Khen chê phù phiếm:

Ca sĩ Nam Khánh: "Thuốc đắng phải đúng"

Thứ Ba, 24/09/2013, 14:50
Đã là phê bình, góp ý tất nhiên phải thẳng thắn rõ ràng, cụ thể đối tượng bị phê bình rồi. Tuy nhiên phải xác định rõ đó là đối tượng nào để có cách phê bình hợp lý hợp tình trên tinh thần xây dựng, đóng góp vì lợi ích chung.

- Phải thừa nhận rằng showbiz Việt nói chung và showbiz âm nhạc nói riêng đang thiếu văn hóa phê bình. Theo tôi thì cũng chính vì lý do đó mà đã sinh ra rất nhiều hệ lụy, thế giới showbiz ngập tràn những scandal, “người của công chúng” thì ồn ào bề nổi nhưng tài năng nghệ thuật thì… rất hỡi ơi. Anh có nghĩ như thế không?

- Theo Nam Khánh nghĩ, không chỉ giới showbiz Việt hay âm nhạc Việt mà cả lối sống của người Việt cũng đang thật sự thiếu văn hóa phê bình và văn hóa tiếp nhận phê bình. Tuy nhiên nó không phải là yếu tố tất yếu để sinh ra những hệ lụy, những scandal hay những ồn ào bề nổi trong giới showbiz hiện nay. Tất cả những vấn nạn showbiz này có thể nói đều được bắt nguồn từ cách giáo dục văn hóa, nhận thức, hưởng thụ và tôn vinh văn hóa của người Việt.

Nói riêng về âm nhạc, Nam Khánh thấy Việt Nam thật sự đang thiếu những nhà phê bình âm nhạc vừa có tâm, vừa có tài.

- Lời phê bình là phải thẳng thắn, cụ thể, rõ đối tượng chứ không thể nói chung chung được, Nam Khánh có nghĩ như thế?

- Đã là phê bình, góp ý tất nhiên phải thẳng thắn rõ ràng, cụ thể đối tượng bị phê bình rồi. Tuy nhiên phải xác định rõ đó là đối tượng nào để có cách phê bình hợp lý hợp tình trên tinh thần xây dựng, đóng góp vì lợi ích chung.

- Nhưng hình như nghệ sĩ chúng ta đã quen với việc được khen, được tung hô, hoặc có chê thì cũng nhẹ nhàng ý nhị cho nên việc nói thẳng, nói thật đôi khi lại dẫn đến quá nhiều rắc rối. Chắc anh cũng thấy như thế?

- Vấn đề này thật ra lại không phải hoàn toàn là lỗi của những người nghệ sĩ chúng tôi. Việc phê bình, góp ý phải được bắt nguồn từ nhận thức, giáo dục với một quá trình lâu dài và mang tính chất xây dựng chứ không phải là những lời nhận xét đánh giá mang tính đố kỵ hay phủ nhận sạch trơn. Một khi mà showbiz có quá nhiều sự giả dối thì việc nghệ sĩ “tự xù lông” lên để bảo vệ mình là một hệ quả tất yếu.

- Vậy theo anh thì người phê bình phải phê bình thế nào là hay, thế nào cho xác đáng nhất?

- Nam Khánh không phải là một nhà phê bình nhưng theo suy nghĩ cá nhân thì: Thứ nhất, để phê bình thì người phê bình phải hiểu nghĩa chính xác của 2 từ “phê” và “bình”. Thứ hai, để phê bình thì người phê bình phải hiểu rõ vai trò và vị trí của mình. Và cuối cùng, để phê bình thì người phê bình cần phải xác định rõ đối tượng bị phê bình để có cách thức phê bình cho phù hợp.

- Tôi nghĩ là nghệ sĩ, người của công chúng thì bao giờ cái tôi cũng lớn. Họ khó chấp nhận một lời chê của ai đó về mình, cũng chính vì lẽ đó mà nhiều người thường phản pháo khi bị chê, dù người chê là bất cứ ai, chê gì, đúng hay sai. Anh nghĩ sao về điều này?

- Nghệ sĩ càng lớn thì càng phải khiêm tốn. Chỉ có sự khiêm tốn thật sự thì mới có thể tiếp nhận những lời phê bình thẳng thắn một cách thoải mái, cầu tiến, cầu thị được bạn à!

- Vậy rõ ràng là việc ứng xử với chuyện khen chê cũng nói lên rất nhiều về văn hóa của nhân vật đó, đúng không anh?

- Đúng rồi! Như tôi đã nói, nghệ sĩ càng lớn, càng nổi tiếng thì cần phải thể hiện bản lĩnh trong văn hóa ứng xử của mình và cần phải khiêm tốn.

- Và nhiều người bảo “thuốc đắng giã tật”, nên âm nhạc nói riêng và showbiz nói chung cần có những “liều thuốc đắng”, tức là những lời phê bình thẳng thắn như thế để thị trường giải trí trở nên lành mạnh hơn. Anh thấy sao?

- Tôi đồng ý thuốc đắng thì giã tật nhưng thuốc đó phải đúng bệnh, đủ liều và đôi khi phải có kèm một ít đường để dễ uống hơn bởi mục đích cuối cùng của chúng ta là chữa bệnh chứ không phải là cuộc thi uống thuốc đắng! 

Hoàng Lãm- Nguyệt Lãng (thực hiện)
.
.