COVID-19 và nỗi sợ chạm vào nhau

Thứ Sáu, 20/11/2020, 15:12
Chạm là hành vi đầu tiên mà chúng ta thực hiện khi tiếp xúc với thế giới, và là hành vi cuối cùng rời bỏ chúng ta khi ở bên bờ vực của cái chết. Trong cuốn tiểu thuyết “The Blind Assassin” (tạm dịch: Sát thủ mù), nhà văn Margaret Atwood từng viết: "Chạm đến trước cả ánh nhìn, trước cả lời nói. Đó là ngôn ngữ đầu tiên và cũng là cuối cùng, và nó thường nói lên sự thật".


Giá trị của việc chạm vào nhau

Cấu tạo sinh học của chúng ta thể hiện rõ điều ấy. Bào thai người được bao phủ bởi lông tơ, xuất hiện vào khoảng tuần thứ 16 của thai kỳ. Một số nhà nghiên cứu tin rằng những sợi lông mỏng manh này tăng cường cảm giác dễ chịu khi nước ối của người mẹ nhẹ nhàng trượt qua da của bào thai, và đây là tiền thân của cảm giác ấm áp và êm dịu mà một đứa trẻ sơ sinh sẽ cảm thấy khi chúng được ôm ấp.

Trong nhiều năm, việc chạm vào nhau vốn là hành vi cảm xúc yêu thích của loài người, có thể xoa dịu nỗi tuyệt vọng và làm thăng hoa niềm vui. Tuy nhiên, nó đang trải qua một "kỷ nguyên cấm kỵ": đại dịch COVID-19 đã biến hành vi cơ bản này thành một mối nguy cơ, và là điều có thể khiến chúng ta phải trả giá đắt.

Đại dịch COVID-19 làm chúng ta sợ chạm vào nhau, và từ chối luôn một trong những phương tiện giao tiếp giàu tính người nhất của cuộc sống. Nguồn ảnh: Getty.

Nhưng nếu việc giữ khoảng cách có thể bảo vệ chúng ta trước đại dịch COVID-19, thì nó cũng cản trở sự chăm sóc và nuôi dưỡng. Việc chăm sóc người khác hầu như không thể tránh khỏi động chạm vào họ, từ những nhu cầu cơ bản như tắm rửa, mặc quần áo, đỡ dậy và điều trị y tế, cho đến những trao đổi xúc giác có tính cảm xúc cao hơn trong giao tiếp. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng liệu pháp xoa bóp thủ công có tác dụng vượt trội mọi thao tác trị liệu khác. Tức là có điều gì đó đặc biệt hơn hành động đơn giản là đặt tay lên da của một khách hàng.

Một lý do khác dẫn đến những hoài nghi về việc động chạm là nhận thức toàn cầu ngày một cảnh giác hơn về việc đàn ông sử dụng hành vi này để áp đặt quyền lực của mình lên phụ nữ. Phong trào #MeToo đã chỉ ra rằng phụ nữ là nạn nhân của những hành động không phù hợp, và thường bị lạm dụng với cái giá phải trả để tiếp cận một số loại cơ hội. Trong khi đó, các bác sĩ, y tá và nhân viên sale thường được khuyến cáo rằng không nên tiếp xúc quá sâu với các đối tượng của mình. Xã hội đặt ra một bức tường luân lý khá cao cho việc tiếp cận da thịt nhau.

Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học cho thấy rằng những tiếp xúc vật lý thực sự cải thiện chất lượng các cuộc gặp gỡ của chúng ta. Ví dụ, chúng ta sẽ có khả năng cao trả tiền boa hào phóng hơn cho một người phục vụ lơ đãng chạm vào vai chúng ta khi gọi món, hơn là một người giữ khoảng cách.

Điểm độc đáo của việc chạm vào nhau, so với các kiểu tiếp xúc khác, là tính tương hỗ của nó. Trong khi chúng ta có thể nhìn mà không bị nhìn lại, ta lại không thể chạm mà không… bị chạm lại. Trong thời gian diễn ra đại dịch, các bác sĩ và y tá đã nói về cách mà hành vi tiếp xúc này đã giúp họ giao tiếp với bệnh nhân. Khi không thể nói chuyện, mỉm cười hoặc bị khuất sau mặt nạ và đồ bảo hộ, các chuyên gia y tế vẫn luôn có thể sử dụng những cái vỗ vai, nắm tay hoặc siết lấy cánh tay của bệnh nhân để trấn an và cho họ biết rằng mình không đơn độc. Trong một đại dịch mà chạm vào nhau được xác định là nguồn lây nhiễm, thì thật nghịch lý rằng nó cũng là một phần của quá trình chữa trị.

Vào thập niên 1990, đã có một làn sóng nghiên cứu chứng minh những hậu quả đáng kinh ngạc của việc thiếu sự động chạm đối với sự phát triển của con người. Một số thực nghiệm cho thấy rằng trẻ em đến từ các trại mồ côi ở Romania, những người hầu như không được động chạm vào những năm đầu đời, có những suy giảm về nhận thức và hành vi sau này, cũng như những suy thoái đáng kể trong sự phát triển của não bộ.

Điều đặc biệt của những tiếp xúc vật lý trong giai đoạn ấu thơ không chỉ là số lượng mà còn là chất lượng của chúng. Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học phát hiện rằng trẻ sơ sinh từ 12 tháng tuổi có thể nhận ra cách mẹ chạm vào chúng trong các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn giờ chơi chung hoặc cùng nhau đọc sách. Điều kiện của nghiên cứu là các bà mẹ không biết rằng những nhà khoa học quan tâm đến việc họ chạm vào con, cho phép nghiên cứu nhìn vấn đề một cách sâu sắc hơn.

Kết quả là những bà mẹ ít động chạm và tương tác vật lý với con mình, thì đứa trẻ cũng có xu hướng ưa sử dụng bạo lực và hạn chế về cảm xúc hơn. Thậm chí, cường độ của việc động chạm cũng mang đi những thông điệp khác biệt. Động tác vuốt ve chậm rãi có khả năng làm cho đứa trẻ cảm thấy mình được yêu thương nhiều hơn, còn sự động chạm diễn ra với tốc độ nhanh hơn thường tạo cảm giác xa lạ. Điều này cho thấy sự tồn tại của một con đường chuyên biệt đi từ cảm giác của da thịt lên một phần cụ thể của não bộ.

Chiến thắng nỗi sợ

Tôi bước vào một quán ăn. Bàn ghế cách nhau một quãng xa. Người đi qua nhau dè dặt. Tôi gặp bạn. Giờ chúng ta tiết kiệm cái bắt tay. Công việc thì dường như đã và đang được đóng gói rồi tải thẳng lên mạng: chúng ta giao tiếp, bàn luận, thậm chí cãi nhau trên mạng. Một người bạn của tôi được công ty thông báo nghỉ việc qua… email, và anh cũng từng chọn giao thức này để báo thôi việc một công ty khác. Biết bao cặp đôi đã gửi gắm lại những tâm sự lên không gian mạng, khi cảm xúc được nén thành những khối dữ liệu và thành thói quen đến nỗi khi chia tay, họ cũng chỉ làm qua chat.

Công nghệ cũng góp một phần vào việc tạo ra một thế giới mà con người ngại chạm vào nhau. Các trang mạng xã hội đã trở thành nguồn tương tác xã hội chính cho thanh thiếu niên. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 95% thanh thiếu niên có truy cập điện thoại thông minh thường xuyên và 45% trong số này nói rằng họ trực tuyến "gần như luôn luôn". COVID-19 chỉ là giọt nước tràn ly, và cái cớ để chúng ta chính thức hóa sự ngại giao tiếp vật lý, tiếp tục giao phó danh tính cho các mặt phẳng số hóa.

Nhưng vào những thời điểm mong manh nhất trong cuộc đời, có lẽ chúng ta cần chạm vào người khác hơn bao giờ hết. Đại dịch cũng cho chúng ta thấy một cái nhìn thoáng qua về một cuộc sống sẽ như thế nào nếu không chạm vào nhau: nỗi sợ hãi lây nhiễm cũng đã cho phép chúng ta nhận ra rằng mình nhớ những cái ôm, bắt tay và vỗ vai nhau nhiều đến nhường nào. Khoảng cách thể lý để lại những vết sẹo vô hình trên da thịt chúng ta, và hầu hết mọi người đều đề cập đến hành động "ôm lấy những người thân yêu của tôi" trong danh sách những điều đầu tiên họ muốn làm khi đại dịch đi qua.

Việc chạm vào nhau quan trọng đến nỗi các ngôn ngữ giao tiếp kỹ thuật số cũng bị bão hòa với các phép ẩn dụ về giao tiếp thể lý giữa người với người, cố gắng trợ giúp chúng ta "giữ liên lạc" (keep in touch) với nhau và xác nhận rằng chúng tôi đã "rung động trước cử chỉ tử tế của bạn".

Một dự án được nghiên cứu bởi Đại học London đang cố gắng khám phá xem các biểu tượng cảm xúc kỹ thuật số như nút Like, được xem như các tín hiệu truyền đạt cảm xúc và phản hồi xã hội trên không gian mạng, có thể được mở rộng bằng các thao tác từ xa với sự trợ giúp của những kết cấu vật lý. Hai người ở khoảng cách xa nhau có thể tiếp xúc với nhau không qua một thiết bị cảm ứng trung gian: cảm biến của tôi có thể trở nên ấm áp và mềm mại khi đối tác của tôi ở đầu dây bên kia xuất hiện và muốn tôi cảm thấy sự hiện diện của họ và ngược lại, nó có thể trở nên lạnh lẽo và xù xì nếu tôi không xuất hiện.

Dường như đây là một giao thức nhiều tiềm năng, đặc biệt là với những người không thường xuyên được tiếp xúc như người già, người sống một mình hoặc trẻ em trong trại mồ côi. Hiện có 15% dân số trên thế giới phải sống cô đơn, và thống kê cũng cho thấy ngày càng có nhiều người qua đời mà không ai ở bên.

Tuy nhiên, những thiết bị kiểu này chỉ nên tồn tại như một sự bổ sung cho sức mạnh của việc trao đổi xúc giác trực tiếp, thay vì thay thế cho nó. Không gì có thể so sánh được với sự kỳ diệu của khoảnh khắc thân mật với người khác, chạm vào họ, với sự yêu thương được bày tỏ qua một tập hợp các tín hiệu giác quan tổng hợp từ mùi, âm thanh và hơi ấm. Không giống như kiểu tiếp xúc có thể được số hóa, chẳng hạn như nhìn thấy mặt ai đó và nói chuyện với họ qua ứng dụng Zoom, việc chạm vào nhau đòi hỏi bạn phải ở cùng một nơi, cùng thời gian với một người khác, trong một không gian bốn chiều "bằng da bằng thịt" của đời sống.

Phiên bản kỹ thuật số của việc tiếp xúc không bao giờ có sự chia sẻ phong phú về một trải nghiệm cụ thể trong một không gian và thời gian độc nhất, khiến chúng ta không thể nào cảm thấy đầy đủ như cách một cái ôm có thể mang lại. Nếu chúng ta có thể gửi một cái ôm qua màn hình kỹ thuật số, thì cho dù thành công đến đâu, nó không thể mang lại "cảm giác đang ở bên người khác".

Trong một thế giới đầy hoài nghi và không bao giờ còn có thể như trước nữa vì đại dịch, ý tưởng phục hồi những không gian cho phép chúng ta được chạm trực tiếp vào nhau có vẻ dũng cảm một cách ngu ngốc. Nhưng một thế giới thiếu đi những tương tác vật lý rõ ràng là một viễn cảnh xơ cứng kinh hoàng của đời sống, và nếu từ bỏ đi cơ hội chạm vào nhau, chúng ta cũng có thể đã từ bỏ luôn thứ ngôn ngữ tinh tế bậc nhất mà mình từng có, với tư cách của một con người biết cảm nhận, và yêu thương.

Ban Cầm
.
.