Cái sai được ủ mầm

Thứ Hai, 30/09/2019, 09:37
Qua hàng loạt vụ việc sai phạm tại các địa phương bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương hay Thanh tra Chính phủ chỉ mặt điểm tên, dẫu chưa phải là hiện tượng nhưng manh nha đã thấy hiện hữu một vấn đề hết sức nghiêm trọng.


Đó chính là cái sai đã không được ngăn chặn từ lúc manh nha, thay vào đó cái sai lại được hợp thức cho đúng quy trình để rồi khi bị phát hiện, cái sai mỏng mảnh ban đầu đã trở thành cái sai "đại thụ".

Những cái sai kéo dài 5 năm, 10 năm... Kéo dài qua mấy đời lãnh đạo địa phương để rồi khi cái sai bị phát hiện phanh phui, hậu quả để lại vô cùng nặng nề, từ kinh tế cho đến niềm tin của nhân dân.

Sửa sai cùng ngăn chặn cái sai

Công cuộc chấn chỉnh Đảng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khởi xướng vẫn đang minh chứng cụ thể bằng những hành động, vụ việc cụ thể. Không vùng cấm, không nể nang cá nhân, không phẩm hàm nào đủ cao để bao che cho sai phạm..

Song song với những đại án liên quan đến cán bộ quan chức đã có kết luận điều tra hoặc đang trong giai đoạn điều tra, Đảng cũng không ngừng có những biện pháp để giám sát quyền lực nhằm chống tham nhũng, ngăn chặn cơ hội để cá nhân giữ vị trí thực hiện sai phạm... đúng theo tinh thần của Tổng Bí thư, Chủ Tịch nước.

Minh họa của Ngô Xuân Khôi

1. Thanh tra TP. HCM vừa có kết luận gửi Thanh tra Chính phủ cùng kiến nghị Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. HCM chuyển hồ sơ làm rõ các sai phạm tại Tổng Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, trực thuộc UBND TP. HCM) từ năm 2015 khiến UBND TP. HCM có nguy cơ mất quyền chi phối Cảng Khu công nghiệp Cát Lái. Cảng Cát Lái là cảng nước sâu hết sức quan trọng của quốc gia, chứ không chỉ riêng của TP. HCM.

Cũng như cảng Quy Nhơn (Bình Định), những lòng vòng đầy khuất tất khi chuyển nhượng cổ phần đã được các cá nhân đảm nhiệm nhiệm vụ "thực thi tốt đến mức" gần như cảng của địa phương lọt vào tay tư nhân. Với số cổ phần còn lại ít ỏi, địa phương hoàn toàn không còn quyền tự quyết đối với các vấn đề quan trọng liên quan đến cảng.

Những lấn cấn không thể tưởng tượng ra khi đọc các kết luận xung quanh sai phạm của một vài lãnh đạo địa phương còn hiện hữu rõ hơn khi mà UBND TP. Đà Nẵng cũng đang trong tình huống tiến thoái lưỡng nan trong việc mua lại sân vận động Chi Lăng. Câu chuyện về sân vận động Chi Lăng thật sự khó hiểu, khó hiểu đến độ không khác mấy câu chuyện xẻ thịt bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) xây biệt thự bất chấp những tiềm ẩn về an ninh quốc phòng.

Tóm tắt ngắn gọn, áng trong năm 2010-2011, chính quyền Đà Nẵng chuyển nhượng sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh với giá trị khoảng 1.400 tỷ đồng. Nhận được sân vận động, Phạm Công Danh xé nhỏ sân vận động Chi Lăng thành 14 lô đất để kinh doanh. Mặc dù không phù hợp với quy hoạch, nhưng UBND TP Đà Nẵng vẫn cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho 14 lô đất này. Sau đó, Phạm Công Danh mang chứng nhận quyền sử dụng đất này để thế chấp ngân hàng. Phạm Công Danh bị bắt, dự án sân vận động Chi Lăng phơi bày nhiều sai phạm.

Hay như những sai phạm tại Đồng Nai, kéo dài từ trưởng đoàn đại biểu Quốc hội này vắt qua trưởng đoàn đại biểu Quốc hội kia. Một địa phương có đến hai trưởng đoàn đại biểu Quốc hội bị Thường vụ Quốc hội miễn nhiệm thì hẳn nhiên không phải là chuyện từ trên trời rơi xuống hoặc bất ngờ, mà đó chính là cái sai được dung dưỡng quá lâu.

2. Tôi tin rằng chúng ta không bao giờ sợ hãi với cái xấu, với cái sai.. Nhưng, cái đáng sợ hãi nhất vẫn là sự im lặng trước cái sai, cái xấu.

Mấy tuần trước, tôi có đọc rất kỹ thông tin về buổi tiếp xúc cử tri của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Võ Văn Thưởng. Một buổi tiếp xúc mà tôi nghĩ rằng rất xúc động, rất đúng đắn, rất đáng hoan nghênh. Đó là buổi tiếp xúc cử tri có nhắc nhiều đến dự án đang được triển khai tại Long Hưng.

 “Có những vấn đề lớn liên quan đến hàng ngàn hộ dân đã kéo dài nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ, qua nhiều lần thanh tra, tiếp xúc đối thoại nhưng vẫn chưa giải quyết được kết quả cuối cùng. Ví dụ như dự án Long Hưng, dự án Sơn Tiên. Vấn đề tố cáo liên quan đến lãnh đạo thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Riêng chuyện Long Hưng, tôi đã gặp Tổng Thanh tra Chính phủ hai lần, gặp phó thủ tướng thường trực hai lần phụ trách việc này”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nói với cử tri như vậy. 

Thậm chí, ông Võ Văn Thưởng còn phê bình lãnh đạo chính quyền thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) vì mãi cho đến thời điểm này vẫn chưa xuống đối thoại với dân, nắm tình hình thực tiễn mà chỉ ngồi phòng lạnh nghe báo cáo, bất chấp bức xúc trong nhân dân đã kéo dài nhiều năm.

Một đại biểu Quốc hội rất ấn tượng, trong lúc có vẻ như nhiều đại biểu Quốc hội khác chỉ nói chuyện địa phương khác mà lờ chuyện địa phương mình, vụ việc Thủ Thiêm (TP. HCM) là ví dụ điển hình.

3. Giám sát, kiểm soát... quyền lực là điều mà lãnh đạo Trung ương hay nhắc đến, biểu thị cho một sự quyết tâm cao độ.

Tuy nhiên, nếu như đây chỉ là quyết tâm của mỗi lãnh đạo Trung ương thì rất khó. Quan thì xa, bản nha thì gần, nên nếu địa phương luôn che chắn vì cả nể nhau, vì sợ vị trí của người sai phạm hoặc nhóm lợi ích hình thành, thì e rằng những giám sát kiểm sát sẽ không thể nào đi vào thực tế.

Trung ương đã chuyển động mạnh mẽ, thì cũng đã đến lúc Trung ương có các biện pháp yêu cầu địa phương phải tiến lên. Nếu không tiến lên cùng Trung ương thì sẽ phải chịu những hình thức xử lý tương xứng.

Có như vậy thì mới mong nhanh đến thời điểm, Trung ương với địa phương một lòng, hạt mầm sai trái không còn những mảnh đất màu mỡ để vươn lên thành điều nguy hại cho quốc gia. 

(Ngô Nguyệt Lãng)

Sai phạm bắt đầu từ đâu

Trả lời câu hỏi này dễ nhưng thực lại khó vô ngần. Sai phạm, lỗi lầm là những thứ ở đời bất kỳ ai cũng từng vướng phải, chỉ khác nhau ở mức độ và động cơ mà thôi. 

Và dễ trả lời nhất là khi chúng ta nói về sai phạm của con trẻ, ví như khi đứa bé nghịch ngợm làm hỏng hóc một thứ vật dụng gia đình nào đó chẳng hạn. Lúc ấy, chúng ta có thể nói rằng đứa trẻ ấy còn thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm, thậm chí là chưa đầy ý thức hoặc đơn giản hơn là hiếu động. 

Những nguyên nhân của sai phạm nhỏ nhặt kiểu này thật ra quá nhiều và có những sai phạm chỉ là vô ý chứ không phải cố tình. Cũng chính từ những sai phạm nhỏ nhặt ấy mà đứa trẻ thu thập kinh nghiệm sống để lớn lên, để không lặp lại sai phạm thêm lần nữa.

Nhưng nếu đó là câu hỏi dành cho người trưởng thành thì sao? Câu trả lời sẽ khác một trời một vực. Khi một lãnh đạo của một địa phương, một tổ chức nào đó mắc phải sai lầm chẳng hạn, câu hỏi “sai phạm ấy bắt nguồn từ đâu?” là một câu hỏi khó trả lời. Đồng ý là vẫn có những trường hợp (hiếm thôi), sai phạm bắt nguồn từ sự ngu dốt. 

Ví dụ như một người thất học nào đó bị kẻ xấu lợi dụng thuê làm giám đốc một công ty chuyên lừa đảo khách hàng chẳng hạn. Đúng là họ tham vài đồng tiền công rẻ mạt thật nhưng thực chất sai phạm họ (vô tình) vướng vào xuất phát từ sự ngu dốt, thiếu kiến thức cơ bản, vốn sống cơ bản. Kể cả là họ có tin người quá đáng đi nữa thì đó cũng là một niềm tin xuất phát từ sự yếu kém về tư duy, trí tuệ, nhận thức. 

Song, như đã nói ở trên, trường hợp này không phải quá phổ biến trong số những sai phạm vẫn được phát giác trong đời sống hàng ngày. Và đặc biệt, có những cá nhân nắm giữ những cương vị lãnh đạo quan trọng ở các địa phương, các tổ chức khi bị phát hiện sai phạm, bị xử lý kỷ luật, bị xét xử trước pháp luật, nhiều người vẫn nhận thấy rằng thực tế họ khôn ngoan, thậm chí thông minh, giỏi giang hơn người bình thường rất nhiều. 

Và nói thẳng ra, không có một khả năng, kỹ năng đặc biệt nào đó, thật sự không thể được nắm giữ cương vị của người quản lý. Bởi vậy, không thể nói sai phạm bắt nguồn từ sự yếu kém như kiểu chúng ta vẫn dành cho những người chưa trưởng thành được.

Vậy thì thực sự sai phạm bắt nguồn từ đâu? Và cũng cần phải hỏi thêm là có một nguyên nhân lớn, chủ đạo và chung nhất cho các sai phạm hay không, nhất là khi gần đây có quá nhiều lãnh đạo địa phương bị xử lý kỷ luật vì sai phạm, từ Đồng Nai tới Đà Nẵng, từ Khánh Hoà tới TPHCM, từ Bắc cho tới miền Trung, miền Nam…

Nếu tiếp tục lặp lại với những nguyên nhân cũ rích là tha hoá, là tham lam, là thiếu tinh thần trách nhiệm, là thiếu tập trung dân chủ… chúng ta rồi sẽ ngáp dài chán ngán mà thôi. Chính bản thân chúng ta khi chỉ suy xét nguyên nhân sai phạm một cách chung chung với chủ thể sai phạm là gốc tọa độ, bản thân chúng ta đã phạm vào một sai lầm rất lớn. 

Và theo quan điểm riêng của cá nhân, sai phạm ở cấp quản lý của nhiều địa phương như vậy dứt khoát đến từ những nguyên nhân chính là: lộng quyền để tạo nhóm lợi ích và bảo kê, bao che cho nhóm lợi ích; có sự bưng bít thông tin một cách có chủ đích và hệ thống để qua mắt trung ương và cuối cùng chính là ở tất cả các cấp đang thực sự thiếu vắng công cụ giám sát xã hội, giám sát dân sự với tiếng nói đủ mạnh để chính các cấp lãnh đạo địa phương phải biết sợ.

Xin hãy ví dụ bằng vụ việc ầm ĩ nhất, sôi nổi nhất gần đây là vụ địa ốc Alibaba. Thực tế, Alibaba đã tồn tại vài năm nay, với cách hoạt động trống rong cờ mở như Sơn đông mãi võ chứ không phải im lìm, kín đáo để qua mắt cơ quan chức năng. 

Và thứ mà Alibaba rao bán là đất đai, những tài sản vật thể có quy mô, diện tích lớn chứ không phải là những gì không ai nhìn thấy, không ai có thể “bắt tận tay, day tận trán”. Vậy thì lý do nào lại tồn tại một sự thờ ơ đến khó hiểu suốt ngần ấy năm, bất chấp Alibaba hoạt động rầm rộ ở nhiều tỉnh thành chứ không chỉ ở 1 địa phương duy nhất. 

Một bộ máy chính quyền của một địa phương có thể bỏ sót do thiếu để ý, chú ý chứ không thể nào cả mấy tỉnh, thành giáp ranh nhau lại cùng mắc vào chung “một điểm mờ quan sát”? 

Và thực sự, đằng sau những lời hứa hẹn có cánh của Alibaba với nạn nhân của họ như “trong tương lai sẽ được chuyển đổi thành đất thổ cư, có cấp sổ đỏ đàng hoàng” liệu rằng có một vài lời hứa có trọng lượng nào không? Nếu thật sự có tồn tại những lời hứa của những người có thẩm quyền để Alibaba có cơ sở hơn trong việc mở rộng “thị trường tác hại” của họ thì chúng ta có quyền gọi đó là sự bao che.

Và thực tế, chúng ta thừa hiểu rằng những vụ việc tương tự như Alibaba luôn vẫn có những người bị hại đâm đơn kiện lên chính quyền, nhờ chính quyền can thiệp. Nhưng cũng trong những sự vụ đó, chuyện kéo dài câu trả lời thỏa đáng cho người bị hại vẫn đâu đó tồn tại để dẫn đến việc chính thủ phạm nhiều khi còn thách thức ngược lại nạn nhân. 

Nếu có tồn tại những ung nhọt như vậy, phải chăng có sự lộng hành thực sự của những quan chức tha hoá, những người coi lĩnh vực mình đang quản lý và chịu trách nhiệm chính là một vương quốc riêng bất khả xâm phạm và mình chính là ông vua con ở đó? 

Và việc Trung ương đang xử lý hàng loạt sai phạm ở Đồng Nai gần đây cũng chính là đòn tấn công vào một thành trì lộng hành như thế. Thực tế, trong cộng đồng, người dân vẫn rỉ tai nhau về những “ông Trời” ở Đồng Nai từ nhiều năm nay rồi.

Những ví dụ thực tế ngày càng cho thấy để bảo toàn thế lực địa phương, thế lực cơ sở, chuyện bưng bít thông tin để đánh lừa Trung ương cũng không phải là chuyện hiếm. Những bưng bít ấy, nhiều khi được trá ngụy bằng cách xử lý cho có như kiểu phủi bụi ở cấp cơ sở, là để tìm mọi cách ngăn Trung ương không vào cuộc. Chỉ đến khi Thanh tra chính phủ, Ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc và đưa ra kết luận, những sự thật kinh hoàng mới được hé lộ và dẫn đến những xử lý ở cả những cấp cao nhất của địa phương, cơ sở.

Và cuối cùng là sự thiếu vắng của một cơ chế giám sát xã hội, giám sát dân sự đủ mạnh. Chúng ta nói về thiếu tập trung dân chủ trong mọi sai phạm. Chúng ta khuyến khích tinh thần phê bình, đấu tranh trong quần chúng nhưng thực tế, tiếng nói của quần chúng rất khó có thể đến được tới cấp có thẩm quyền, kể cả khi công nghệ đã cho phép người dân tham gia phản biện nhiều hơn. 

Song, kể cả là tiếng nói phản biện có đến được tới cấp cần đến đi chăng nữa, nó cũng chỉ là một phần rất nhỏ bởi đa số người dân chỉ có dữ liệu kiểu “hiện tượng bề ngoài”. Không có công cụ, phương tiện để giám sát một cách thực tế nhất, minh bạch nhất, người dân không đủ những dữ kiện đủ có thể tạo ra địa chấn kiểu “một tiếng nói đủ đánh đổ một ghế quyền lực tham nhũng”. 

Đó là còn chưa kể trong cơ chế khiếu nại các cấp hiện nay, đơn thư của người dân dù gửi đến đâu đi nữa cũng thường bị đưa về cấp hành chính thấp nhất để xử lý ở lần đầu khiếu kiện. Và đó chính  là cơ hội để tiêu diệt sự phản ảnh, tiêu diệt khả năng giám sát xã hội khi chính cấp sai phạm được biết ai đang khiếu nại mình và từ đó dễ bề bưng bít thông tin.

Vậy thì liệu bây giờ, để trả lời câu hỏi “sai phạm bắt nguồn từ đâu?”, chúng ta đã đủ đáp án hay chưa? 

(Hà Quang Minh)

Vị trí và sự lộng quyền

Khi cán bộ có chức quyền lạm dụng quyền lực mà tập thể cấp ủy, thường vụ ở đó lại thiếu sức chiến đấu thì chắc chắn sự dân chủ sẽ bị lợi dụng, nếu không nói là bị vô hiệu hóa hoàn toàn… Ở xã hội phong kiến, quyền lực của vua luôn được biết đến là tuyệt đối, kiểu “vua bảo chết, thần không thể không chết”. Nhưng không hoàn toàn như vậy, thực tế là nhà vua không phải muốn làm gì thì làm mà quyền lực bị giới hạn.

Khi vua Tự Đức băng hà, người kế vị là Dục Đức được cho là đã tự ý sửa chữa di chúc của vua cha nên hoàng tộc đã họp lại và quyết định nhà vua phải chết. Hay ở triều Tự Đức, ngay cả khi vua muốn cải cách cũng phải tham khảo ý kiến của quan các tỉnh, quan trong triều và xã hội thời đó. Nói theo ngôn từ bây giờ là rất tập trung dân chủ.

Minh họa của Ngô Xuân Khôi

Nhưng thật oái oăm thay là ở ngay cái thời “thiên hạ của vua” mà nhà vua còn bị giới hạn quyền lực thì bây giờ vô số lãnh đạo địa phương lại lộng quyền, ngang ngược, coi mình hơn cả vua của một cõi.

Một trong những nhân vật “nổi cộm” gần đây nhất bị Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật chính là ông Hồ Văn Năm. Ông này vừa bị kỷ luật cách chức ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy và Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai. Và tất nhiên, mất tư cách đại biểu Quốc hội.

Qua kết luận của Ban Bí thư về sai phạm của ông Hồ Văn Năm, cũng như thông tin trên báo chí, người ta không khỏi giật mình ngỡ ngàng về độ lộng hành của ông này ở Đồng Nai khi còn đương nhiệm qua các chức vụ. 

Cụ thể, ông Năm đã can thiệp trái quy định vào hoạt động điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án lớn tại Đồng Nai. Đó là những vụ liên quan đến vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhận hối lộ,… Có khá nhiều vụ án có dính líu đến ông Năm từ thời ông còn làm Phó viện trưởng cho đến Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đồng Nai rồi trưởng Ban Nội chính và Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

Với những vụ án trên, ông Năm đã thể hiện sự lộng quyền của mình khi can thiệp bằng những bút phê “đồng ý” đình chỉ vụ án hay đình chỉ điều tra bị can một cách khó hiểu trong khi tất cả đều có đầy đủ cơ sở để tiến hành các tố tụng. Nói một cách dễ hiểu rằng, với quyền lực của mình, ông Hồ Văn Năm gần như đã biến những bị can trở thành vô tội hoặc tội nhẹ hơn, từ phạm tội hình sự thành vi phạm hành chính!

Điển hình, một trong số những vụ án dây dưa, kéo dài nhiều năm khiến các cơ quan tố tụng mất thời gian đó là vụ án “vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” xảy ra tại Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa, phường Long Bình, TP Biên Hòa.

Qua điều tra, tháng 5-2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Biên Hòa đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Đình Xướng (giám đốc Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa), Tống Thanh Đa (nguyên chủ tịch UBND phường Long Bình) và Nguyễn Hoàng Hải (tổ trưởng tổ trật tự đô thị P.Long Bình) về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Lý do là qua điều tra bốn lần và định giá tài sản, Công an TP.Biên Hòa kết luận có cơ sở khẳng định những cán bộ này đã buông lỏng quản lý và phải chịu trách nhiệm hình sự khi để xảy ra xây dựng trái phép 119 nhà xưởng trên gần 2ha đất trồng rừng trị giá hơn 28,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, Viện KSND TP. Biên Hòa từ chối phê chuẩn quyết định khởi tố bị can.

Sau đó, Ban Thường vụ Thành ủy Biên Hòa đã “ra tay” bằng một văn bản xin ý kiến Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai sẽ tạm đình chỉ điều tra và phục hồi điều tra theo luật định. Khi đó, ông Hồ Văn Năm đã hạ bút phê “đồng ý”.

Sau đó, ông Năm với tư cách Trưởng ban Nội chính cũng đã có văn bản cho rằng thời hạn điều tra đã hết và đề nghị Cơ quan điều tra Công an Biên Hòa đình chỉ vụ án theo thẩm quyền và đề nghị xử lý... hành chính, đồng thời chuyển công tác đối với bị can Trần Đình Xướng (theo Báo Tuổi trẻ).

Rồi trong một vụ án “Cố ý gây thương tích” và “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra trên địa bàn TP Biên Hòa, ông Hồ Văn Năm đã bút phê “đồng ý” vào văn bản của Ban Thường vụ Thành ủy Biên Hòa về việc đề nghị cơ quan điều tra “miễn trách nhiệm hình sự và đình chỉ điều tra” đối với 1 bị can trong 6 bị can cùng nhóm trong vụ án trên. Không biết đối tượng là ai mà bỗng nhiên được ông Năm, Thành ủy Biên Hòa ưu ái như vậy ?!

Phải dùng từ là “thật kinh hoàng” để nói về vụ án lộng hành quyền lực liên quan đến ông Hồ Văn Năm. Nhưng, hiện nay không chỉ có “ông Năm” ở Đồng Nai mà một số địa phương khác cũng có những “ông Năm” lộng quyền như vậy. 

Những vi phạm xảy ra tại các tỉnh ủy, thành ủy Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai hay Đà Nẵng... đều mang màu sắc của sự lộng quyền của cán bộ lãnh đạo trong đó. 

Như Đà Nẵng, khó ai có thể ngờ rằng, những người đứng đầu chính quyền một thành phố trực thuộc Trung ương như Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến lại là những cá nhân vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Và điều đáng nói hơn là một người cố ý làm trái kỷ cương phép nước như Trần Văn Minh lại có thể chui sâu và leo cao hơn vào bộ máy chính quyền.

Về mặt lý thuyết, cơ quan nào cũng có thanh tra, giám sát. Đảng cũng có ủy ban kiểm tra của Đảng. Có nghĩa là cách thức tổ chức hệ thống của chúng ta rất chặt chẽ, rất khó để một ông quan nào đó lộng quyền, làm điều sai trái, giả dối. 

Nhưng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói rằng, lâu nay nhiều nơi cứ nói là thực hiện dân chủ nhưng thực chất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở đó vẫn mượn danh hoặc nhân danh tập thể để hợp thức hóa những quyết định, ý chí chủ quan của cá nhân mình. Điều Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói, chúng ta dễ dàng thấy ở trường hợp vụ án lộng quyền của ông Hồ Văn Năm.

Song, khi cán bộ có chức quyền lạm dụng quyền lực, mượn dân chủ để áp đặt ý kiến của mình thì tập thể cấp ủy, thường vụ ở đó lại thiếu sức chiến đấu; họ ngại đụng chạm nên không dám làm khác ý kiến được chỉ đạo, không dám tố giác cái sai và từ đó làm cho dân chủ bị lợi dụng, nếu không nói là bị vô hiệu hóa hoàn toàn.

Phải khẳng định rằng, nếu như tập thể trong một tổ chức không phát huy được vai trò lãnh đạo, mà người đứng đầu lại cũng không có tinh thần nêu gương thì những vi phạm xảy ra là điều khó tránh khỏi. Và chúng ta rõ ràng không thiếu quy chế làm việc, nhưng quy chế dù có xây dựng hoàn hảo đến mấy, mà không được quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc thì vô nghĩa!

Có thể nói, chưa bao giờ cuộc chiến chống tham nhũng, chống lộng hành quyền lực trở nên quyết liệt, cao độ như vậy. Những vụ án tham nhũng lớn ở các địa phương, bộ ngành lần lượt được phanh phui, những “ông vua địa phương” lộng hành quyền lực ở các nơi cũng đã lần lượt bị xử lý. Tất cả đã thực sự khiến nhân dân cả nước cảm thấy phấn khởi và càng thêm tin tưởng vào đại cuộc. 

(Hoàng Lãm)

Ngô Nguyệt Lãng - Hà Quang Minh - Hoàng Lãm
.
.