế nào về các mối quan hệ của mình.

Trụ sở Công ty TNHH bất động sản Đường Dương. Ảnh: Phạm Dự.

Chuyện quan hệ kiểu như của Đường Nhuệ thực tế không lạ lẫm gì trong xã hội Việt Nam hiện nay. “Đen cũng tiếp mà đỏ cũng chiều” thực tế đã là “khẩu hiệu” của giới xã hội ngầm và chính mối quan hệ lợi ích nhóm với các quan chức có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước hiện nay đã làm thay hình đổi dạng chính cái xã hội ngầm ấy. 

Đã không còn thời các tay anh chị xưng hùng bằng đao búa nữa. Ngay cả súng ống cũng chỉ là trò tầm thường của đám “ong ve” mà thôi. Giới anh chị, hay nói khác hơn là giới trùm xã hội đen bây giờ đã khoác tấm áo “doanh nhân” và thể hiện sức mạnh bằng quan hệ hơn là cơ bắp. Và nghiệt ngã thay khi các cán bộ, quan chức lại bị gọi bằng cái biệt danh “xã hội đỏ” bởi chính đám “đối tác” của mình, những kẻ vẫn tự gọi vui nhau là “lưu manh thành đạt”.

Cùng thời điểm với việc vụ Đường Nhuệ đang bị phanh phui để bóc tách dần dần những ai chống lưng, bảo kê cho chúng thì ở Hà Nội có một chuyện khác không khỏi khiến chúng ta nhói lòng. 

Hôm 17/4, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã triệu tập một số cán bộ của CDC Hà Nội để làm rõ quá trình mua sắm trang thiết bị y tế. Nếu có tham những ở ngay trong thời gian chống dịch, khoảng thời gian mà rất nhiều người dân đang phải gồng mình với mưu sinh nhưng vẫn sẵn sàng nhắn tin ủng hộ ngân sách, đó chắc chắn là tội ác chống lại cả một dân tộc mà mức án nào cũng không thể gột sạch được vết nhơ những cán bộ ấy để lại.

Cả vụ Đường Nhuệ, cả việc điều tra làm rõ các sai phạm (nếu có) ở CDC Hà Nội đều cho thấy một thực tế rất đắng: Chất lượng cán bộ, hay nói cụ thể hơn là phẩm chất cán bộ hiện nay khiến chúng ta phải đặt dấu hỏi.

Bây giờ, tôi muốn quay trở lại với quá khứ ngắn hạn, tức là khoảng thời gian chuẩn bị bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội. Chắc chúng ta chưa quên cái công văn số 2285/STNMT-CTR của Sở Tài nguyên Môi trường TP. HCM được phát đi hôm 27/03. Công văn đó lập tức bị phản ứng dữ dội và có quyết định thu hồi ngay buổi tối nó được ban ra và ở ngày hôm sau (28/03), lãnh đạo TP. HCM đã phải có cảnh cáo phê bình nghiêm khắc những cá nhân có liên quan. 

Và thực sự, kiểu văn bản như công văn ấy ở Việt Nam không thiếu. Có quá nhiều công văn “ngô nghê” đã bị mang ra làm trò giễu nhại trên mạng xã hội và kết cục cái lỗi luôn được quy về cho “người đánh máy”. Giả sử, người đánh máy có lỗi đúng như giải thích đi chăng nữa, chẳng lẽ người ký không bao giờ đọc lại cái gì mình sẽ ký vào đó ư? 

Những ngô nghê này, tôi không cho là chỉ có nguyên nhân duy nhất là tắc trách hay cẩu thả. Nó thể hiện chất lượng cán bộ rất kém. Và chất lượng ở đây là thứ chất lượng thuộc về năng lực chuyên môn chứ không phải thuộc về phẩm cách con người như hai ví dụ ở trên đầu bài.

Rõ ràng, chúng ta không thể phủ nhận rằng, cán bộ trong bộ máy Nhà nước hiện nay đang rất đông nhưng số người có cả năng lực lẫn đạo đức có vẻ chưa tương đồng. Và chính họ mới là tác nhân khiến bộ máy nhà nước vận hành kém hiệu quả dẫn tới xói mòn niềm tin trong quần chúng.

Riêng tôi, tôi có một câu chuyện đáng nhớ có thể dẫn ra làm ví dụ về chất lượng cán bộ. Tôi có một người quen, vốn dĩ là hàng xóm cũ từ hồi ấu thơ ở Hà Nội, nhỏ hơn tôi 5 tuổi. Sau này, vô tình gặp lại nhau ở TP. HCM do tiếp xúc công việc. Gặp lại rồi thành thân và cũng hỗ trợ nhau ít nhiều. 

Cho đến một ngày, cậu em đó hỏi xin lại một loạt bài viết của tôi cho một chuyên mục với lý do để tham khảo làm báo cáo tháng. Không may cho cậu ấy, tôi còn thân với lãnh đạo của cậu ấy hơn. Và bản báo cáo được đưa tôi đọc tham khảo, với nội dung hoàn toàn sao y bản chính từ các bài báo. Tất nhiên, tôi giữ im lặng nhưng sự im lặng ấy không thể không dẫn tôi tới một suy ngẫm: cậu này là một điển hình của cán bộ kém cả năng lực lẫn đạo đức.

Có một thực trạng đang tồn tại ở rất nhiều cơ quan nhà nước hiện nay mà nếu giải quyết nó triệt để, số người bị đào thải khỏi bộ máy có thể vượt mức quá bán. Đó chính là việc rất nhiều cá nhân thực sự không hề có chuyên môn gì. Đó là còn chưa kể đến những người làm trái ngành. 

Trong số những người làm trái ngành, có bao nhiêu phần trăm thực sự giỏi chuyên môn trái ngành ấy? Rồi cũng trong số đó, có bao nhiêu phần trăm thực sự có chuyên môn ở lĩnh vực nào đó nhưng vì run rủi nên họ buộc phải làm trái ngành? 

Ở đây tôi không muốn kết luận người làm trái ngành sẽ làm dở, làm tệ hay làm hỏng việc. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến việc nếu đã tồn tại quá đông người làm trái ngành thì chúng ta chắc chắn đang ở trạng thái phung phí chuyên môn hoặc  thiếu người có chuyên môn trầm trọng.

“Chuyên môn của mình là gì?”. Tôi dám cá nếu trung thực tự hỏi, tự trả lời, nhiều người trong chúng ta sẽ cảm thấy xấu hổ. Và khi bản thân chủ thể không nắm bắt được chuyên môn của mình là gì, người sử dụng họ có dám trả lời chắc chắn 100% hay không? Nếu ta không trả lời được, vậy thì ta nên tự hỏi tiếp “vậy ra, mình đang sử dụng nhân sự như thế nào?”.

Sau đợt dịch COVID-19 này, một đợt tôi cho rằng là sát hạch khá tốt năng lực làm việc của nhiều cá nhân khi họ buộc phải làm việc tại nhà và báo cáo bằng hiệu quả cụ thể, việc tinh giản là vô cùng cần thiết. Phải xem cuộc sát hạch COVID-19 chính là đợt thanh lọc lại bộ máy, để kiếm tìm những con người có chất lượng thực sự. Và xin nhấn mạnh lại, chất lượng ở đây phải bao gồm cả năng lực chuyên môn lẫn phẩm cách con người.

Nhưng, lúc nào cũng phải có chữ nhưng, điều quan trọng hơn cả là chất lượng của người thẩm định. Đừng để việc tinh giản trở thành cơ hội cho một trò chơi quyền lực mới mà ở đó, tinh giản thành cái cớ để thanh trừng những người không đúng ý mình và cơ hội để kiếm chác nhờ việc nâng đỡ những kẻ cơ hội quanh mình.

Hà Quang Minh

Phạm An - Phạm Hà - Hà Quang Minh
.
.