Giám khảo showbiz: Ngồi cho đủ tụ

Ca sĩ Phạm Thanh Thảo: Không có cuộc chơi nào công bằng cả

Thứ Sáu, 19/10/2012, 14:35
Ca sĩ Phạm Thanh Thảo bày tỏ: Không cuộc chơi nào công bằng hết nên người chơi và khán giả xem chương trình phải biết cách chấp nhận thôi!

- Show truyền hình thực tế đang bùng nổ, nghề “ngồi ghế nóng” đang trở nên hot hơn bao giờ. Nhìn vào những thực tế từ những người, những câu chuyện làm giám khảo trong các show truyền hình hút khách gần đây trên truyền hình như Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc, Bước nhảy hoàn vũ... chị có nhận xét gì về nghề này?

- Những người ngồi ghế nóng là người thực sự có tài thì ban tổ chức mới mời. Bên cạnh đó, họ còn có sẵn một lượng nhất định người hâm mộ giúp họ thêm tự tin vào vị trí đó nếu không thì chính họ cũng ngại ngùng lắm. Khi đã nổi tiếng rồi mà họ ngồi vào ghế nóng và được hâm nóng thêm tên tuổi cộng với có được thù lao đáng kể thì cũng là điều bình thường thôi. Tôi nghĩ chưa thể gọi là nghề “ngồi ghế nóng” vì thực tế nghề là phải sống lâu dài nhưng việc ngồi ghế nóng chỉ nở rộ thời gian gần đây và đối với các show truyền hình hút khách thì ban giám khảo sẽ còn thay đổi tùy theo sức hút của chính họ.

- Một người đẹp, nổi tiếng chưa chắc đã thành công trong vai trò giám khảo, thực tế đã chứng minh rất rõ điều đó. Theo chị, để một ngôi sao có thể trở thành một giám khảo giỏi thì cần có những yếu tố nào?

- Ngồi trên chiếc ghế nóng đó như “chơi dao hai lưỡi” vậy, bạn phải có những nhận định chính kiến của mình nhưng đôi khi tôi còn thấy những vị giám khảo rất hay phán xét thí sinh chứ không còn là góp ý mang tính xây dựng nữa. Vì thế nếu không đủ trình độ, không có khả năng ăn nói đủ sức thuyết phục thì bạn đã tự làm ảnh hưởng đến tên tuổi của mình. Có thể một người ngồi ghế nóng không cần phải quá đẹp nhưng cần phải giỏi và cái giỏi đó được nhiều người công nhận, phải có kỹ năng và trình độ chuyên môn nhất định.

- Nghề làm giám khảo là đáng khát khao và mơ ước của nhiều người trong giới showbiz vì “được ăn, được nói, được gói mang về”. Chính vì thế mà nhiều nghệ sĩ hào hứng tham gia vào cuộc chơi này?

- Họ đang làm việc thì họ được nhận thù lao là hiển nhiên. Họ được nói vì tiếng nói họ có trọng lượng, có người đồng tình, có người nghe, nếu không thì chương trình đã phá sản rồi. Nhưng khi được nói thì nhận xét của họ có đúng không, cách họ chuyển tải đến thí sinh có hợp tình hợp lí hay không, bởi khi góp ý hay chê ai đó thì cách nói rất quan trọng. Phê bình làm sao để thí sinh có động lực cố gắng vươn lên chứ không phải là để đánh gục họ. Khen thí sinh không phải cho họ ngủ quên trên chiến thắng mà nói làm sao để họ cố gắng ở những vòng sau. Vậy thì tại sao khi ban tổ chức đã rất cân nhắc chọn mình và mình đủ tự tin và có người ủng hộ thì mình không lí gì mình lại không tham gia!

- Nếu một ngày nào đó Phạm Thanh Thảo được chọn mời làm giám khảo, chị sẽ nhận lời tham gia với những điều kiện gì?

- Ở thời điểm này, tôi chưa thể tham gia vì tôi có quá nhiều việc phải làm vì một chương trình kéo dài vài tháng mà tôi đang phải lo cho gia đình, cho công việc ca hát mà chỉ một mình tôi làm. Nói như thế không phải tôi không có năng lực để không thể ngồi ghế nóng mà ngược lại ngồi ghế nóng cũng thú vị có nhiều điều hay. Nhưng đơn giản là tôi cần chuẩn bị cho mình vững chắc nhiều thứ hơn nữa thì tôi sẽ tự tin hơn khi nhận lời.

- Có một điều khó hiểu là danh vọng và khoản thù lao vốn chỉ có thể hấp dẫn tuyệt đối đối với những người chưa có hoặc có nhưng chưa đủ đầy. Nhưng nhiều ngôi sao thời danh đang ngồi ghế nóng gần đây thừa những thứ ấy. Vậy mà họ vẫn chấp nhận cuộc chơi đầy may rủi với tên tuổi mình bằng cách làm giám khảo mặc cho thiên hạ săm soi. Theo chị tất cả là vì đâu?

- Càng nhiều người xầm xì về mình thì càng nổi tiếng thôi, bởi có câu “biết đủ là đủ” nhưng ai cũng biết câu nói song song rằng “Mấy ai hài lòng với những gì mình đang có!”.

- Hình như, có những sự thật đầy tiêu cực đằng sau chiếc ghế giám khảo, đúng không Phạm Thanh Thảo?

- Tôi không rành nội bộ ở mỗi chương trình nhưng tôi nghĩ trong một cuộc chơi không có sự công bằng thì bản thân tôi cũng thấy mất hứng. Không cuộc chơi nào công bằng hết nên người chơi và khán giả xem chương trình phải biết cách chấp nhận thôi!

- Và cả việc người ngồi ghế nóng vào vai “ác” hay vai “tốt” cũng đều có sự sắp đặt trước. Như vậy thì người làm giám khảo cũng chính là một diễn viên chuyên nghiệp và diễn xuất thành thạo nếu không rất dễ bị hớ, lộ ra những điều không hay. Chị có nghĩ như thế không?

- Nếu có xảy ra thì gọi là xui thôi! Gọi là sinh nghề tử nghiệp. Nếu họ diễn không tốt thì phải chịu kết quả thôi

Hoàng Lãm – Nguyệt Lãng
.
.