Bạn đọc hỏi nhà báo trả lời số 93

Bữa ăn là cơ hội tạo ra một thế giới chia sẻ, yêu thương

Thứ Ba, 27/10/2015, 10:38
Nghe về một bữa ăn có đủ các thành viên trong gia đình tưởng là chuyện quá đơn giản và chẳng có ý nghĩa gì quan trọng. Nhưng thực ra nó vô cùng quan trọng.

Chị Nguyễn Thị Tuyền (TP Phủ Lý, Hà Nam): Kính thưa nhà báo, mấy năm vừa qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động phong trào “Bữa cơm đầm ấm yêu thương”. Tôi thực sự chưa hiểu hết ý nghĩa của phong trào này, xin nhà báo giải thích cho tôi?

Nhà báo Minh Đức: Thưa chị Nguyễn Thị Tuyền, bữa cơm đầm ấm yêu thương là một trong những hoạt động của Ngày Gia đình Việt Nam. Chúng ta đều biết đời sống công nghiệp đang phá vỡ ít nhiều những vẻ đẹp của một gia đình truyền thống Việt Nam. Nhìn vào hiện thực của những gia đình Việt Nam, đặc biệt ở thành thị ngày nay chúng ta nhận thấy rằng các thành viên trong một gia đình như ông bà, cha mẹ, con cháu đã không còn sự gắn kết như trước kia nữa.

Có những gia đình cả tuần không có được một lần tụ họp đầy đủ các thành viên. Bởi thế, một bữa cơm có đủ các thành viên trong gia đình là một nhu cầu lớn. Có những gia đình một bữa cơm chia làm ba đợt. Đợt một là ông bà, đợt hai là vợ chồng và đợt ba là con cháu. Chúng ta ít nhiều chứng kiến có những gia đình ông bà ngồi ăn còn con cháu thì lại đang làm việc khác hoặc vẫn chưa về nhà.

Quả thực, chúng ta đang sống trong một đời sống với tốc độ chóng mặt. Mỗi thành viên trong gia đình dành quá ít thời gian chăm sóc, tâm sự và chia sẻ với nhau. Nhiều bậc cha mẹ không thể nào biết được con cái mình đang sống một đời sống nội tâm như thế nào. Họ nghĩ chỉ cần chăm lo ăn uống, quần áo, phương tiện và đóng tiền học cùng với các chi tiêu khác cho con cháu là đủ. Nhưng họ đã và đang mắc sai lầm trầm trọng. Những đứa trẻ sống với chúng ta trong một ngôi nhà vật chất nhưng lại ở một thế giới tình cảm hoàn toàn tách biệt.

Vì vậy, một bữa ăn trong tuần có tất cả các thành viên là một cơ hội thật quan trọng cho mọi người. Họ cùng chia sẻ một món ăn ngon, cùng hỏi thăm nhau về công việc và học hành, kể cho nhau nghe những câu chuyện xúc động liên quan đến những người thân yêu trong gia đình, cùng quan tâm và lắng nghe nhau về những vấn đề của đời sống xã hội. Bữa ăn như vậy không phải là một bữa ăn để duy trì sự sống mà là cơ hội tạo ra một thế giới của những chia sẻ, yêu thương và bao điều khác. Nó tạo nên sự sum họp, tạo nên những gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

Nghe về một bữa ăn có đủ các thành viên trong gia đình tưởng là chuyện quá đơn giản và chẳng có ý nghĩa gì quan trọng. Nhưng thực ra nó vô cùng quan trọng. Nó chống lại sự thờ ơ, vô cảm của những thành viên trong một gia đình với nhau. Một bữa ăn rời rạc sẽ dẫn đến sự gắn kết rời rạc giữa các thành viên và từ đó dẫn đến sự đổ vỡ của một gia đình. Mong mọi người mỗi tuần ít nhất có một ngày đoàn tụ và cùng nhau ngồi vào bàn ăn.
ANTG Giữa tháng - Cuối tháng
.
.