Bước chuyển bất ngờ!

Thứ Bảy, 01/08/2020, 17:12
“Mỹ bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hôm nay chúng tôi củng cố chính sách của Mỹ ở một vùng quan trọng và gây tranh cãi của khu vực ấy - Biển Đông” - ông Mike Pompeo tuyên bố.

Mỹ: Tuyên bố của Trung Quốc về Biển Đông là bất hợp pháp!

Mới đây, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã làm tất cả bất ngờ với tuyên bố lập trưởng của Mỹ về Biển Đông. Trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ vào rạng sáng ngày 14-7 theo giờ Việt Nam, ông Mike Pompeo tuyên bố: “Mỹ bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hôm nay chúng tôi củng cố chính sách của Mỹ ở một vùng quan trọng và gây tranh cãi của khu vực ấy - Biển Đông”.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nói: “Chúng tôi làm rõ một điều: các tuyên bố của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc nhằm kiểm soát chúng, là hoàn toàn bất hợp pháp”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã làm tất cả bất ngờ với tuyên bố lập trường của Mỹ về Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ khẳng định ở Biển Đông, Mỹ tìm cách bảo vệ hòa bình và ổn định, tôn trọng tự do trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, duy trì dòng chảy thương mại và phản đối bất kỳ nỗ lực nào về việc sử dụng cách thức cưỡng ép hay vũ lực nhằm giải quyết tranh chấp.

Ông Pompeo viết: “Cách tiếp cận của Bắc Kinh đã rõ ràng suốt nhiều năm qua. Năm 2010, Ngoại trưởng Trung Quốc khi ấy Dương Khiết Trì đã nói với các đồng cấp ASEAN rằng Trung Quốc là nước lớn, các nước khác là nước nhỏ và đó là thực tế”. Cách nhìn thế giới của kẻ săn mồi theo quan điểm của Trung Quốc không có chỗ trong thế kỷ XXI”.

Theo Ngoại trưởng Pompeo, những đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông về “đường 9 đoạn” là không có cơ sở: “Bắc Kinh đã không đưa ra cơ sở pháp lý nhất quán nào cho yêu sách "đường 9 đoạn" ở Biển Đông kể từ khi chính thức tuyên bố đó vào năm 2009. Trong một quyết định có sự thống nhất ngày 12-7-2016, một tòa trọng tài thành lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 - mà Trung Quốc là một quốc gia thành viên - đã bác bỏ yêu sách hàng hải của Trung Quốc, cho đây là yêu sách không có cơ sở luật pháp quốc tế”.

Trong tuyên bố này, Ngoại trưởng Mỹ còn đi vào cụ thể hơn khi khẳng định lập trường của Mỹ là bác bỏ mọi tuyên bố hàng hải của Trung Quốc ở những vùng biển xung quanh bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), cụm bãi cạn Luconia (ngoài khơi bờ biển Malaysia), các vùng biển trong Vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Brunei và đảo Natuna lớn (ngoài khơi bờ biển Indonesia, mà trong tuyên bố, ông Pompeo dùng theo cách gọi của Indonesia là Natuna Besar).

“Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế quốc hàng hải của mình” - bản tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ kết luận như vậy.

Như vậy, về mặt câu chữ mà nói, người đại diện cho chính sách ngoại giao của Mỹ đã thẳng thừng bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh đe dọa, làm suy yếu quyền chủ quyền của các nước Đông Nam Á có bờ biển ở Biển Đông, bắt nạt các nước này, ngăn không cho khai thác tài nguyên ngoài khơi.

Đây có thể coi như một bước điều chỉnh chính sách đáng kể đối với khu vực này của Mỹ, quốc gia trước đây cố gắng duy trì vị thế trung lập, chủ yếu chỉ đưa ra những tuyên bố quan tâm đến quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.

Trung Quốc: “Mỹ đừng đi càng lúc càng xa trên con đường sai lầm!”

Chiều 14-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bắt đầu đăng những dòng tweet “phản pháo” lại tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ. Bà Oánh viết: “Tuyên bố của (ông) Pompeo về Biển Đông tiếp tục là một bằng chứng nữa cho thấy Mỹ đang cố gắng gieo rắc sự bất hòa giữa Trung Quốc và các nước ven Biển Đông”.

Theo bà Oánh, Trung Quốc chưa bao giờ chính thức tuyên bố yêu sách 9 đoạn trên Biển Đông vào năm 2009 như trong tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ mà “bản đồ Biển Đông đầu tiên có những đường đứt đoạn được công bố vào năm 1948 bởi chính phủ ở Trung Quốc và được truyền lại cho chính phủ kế tiếp mà không có sự tranh chấp của nước nào".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh.

“Chính phủ ở Trung Quốc” mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề cập tới ở đây là Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch, sau khi thất bại trong cuộc nội chiến kết thúc năm 1949 đã chạy sang đảo Đài Loan.

“Bản đồ 9 đoạn công bố năm 1948” trong tweet của bà Oánh là sự kiện năm 1946, lợi dụng tình hình rối ren sau Thế chiến 2, Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch cử một hạm đội gồm 4 tàu chiến do Lâm Tuân chỉ huy, đi ra Biển Đông tiếng là đi giải giáp quân Nhật. Trong đoàn của Lâm Tuân có một quan chức thuộc Bộ Địa chất và Khoáng sản tên là Bai Meichu (Bạch Mi Sơ).

Sau khi quay về, ông ta phóng bút vẽ trên bản đồ một đường đứt quãng gồm 11 đoạn, hình giống cái lưỡi bò, “liếm” khoảng 80% diện tích Biển Đông mà không có bất cứ lời giải thích nào về luật pháp và thực tiễn làm cơ sở cho việc vẽ nên cái “lưỡi bò” khổng lồ này cả; đến tháng 2-1948, Trung Hoa Dân Quốc cho xuất bản một tấm bản đồ phỏng theo đường phóng bút của ông Bạch Mi Sơ, không có tọa độ.

Đến khi Tưởng Giới Thạch thua trận và rút ra Đài Loan, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tiếp quản và cho ấn hành bản đồ, trong đó “đường lưỡi bò” được thể hiện giống như trong bản đồ trước đó của ông Bạch Mi Sơ. Nói như ông Lý Lệnh Hoa, một học giả Trung Quốc tại Hội thảo “Tranh chấp Biển Đông, chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế” do Viện Nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc và báo điện tử Sina.com tổ chức thì đó là một “con đường hư ảo, không hề có kinh độ, vĩ độ, cũng chẳng có căn cứ pháp lý”.

Sau này, không một lời giải thích, “đường 11 đoạn” bị bớt đi 2 đoạn, còn 9 đoạn!

Trong một dòng tweet tiếp theo, bà Hoa Xuân Oánh viết: “Trung Quốc chưa bao giờ khơi mào một cuộc chiến nào”. Dường như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc mải học làm “Chiến lang” mà quên học sử nên không nhớ đến cuộc chiến năm 1962 giữa Trung Quốc với Ấn Độ, hay cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của Việt Nam năm 1979.

Trong một dòng tweet khác, bà Oánh khẳng định Trung Quốc tôn trọng tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và "chưa nghe nước nào than phiền" về điều này.

Đáp lại ý trong tuyên bố của ông Pompeo về “đế quốc hàng hải”, một “Chiến lang” khác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra cùng ngày 14-7, rằng “phía Trung Quốc xưa nay không mưu cầu xây dựng “đế quốc hàng hải” ở Biển Đông và luôn đối xử bình đẳng với các quốc gia ven Biển Đông". Ông Triệu hối thúc Mỹ “không được đi càng lúc càng xa trên con đường sai lầm”.

Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển là mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ về Biển Đông đánh dấu một bước chuyển bất ngờ trong chính sách của Mỹ đối với khu vực này. Câu hỏi đặt ra đây là một bước chuyển mang tính chiến lược hay chỉ mang tính thời vụ? Mỹ có thể đi xa đến đâu để hậu thuẫn cho bước chuyển này?

Thực tế cho thấy những ưu tiên về lợi ích luôn mang tính giai đoạn. Ở một thời điểm này, một vấn đề nằm trong lợi ích quốc gia là trọng tâm của chính sách đối ngoại, của những tuyên bố hùng hồn nhưng đến thời điểm khác, rất có thể nó sẽ phải nhường chỗ cho một ưu tiên khác. Điều đó là bình thường như từ xưa đến nay vẫn vậy.

Các nước trong khu vực Đông Nam Á từ lâu đã hiểu rằng sẽ là ngây thơ nếu trông mong hoàn toàn vào những sự trợ giúp từ bên ngoài để giải quyết những vấn đề của chính mình. Trong khi Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn đối với những yêu sách về lãnh thổ (vô lý) ở Biển Đông thì Mỹ cũng điều chỉnh chính sách đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm đáp ứng những lợi ích cả về đối nội (bầu cử tổng thống vào cuối năm nay), cũng như đối ngoại (cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc).

Không một nước nào trong khu vực muốn bị đẩy vào tình thế phải “chọn phe” trong cuộc cạnh tranh địa chính trị có nguy cơ sẽ tiếp tục leo thang này. Mong muốn chính đáng của các nước là người dân có thể ra khơi đánh cá, các chính phủ, công ty có thể thăm dò dầu khí theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) mà không vấp phải sự đe dọa, thậm chí gây nguy hiểm từ các lực lượng hỗn hợp, từ tàu chiến hải quân, cảnh sát biển đến dân quân biển của nước ngoài.

Lập trường của Việt Nam vẫn trước sau như một, khẳng định hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó.

Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm rằng UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.

Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này.

Yên Ba
.
.