Cần một sự chung tay

Thứ Sáu, 30/08/2019, 15:31
Có một điều dễ thấy rằng, hoạt động cho vay nặng lãi, liên quan đến các tổ chức tín dụng đen đã và đang len lỏi rất sâu vào trong nông thôn. 

Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an toàn quốc đã khởi tố 436 vụ, 766 bị can phạm tội liên quan đến tín dụng đen, đòi nợ thuê. Đã khởi tố 214 vụ, 947 bị can liên quan tín dụng đen cho vay nặng lãi. Đây là kết quả từ kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này mà Bộ Công an đã đặt ra.

Trả lời trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến vấn đề này, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ những khó khăn trong công tác đấu tranh triệt phá phòng chống loại hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen. Thậm chí, ngay cả về luật cũng có những rào cản chồng chéo gây khó khăn cho công tác trấn áp, điều tra. Tuy nhiên, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, Bộ Công an vẫn sẽ tiếp tục duy trì khống chế tội phạm tín dụng đen một cách mạnh mẽ, quyết liệt như thời gian qua.


Thời gian gần đây, nhóm cộng sự của tôi làm về mảng tin nóng pháp luật - xã hội khu vực ĐBSCL liên tiếp đưa tin về những việc công an bắt quả tang, bắt giữ các đối tượng hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Điểm chung của những vụ này là các đối tượng hoạt động tín dụng đen cho vay với lãi xuất cao khủng khiếp, thấp nhất cũng khoảng 400%/năm. Có nghĩa là người mượn nợ chỉ trong khoảng một thời gian ngắn đã phải trả lãi vượt quá số tiền gốc. Người mượn nợ bế tắc sẽ càng thêm bế tắc.

Khi con nợ không còn khả năng trả nợ, nhóm cho vay nặng lãi bắt đầu có những thủ đoạn để ép buộc trả, nhẹ nhàng nhất là nhắn tin đe dọa, khủng bố tinh thần bằng cách tạt chất bẩn vào nhà, mua quan tài, vòng hoa để trước cửa,… Và có không ít những trường hợp con nợ bị bắt giữ, hành hạ.

Minh họa trong trang: Ngô Xuân Khôi

Con nợ của tín dụng đen là những ai? Nói chung, đó là những người gặp khó khăn về kinh tế, túng quẩn vì tiền; còn để chi tiết ra thì có lẽ rất nhiều đối tượng, trong đó, không ít những người cần tiền chữa bệnh gấp, cần tiền làm ăn,… Khi không thể mượn ai cũng không thể vay ở các ngân hàng chính thống, trong lúc cùng quẫn, họ trở thành nạn nhân của tín dụng đen.

Liệu họ có biết đến hậu quả khi vướng vào tín dụng đen hay không? Tôi cho rằng đa số là biết rất rõ nhưng như đã nói, đó là cách cuối cùng để giải quyết việc trước mắt nên cứ nhắm mắt đưa chân làm liều. Chứ còn làm sao không biết khi mức phải trả lãi cao khủng khiếp rành rành ra đó.

Nói không ngoa chứ bây giờ, không gì dễ tìm bằng các thông tin mời chào, quảng cáo của các tổ chức tín dụng đen. Nó xuất hiện nhan nhản trên các tuyến đường từ nội thành cho tới nông thôn bằng những tờ rơi được phát đi, bằng những thông tin được dán, treo trên cột điện; nó cũng hiện đầy ra trên các trang mạng. 

Nào là cầm cà vẹt xe được 80% giá trị xe, nào là hỗ trợ tài chính, cho vay không cần thế chấp, giải ngân nhanh trong vòng một nốt nhạc… Nó xuất hiện một cách ngang nhiên, thách thức như thế.

Và với những quảng cáo hấp dẫn, bắt mắt và phổ biến như vậy, bảo sao nhiều người đang cần tiền thấy thế vẫn đâm đầu vào!? Đặc biệt là đối tượng công nhân và sinh viên đang gặp khó. Đây cũng chính là hai đối tượng được cho là rất nhạy cảm với tín dụng đen.

Có thể vì gặp khó khăn đột xuất như con cái ốm đau, cần tiền cho con ăn học, đến ngày phải trả tiền thuê nhà hay về quê giải quyết việc riêng vẫn phải chấp nhận vay dù biết rằng lãi suất rất cao. 

Rồi lãi mẹ đẻ lãi con, người công nhân vốn đã khó khăn lại càng khốn khó bởi nợ nần chồng chất. Họ phải bỏ việc, trốn đi nơi khác. Đã có không ít những trường hợp người công nhân bị hăm dọa, đánh đập, bắt giữ, gia đình tan nát vì tín dụng đen.

Cũng có những trường hợp, các đối tượng của tín dụng đen còn đi lôi kéo, dụ dỗ với những lời có cánh. Những ai nhẹ dạ, hay nói thẳng là ngu ngốc mới tin vào những điều này. Đa số các đối tượng hoạt động tín dụng đen đều là người địa phương khác đến, là những tay anh chị, liên quan đến các băng nhóm tội phạm, giang hồ. Và chính tín dụng đen cũng là mảnh đất dung dưỡng những đối tượng tiền án, tiền sự nay tiếp tục dấn thân vào con đường tội phạm.

Có thể thấy, thủ đoạn của tín dụng đen bây giờ tinh vi hơn rất nhiều, cho vay lãi suất cao chỉ là bản chất còn hình thức thì linh hoạt vô cùng. Chúng có thể núp bóng dưới nhiều dạng “chính thống” khác nhau, đó có thể là doanh nghiệp kinh doanh cho thuê xe ôtô chẳng hạn. Chính vì thế mà vấn đề xử lý loại tội phạm này cũng ngày càng là một thách thức đối với lực lượng Công an.

Thời gian qua, không riêng gì khu vực nào mà trong cả nước, lực lượng Công an đã đấu tranh và triệt phá được rất nhiều tổ chức tín dụng đen, xử lý rất nhiều đối tượng. Đó là một điều đáng mừng bởi qua đó, loại tội phạm này đã phần nào được trấn áp, những hậu quả đáng tiếc đã được ngăn chặn kịp thời.

Song, con số 6 tháng đầu năm 2019, công an đã phá 1.400 đường dây, tổ chức cho vay nặng lãi, có hoạt động liên quan tới tín dụng đen đã cho thấy một thực tế khủng khiếp về tệ nạn này đang hiện diện, hoành hành trong đời sống xã hội hiện nay.

Vì sao mà tín dụng đen lại phát triển nóng đến như vậy? Có phải thời gian qua, cả xã hội đã quá chủ quan với loại tội phạm này không? Nhưng dù là lý do gì thì chắc chắn một trong những lý do then chốt vẫn là xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội. 

Cụ thể, khi khả năng tiếp cận nguồn vốn ở các ngân hàng quá khó khăn thì tín dụng đen trở thành “cứu cánh”, dù tất nhiên, thực tế thì không phải như vậy!

Cho nên đối với tội phạm tín dụng đen, để trấn áp và đẩy lùi được nó thì ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an thì nhất thiết cần có sự tham gia của toàn xã hội; trong đó, chính quyền địa phương và ngân hàng là mấu chốt. 

Vì dẫu công an triệt phá tín dụng đen nhưng nhu cầu tài chính trong xã hội vẫn còn mà ngân hàng thì không có những chính sách hỗ trợ tốt hơn, tín dụng đen vẫn còn đất để quay trở lại. Có cầu ắt có cung là vậy. Thậm chí khi đó, tín dụng đen càng trở nên tinh vi và khó lường hơn.

Đáng mừng là được biết, Ngân hàng Nhà nước cũng đang tích cực, chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành có thẩm quyền để rà soát, chỉnh sửa và bổ sung những quy định về cho vay, xây dựng khuôn khổ pháp lý, góp phần hạn chế tối đa các hệ lụy do hoạt động tín dụng đen gây ra. Và Chính phủ cũng đã có quy định về việc nâng mức vay tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Chính quyền địa phương, nhất là ở nông thôn càng có vai trò quan trọng trong vấn đề đấu tranh chống tín dụng đen. 

Tôi để ý thấy hiện nay có nhiều nơi đã có cách tuyên truyền người dân cảnh giác với các dự án, quy hoạch “ma” rất hay rằng, họ làm hẳn một bảng thông báo to, viết rõ ràng: “Nơi đây hiện chưa có bất cứ dự án, quy hoạch nào…” đặt ở các ngả chính đường thôn. Bản thông báo to đùng đó đập vào mắt người dân đi qua đi lại hằng ngày, ai cũng đọc, cũng hiểu cả.

Hy vọng, tín dụng đen sẽ bị chặn đứng và từng bước bị đẩy lùi ra khỏi đời sống xã hội trong thời gian tới. Để đẩy mạnh làm được việc đó, tất cả phải chung tay!

Hoàng Lãm
.
.