Học cách khoan dung:

Ca sĩ Đinh Hương: Có những người làm truyền thông không chân chính

Thứ Năm, 20/02/2014, 16:36

- Bậc Thánh nhân có dạy rằng: Hãy ghét tội lỗi, đừng ghét người phạm tội. Tôi nghĩ đó cũng chính là tinh thần của những con người cao thượng! Đinh Hương nghĩ gì về điều này?

- Nhắc lại câu chuyện về Adam và Eva không nghe lời thượng đế, ăn trái cấm để rồi bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng để thấy, từ thuở khai thiên lập địa thì “tội lỗi” đã tồn tại.

Trong truyền thống tâm linh nào cũng vậy, “cái tôi” luôn được xem là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Chỉ khi, dẹp bỏ được cái tôi đó - vô ngã - là đạt được Niết bàn. Nhưng khi đó, hẳn chỉ còn là chuyện của cõi Phật, còn chúng ta vẫn đơn giản là người trần mắt thịt, sinh ra vốn đã sẵn “cái tôi” bên trong. Đó là lý do mà ai trong mỗi chúng ta cũng đều sẽ mắc tội lỗi vào những thời điểm khác nhau trong suốt cuộc đời mình. Giáo dục giúp ta bồi đắp cái tôi đó đẹp thêm mỗi ngày nhưng như thế nào đã đủ? Hãy học cách yêu thương nhau, nuôi dưỡng sự bao dung trong mỗi tâm hồn. Bởi, đó mới chính là cội nguồn của bình yên, và cũng là chân hạnh phúc mà tất cả chúng ta vẫn hằng tìm kiếm…

- Tôi muốn nhắc đến chuyện một số truyền thông, dư luận hay lên tiếng phê phán, đả kích các nghệ sĩ, những người đã từng mắc phải những scandal, tai tiếng trước đó. Những lỗi lầm đó có khi cứ bị nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Tôi cho điều đó là không hay. Chắc Đinh Hương cũng nghĩ thế?

- “Truyền thông” hay “dư luận” thì bản chất vẫn là tiếng nói của những cái tôi đang hiện hữu trong thế giới này, phản ánh xã hội này. Showbiz như một thế giới thu nhỏ mà ở đó thị phi luôn được sinh ra từ muôn vàn những cái tôi nổi trội.

Quả thực, người nghệ sĩ sinh ra đã có tài năng ảnh hưởng đến người khác. Thế nhưng, tài năng càng nhiều thì trách nhiệm đi đôi càng lớn. Mặt khác, thị phi vốn dĩ cũng chính là liều thuốc đào thải nghề nghiệp một cách nhanh chóng nhất để buộc những “cái tôi” nổi trội ấy nếu muốn tồn tại thì phải tái sinh ra một thế giới tốt đẹp hơn chứ không phải là những điều ngược lại.

Người nghệ sỹ không cần được ưu ái. Họ chỉ cần sự công tâm để lỗi lầm của mình cũng được xem xét từ đôi mắt đầy cảm thông như bao người đời chứ không phải cứ bị “soi” dưới chiếc kính lúp có mức phóng đại lên gấp trăm lần của truyền thông đại chúng.

- Chuyện phê phán thì vẫn là cần thiết, nhưng phê phán là để góp ý, là trên tinh thần xây dựng. Còn phê phán để giễu cợt, bêu riếu người khác thì chỉ thể hiện sự hằn học, tâm hồn tật đố, nhỏ nhen mà thôi phải không Đinh Hương?

- Nêu gương những cái tốt, phê bình cái xấu luôn là điều cần thiết để thay đổi thế giới này trở nên tốt đẹp hơn. Vấn đề nằm ở 2 chữ “thái độ” khi ta đối diện trước những cái xấu. Nhiều người lựa chọn thái độ đả kích, bêu riếu trước sự vật, sự việc mà họ không mong muốn như một cách để tự vệ cho cuộc sống, bảo vệ chính bản thân mình mà quên đi rằng, khả tính có sức cảm hoá con người mạnh mẽ nhất chính là lòng khoan dung, từ bi hỷ xả.

Tôi tin rằng, bản chất con người không ai mà không muốn mình là một phần tốt đẹp của cuộc sống, thế nhưng không phải ai cũng đủ cơ duyên để có thể giác ngộ tận cùng ngọn nguồn thế sự và hướng thiện tâm hồn mình. Với họ, bản thân tôi cảm thấy đáng thương nhiều hơn là đáng trách!

- Tôi cũng nghĩ rằng dù là tai tiếng, scandal gì thì nghệ sĩ, cũng như con người ta nói chung cũng cần có cái nhìn bao dung. Không có chuyện một anh ca sĩ mắc phải scandal thì anh ấy vẫn mãi là một ca sĩ tồi tệ được! Sự bao dung mới làm con người ta tốt lên được!?

- Bậc thánh nhân cũng còn phạm lỗi huống hồ người nghệ sỹ cũng chỉ là con người bình thường. Tôi tin vào tinh thần của những con người cao thượng, rằng: “Hãy ghét tội lỗi, đừng ghét người phạm tội”. Vì tôi tin rằng, lòng khoan dung là tài sản lớn  nhất của đời người và cũng là phương châm đối nhân xử thế tốt nhất để nhằm hoàn thiện nhân cách bản thân và đem lại sự bình an cho cuộc sống.

 - Chuyện một số nghệ sĩ dính phải scandal, mãi đến 5, 10 năm sau nhưng truyền thông còn nhắc lại đã không là chuyện hiếm. Nên nói đến chuyện “khoan dung” hay không thì phải nói đến nhất là các phương tiện truyền thông, nhất là các trang báo mạng. Tôi không nghĩ các phương tiện truyền thông ấy khắt khe mà lắm khi đó cũng chỉ là họ giật gân câu khách mà thôi! Tôi nghĩ Đinh Hương cũng không ủng hộ cách làm này?

- Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi xin phép không đề cập đến những người làm truyền thông chân chính vì tôi  luôn trân trọng những giá trị nhân văn mà họ đã đặc biệt mang lại trong tất cả mọi lĩnh vực không riêng gì nghệ thuật.

Như tôi đã chia sẻ, “truyền thông” bản chất vẫn là tiếng nói của những cái tôi đang hiện hữu trong thế giới này. Người làm truyền thông không chân chính sử dụng công cụ truyền thông để truyền đạt “cái tôi tiêu cực” của họ hay thậm chí là “tráo đổi” bản chất sự việc nhằm định hướng có mục đích đến đối tượng truyền thông là hàng triệu độc giả, mục đích làm nảy sinh dư luận trái chiều càng nhiều thì càng “hot”. Có những người làm truyền thông không chân chính từ đó mà được hưởng lợi!

Tuy nhiên, công bằng mà nói thì chức năng của truyền thông là truyền đạt và chia sẻ thông tin. “Khoan dung” hay không phần nhiều nằm ở “dư luận”. Tôi tin, độc giả bây giờ đã thông minh hơn rất nhiều trong việc tiếp nhận thông tin và họ có thái độ phản ứng dựa trên quan điểm hay chính kiến riêng của mình!

Thực hiện: Hoàng Lãm - Nguyệt Lãng
.
.