Người Việt trẻ:

Ca sỹ Đức Tuấn: Ngây thơ hay ngông cuồng

Thứ Năm, 21/01/2010, 10:52
Đức Tuấn không phải kẻ ngây thơ trong thị trường âm nhạc. Cái ngây thơ, có lẽ, anh có niềm tin rằng, nếu mình có động lực, có đam mê, có sức sáng tạo thì con đường mình đi sẽ dẫn đến thành công. Cái ngây thơ đơn sơ của nghệ sỹ. Nhưng anh quên mất rằng, với một điều kiện còn nhiều thiếu hụt cho việc một nghệ sỹ "mơ cao ra thế giới" như ở Việt Nam, thì niềm tin ấy đôi khi lại rơi vào hoang tưởng và bị cho là quá ngông cuồng.

Sau một dự án âm nhạc, người ta sẽ có nhiều cách đánh giá về một nghệ sỹ. Với một nền văn nghệ, tiếng khen từ công nghệ PR nhiều hơn những lời khen chân thành, tiếng chê từ những đố kỵ nhiều hơn sự phân tích và chia sẻ như tình trạng hiện nay ở Việt Nam, thì rất khó để biết đâu thực, đâu ảo. Nhưng với ca sỹ Đức Tuấn, nhiều người ghi nhận, sau "Music of the night", đêm nhạc với những trích đoạn opera, hát bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp, Italia… anh đã khơi mở ra một hướng đi mới trong những ca sỹ trẻ, đó là tìm đến những giá trị đã được khẳng định của âm nhạc thính phòng cổ điển và tìm đường đến với khán giả ngoài biên giới.

Dự án album và live concert "Music of the night" của Đức Tuấn từng là ước mơ của chính anh. Theo đuổi từ nhiều năm trước, nhưng quá khó để làm được một điều gì ra tấm ra món với dòng nhạc này và cũng quá đắt đỏ với một chương trình ca nhạc trong thời điểm mà bất cứ ngôi sao nào tổ chức liveshow cũng chỉ để… chiều fans chứ không hy vọng có lãi. Bỏ ra một khoản tiền khổng lồ, mời diva Geneviève Charest của Canada và mời nhạc trưởng Paul Bateman qua thực hiện chương trình, có thể một phần vì muốn tạo nên sức nặng của chương trình, nhưng phần khác đó là những hoạt động cần thiết, nhằm tạo cho mình cơ hội cọ sát với cách làm việc của các nghệ sỹ quốc tế.

Một bài học đắt tiền, nhưng không phải là phí phạm. Thêm vào đó, album "Music of the night" của anh sẽ được phát hành trên hệ thống phát hành đĩa nhạc thương mại chuyên nghiệp của Canada. Hiện tại, sau thành công của live concert tại Nhà hát lớn TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 11/2009, anh đang bắt tay cùng Paul Bateman chọn bài hát và soạn hòa âm cho album mới. Lần đầu tiên, anh sẽ hát và thu âm cùng dàn nhạc giao thưởng Praha. Một tham vọng mới, đó là chinh phục khán giả nước ngoài, những người đã đủ sự trải nghiệm cùng âm nhạc thính phòng, đồng thời đang muốn tìm kiếm những mới lạ đến từ những nghệ sỹ gốc Á.

Đức Tuấn không phải một kẻ mơ trong thị trường âm nhạc. Bởi anh đã từng có thời gian đầu tiên không có phương hướng, nói đúng hơn là kẻ bị trào lưu nhạc trẻ cuốn đi và không để lại dấu vết nào trên thị trường âm nhạc. Thời gian đó đã giúp anh có cái nhìn cận cảnh hơn từ thị trường âm nhạc vốn quá nhiều người, nhưng ít xu hướng, thường người đi sau nương theo đường của người đi trước theo hướng sao chép nhiều hơn là sáng tạo. Và khi gặp được một manager có kinh nghiệm và có tham vọng,

Đức Tuấn đã tìm được đường đi cho mình, trở thành ca sỹ của dòng nhạc xưa và tiến tới là dòng nhạc bán cổ điển với nhiều tham vọng vượt khỏi thị trường âm nhạc Việt Nam nhỏ hẹp, "đất chật người đông". Có thể, chuyến "vượt biển" của Đức Tuấn sẽ không thành công như tham vọng của anh. Nhưng, điều ghi nhận không phải ở thành công hay thất bại, mà là khát vọng được thay đổi, được làm những điều chưa ai làm, được xuất hiện trong không gian mới lạ mà chính mình tạo dựng.

Tất nhiên, cuộc chơi mới chỉ bắt đầu. Nhưng ít nhất, anh đã dám bước chân đi. Và điều đó đáng để chờ đợi…

Akay Trần
.
.