Khen chê phù phiếm:

Ca sĩ Đức Tuấn: “Không ai đứng yên khi bị tát”

Thứ Ba, 24/09/2013, 14:42
Không biết người khác thế nào nhưng bản thân Tuấn chấp nhận nó một cách bình thản lắm. Mỗi lần tiếp nhận Tuấn đều trải qua quá trình phân tích kỹ lưỡng rằng thực sự nó đúng và sai ở đâu. Đồng ý rằng, phải tiếp thu những lời nói thẳng, nhưng cách nói thẳng cũng là vấn đề.

- Đã từ lâu rồi những lời nói thẳng, nói thật vì nhiều lý do trở thành “của hiếm” trong giới showbiz. Một trong lý do khiến người ta dè chừng nhau là bởi ngại vạ miệng. Được xếp vào hàng những gương mặt dám nói thẳng, Đức Tuấn nghĩ gì về điều này?

- Sợ vạ miệng thì Tuấn đã không nói, nhưng nói thật là Tuấn chỉ thường nói về mình, về chuyên môn đó là âm nhạc. Còn ít khi Tuấn nói về người khác bởi Tuấn nghĩ đó là nhận định, là chính kiến riêng của cá nhân mỗi người. Mà đã mang tính cá nhân thì có thể đúng, cũng có thể sai, đã nói ra thì phải chịu trách nhiệm trước lời nói của mình.

Còn việc thiếu vắng những sự chê thật lòng thì cũng là lẽ thường, đâu chỉ riêng nghệ sĩ. Nhìn từ cuộc sống cũng thấy người ta dành tặng lời khen nhiều chứ mấy ai ban phát lời chê. Chỉ có điều nghệ sĩ có thể do cái tôi cá nhân lớn hơn, dễ xúc động... mặt khác lại được dư luận quan tâm nhiều hơn nên trở nên khó khăn trong cách hành xử. Nhưng cũng không phải vì thế mà tránh những lời khen - chê thật lòng bởi đó là một điều tốt. 

- Đúng là nghệ sĩ có những cái khó, nhất lại là khi lời nói của họ luôn được dư luận quan tâm và phần nào đó ảnh hưởng đến công chúng?

- Đúng là lời nói riêng với nhau trong khuôn khổ một cuộc nói chuyện khác xa so với việc chuyển tải trên truyền thông, đưa ra dư luận. Bởi mỗi người có cách tiếp cận khác nhau thì sẽ có nhận xét khác nhau, mà bản thân những lời khen - chê cũng có cái đúng, cái sai. Tuấn nhắc lại là nó nằm trên quan điểm cá nhân, mà đã là cá nhân thì mình đâu thể chiều lòng được hết tất thảy mọi người đúng không? Còn nghệ sĩ đương nhiên mỗi người đều phải biết kiểm soát hành vi ngôn ngữ của mình.

- Nhưng dù thế nào thì khi có những lời khen - chê, ta cũng phải nhìn nhận lại mình thay vì nổi cáu đúng không Đức Tuấn?

- Điều đó còn tùy, cái quan trọng là sự khởi nguồn đó về sau hệ quả để lại là cái gì? Nghệ sĩ trong những khoảnh khắc cũng giống người bình thường, thậm chí còn nhạy cảm hơn, dễ tổn thương hơn. Họ sẽ đau hơn người bình thường, dễ tổn thương hơn người bình thường... Bởi vậy đừng đòi hỏi họ là thần thánh và áp đặt những chuẩn mực đạo đức quá đao to búa lớn vào nghệ sĩ, để họ phải đeo trên mình cái gông vô hình nào đó.

Đó là chưa kể đến những lời khen - chê có thật lòng hay không? Bởi đã có những thứ gọi là tiểu xảo của những người viết, nên đó còn do đồng nghiệp của bạn, chứ không nằm ở đồng nghiệp của Tuấn. Mà nói thẳng với bạn rằng, cuộc sống mấy ai làm được điều là đứng yên cho người ta tát. Người ngoài khi nhìn vào họ đánh giá với tâm thế khác, có thể theo một cách bác học, một cách nhân văn... và rồi đủ thứ giáo điều nhưng ít ai nhìn dưới góc độ của người bị tát, bởi vì họ đâu có phải là người bị tát. Bởi vậy, có nhiều cách nói thẳng nói thật, tại sao không nói cho dễ nghe hơn, dễ đi vào lòng người hơn.

Như Đức Tuấn thấy thì không phải ngẫu nhiên thời gian gần đây những nghệ sĩ “gạo cội” lại đồng loạt lên tiếng về sự tiếp nhận lời khen - chê của thế hệ trẻ. Theo anh thì, khoảng cách tuổi tác có làm nên những vách ngăn  khen - chê đó? 

- Không biết người khác thế nào nhưng bản thân Tuấn chấp nhận nó một cách bình thản lắm. Mỗi lần tiếp nhận Tuấn đều trải qua quá trình phân tích kỹ lưỡng rằng thực sự nó đúng và sai ở đâu. Đồng ý rằng, phải tiếp thu những lời nói thẳng, nhưng cách nói thẳng cũng là vấn đề. Như bạn nói có thể khoảng cách tuổi tác làm nên những nhận xét, nhận định khác nhau vì ai cũng có cái lý của mình. Nhưng cũng không thể cậy mình lớn tuổi hơn, hoặc là thầy trong nghề thì muốn nói gì thì nói. Tuấn nghĩ rằng nói đúng, nói thật và chân thành thì chẳng ai phản đối lại cả. Cái gì cũng có lý riêng, trong trường hợp này thì người bị chê là người bị tổn thương cơ mà!

- Đúng vậy, bởi không phải ngẫu nhiên mà những lời nói thật lại bị phản ứng. Và càng không thể cậy vào vị trí của mình mà muốn chê sao thì chê?

- Nói thật là, sau sự vụ của chú Nguyễn Ánh 9 mình thấy thật buồn cười với những bài báo “chém gió”. Nói về “ảo” thì con người sinh ra là “ảo” trên thế giới này, có phải ai sinh ra là đã hoàn hảo ngay được đâu, họ phải nỗ lực hết mình đấy chứ. Tại sao mọi người cứ phải quy chụp rằng, họ phải thế này, phải thế kia. Chúng ta đâu có thể cầu toàn mọi thứ đúng không?

Nên văn hóa của ta có nhiều tôn ti trật tự đòi hỏi phải hành xử theo truyền thống về đạo đức, điều đó tốt, Tuấn không phủ nhận. Nhưng Tuấn có một cái nhìn khác rằng, mỗi người có một quan niệm riêng về cuộc sống, đừng bao giờ bắt người khác phải giống mình. Hãy đặt mình vào vị trí bị chê, với những lời chê khiếm nhã thì rõ ràng họ đã bị tổn thương. Và người ta phản pháo lại cũng có cái lý riêng của người ta. Mình đâu có phải là người bị tổn thương mà có thể nói người ta thế này, thế khác.

- Vậy mới nói rằng, khen thế nào cho đúng, chê thế nào cho phải cũng là một vấn đề, đúng không anh?

- Khen cho đúng, chê cho thật và đương nhiên là có văn hóa để giảm thiểu tổn thương cho người bị chê là điều cần có. Mà để chê cho đúng thì cũng còn phụ thuộc vào trình độ của người chê. Bởi vậy nên nó làm cho con người ta dè dặt cũng là vì thế. Tuấn chỉ muốn nói, cứ học theo lời các cụ rằng: “Lời nói chẳng mất tiền mua”. Vậy thay vì có những lời chê khiếm nhã thì tại sao không nói một cách lọt tai để mọi sự êm đẹp hơn, đi vào lòng người hơn để thay vì thoá mạ nhau thì người ta cảm ơn nhau. Vậy mới nói, điều gì cũng cần phải dựa trên một... nền văn hóa!

Hoàng Lãm - Nguyệt Lãng (thực hiện)
.
.