Ca sỹ Đức Tuấn và Minh Thuận: Trong bát nháo, có nhiều lựa chọn!

Thứ Sáu, 20/08/2010, 15:10
Hai ca sỹ này lăn lộn với thị trường nhiều năm và đã rút cho mình nhiều bài học kinh nghiệm. Tham gia chấm Vietnam Idol 2010 (chương trình sẽ phát sóng số đầu tiên vào 21h ngày 21/6 trên kênh VTV6, Đài truyền hình Việt Nam), những nhận định của họ với tư cách người - trong - cuộc, như một sự chia sẻ cụ thể về thị hiếu âm nhạc cũng như phong trào ca hát của giới trẻ, ở thời điểm hiện tại.

- Có thể nói rằng, vòng loại Vietnam Idol 2010 là một cuộc "điều tra thực tế" một cách sinh động nhất về thị hiếu âm nhạc của giới trẻ. Từ góc nhìn của người tuyển trạch trực tiếp, các anh có thể chia sẻ góc nhìn về thị hiếu của các thí sinh Idol?

Đức Tuấn (Đ.T): Các bạn có cố gắng cập nhật các ca khúc mới, cố gắng tiếp cận cái được gọi là xu hướng âm nhạc mới mà các bạn nghĩ sẽ mang đến thành công cho mình.

Minh Thuận (M.T): Rất đa dạng. Hầu như không thiếu một thể loại âm nhạc nào, kể cả cải lương.

- Với vài chục ngàn người dự thi thì việc trùng lặp ca khúc dự thi là đương nhiên. Nhưng có những ca khúc được lặp lại rất nhiều lần và chưa hẳn đó đã là những ca khúc hay. Điều này có làm anh ngạc nhiên?

Ca sỹ Minh Thuận.

Đ.T: Khái niệm ca khúc hay là tương đối, đôi khi các ca khúc hay lại không phù hợp với các cuộc thi khi các bạn có quá ít thời gian để thể hiện mình. Một số ca khúc được sử dụng nhiều vì với một vài lý do nào đó nó đang phổ biến và lại có đất để gây ấn tượng (theo suy nghĩ của thí sinh) nên không có gì ngạc nhiên và cũng cho thấy sự tính toán của các thí sinh khi đến với cuộc thi.

M.T: Tôi không ngạc nhiên lắm. Tôi nghĩ ca khúc hay hoặc không là do mình thích hay không thôi. Và thí sinh thể hiện những bài họ yêu thích. Tôi chỉ ngạc nhiên với việc họ thích nhưng giọng hát của họ lại chẳng ăn nhập gì với bài hát đó.

- Theo anh đâu là điểm chung của các thí sinh dự thi Vietnam Idol (bên ngoài chuyện đam mê, mơ ước và lý do dự thi… cho vui)?

Đ.T: Đó chính là sự hồn nhiên.

M.T: Là sự khám phá chính bản thân họ.

- Có sự khác biệt nào giữa các thí sinh của ba miền trong việc chọn lựa ca khúc?

Đ.T: Không trả lời!

M.T: Tương đối nhiều, thí sinh khu vực phía Bắc ảnh hưởng khá nặng chương trình "Bài hát Việt". Thí sinh khu vực miền Trung thì một nửa thích dòng dân gian đương đại, một nửa thích nhạc thị trường. Miền Tây thì đa số thích nhạc thị trường. Còn ở TP HCM thì đích thị là một nồi lẩu thập cẩm.

- Nhìn từ khu vực TP HCM, khu vực được coi là sôi động nhất của thị trường âm nhạc và sự đa dạng của thí sinh dự thi Vietnam Idol năm nay, có ý kiến cho rằng quá nhiều thí sinh dở và thị hiếu âm nhạc nghèo nàn. Có phải như vậy không?

Đ.T: Đã đông thì sự chênh lệch về trình độ là không tránh khỏi, càng đông thì cái không hay càng nhiều cũng không có gì đáng phàn nàn. Nhin chung số lượng càng đông thì việc phản ánh thị hiếu âm nhạc chung của xã hội càng chính xác. Khoan hãy đề cập đến chuyện có nghèo nàn hay không nhưng thấy một tín hiệu đáng mừng là đời sống âm nhạc ngày càng sôi động và sự tự tin ở thanh niên ngày càng cao.

M.T: Thí sinh tại Sài Gòn tôi nghĩ 80% là người ở những nơi khác đến. Lực lượng thì quá hùng hậu, thể loại âm nhạc lựa chọn thì phong phú. Nhưng nói thành thật thì cá tính và thẩm mỹ âm nhạc thì không bằng thí sinh miền Bắc và miền Trung.

- Từ thực tế này, có thể đưa ra một nhận định rằng, dường như thẩm mỹ âm nhạc của một bộ phận giới trẻ đang gặp… khủng hoảng? Rằng họ bị chính các ca sỹ đi trước dẫn dắt bằng quá nhiều thứ hỗn tạp được mệnh danh là "âm nhạc phục vụ khán giả"?

Đ.T: Âm nhạc để phục vụ khán giả thì không có gì là sai hay đúng. Thẩm mỹ âm nhạc hiện nay đang phát triển đa dạng chứ không khủng hoảng chút nào. Nhiều thì thấy bát nháo nhưng lại có nhiều lựa chọn, và đó là điều tích cực chứ không tiêu cực. Tôi muốn nói thêm một chút, là phía sau sự bát nháo mà chúng ta thường nhìn thấy vẫn có những dòng chính được tôn vinh và thẩm mỹ âm nhạc của một bộ phận giới trẻ đã được nâng cao. Vì chúng ta có nhiều lựa chọn, nên việc phân dòng cũng dễ dàng hơn.

M.T: Chính xác!

- Khi theo dõi vòng sơ tuyển của Vietnam Idol, tôi cảm thấy bất ngờ vì có rất nhiều thí sinh nam nhưng hát và nhảy múa y hệt những nữ ca sỹ đang nổi tiếng, với chính những bài "hit" của họ. Và tôi nghĩ rằng, các thí sinh này rất tự tin với sự "điêu luyện" ấy của mình. Thành thật mà nói, tôi thấy hình như có sự lệch lạc?

Đ.T: Nhảy múa rất cần trong biểu diễn chuyên nghiệp, việc nhảy múa thế nào dành cho nam thế nào dành cho nữ khó phân định lắm. Việc thể hiện sở trường của bản thân một cách thoải mái tự tin là điều cực kỳ cần thiết nhất là đối với cuộc thi này. Cứ để các bạn thể hiện hết mình. Khán giả sẽ là người lựa chọn chính xác hơn.

M.T: Tôi theo dõi, thì thực ra cũng chỉ khoảng vài chục thí sinh có xu hướng bắt chước giống… Hồ Ngọc Hà hoặc ai đó thôi. So với số lượng hơn vài chục ngàn thí sinh của cả nước thì cũng không phải đã là xu hướng.

Điều này có thể nói là một tất yếu của sự đa dạng trong một cuộc thi đại chúng thế này. Cuộc thi tạo cho họ cái quyền tự tin để thể hiện cái mà họ thích và nghĩ rằng nó hấp dẫn. Nhưng điều quan trọng là những gì họ thể hiện có đạt chuẩn để thuyết phục ban giám khảo hay không, lại là chuyện khác

PV thực hiện
.
.