Cảm nhận ở nơi ghi tên lính Mỹ chết trận tại Việt Nam

Thứ Ba, 26/01/2010, 09:39
Năm 2010, cùng với việc kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc: 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 65 năm Ngày thành lập nước và ngành Công an, một sự kiện khác cũng sẽ được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tổ chức trọng thể; đó là lễ kỷ niệm 35 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước...

35 năm kể từ khi cuộc chiến tranh kết thúc, song những nỗi đau đối với cuộc sống và con người Việt Nam vẫn hiển hiện. Hàng triệu nạn nhân nhiễm chất độc da cam ngày ngày vẫn là nhân chứng về sự tàn khốc của cuộc chiến; nhưng tạm khép lại quá khứ, trái tim người Việt Nam rộng mở, nguyện làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới để xây dựng và phát triển đất nước vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Với tư tưởng chủ đạo ấy, 35 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, vượt lên bao thử thách cam go, nhân dân ta đã vươn lên xây dựng đất nước trở thành một quốc gia có uy tín trên trường quốc tế.

Từ một nước mà nhiều người nước ngoài mỗi khi nhắc đến là họ chỉ biết đến cụm từ: "Nghèo đói và chiến tranh"; chúng ta đã được bầu bạn trên thế giới bầu giữ chức Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đảm nhiệm trọng trách ở nhiều tổ chức quốc tế khác.

Đó là Việt Nam, quay sang nước Mỹ, sau 35 chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam, mọi chuyện tưởng an bài, nhưng thật không ngờ, nó vẫn là nỗi đau day dứt của nhiều người dân Mỹ trong thời hiện tại. Đây đó ở nhiều nơi trên đất Mỹ vẫn còn khá nhiều cựu binh từng tham chiến ở chiến trường Việt Nam cũng đang phải vật lộn với những cơn đau, bởi các thương tật còn mang trong người; cuộc sống vô hồn của những người mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha…

Thấu hiểu nỗi đau ấy, trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ, chúng tôi đã tìm đến xem nơi ghi tên binh lính Mỹ chết trận tại Việt Nam. Do địa danh này không nằm trong chương trình của đoàn đại biểu ta nên cánh báo chí chúng tôi đành phải làm cuốc taxi ngoài giờ. Người lái xe taxi bảo chúng tôi rằng, anh đã phục vụ khá nhiều du khách Việt Nam và nước ngoài đến địa danh này. Đó là một khu vực nằm tại một công viên, cách trung tâm thủ đô Washington chừng 25 phút xe hơi. Tại đây có bảng đá granit đen khắc tên 56.000 binh lính Mỹ đã chết trong cuộc chiến tại Việt Nam.

Giờ đây, sau gần 35 năm kết thúc cuộc chiến, có thể coi đây là địa danh thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước Mỹ đến. Theo thời gian, giờ đây địa danh này không đơn thuần là một di tích mà nhiều người coi đó là một địa danh thuộc về thế giới tâm linh. Không ngày nào không có người đến và để lại những kỷ vật mà người ta cho rằng nó liên quan đến linh hồn của người đã mất. Đó là những bao thuốc lá còn nguyên vẹn, những hộp bia chưa khui, một vài cái mũ sắt… Song, nhiều nhất vẫn là những bó hoa tươi, tiếp đó là những bức thư "Bố ơi, con nhớ bố lắm!" hoặc là "Em không thể nào quên được anh".

Tối nào cũng như tối nào, các nhân viên phục vụ lại thu gom tất cả các hiện vật, ghi chép cẩn thận những kỷ vật ấy cùng những địa chỉ tác nhân của nó. Cho tới hôm nay, các vật phẩm ấy đã chứa đầy một nhà kho ở Maryland. Đến đây và được tận mắt chứng kiến dòng người đổ về thăm khu di tích, chúng tôi mới hiểu rằng, cuộc chiến tranh Việt Nam đã lùi về dĩ vãng hơn 3 thập kỷ, nhưng ám ảnh về cuộc chiến vẫn ở trong lòng nước Mỹ và những công dân của họ.

Qua câu chuyện với các nhân viên phục vụ ở đây, chúng tôi được biết: Sự ra đời của địa điểm này liên quan đến Jan Scruggs, một lính Mỹ đã từng tham chiến tại chiến trường Việt Nam. Sau cuộc chiến, nhiều người Mỹ đều cho rằng, đó là một sai lầm và bi kịch đối với nước Mỹ và muốn quên đi. Song với Jan, cuộc chiến tranh ấy đã cướp đi 56 ngàn sinh mạng lính Mỹ, trong đó có rất nhiều người đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt vẫn là nỗi đau và day dứt khôn nguôi. Anh tự thề với chính mình rằng, phải làm một việc gì đó cho những người đã chết trận và cũng là nơi để thân nhân của họ đến cầu nguyện.

Theo lời kể của Jan thì khi từ chiến trường trở về, 30 người bạn cùng đơn vị đã bỏ mạng ở chiến trường Việt Nam, còn bản thân anh thì bị thương nặng. Thời điểm ấy, anh luôn bị giày vò bởi những ám ảnh bi thương mà anh đã từng được chứng kiến. Ám ảnh đó khiến anh mặc cảm đến một tội lỗi. Do vậy, ra khỏi cuộc chiến, trở về My,ä anh quyết định theo học khoa tâm lý và dành thời gian đọc rất nhiều sách phân tích về cảm giác tội lỗi của những người sống sót. Bằng việc làm của mình, anh tự nhủ với người dân Hoa Kỳ rằng, cũng nên có cảm giác tội lỗi như vậy đối với những binh lính đã chết trận tại chiến trường Việt Nam.

Năm 1980, Ban vận động xây dựng khu ghi tên những người lính chết trận ở Việt Nam đã phát động một cuộc thi sáng tác mẫu. Jan Scruggs mong muốn sẽ có một công trình phải thể hiện được tên tuổi của người đã chết, không ngợi ca "danh dự và sự hy sinh", song cũng không ồn ào phê phán. Thật không ngờ là sau lễ phát động, Ban tổ chức đã nhận được 1.421 đồ án thiết kế và cuối cùng Ban giám khảo chọn đồ án thiết kế số 1.026 của một nữ sinh viên người Mỹ gốc Hoa, mới 21 tuổi tên là Mây Ying Lin. Phác thảo của cô nữ sinh này không có nét gì điển hình của chiến tranh, không có tượng người lính, không có các hình ảnh tiêu biểu mà chỉ là hai bức tường dài 80m, màu đen, chụm vào nhau theo hình chữ V hệt như một đôi cánh. Theo đó, tên những người lính chết trận được khắc trên đá granit theo thứ tự thời gian.

Công trình này cho thấy chiến tranh là chết chóc và đau khổ. Mọi chuyện tưởng êm xuôi, nhưng không ngờ ý tưởng trên ở vào thời điểm đó đã làm bùng nổ cuộc tranh cãi ngay trong hàng ngũ cựu chiến binh Hoa Kỳ. Người thì kêu "Tại sao không có quốc kỳ", kẻ lại chê "sao thấp thế", có người lại phán "thiếu tính tượng trưng". Song dư luận chung thì cho đây là "vết thương ảm đạm màu đen của sự nhục nhã".

Tỷ phú Ross Peros, người tài trợ dự án này cuối cùng ngả về phía những người chỉ trích. Để tránh thất bại, Jan Scruggs một lần nữa đã phải nhân nhượng, chấp nhận bổ sung vào bản phác thảo của Ying Lin một số hình ảnh như một nhóm ba người lính cường tráng, gân guốc, đeo băng đạn. Người ta cũng bố trí ba người lính này có cả da trắng, da đen và một người hệ Latino. Ít lâu sau, lại tiếp tục bổ sung một nhóm lính nữ, đó là hình ảnh một cô y tá đang ôm trong lòng một lính bị thương và một vài người khác đang quỳ bên cạnh.

Bên cạnh sự đóng góp lớn lao và trực tiếp của Jan Scruggs, các doanh nghiệp, các hội đoàn trước khi bắt tay vào xây dựng công trình, Ban tổ chức còn nhận được sự đóng góp tiền của từ 275.000 người dân Hoa Kỳ vào việc xây dựng. Tổng số tiền thu được là 8 triệu USD. Công trình khởi công vào tháng 6/1982 và hoàn thành tháng 11 năm đó.

Thật ngạc nhiên là khi hoàn tất các hạng mục công trình đã có 150.000 người đến dự lễ khánh thành. Những người đến dự đông nhất vẫn là các cựu binh đã từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Việt Nam và thân nhân của những người lính đã hy sinh; trong số đó có rất nhiều người lính bị thương tật, họ phải ngồi trên những chiếc xe lăn. Nhiều người ví sự kiện ấy có thể sánh ngang với các cuộc xuống đường phản đối chiến tranh ở Việt Nam của người dân Hoa Kỳ vào những năm ở cuối thập niên 60 và đầu 70.

Cảm kích trước dòng người, dòng tên khắc trên các bức tường và những câu chuyện ghi được ở nơi đây, anh Trường Sinh, phóng viên Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh đã làm một phóng sự ngắn về sự kiện này. Còn tôi, một người có người cha hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, càng thấu hiểu về nỗi đau mất mát của thân nhân những người lính Mỹ đã chết trận tại Việt Nam. Tôi chia sẻ và coi đó như là nỗi đau của chính mình. Ngay đêm đó, tôi đã viết bài thơ:

Tôi đứng lặng giữa công viên lộng gió
Nơi có bức tường thay cho lời ngỏ
Năm vạn sáu con người đã tử trận ở Việt Nam. 

Xin cảm ơn ai
Đã đưa họ về với nơi này
Chia sẻ nỗi đau
Theo dòng lịch sử
Nước Mỹ và cuộc chiến ở Việt Nam
Ba mươi năm đã qua
Công viên đã qua bao mùa thay lá
Bức tường gắn tên những chàng trai chết trận
Thêm những nhành hoa gửi cõi âm trần. 

Vẫn là triệu nỗi bi thương
Cha mẹ mất con
Người vợ mất chồng
Những đứa trẻ chờ cha
Nhưng tất cả họ đi xa
Chỉ có bức tường khắc tên hàng người không xa lạ
Những linh hồn gắn trong vách đá
Nói hộ bây giờ, hãy chấm dứt chiến tranh. 

Tôi tới đây
Cùng dòng người đến viếng
Đọc từng tên gợi cảm xúc thiêng liêng
Đi dọc thời gian tạm lùi về quá khứ. 

Chiến tranh tưởng đâu khép lại
Vẫn cuộn trào, sâu thẳm tận tâm can
Ẩn hiện
Trong lòng nước Mỹ

.
.