Câu chuyện của tuổi mới lớn:

Cần người dẫn đường

Thứ Ba, 31/03/2009, 15:36
Với tuổi mới lớn, chuyện nhỏ có thể thành bi kịch lớn, nhưng cũng có những chuyện kinh hoàng lại được giải quyết êm dịu bằng khả năng "lành hoá" những vết thương, khi lo âu không quá đầy, đớn đau chưa quá đủ và cuộc đời vẫn còn ở tương lai. Mọi chuyện có thể hoá giải, nếu có được những lối đi và có những người dẫn đường…

Dấu vết của mẹ. "Mẹ ơi, có phải đàn ông đều giống nhau và họ chỉ nghĩ đến mỗi một chuyện? Mẹ cũng không biết nữa, mẹ có biết hết đàn ông đâu. Thế còn những người mà mẹ biết? Những người mà mẹ biết thì đúng là như vậy".

"Mẹ ơi, trẻ con từ đâu mà có? Từ tình yêu... Từ tình yêu hoặc là do sai lầm. Thế con thì do sai lầm hay do tình yêu?" ."Mẹ ơi, người ta sinh ra tốt hay xấu? Tốt. Thế cái xấu từ đâu ra? ...Cái xấu... Cái xấu giống như là lớp mỡ cứ dày lên theo tuổi tác"...

Những đoạn đối thoại ấy mở ra, bắt đầu và cứ treo lửng lơ bất kỳ trong một phần nào đó của cuốn sách, như sự bất chợt sáng lại của ký ức tưởng đã được giũ sạch. "Dấu vết của mẹ", cuốn sách của nữ nhà văn Ba Lan, nói về sự mất niềm tin và những cơn hoang mang trầm trọng, và tự trải nghiệm của Lan một cô gái mới lớn vượt qua khủng hoảng của chính mình. Mang bóng dáng của một tự truyện, với những trải nghiệm giật mình của tuổi mười chín. Cô gái ấy thản nhiên đau.

Khi một mầm sống bắt đầu hình thành trong cô gái mười chín tuổi, điều gì sẽ xảy ra? Cầm chắc là những cơn hoảng loạn. Sau đó, có người đã tìm được niềm an ủi sau cuộc sinh nở đau đớn. Người khác lại dấn tâm trí vào cơn tuyệt vọng triền miên và chối bỏ phôi thai trong dạ mình để rồi thao thức hoài về cảm giác tội lỗi. Mỗi người chọn một con đường khác nhau.

Nhưng có một sự luôn giống nhau, sai lầm thế hệ sau chồng lên sai lầm của thế hệ trước, đó là cả đời họ bị đàn ông dẫn dụ, đẩy vào hết bi kịch này đến những cơn đau khác, nhưng liều thuốc an thần thực sự với họ vẫn là những điều tốt đẹp còn lại trong những người đàn ông hiếm hoi... Có thể coi "Dấu vết của mẹ" là một cuộc tự vấn và đeo đuổi những nghĩ suy như thế.

"Có những người đàn bà mà việc nạo thai không để lại nơi họ một dấu vết nào. Họ nạo thai, thở phào nhẹ nhõm và tiếp tục đi. Nhưng với những phụ nữ không thể sống với cái bụng bỗng nhiên trống rỗng của mình thì sao? Với họ, cùng với cái thai bị nạo đi là cả trái tim nữa? Sẽ ra sao với những phụ nữ mà bên cạnh việc nạo thai, tâm lý của họ cũng bị nạo sạch trơn?"... Anna, nhân vật tôi trong truyện, là dạng phụ nữ thứ hai.

Cô luôn mơ thấy mầm sống của mình, nơi nghĩa địa với nấm mồ bé nhỏ. Cô tin nó là một linh hồn. Mà cô đã kiệt quệ trong vũng xoáy của tội lỗi và buộc phải không có nó. Người yêu cô, cậu bạn cùng tuổi cùng lớp, người luôn nghĩ có tiền là giải quyết được tất cả. Và cô đã phải một mình đến căn phòng của bác sỹ, để tẩy đi giọt máu của mình. Cô cũng đã từng là một giọt máu như thế, khi mẹ cô cũng đã khờ dại ở tuổi mười chín.

Anna đi tìm kiếm sự yên ổn trong tâm hồn bằng ma tuý, bằng những viên thuốc "tăng tốc", bằng sự vuốt ve mơn trớn của tình yêu đồng tính, bằng những câu chuyện và những giấc mơ trộn lẫn. Nhưng càng đi càng thấy mình rơi vào hố vực của tuyệt vọng.

Cả hai mẹ con Anna đều tức giận, nhiều mối hận với đàn ông. Nhưng người cứu vớt họ trong những cơn tuyệt vọng lại chính là Albert, người thợ ảnh cho những tạp chí lá cải, người đàn ông tử tế còn sót lại trong thành phố Varsava mòn vẹt thất vọng. Mẹ Anna đã yêu và sống với người đàn ông này.

Và chính cô cũng tìm được sự nương tựa tâm hồn từ người đàn ông này. Sự nương tựa đó hình như có cả tình yêu. Nhưng hình như, lớn hơn cả tình yêu… Marta Dzido, nữ đạo diễn và nhà văn Ba Lan viết cuốn sách này ở tuổi 19, "Dấu vết của mẹ" mang đến một hình dung về thế hệ trẻ, một thế hệ lạc loài của một xã hội đang đổi thay. Những vấn đề của Anna là những vấn đề chung của con người, dù nó ở Ba Lan hay Việt Nam...

Và qua đó, khủng hoảng về niềm tin, những cú sốc về thể xác và tâm hồn của tuổi mới lớn bộc lộ thật rõ, tạo cảm giác, dường như lứa tuổi này đang là tâm điểm của mọi sợ hãi, lo âu, thất vọng và hy vọng…

Giải cứu thần chết. Chẳng có điều gì về nghệ thuật để nói nhiều từ bộ phim của Nguyễn Quang Dũng mang tên "Giải cứu thần chết". Nhưng vị đạo diễn trẻ này đã đụng đến một vấn đề thực sự của tuổi học trò, ấy là khi họ vỡ mộng về bản thân mình.

Những cuộc đua, những ước mộng về một nhân vật thần kỳ giúp mình xuất chúng, thực ra chính là sự cụ thể hoá những cuộc khủng hoảng của tuổi teen. Thiếu tự tin. Và quá tự tin. Trong khi nền tảng của sự tự tin đó chỉ là những lời nói. Vỡ mộng về bản thân, thực ra mình không giỏi như thế, thực ra mình không đẹp như thế…

Và hành trình đi tìm chính mình, đôi khi lại là hành trình giẫm chân lên những sai lầm nối tiếp. Phải đến khi gặp một cú sốc thực sự, họ mới dừng lại để về đúng với bản thân mình. Khi ấy, những chuyến bay ảo tưởng mới thực sự chấm dứt!

Những cô gái như Thủy Top, những chàng trai mới lớn như Chan Than San đang cố gắng để xuất hiện như một người nổi tiếng, là những biểu tượng thời trang. Và phía sau họ là những trào lưu có thực của tuổi mới lớn. Thích được nổi tiếng và thích trở thành thần tượng của người khác. Đó chính là dấu hiệu của những bi kịch mà họ, những người vừa bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, chưa (hoặc không) thèm để mắt tới…

Nhân trường hợp Thủy Top, nếu chịu khó lên các trang web, sẽ thấy nhất cử nhất động của cô đều được đưa lên. Vài ngày cô lại có một bộ hình mới. Rõ ràng, cô có sức hút. Nhưng, sự nổi tiếng đó mang lại cho cô điều gì?

Rất có thể, những điều cô nhận được chỉ toàn là tai tiếng. Cô vẫn lên báo để nói một điều duy nhất, rằng những việc cô làm chỉ nhằm khẳng định bản thân. Thủy Top có hoạt động nghệ thuật, nhưng những bộ phim cô tham gia đều chưa trình chiếu và có thể sự xuất hiện của cô chưa chắc đã để lại điều gì ấn tượng.

Nhưng cô đã nổi tiếng từ trước khi xuất hiện trên phim. Nếu như khẳng định bản thân để rất nhiều đàn ông nhòm ngó tới cô vì cô có vòng một lớn hơn người bình thường, thì có gì đó đã biến thành chuyện nhảm nhí, có màu sắc đen tối.

Ở tuổi hai mươi và hành trình vài năm nổi tiếng, họ đã tiêu tốn cuộc sống riêng của mình quá nhanh. Và cái giá phải trả chính là con đường phía sau đầy rẫy những thị phi và họ sẽ rất vất vả để muốn làm một việc gì đó thực sự nghiêm túc. Trừ khi họ thực sự lột xác.

Bắt đầu đi qua giai đoạn thơ trẻ và tiếp cận dần với thế giới người lớn, tuổi học trò thật nhiều mộng đẹp. Ở tuổi ấy, người ta thường nhìn cuộc đời trong trạng thái thăng hoa, nên chỉ cần một vết xước cũng dễ khiến trái tim non trẻ tổn thương trầm trọng.

Khi ấy, có thể sẽ chỉ là một cuộc chán chường ngắn như một giấc ngủ. Nhưng cũng có thể nó là tác nhân của những sai lầm dài kỳ, mà có không ít người phải trả giá bằng cả cuộc đời.

Khi chúng ta không còn niềm tin vào tương lai, chúng ta sẽ ăn gỏi ngày hôm nay bằng những phá phách. Khi chúng ta nghĩ rằng mình còn trẻ và một tay nắm cả thế giới, là khi chúng ta tự cho mình quyền được phạm tội lỗi hồn nhiên. Và mọi bi kịch từ đó mà sinh ra…

Hoài Phố
.
.