Ca sĩ Đức Tuấn: Việc vận động hành lang là chuyện bình thường

Thứ Tư, 13/04/2011, 15:25
Năm 2009 được coi là năm của Đức Tuấn khi dự án "Music of the night" của anh được đánh giá cao cùng một album phát hành. Chính  dự án này đã giúp Đức Tuấn "rinh" về cho mình một cú đúp tại giải thưởng Cống hiến được trao đầu năm 2010. Lại một mùa giải nữa đến và Đức Tuấn lại hồi hộp và mong chờ bởi năm nay ca sĩ dòng bán cổ điển này cũng nhận được 2 đề cử tương tự. Hồi hộp là vậy nhưng Đức Tuấn cũng có những cái nhìn về hệ thống giải thưởng âm nhạc Việt Nam khá tỉnh táo và… đanh đá.

- Anh nghĩ sao về hệ thống giải thưởng âm nhạc tại Việt Nam? Đó có thực sự là một thước đo chuẩn cho những cống hiến của người nghệ sĩ?

- Các hệ thống giải thưởng âm nhạc rất khó được gọi là chuẩn đối với tất cả mọi người. Ngoài các giải thưởng uy tín lâu năm như ở Mỹ, ở Anh thì các quốc gia khác đều không thực sự có một giải thưởng âm nhạc được gọi là chuẩn. Việt Nam mức độ chuyên nghiệp hóa âm nhạc đi sau nên hệ thống giải thưởng chưa thỏa mãn mọi người là chuyện không thể tránh khỏi.

- Anh có niềm tin vào những giải thưởng mang nặng tính phụ thuộc vào bình chọn của khán giả không? Với trường hợp của Đức Tuấn chẳng hạn, dòng nhạc của anh có khán giả nhưng không phải là đại trà nên với những giải thưởng như thế làm anh vô vọng ngay từ đầu?

- Vấn đề không nằm ở việc tôi có tin hay không bởi mỗi giải thưởng có tiêu chí riêng, không liên quan đến niềm tin của người nghệ sĩ, mà là niềm tin của khán giả. Rõ ràng không ai có thể thỏa mãn hết sự mong đợi của tất cả mọi người.

Vì thế, việc có nhiều hệ thống giải thưởng là tất yếu và ở mỗi hệ thống giải thưởng, mỗi nghệ sĩ sẽ có những ưu thế khác nhau. Đối với những giải thưởng phụ thuộc vào sự bình chọn của khán giả, thực sự tôi không có nhiều hy vọng nhưng không có nghĩa là buông xuôi, quay lưng, hay thậm chí phủ nhận.

Tôi luôn hạnh phúc khi được đề cử, theo dõi và quý trọng từng lá phiếu ủng hộ dù số lượng không đủ lớn để đoạt giải, chỉ cần thêm một lá phiếu là thêm một người yêu mến âm nhạc của mình. Các giải thưởng là nơi để những người yêu mến người nghệ sĩ thể hiện một phần nào đó sự yêu mến của họ. Đó là một điều tích cực mà các giải thưởng mang lại bên cạnh việc đoạt giải.

- Uy tín của một giải thưởng đến từ những con người góp mặt đề cử, những gì họ đã hoạt động trong năm nhưng hình như rất ít các hệ thống giải thưởng âm nhạc của Việt Nam gom được những gương mặt gọi là tinh túy nhất trong một mùa, mặc dù những gương mặt đó có hoạt động chứ không phải "ngủ đông". Anh nghĩ sao về tình trạng này?

- Cả thế giới chỉ có một và chỉ một Grammy. Đừng trông mong một giải thưởng ở Việt Nam làm được chuyện đó. Việc bây giờ là cần phải có sự phân loại âm nhạc tại Việt Nam một cách chuyên nghiệp rõ ràng. Khi có được sự phân loại đó sẽ xây dựng được hệ thống giải thưởng đầy đủ hơn, thuyết phục hơn.

- Giải thưởng âm nhạc ngoài việc là thước đo, là tiêu chí của một BGK, một bộ phận khán giả còn là một sự định hướng khán giả đến với một không gian âm nhạc ngày càng tiến bộ hơn, anh có đồng ý với nhận định trên? Và hình như các giải thưởng của chúng ta chưa làm được việc định hướng khán giả thì phải?

- Nhận định trên chỉ đúng… một phần. Trên lý thuyết là cần có những giải thưởng để định hướng, nhưng cũng phải có những giải thưởng của thị hiếu số đông như vậy mới vui. Thời buổi cạnh tranh công bằng. Những người xây dựng giải thưởng hãy tạo lập uy tín của mình. Nếu các giải thưởng mang tính định hướng có được uy tín đó thì sẽ thành công. Không thể ngồi nghĩ mà có được.

- Những tranh cãi luôn là điều mà mỗi giải thưởng gặp phải, thậm chí có giải còn cố tình tạo ra sự tranh cãi để thu hút dư luận sau vài mùa tổ chức không mấy thành công. Anh có thể lí giải vì sao sự kém sức hút đám đông như vậy ở mỗi giải thưởng từ góc nhìn của một người trực tiếp tham gia như một nghệ sĩ hoặc một đề cử?

- Nếu tạo ra tranh cãi mà thu hút được dư luận hơn nữa thì tại sao không làm? Thời buổi của cạnh tranh, bất cứ một động thái nào không vi phạm pháp luật và đạo đức đều nên áp dụng để tăng sức ảnh hưởng của mình. Giải thưởng kém sức hút là do người tổ chức kém. Ngay cả Grammy mà còn phải tạo nên tranh cãi.

- Thật chẳng dễ để nhớ Đức Tuấn đoạt giải năm nào, Mỹ Linh đoạt giải năm nào, điều đó cho thấy việc nhớ tên chỉ mặt các giải thưởng của nghệ sĩ với công chúng cũng không ăn thua gì và sức nặng của nó hóa ra lại rất nhẹ. Anh có nghĩ thế không?

- Người ta giới thiệu một nghệ sĩ thế giới cũng có bao giờ gọi cả năm đoạt giải đâu. Việc nhớ tên chỉ mặt nghệ sĩ với giải thưởng luôn có những sức nặng riêng của nó đối với từng đối tượng cụ thể. Giới thiệu một ca sĩ đoạt giải Grammy với một anh nông dân Việt Nam liệu có chút sức nặng nào?

- Ở mùa giải Cống hiến năm trước, giới phóng viên đã được anh mời đến dự một buổi tiệc gọi là gặp gỡ thân mật. Đó thực sự có phải là một hoạt động lobby để anh đoạt cú đúp năm đó tại giải Cống hiến?

- Natalie Portman có tài không? - Có. Cô và hãng phim có tìm mọi cách vận động cho giải Oscar không? - Có. Cô đoạt giải có xứng đáng không? - Có. Phóng viên và nghệ sĩ luôn có mối quan hệ mật thiết trong công việc. Việc gặp gỡ cuối năm để trò chuyện nhìn rõ lại những gì đã làm được và chưa được thông qua ý kiến của những người trực tiếp làm trong lĩnh vực truyền thông văn hóa luôn là điều cần thiết.

- Xin cảm ơn anh!

Du Miên (thực hiện)
.
.