Căng thẳng EU- Belarus: Nhìn về phía đông

Thứ Hai, 14/06/2021, 12:34
Vụ việc Belarus ép máy bay của EU phải hạ cánh khẩn cấp để bắt nhà hoạt động đối lập lại làm nóng mối quan hệ giữa hai bên. Nhưng, khác với những lần trước, yếu tố quyết định của câu chuyện lần này nằm ở nước Nga.


Mối quan hệ nhọc nhằn

Quan hệ EU và Belarus từ lâu đã không diễn biến tốt đẹp. Dưới sự lãnh đạo của ông Alexander Lukashenko, người đã bước vào nhiệm kỳ tổng thống thứ 6 với 26 năm cầm quyền liên tiếp, phương Tây luôn coi Belarus là một quốc gia thiếu dân chủ, có nhiều vi phạm nhân quyền.

Từ năm 2004, khi ông Lukashenko chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống thứ 3 của mình, EU đã bắt đầu thực thi những biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Đông Âu này, khiến quan hệ hai bên trở nên xa cách. Điều đó càng khiến Belarus gắn bó với Nga, “người anh lớn” ở bên cạnh. Những khó khăn của Belarus đã được sự hỗ trợ của nước Nga cân bằng, thông qua những hợp đồng cung cấp dầu khí với mức giá ưu đãi. Hiện nay, trong những nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Belarus là đồng minh thân cận nhất của Nga trên chính trường quốc tế.

Sự thân mật giữa hai nguyên thủ Nga và Belarus khiến EU phải dè chừng những tính toán của mình.

Sau hơn 10 năm áp đặt những rào cản, đến năm 2016, khi ông Lukashenko bước vào nhiệm kỳ thứ 5, những lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức ủng hộ ông được dỡ bỏ vì "EU muốn tìm kiếm mối quan hệ hợp tác".

Thực tế, trong suốt một thời gian dài, với nền nông nghiệp tương đối lạc hậu, nền kinh tế thiếu năng động của Belarus bị đánh giá là đứng ngoài xu thế phát triển chung của thế giới. Nhưng, trong những năm gần đây, Belarus trở thành một đối tác quan trọng hơn, khi trở thành cánh cửa để xuất khẩu dầu khí từ Nga sang EU, đặc biệt là từ khi tình hình ở Ukraine trở nên bất ổn. Vì thế, việc "chấp nhận" ông Lukashenko đồng nghĩa với việc bảo vệ một "mạch máu" quan trọng của EU, trong quá trình "xích lại gần" nước Nga.

Tình hình chỉ căng thẳng trở lại khi tháng 8 năm ngoái, cuộc bầu cử tổng thống thứ 6 của nước Cộng hòa Belarus diễn ra với một chiến thắng gần như tuyệt đối nữa của vị tổng thống duy nhất trong lịch sử nước này, kèm theo những cáo buộc gian lận từ phe đối lập dẫn tới các cuộc biểu tình trong nước - những điều đã khiến EU tái áp đặt một số biện pháp trừng phạt. Bầu không khí cũng dần lắng xuống trong làn sóng của những vụ việc khác nổi cộm hơn, như diễn biến tại Ukraine hay đại dịch COVID. Tuy nhiên, hôm 23-5 vừa qua, một hành động bất ngờ từ phía Chính phủ Belarus đã khiến EU và toàn bộ cộng đồng quốc tế cảm thấy choáng váng.

Cú sốc với EU

Những chiếc chiến đấu cơ SU-29 và trực thăng MI-24 của Belarus áp sát, buộc máy bay dân sự của hãng hàng không RyanAir (Ireland) phải hạ cánh xuống Minsk khi bay qua không phận Belarus thay vì tới sân bay quốc tế Vilnius ở Litva, với lý do “quan ngại bị đánh bom”. Ngay khi hạ cánh, lực lượng an ninh Belarus đã bắt giữ nhà hoạt động đối lập nổi tiếng là ông Roman Protasevich, người đang là một hành khách trên chuyến bay. EU cảm thấy những giá trị mà họ luôn bảo vệ bị xâm phạm. Chính vì vậy các phản ứng mạnh mẽ, dồn dập ngay lập tức phát ra từ phía EU.

Litva lập tức trục xuất các nhà ngoại giao Belarus khỏi nước mình. Họ thậm chí thay lá cờ Belarus ở Riga, nơi đang tổ chức một giải thể thao lớn bằng lá cờ của phe đối lập. Lãnh đạo các quốc gia EU đồng loạt lên tiếng phản đối, yêu cầu Belarus thả người. Hội nghị thượng đỉnh EU được tổ chức ngay sau đó 1 ngày đã đưa vụ việc này lên làm vấn đề trung tâm. 27 nước thành viên EU thể hiện sự thống nhất với phản ứng chung của cả khối. Theo đó, EU gia tăng các biện pháp trừng phạt đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Một gói tài trợ 3 tỷ euro được ký trước đó sẽ bị dừng lại cho đến khi "nước này trở nên dân chủ hơn".

Không chỉ EU, những đồng minh phương Tây của họ như Canada, Mỹ cũng đồng loạt lên tiếng. Những tổ chức quốc tế của phương Tây như NATO hay Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) cũng vào cuộc để phản đối hành động của Belarus, đồng thời thông báo tiến hành các cuộc điều tra.

Vụ Belarus ép máy bay hạ cánh khơi mào một đợt căng thẳng mới với EU.

Như EU tuyên bố, họ sẵn sàng để quan hệ với Belarus "xuống mức thấp nhất từ trước tới nay" cũng bởi hành động lần này của Belarus đã làm họ thực sự bẽ mặt.

Mặc dù hành động của Belarus lần này đã vượt chuẩn ngoại giao thông thường nhưng dường như vẫn nằm trong tính toán của những nhà lãnh đạo tại Minsk. Bất chấp phản ứng mạnh mẽ của EU và các nước khác, chính quyền  Minsk vẫn bình tĩnh đáp trả. Họ đưa ra câu trả lời cho lý do buộc máy bay EU phải hạ cánh. Họ triệu tập Đại sứ Litva tới để phản đối, sau đó yêu cầu ông này phải về nước trong 24 giờ. Họ tuyên bố sẵn sàng một trận chiến trên mặt trận ngoại giao với EU. Họ cũng đáp trả Canada, Mỹ và cả NATO hay ICAO để bảo vệ quan điểm của mình, còn tổng thống của họ thì đến Nga.

Một cuộc gặp trực tiếp giữa ông Lukashenko và Tổng thống Nga Putin đã diễn ra tại Sochi vào ngày 28-5, tức chỉ 5 ngày sau vụ việc. Cuộc gặp dù được tổ chức riêng tại khu nghỉ dưỡng nhưng được truyền thông rộng rãi với những bức ảnh hai vị tổng thống cùng nhau đi thuyền, câu cá và chơi hockey thân mật. Sau cuộc gặp 2 ngày đó, nhà lãnh đạo Nga đã "ca ngợi mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Moscow và Minsk trong thời gian qua". Vấn đề là tại sao ông Lukashenko lại đến Nga vào lúc nước sôi lửa bỏng này?

Khi sức ép từ phía Tây đang tăng dần, ông Lukashenko lại nhìn về phía Đông. Mối quan hệ anh em thân thiết giữa Nga với Belarus từ thời Liên Xô đủ để đảm bảo cho ông một sự ủng hộ nhất định. Thêm vào đó, trong quãng thời gian căng thẳng ở Ukraina bùng phát hồi đầu năm, Belarus đã có những động thái hỗ trợ hết sức tích cực cho nước Nga. Với những phát biểu của ông Putin sau cuộc gặp đó, dường như ông Lukashenko đã nhận được điều mà mình mong muốn.

Không chỉ giúp Belarus cân bằng những thiệt hại do lệnh trừng phạt của EU, chuyến thăm Nga ấy cũng sẽ nhắc nhở các nước phương Tây về một vài giới hạn. EU đang trong giai đoạn muốn ổn định khu vực phía Đông của mình bằng nhiều cách khác nhau. Họ đã nỗ lực giảm tải căng thẳng tại Ukraine, tăng cường hợp tác với Nga nên sẽ khó làm căng với Belarus, đồng minh thân cận nhất của Nga trong khu vực. Nói cách khác, EU dù “vuốt mặt cũng sẽ phải nể mũi”.

Ở một góc nhìn khác, quan hệ EU và Belarus có thể coi như một phép thử với mối quan hệ giữa Nga và thế giới phương Tây. Trong thời gian qua, nước Mỹ với một vị tổng thống mới đã gây nhiều sức ép với Nga. Cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ dự kiến được tổ chức tại Geneve giữa tháng 6 này được cho là sẽ định hình lại mối quan hệ giữa hai bên.

EU vốn là một đồng minh của Mỹ cũng như Belarus với Nga, thế nên thăm dò phản ứng của EU lúc này cũng là một dịp để ông Putin tìm câu trả lời cho nước Nga, về cách mà phương Tây nhìn nhận những giá trị của mình. Theo cách đó, nước Nga sẽ đóng vai trò cán cân để cân bằng mối quan hệ giữa EU và Belarus lần này, một vai trò quan trọng trong một bàn cờ địa chính trị còn lớn hơn.
Tử Uyên
.
.