“Bức tường” và “cây cầu”

Thứ Bảy, 30/01/2021, 07:51
Ông Trump là một tỷ phú? Đúng vậy. Ông là một tổng thống gây tranh cãi bậc nhất trên chính trường nước Mỹ? Cũng đúng nốt. Nhưng, xét về mặt nào đó, ông Trump là một “thợ  xây” vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nước Mỹ. Trong 4 năm tại vị, ông Trump đã xây nên nhiều “bức tường” và cả những “cây cầu”…


Xây tường với các đồng minh, đối tác

Mọi người đều biết rằng 4 năm trước, ông Trump, một tỷ phú ngành địa ốc và giải trí, đã vào được Nhà Trắng là nhờ những bức tường. Các cuộc thăm dò trước bầu cử 2016 hầu hết đều cho kết quả bà Hillary chắc thắng. Cho đến khi kết quả kiểm phiếu chính thức được công bố, tất cả mới ngã ngửa ra rằng vị tỷ phú chưa từng có một thực tiễn hoạt động chính trị nào đã chiến thắng nữ chính trị gia có gia tài kinh nghiệm đồ sộ hoạt động trên chính trường trong nhiều năm trời.

Bí quyết của ông Trump khi “đánh chiếm” thành công Nhà Trắng 4 năm trước là gì? Là đã xây dựng thành công một “bức tường” trước đa số cử tri Mỹ, để họ cảm thấy an toàn khi bầu ông làm người đứng đầu nước Mỹ. “Bức tường” đó là những quy định nhập cư sửa đổi khắt khe để hạn chế người nước ngoài nhập cư vào nước Mỹ. Như vậy, người dân Mỹ sẽ bớt lo lắng làn sóng nhập cư sẽ giành lấy công ăn việc làm ngay tại nước Mỹ; rằng những cơ sở an sinh xã hội sẽ được dành để chăm sóc người Mỹ thay vì cho những kẻ xa lạ từ đâu đến!

Biểu hiện cụ thể nhất của “bức tường” mà ông Trump dựng lên trong tâm trí nhiều cử tri Mỹ chính là một bức tường thật sự, mắt thấy tay sờ, được dựng lên trên biên giới Mỹ-Mexico, để ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp từ các nước phía Nam xâm nhập nước Mỹ.

Ông Donald Trump gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: L.G

Ông Trump còn làm cho nhiều cử tri Mỹ sung sướng khi khẳng định rằng không phải ai khác mà chính người Mexico sẽ phải tự bỏ tiền ra để xây dựng bức tường đó (bằng những khoản thuế mà Mỹ đánh vào hàng hóa của Mexico)...

Ông Trump dựng lên một “bức tường” với các đối tác nằm ở duyên hải Thái Bình Dương đã tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định mà các nước này đã phải mất tới 5 năm đàm phán gian khổ mới ký được, bằng cách ngay lập tức rút Mỹ ra khỏi hiệp định này. Với ông Trump, nước Mỹ có thể vĩ đại trở lại mà không cần đến một hệ thống thương mại đa phương, vốn bị ông Trump cáo buộc là đã bòn rút, lợi dụng nước Mỹ trong suốt những năm qua!

Điều không may rằng đó không phải là những “bức tường” đầu tiên mà ông Trump dựng lên cho nước Mỹ trong hơn 4 năm cầm quyền đầy bão tố. Với các đồng minh châu Âu, ông Trump dựng lên “bức tường” hiềm khích xung quanh tỷ lệ chi phí quốc phòng hằng năm trên tổng GDP. Lần đầu tiên sau nhiều năm trời, một số thành viên NATO cảm thấy sự mong manh của điều khoản phòng vệ tập thể trong Hiến chương của tổ chức này, với lời đe dọa rằng “nếu không đóng đủ tiền thì miễn được bảo vệ!”. Các đồng minh thân thiết của Mỹ ở Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng cảm thấy một “bức tường” ngăn cách tương tự với những đòi hỏi về khoản tiền đóng góp để trả cho sự hiện diện của các lực lượng quân sự Mỹ ở khu vực này.

Xây tường với các “kẻ thù”, đối thủ

Với các đồng minh thì như thế, còn với các “kẻ thù”, các đối thủ của nước Mỹ, ông Trump nhanh chóng dựng lên những “bức tường” ngăn cách.

Với Iran, người đứng đầu Nhà Trắng rút Mỹ ra khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà nước này đã ký với nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong đó có Mỹ và Đức) nhằm làm giảm tiến độ chương trình hạt nhân của Iran.

Với Cuba, ông Trump tái lập các biện pháp cấm vận, trừng phạt, bao vây, phong tỏa.

Venezuela, quốc gia Nam Mỹ bị Washington coi là “cứng đầu”, phải hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt vô cùng nặng nề. Các tài khoản của nước này tại Mỹ bị “đóng băng”, mọi giao dịch trên các tài khoản đó đều bị cấm...

Với Nga, ông Trump, người vẫn bị các đối thủ chính trị cho là đã được Moscow “hỗ trợ” trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, dưới sức ép của 2 viện Quốc hội, vẫn phải ký lệnh siết chặt các biện pháp trừng phạt bởi chính cáo buộc Nga “can thiệp” vào cuộc bầu cử đó cũng như vấn đề Bán đảo Crimea.

“Bức tường” lớn nhất, chắc chắn nhất, ông Trump dựng lên với Trung Quốc. Trước những hành vi của nước này bắt nạt các nước láng giềng ở Biển Đông, xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, đạt thặng dư thương mại khổng lồ với nước Mỹ hoặc ngấm ngầm tiến hành các cuộc tấn công mạng, ông Trump đã sử dụng con bài mà ông, vốn là một thương nhân, rất quen thuộc: áp thuế.

Trong phân nửa nhiệm kỳ của mình, ông Trump đã thực hiện một cuộc trường chinh toàn diện chống Trung Quốc, vừa bằng các biện pháp gây sức ép về kinh tế, thương mại, vừa trừng phạt các công ty công nghệ lớn, đồng thời tăng cường hoạt động trên biển để bảo đảm quyền tự do hàng hải trên các vùng biển. Kết quả là sau tròn một nhiệm kỳ 4 năm, ông Trump đã xây dựng cả một “Vạn lý trường thành” ngăn cách giữa Mỹ với Trung Quốc. 

Trong 4 năm dưới nhiệm kỳ của ông, chính quyền Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt với tần suất cao chưa từng thấy trong lịch sử các chính quyền ở Mỹ, tổng cộng khoảng 3.900 lệnh, nghĩa là mỗi ngày đưa ra trung bình 3 lệnh trừng phạt! Các biện pháp trừng phạt này nhằm vào các công ty, cá nhân, thậm chí cả những con tàu chở dầu có mối liên hệ với Iran, Triều Tiên, Trung Quốc, Nga, Venezuela.

Lệnh trừng phạt với số lượng khổng lồ như vậy là những “viên gạch” đủ để xây những “bức tường” ngăn cách nước Mỹ với rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Bức tường biên giới Mỹ-Mexico. Ảnh: L.G

Dựng những “cây cầu” bước qua quá khứ 

Nói đi cũng phải nói lại, ông Trump không hoàn toàn chỉ xây nên những “bức tường” trong 4 năm cầm quyền của mình. Trong một vài trường hợp, ông Trump (hoặc chính quyền của ông) đã thành công trong việc dựng những “cây cầu” nối kết cá nhân hay các quốc gia, dù đó là đồng minh hay đối thủ của nước Mỹ.

Trong 4 năm tại vị ở Nhà Trắng, một trong những động thái mà ông Trump chăm chỉ thực hiện chính là xây dựng một “cây cầu” giữa cá nhân ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Hai người đã có tới 3 cuộc gặp cá nhân trong suốt nhiệm kỳ của ông Trump, một điều chưa từng thấy trong nhiệm kỳ của các Tổng thống Mỹ khác.

Có thể ông Trump tin tưởng vào khả năng thao túng của mình thông qua nghệ thuật đàm phán thượng thừa với các đối tác trên thương trường. Bằng vào mối quan hệ cá nhân với nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông hy vọng sẽ ngăn chặn được chương trình hạt nhân của Triều Tiên, vấn đề hóc búa mà những hạm đội tàu chiến, các bệ phóng tên lửa, những lời đe dọa gay gắt và cả các biện pháp trừng phạt khốc liệt nhằm vào Bình Nhưỡng đã không thể giải quyết được trong nhiều năm trời.

Nhưng, chính trường không phải thương trường. Chính trị gia không phải là đối tác thương mại, đặc biệt là khi họ đại diện cho lợi ích quốc gia và thể chế. Bởi thế nên ngoài tác dụng làm mẫu cho các phóng viên nhiếp ảnh và những dòng tít lớn trên các trang báo trên khắp thế giới, 3 cuộc gặp của ông Trump với ông Kim không có tác động nhiều đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, ít nhất nó cũng đã làm tình hình trên Bán đảo Triều Tiên lắng dịu được phần nào khi Bình Nhưỡng tạm ngừng các vụ thử vũ khí hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo tầm xa. Một “cây cầu” đã được xây dù cho không có gì đảm bảo là nó sẽ bền chắc.

Thành tích “xây cầu” của ông Trump té ra lại đạt được một cách ngoạn mục ở vùng Trung Đông, nơi có cơ cấu địa tầng chính trị cực kỳ mong manh với vô số cuộc xung đột kéo dài trong nhiều thập niên, những ân oán khó bề hóa giải sau bao năm chiến tranh liên miên. Khi củng cố “cây cầu” nối giữa Mỹ với Israel bằng cách công nhận Jerusalem là thủ đô của nhà nước Do Thái (và bằng cách đó xây một “bức tường” giá lạnh với người Palestine), ông Trump đã đảo ngược gần như toàn bộ chính sách Trung Đông của những người tiền nhiệm và phần nào kích hoạt căng thẳng trong quan hệ giữa Israel và Palestine.

Nhưng, bằng cách đứng ra làm trung gian đầy hiệu quả để Israel có thể chỉ trong một thời gian ngắn có thể thiết lập quan hệ ngoại giao với hàng loạt quốc gia Arập vốn bị coi là thù địch như Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Marocco, chính quyền của ông Trump quả thực đã giúp xây nên những “cây cầu” bắc qua quá khứ trên vùng chiến địa. Là người bị đánh giá là thiếu kinh nghiệm về chính sách đối ngoại, ông Trump ít nhất cũng đã để lại một di sản đầy ấn tượng ở vùng đất Trung Đông dầu sôi lửa bỏng...

Sau bao nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử bất thành, cuối cùng ông Trump cũng phải rời Nhà Trắng với kỷ lục là tổng thống duy nhất trong lịch sử Hoa Kỳ bị luận tội tới 2 lần! Nhưng, cái quan định luận, những gì ông Trump làm trong 4 năm tại vị ở Nhà Trắng với tư cách là một thợ xây cần mẫn, vừa “dựng tường”, vừa “xây cầu”, rồi đây sẽ được lịch sử phán xét.

Phá đi các “bức tường” hay củng cố những “cây cầu” mà ông Trump đã xây trong 4 năm làm tổng thống là một sứ mệnh vô cùng nặng nhọc đối với người kế nhiệm ông Trump ở Nhà Trắng - ông Joe Biden. Nhưng, đấy lại là một câu chuyện khác...

Yên Ba
.
.