Khi người ta thôi yêu:

Ca sĩ Hồ Trung Dũng: Không ít người suốt ngày nói xấu người yêu cũ

Thứ Ba, 10/04/2012, 10:30
Tôi từng thấy nhiều trường hợp người đàn ông suốt ngày chạy đi tìm bạn bè của người yêu cũ để nói xấu. Có người thì rình rập người yêu cũ trên đường để đe dọa. Ngược lại, người ta thường nghĩ phụ nữ hay dùng “võ miệng” nhiều hơn, nhưng vẫn có những chị em thượng cẳng chân, hạ cẳng tay trong khi các ông thì chỉ biết đứng im thin thít…

- Người ta bảo, khi yêu hãy nên giữ lại chút khoảng hồn riêng cho mình, để lỡ cuộc tình có không trọn vẹn thì không bị hụt hẫng. Anh nghĩ sao?

- Nếu yêu mà luôn trong trạng thái đề phòng, cảnh giác như thế thì buồn lắm! Đúng là đa số các cuộc tình đều không như người ta thường mơ, nhưng ít nhất trong khi còn bên nhau, chúng ta vẫn có thể tin tưởng vào tình yêu đó và hết mình vì nó, vì đó chính là thời gian chúng ta cảm thấy thật sự hạnh phúc – dù thời gian đó ngắn hay dài, và để khi không còn bên nhau, không đó điều gì làm chúng ta phải hối tiếc. Tôi nghĩ mình tương đối may mắn khi mặc dù đã nếm trải những thất bại nhưng đến giờ phút này tôi vẫn luôn tin tưởng vào tình yêu.

- Khi còn yêu, người ta dành tặng cho nhau những lời đầy hoa mỹ; lúc hết thương, họ không ngại ngần kể tội nhau, cãi tay đôi trên mặt báo, thậm chí kiện cáo, tranh chấp tài sản. Xét về tâm lý thì phản ứng này cũng là bình thường, bởi yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau bồ hòn cũng méo. Tuy nhiên về đạo lý, nhiều người cho rằng cách hành xử này không văn minh?

- Đúng là khi ghét nhau thì bồ hòn cũng méo. Tôi cũng đã từng trải qua những trường hợp như vậy, cũng từng bị nói xấu… Có thể do mối quan hệ đó kết thúc theo một cách vượt quá mong đợi, hoặc biết đâu việc tranh chấp, cãi nhau đó không phải là biểu hiện của sự ghét nhau, mà chỉ là người ta còn yêu nên sinh ra hận đấy thôi. Nhưng tôi nghĩ đó chỉ là một số trường hợp nhất định mà thôi. Có rất nhiều người khi không còn yêu nhau vẫn luôn nhớ về nhau với những kỷ niệm đẹp và vẫn luôn quan tâm, lo lắng và có mặt khi người kia cần mình.

Ca sĩ Hồ Trung Dũng.

- Có một số cặp vợ chồng nghệ sĩ mà cuộc hôn nhân của họ bao hàm nhiều khía cạnh của tình và nghĩa: tình yêu vợ chồng, tình yêu con cái, tình đồng nghiệp, tình đồng môn và đạo nghĩa phu thê. Nhưng khi tình riêng đã hết, người ta cố níu tình chung là con cái và đạo nghĩa phu thê để cứu vãn cuộc hôn nhân. Đặt mình vào trường hợp này, anh chọn giải pháp nào?

- Còn quá sớm để hỏi tôi câu này, vì phải là người trong cuộc, bạn mới có thể đưa ra một câu trả lời chân thực và thực tế được. Bản thân tôi không nghĩ là mình sẽ yêu người trong nghề. Nhưng ngay cả với những cặp vợ chồng không phải nghệ sĩ thì vấn đề tình và nghĩa vẫn luôn là một đề tài thường xuyên được nhắc đến. Đối với tôi, chữ “nghĩa” có thể hiểu theo nhiều cách: có thể là sau một thời gian, chúng ta mất dần cảm xúc và tất cả chỉ còn là sự ràng buộc về trách nhiệm thì tôi sẽ lựa chọn chấm dứt mối quan hệ đó, vì ở bên nhau mà không đem lại hạnh phúc cho nhau là một điều bất hạnh. Nhưng cũng có thể hiểu chữ “nghĩa” theo một cách khác: tình yêu có thể chuyển sang một hình thức khác, không còn quá nồng nhiệt nhưng lại sâu nặng hơn, tôi nghĩ đây là một điều hiển nhiên và đáng quý. Nếu chúng ta cứ mãi chạy theo cái nồng nhiệt ban đầu thì có lẽ sẽ không bao giờ tìm được bến đỗ. Điều quan trọng là cả hai đều phải ý thức được việc giữ lửa và cảm xúc trong mối quan hệ để có thể nuôi dưỡng được cả tình lẫn nghĩa.

- Cuộc sống vợ chồng có lúc cơm không lành canh chẳng ngọt, nhưng ông bà vẫn thường bảo là đóng cửa bảo nhau, vì xấu chàng thì cũng hổ thiếp mà thôi. Lời khuyên này có vẻ như muốn nhắm tới các chị em phụ nữ hơn là đấng mày râu, và cũng bởi tâm lý này mà đôi khi mâu thuẫn nội tại trong cuộc hôn nhân lại trở nên bế tắc hơn, người vợ bị giằng xé vì không được giãi bày… Anh nghĩ sao?

- Chẳng có gì là xấu khi người chồng hoặc vợ tìm đến bạn bè thân để tâm sự, giãi bày hoặc tìm những lời khuyên. Nhưng người giải quyết vấn đề cuối cùng vẫn chính là hai người trong mối quan hệ đó mà thôi.

- Nam giới nói chung và nam nghệ sĩ nói riêng thường được đánh giá là có văn hóa chia tay hòa nhã hơn nữ giới, một phần vì tính tự ái cá nhân và sự điềm đạm của họ cao hơn, nên họ luôn cố gắng thực hiện hoặc ít ra là cố gắng thể hiện việc chia tay sao cho cao thượng. Có phải vậy không anh?

- Một câu hỏi rất khó! Thật ra chẳng có mẫu số chung nào cho nam giới hoặc nữ giới cả. Đã là con người thì ai cũng như ai thôi. Khi chia tay mà vẫn tôn trọng nhau thì nam hay nữ đều có thể rất hòa nhã. Còn khi đã tức giận nhau thì nam hay nữ đều có những cách ứng xử không hay của mình. Tôi từng thấy nhiều trường hợp người đàn ông suốt ngày chạy đi tìm bạn bè của người yêu cũ để nói xấu. Có người thì rình rập người yêu cũ trên đường để đe dọa. Ngược lại, người ta thường nghĩ phụ nữ hay dùng “võ miệng” nhiều hơn, nhưng vẫn có những chị em thượng cẳng chân, hạ cẳng tay trong khi các ông thì chỉ biết đứng im thin thít… Tình yêu vốn muôn hình vạn trạng. Việc cân bằng giữa cảm xúc và lý trí là điều ai cũng biết mình nên làm nhưng không phải ai cũng có thể làm được

Thực hiện: H. Thụy Yên - Nguyệt Lãng – Dung Hồ
.
.