Sến- sang, sang- sến:

Ca sĩ Hoàng Bách: “Mỗi dòng nhạc, có một lớp khán giả riêng”

Thứ Tư, 02/10/2013, 08:40
Thực tế thì mỗi dòng nhạc đều có khán giả riêng biệt. Và nó có sức mạnh riêng, có sự ảnh hưởng riêng. Trên thế giới cũng vậy thôi, ở thời điểm hiện tại vẫn có những album bán rất chạy mà nó là hợp tuyển những ca khúc nhạc xưa, được làm lại theo nhiều phong cách khác nhau.

- Thời gian gần đây nhạc xưa được nhắc đến nhiều hơn, sử dụng cũng nhiều hơn. Anh có thấy mừng lòng vì điều này?

- Sự phát triển mạnh của nhạc xưa là không có gì phải bàn cãi, vì những cái hay sẽ có sức sống lâu bền thôi. Cũng có những thể loại nhạc không nên thịnh vượng, nhưng đối với nhạc xưa thì tôi nghĩ rằng: Sự tồn tại, thậm chí là phát triển của nhạc xưa là một điều đáng mừng.

Đúng ra là nhạc xưa chưa bao giờ mất đi, nó cứ âm ỉ cháy và thời gian gần đây nó trở lại mạnh mẽ hơn một phần là do có thêm nhiều ca khúc nhạc xưa được cấp phép trở lại nên thưởng thức nhạc xưa dễ dàng hơn. Mà thực tế nó đã đẹp rồi, có thói quen rồi thì mọi người nghe nó nhiều hơn.

Không biết người khác thế nào nhưng bản thân Bách thích nhạc xưa từ bé, sau này lớn lên tình yêu đó vẫn còn nguyên. Nhất là thời gian gần đây, khi tuổi tác có phần lớn hơn, mình có sự chiêm nghiệm về cuộc sống nhiều hơn thì càng cảm nhận được cái hay của nhạc xưa.

- Vậy theo nhìn nhận của riêng Hoàng Bách, điều gì đã khiến nhạc xưa “sống khỏe” đến thế? Phải chăng vì nhạc nay đang yếu đi?!

- Bạn nói đúng, khi con người ta không cảm thấy hứng thú, không cảm thấy vui vẻ với hiện tại thì người ta thường tìm về những thứ xưa cũ như một thói quen. Người ta cũng cần một thứ giải trí để nghe, cái đầu không phải suy nghĩ nhiều và nhạc thì đi vào lòng người đầy xúc cảm. Không thể thưởng thức những thứ thuộc về đương đại thì người ta quay về hoài niệm.

Thực chất nhạc xưa cũng là một thứ âm nhạc có chất lượng thực sự, vì rõ ràng để viết ra từng câu từng chữ thắt lòng như vậy không hề đơn giản. Từ cách sống chậm và sâu sắc mà con người muốn cảm nhận đến những cung bậc cảm xúc có từ giai điệu khiến người nghe xúc cảm hơn thì người ta dễ dàng cảm nhận hơn thôi.

- Anh đang nói đến sự thất bại của nhạc nay chăng?

- Hầu hết mọi người không thích nhạc nay, không nói đến những người trung tuổi như Bách mà giới trẻ cũng không thích. Sự sáng tạo không tới nơi hoặc không đủ sức mạnh để kéo khán giả thì họ phải tìm đến những thứ khác để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức âm nhạc của mình. Nói đến nền âm nhạc giải trí bây giờ, có rất nhiều thứ mà hàng ngày được đẩy lên mạng quả thực không thể chịu nổi. Tất nhiên vẫn có những người chấp nhận thì họ vẫn cứ nghe thôi, họ có cách cảm nhận riêng của mình.

- Nghĩa là ở khía cạnh nào đó, nhạc xưa đã chiếm thế “thượng phong” so với nhạc nay?

- Những người đang làm âm nhạc một cách đúng nghĩa thì đều có suy nghĩ chung gần chục năm trở lại đây, nhạc Việt đã đi vào vòng xoáy của sao xấu. Tất nhiên nó không chỉ là âm nhạc Việt Nam mà có thể cả âm nhạc thế giới. Vì nhạc nay đến và đi rất là nhanh, nên ít để lại dư vị. Sức sống của bài hát không đến từ âm nhạc nữa mà nó đến từ các điều khác như công nghệ lăng xê.

- Có người nói, nhạc xưa đã kéo lùi sự phát triển của nhạc nay. Anh thấy thế nào?

- Bách không nghĩ nhạc xưa kéo lùi sự phát triển của nhạc nay. Thực tế thì mỗi dòng nhạc đều có khán giả riêng biệt. Và nó có sức mạnh riêng, có sự ảnh hưởng riêng. Trên thế giới cũng vậy thôi, ở thời điểm hiện tại vẫn có những album bán rất chạy mà nó là hợp tuyển những ca khúc nhạc xưa, được làm lại theo nhiều phong cách khác nhau. Chính điều đó đã khiến nhạc xưa tồn tại song song được với những thể loại đang được yêu thích.

Còn nói nhạc xưa kéo lùi nhạc nay thì Bách nghĩ là không phải. Vấn đề cơ bản là hiện trạng của nhạc Việt nói chung đang ở chu kỳ không tốt. Chính bản thân nó không tốt nên dòng nhạc nào cũng có thể ảnh hưởng đến nó chứ không chỉ là nhạc xưa. Nói thẳng thắn thì nhạc nay không còn hay nữa, chiều sâu của âm nhạc, những cái mới đưa ra không thuyết phục nữa, cho nên bị nhạc xưa hay các dòng nhạc khác lấn át cũng là chuyện đương nhiên thôi. Bản thân mình không hay thì người ta phải tìm đến những thứ hay hơn mà nghe chứ!

- Vậy những người làm nghề bằng cách nào đó, có nên hoặc có khả năng định hướng khán giả đi theo con đường âm nhạc mà họ muốn?

- Đây là câu hỏi vĩ mô. Bởi chúng ta đang ở giai đoạn làm nghề tử tế thì khó sống còn chiêu trò thì lại kiếm được tiền. Đấy là vấn đề không chỉ của làng nhạc mà còn là nghệ thuật giải trí nói chung của Việt Nam và một số nước châu Á.

Nó liên quan đến vấn đề trào lưu và nhất là vấn đề quản lý. Vì muốn làm những điều tử tế thì mình phải có một thị trường tử tế, mọi thứ phải được phân định rạch ròi, có chất lượng thì sẽ sống theo kiểu chất lượng. Làm việc nếu có sự đầu tư đàng hoàng thì sẽ được đền đáp. Chất xám bỏ ra phải được bảo vệ

Hoàng Lãm- Nguyệt Lãng (thực hiện)
.
.