Sến- sang, sang-sến:

Ca sĩ Ngọc Anh: “Có người nghe nhạc sang chỉ vì muốn được... sang”

Thứ Tư, 02/10/2013, 08:42
Đúng là có những người thích nhạc “sang” đơn giản chỉ vì muốn được... sang mà không hiểu về những thứ họ cho là sang đó. Âm nhạc phải được cảm thụ bằng cảm xúc và đó là điều quan trọng nhất. Âm nhạc là món ăn tinh thần, mà món ăn thì đâu có thể gượng ép.

- Thời gian gần đây, khái niệm về dòng nhạc được đem ra mổ xẻ, người ta xếp nhạc xưa, nhạc sến lại để so sánh với dòng nhạc nay, nhạc sang. Ngọc Anh nghĩ gì về những dòng nhạc này?

- Ngọc Anh nghĩ rằng đó đơn thuần là những tên gọi thôi. Thực tế thì phân định nhạc hay, nhạc dở còn khó chứ nói gì đến sang hay sến. Bởi quan niệm và sở thích của mỗi người mỗi khác. Nếu chiếu theo ý niệm đơn thuần thì cứ phân định nhạc xưa - nhạc nay. Đối với dòng nhạc xưa bao gồm thể loại quê hương, trữ trình... Ngọc Anh nghĩ rằng nó đã có vị trí lâu dài trong lòng công chúng rồi.

Người dân Việt Nam mình, 90% là xuất phát từ nông nghiệp, cuộc sống của người dân gắn bó với xóm làng, đồng ruộng, rặng tre... Tất cả được các nhạc sĩ đưa vào đời sống âm nhạc. Không ít những ca khúc nhạc xưa đã nuôi lớn tuổi thơ mỗi người. Nó là nguồn, là cội...

Còn nhạc nay đương nhiên xuất hiện theo đúng dòng chảy của sự phát triển. Nhạc nay có cái mới, cái hay, nhưng không phải không có những cái dở. Tất nhiên điều đó cũng không thể tránh được, những thứ khởi nguồn có thể tốt, có thể chưa tốt, đó là bình thường. Sự phát triển của các dòng nhạc làm cho sức sống âm nhạc phong phú hơn thì không có gì phải lo lắng.

- Nhưng với những “nhà chuyên môn” thì họ không lo lắng sao được bởi thực tế thì xu hướng thưởng thức âm nhạc đang ở trạng thái hoài cổ nhiều hơn, phải chăng những cái mới không đáp ứng được thị hiếu?

- Không hẳn như vậy. Có thể có sự thiên lệch một chút nhưng Ngọc Anh cho rằng, khoảng 40% người dân vẫn đang tiếp nhận sức sống từ dòng nhạc nay. Như bạn thấy thì những trào lưu âm nhạc cũng nổ ra mạnh mẽ, đông đảo công chúng tiếp nhận những cái mới. Thể hiện rõ ở xu thế đời sống, ngay cả phong cách ăn mặc cũng ảnh hưởng theo dòng nhạc đó. Nên không có sự quay lưng. Chỉ là nhạc xưa đáp ứng một nhu cầu thị hiếu nào đó, như trước đây nó vẫn dành được cảm tình thôi. Ngọc Anh nghĩ là không có sự lấn lướt nào ở đây cả.

Còn hoài cổ thì tất nhiên là có và cũng không có gì là xấu. Cái hay thì sẽ có sức sống lâu bền. Mà nếu có hoài cổ thật thì chúng ta cũng đâu có thể nhìn vào đó mà cho rằng nhạc nay bị chết yểu được, thực tế nhạc nay vẫn có khán giả. Và Ngọc Anh nhắc lại là, những dòng nhạc song song cùng tồn tại, còn phát triển hay không còn tùy thuộc vào bản thân dòng nhạc đó và thị hiếu khán giả.

- Nhưng thực tế thì sự phân dòng âm nhạc đã định hình cho sự phát triển của nó rồi. Chẳng thế mà người ta vẫn cứ có những mặc cảm giữa nhạc xưa - nhạc nay đó sao?

- Đúng là có những người thích nhạc “sang” đơn giản chỉ vì muốn được... sang mà không hiểu về những thứ họ cho là sang đó. Âm nhạc phải được cảm thụ bằng cảm xúc và đó là điều quan trọng nhất. Âm nhạc là món ăn tinh thần, mà món ăn thì đâu có thể gượng ép. Còn về dòng nhạc thì Ngọc Anh nghĩ rằng hãy để nó phát triển một cách tự nhiên. Quy luật đào thải luôn đúng, cái gì không còn hợp thời thì nó sẽ mất đi. Còn tồn tại, ở phương diện nào đó, tức là nó đã có giá trị.

Với Ngọc Anh thì nhạc xưa hay nhạc nay không quan trọng, quan trọng là nó phải bay bổng, phải đi vào trái tim người nghe. Ngay cả nhạc nay, nhạc sang thì không thể là những thứ âm nhạc lục xục, loạc xoạc... không tác động được ngay đến tâm hồn con người mà bị khiên cưỡng vào những thứ nhạc lý, rồi phải luận thế này thế kia mới hiểu thì rất mệt.

- Đúng là chuyện thuộc về sở thích thì không thể gượng ép, nhưng thực tế là vẫn có những luồng ý kiến không thích thì cho nó là không hay, là dị thường. Ngọc Anh nghĩ gì về những nhận xét này?

- Không nói to tát quá đến các dòng nhạc mà ngay cả bài hát cũng có người thích, người không. Tuy nhiên, Ngọc Anh nghĩ rằng không nên áp đặt và cũng không nên có những cái nhìn khô cứng quá về âm nhạc. Bản thân âm nhạc mình nghĩ rằng chỉ cần tình cảm là đủ, đôi khi kỹ thuật làm cho âm nhạc trở nên khô cứng. Mà khô cứng thì đâu phải là nghệ sĩ. Nghệ sĩ nói hay là hay, dở là dở chứ đừng đưa nó vào khuôn khổ của những chiếc hộp

Hoàng Lãm- Nguyệt Lãng (thực hiện)
.
.