Đi bán đi buôn:

Ca sĩ Mỹ Lệ: “Điều gì cũng có cái giá của nó”

Thứ Năm, 29/08/2013, 10:33
Những nghệ sĩ chấp nhận bán thương hiệu, tên tuổi của mình thì cũng phải chấp nhận rủi ro. Nhưng thường thì cũng có những quy định giao kèo phù hợp bởi làm ăn phải giữ chữ tín và mối làm ăn lâu dài chứ không nên làm một cách chụp giật.

- Khi nghề nghiệp tuổi thọ ngắn, lại có sự đào thải khắc nghiệt như nghệ thuật thì “người của công chúng” buộc phải lăn lộn với thương trường. Điều này, có lẽ là lý do đúng đắn để lý giải cho việc ngày càng nhiều nghệ sĩ lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh, thưa chị?

- Thực ra thì ai cũng vậy thôi, khi bạn có một số tiền dư ra, bạn sẽ nghĩ đến việc đầu tư nó vào một công việc gì đó để sinh lời. “Trứng không nên để vào một giỏ” mà bạn. Nghệ thuật với đặc thù là tuổi nghề ngắn, không thể làm lâu dài, nên ý thức chuẩn bị cho những bước đệm về sau là đúng đắn. Vấn đề làm sao số tiền mà mình đã ky cóp được, được đầu tư đúng chỗ và sinh lời. Điều đó đương nhiên không phải là dễ, nó phụ thuộc vào tài tính toán của người cầm và quyết định đồng tiền.

- Kinh doanh để tạo được thương hiệu là vô cùng khó, nhưng với nghệ sĩ khi đã có thương hiệu rồi thì vô hình trung lại có một khởi đầu thuận lợi hơn để bước vào con đường kinh doanh phải không chị?

- Đúng, đó là một thuận lợi, nhưng đồng thời cũng là khó khăn lớn nhất. Thuận lợi là sự nổi tiếng được nhiều người biết đến nhưng nó đem đến mặt trái rằng, nếu một khi kinh doanh không đạt chất lượng, không có kết quả hoặc gặp khó khăn thì uy tín của người nghệ sĩ cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Thương hiệu nghệ sĩ đâu dễ dàng mà đạt được, rồi đến một lúc nào đó dành cho kinh doanh, kinh doanh có thất bại... thì cái mất cũng là rất lớn mà ở người bình thường không phải chịu những mất mát đó.

- Nhưng vốn dĩ chuyện cơm áo không đùa với... ngôi sao, bởi hai môi trường kinh doanh và nghệ thuật bản thân nó đã khác nhau quá rồi. Vậy nên, chị nghĩ sao khi nhiều ý kiến cho rằng, nghệ sĩ thì đừng nên dính đến kinh doanh?

- Nếu xét trên một khái niệm đơn thuần thì đúng là nghệ thuật khác hẳn với môi trường kinh doanh. Nghệ sĩ có cái máu tùy hứng, ít có sự chi li, rạch ròi, thực tế như người làm kinh doanh. Họ bao giờ cũng bay bổng, lãng mạn... Nên xét mặt bằng chung thì đa phần đã là nghệ sĩ thì khó mà kinh doanh, bởi không thể cứ cao hứng mà làm được.

Nhưng, không phải vì thế mà vơ đũa cả nắm. Trên thế giới, đã có rất nhiều nghệ sĩ kinh doanh thành công đấy thôi. Và ở Việt Nam thì cũng vẫn có những nghệ sĩ kinh doanh giỏi. Bởi vậy, kinh doanh được hay không nó phụ thuộc vào bản chất và khả năng của từng cá nhân riêng biệt, chứ chúng ta không thể quy chụp rằng nghệ sĩ thì không được hay không nên kinh doanh. 

- Chị nghĩ sao trong trường hợp nhiều nghệ sĩ chỉ kinh doanh dựa trên  việc “bán” thương hiệu, tên tuổi của mình?

- Thì cũng tốt mà! Vì một mình thì không thể ôm đồm và kiểm soát hết được tất cả những công việc từ hoạt động nghệ thuật đến kinh doanh. Nên mình bán thương hiệu của mình cho người khác, lấy sự chú ý của truyền thông, khán giả để hỗ trợ cho ngành nghề kinh doanh cũng tốt. Trên cơ sở mình hợp tác với người ta, cho người ta cái tên tuổi của mình để hỗ trợ cho ngành nghề mình muốn kinh doanh thì đó cũng không phải là xấu. Mà thực ra mà nói những nghệ sỹ nào không biết kinh doanh thì nên làm như thế.

- Nhưng như vậy thì có mạo hiểm với danh tiếng của mình quá không, thưa chị?

Thì điều gì cũng có cái giá của nó. Những nghệ sĩ chấp nhận bán thương hiệu, tên tuổi của mình thì cũng phải chấp nhận rủi ro. Nhưng thường thì cũng có những quy định giao kèo phù hợp bởi làm ăn phải giữ chữ tín và mối làm ăn lâu dài chứ không nên làm một cách chụp giật.

- Vậy theo chị, trước khi quyết định lấn sân sang con đường kinh doanh thì nghệ sĩ phải chuẩn bị những gì?

- Làm việc gì cũng phải chuẩn bị một cách chỉn chu, không riêng gì nghệ sĩ. Nhưng nghệ sĩ thì lại cần ở một mức độ khác, bởi khi kinh doanh thì không thể đưa cái lãng mạn của nghệ sĩ vào đó được. Người kinh doanh luôn phải tỉnh táo để nắm bắt được tình hình, điều khiển được tình thế mà mình dễ hoặc đang lâm vào chứ không được để trở thành bị động. Nắm bắt và xử lý được tình huống là điều cần có. Còn những người có tính lãng đãng, hứng thú như bạn nói thì đúng là không nên kinh doanh.

- Thời gian vừa qua showbiz Việt liên tục dậy sóng bởi thông tin nghệ sĩ kinh doanh bị thất bại. Theo chị thì nguyên nhân ở đây là gì?

- Tôi không biết bạn muốn nói đến cá nhân nào, nhưng mỗi trường hợp khác nhau lại có cách nhìn nhận khác. Không phải nghệ sĩ nào kinh doanh thất bại cũng là tồi. Như trường hợp của Phước Sang, tôi nghĩ anh là một người hoạt bát và khá nhạy cảm trong kinh doanh. Nên trường hợp này, tôi không nghĩ anh là một nghệ sĩ kinh doanh tồi.

Ở thời điểm khó khăn như hiện nay, thì thất bại cũng là điều khó tránh. Nên việc một vài nghệ sĩ có lao đao cũng là bình thường. Nhưng người nổi tiếng thiệt thòi ở chỗ, người thường dù có là tỷ phú hay phá sản thì cũng chỉ thế thôi, nhưng nghệ sĩ khi thất bại thì đi cùng với đó gần như là trắng tay bởi ngoài tiền bạc còn là danh tiếng, uy tín nghề nghiệp.

- Đã có thời gian trải nghiệm với vai trò kinh doanh, chị rút ra được điều gì?

- Kinh doanh không phải trò đùa nên không thể tránh những phút giây mệt mỏi, nhưng không phải vì thế mà mình được phép sao nhãng, lúc nào cũng phải nghiêm túc và làm việc hết mình. Cái gì trong tầm với thì hãy làm chứ đừng tuyên bố hay tham vọng điều gì to tát quá. Khi đã quyết định làm thì mình phải sẵn sàng đối mặt với những mặt trái, mặt phải của vấn đề để có thể tỉnh táo xử lý tình huống.

- Vậy điều tối kỵ trong kinh doanh ở đây là gì thưa chị?

- Điều quan trọng nhất trong kinh doanh là chữ tín phải luôn đặt lên hàng đầu, thì điều tối kỵ nhất là làm mất uy tín!

Hoàng Lãm - Nguyệt Lãng (thực hiện)
.
.