Bóng đá Việt Nam: Từ "số 1" Đông Nam Á đến chân trời World Cup

Thứ Năm, 16/01/2020, 07:53
Từ cuối năm 2018 đến cuối năm 2019 là hành trình mà bóng đá Việt Nam trở thành "số 1" thực sự ở Đông Nam Á. "Số 1" từ sân chơi AFF Suzuki Cup dành cho Đội tuyển quốc gia đến sân chơi SEA Games dành cho U.22 Quốc gia. "Số 1" trong trạng thái điềm tĩnh, lạnh lùng, chín chắn, và khiến cho nhiều nền bóng đá khu vực phải e dè.

Có những điểm trùng hợp rất lạ ở cả hai cái hành trình vươn tới "số 1" trong 2 năm. Đó là việc đối thủ ở chung kết cũng chính là đối thủ ở vòng bảng, và khi gặp lại nhau ở chung kết thì cả hai đối thủ đều tin mãnh liệt vào một cuộc phục hận, nhưng sau 90 phút bóng lăn mới vỡ lẽ đấy là niềm tin bong bóng. 

AFF Suzuki Cup năm 2019, Việt Nam thắng Malaysia 2-0 ở vòng bảng, và khi gặp lại chính Malaysia ở chung kết đã phải đối diện với những tuyên bố rất mạnh mẽ của đối phương. Thời điểm ấy, Malaysia được đá chung kết lượt đi trên sân nhà, và người Malaysia tin rằng lợi thế sân nhà sẽ giúp mình chiến thắng. Nhưng sự thực, Malaysia bị thủng 2 bàn rất nhanh, và phải rất vất vả mới kết trận với tỉ số hoà 2-2. 

Nhưng đến trận lượt về ở sân Mỹ Đình thì Malaysia "tắt điện" thực sự. Bởi đấy là trận đấu mà Việt Nam dẫn 1-0 từ rất sớm, và sau khi dẫn bài thì đã "khoá" trận đấu chặt chẽ tới mức Malaysia không có nổi dù chỉ một cơ hội gỡ hoà. Năm nay, Việt Nam gặp lại chính Malaysia, ở chính sân Mỹ Đình trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022, khu vực châu Á. Và một lần nữa lại thắng 1-0. Sự khác biệt có chăng chỉ là: lần trước, người ghi bàn là Nguyễn Anh Đức, lần này người ghi bàn là Nguyễn Quang Hải. 

Những trận thắng liên tiếp ấy nói lên điều gì? Nó nói lên sự "trên cơ" về đẳng cấp. Trong bóng đá thường có những chiến thắng mang tính chất "đột biến", và khi một đội bóng yếu đột biến thắng đội bóng mạnh thì các nhà chuyên môn thường bảo: nếu hai đội đá lại, mọi chuyện sẽ rất khác. Nhưng cụ thể ở trường hợp này, Việt Nam đã đá lại với Malaysia, và "đá lại" mà mọi thứ vẫn không khác. Chỉ có sự khác biệt về đẳng cấp mới giúp một đội bóng làm được như vậy.

Ảnh: Trọng Hải.

Sang đến sân chơi SEA Games cũng thế. Vòng bảng môn bóng đá nam SEA Games năm 2019, U.22 Việt Nam "ăn" U.22 Indonesia 2-1 bằng bàn thắng ở những phút cuối cùng của Hoàng Đức. Lập tức sau trận đấu, HLV trưởng Indonesia phát biểu: Nếu gặp lại ở chung kết, Indonesia sẽ thắng. Cái cảm giác thua bàn phút cuối trong một trận đấu đã dẫn bàn từ hiệp 1 khiến HLV trưởng Indo tiếc hùi hụi. Và cái cảm giác tiếc hùi hụi ấy khiến ông nghĩ rằng, đấy đơn giản chỉ là cái thua trong một khoảnh khắc mà thôi. 

Trước đó, ở vòng loại U.23 châu Á  trên sân Mỹ Đình, Indo cũng thua Việt Nam 1 bàn phút cuối, và trong mắt của những nhà làm bóng đá Indo thì đấy rõ ràng cũng chỉ là cái thua của khoảnh khắc. Trong bóng đá, sau liên tiếp những "cái thua khoảnh khắc", lại là "khoảnh khắc cuối cùng", con người ta thường tiếc nuối cao độ. Và người ta thường nuôi một niềm tin, một khát vọng thật sự rằng: nếu gặp lại nhau mình hoàn toàn có thể làm tốt hơn.

Và quả nhiên là số phận đưa U.22 Việt Nam gặp lại U.22 Indonesia ở chung kết. Lần này Indo không thua phút cuối, không thua khoảnh khắc nữa, mà thua toàn diện 0-3. Đây đó vẫn có những ý kiến đại loại: Indo thua vì quân bài chủ lực trong trận chung kết phải sớm ra sân vì chấn thương. Nếu điều này là sự thật thì nó cũng hé lộ sự thiếu hụt về chiều sâu trong lực lượng của Indo. Hãy đặt trường hợp ngược lại, sau trận gặp Singapore ở vòng bảng, U.22 Việt Nam cũng mất luôn quân bài chủ lực Nguyễn Quang Hải vì chấn thương. Nhưng mất Quang Hải, U.22 Việt Nam vẫn có những nhân tố khác, đảm bảo lối chơi mang tính tập thể cao. 

Trong bóng đá, chấn thương là một phần không tránh khỏi. Cho nên, một đội bóng lý giải lý do thua trận của mình vì "một cầu thủ chủ lực chấn thương" thì thật ra họ "xứng đáng" là người thua trận. Khách quan mà nói thì bản thân ban huấn luyện Indonesia không có cách lý giải nguyên nhân thua trận như  vậy, đó đơn giản chỉ là cách lý giải của một bộ phận dư luận có thói quen nhìn nhận vấn đề một cách cảm tính mà thôi. Sự thực, HLV trưởng Indo nói sau trận đấu: Việt Nam quá mạnh, để họ dẫn trước 2-0 thì coi như đã an bài.

Ảnh: Tiến Tuấn.

Phân tích rất kỹ những thất bại liên tiếp của bóng đá Malaysia (ở cấp độ Đội tuyển Quốc gia) và bóng đá Indonesia (ở cấp độ U.22 Quốc gia) là để kết luận rằng: Từ 2018 đến 2019, bóng đá Việt Nam mạnh thật sự so với 2 nền bóng đá này. Đấy là điều chưa bao giờ chúng ta làm được trong quá khứ. Và đấy thực sự là một điểm son của bóng đá Việt Nam trong lộ trình hội nhập và phát triển từ hàng chục năm qua.

"Cắt đuôi" Malaysia, "cắt đuôi" Indonesia, bóng đá Việt Nam đang ở vào trạng thái so kè một chín một mười với bóng đá Thái Lan. Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, Việt Nam hoà Thái Lan cả 2/2 lần gặp gỡ. SEA Games 30, U.22 Việt Nam cũng hoà U.22 Thái Lan sau khi bị dẫn trước 2 bàn. Rõ ràng là nếu chúng ta liên tục thắng Mã, thắng Indo thì lại liên tục hoà với Thái. Có nghĩa là chúng ta vẫn chưa thể vượt Thái, cho dù nhìn vào những thành tích ấn tượng ở các giải đấu châu Á lẫn bảng xếp hạng hàng tháng của FIFA thì chúng ta đã "vượt" Thái rất nhiều. 

Nhưng có một sự thật là ở một số thời điểm đụng độ với bóng đá Việt Nam, cầu thủ Thái đã có biểu hiện "cóng", chứ không thể chơi một thứ bóng đá hoàn toàn trên chân, với một trạng thái hoàn toàn tự tin như khoảng 5 năm về trước. Với chúng ta, chỉ riêng điều ấy thôi cũng đã là một dấu hiệu đáng mừng.

Ảnh: Trọng Hải.

AFF Suzuki Cup năm 2008, sau khi bất ngờ thắng Thái Lan để lên ngôi vô địch, HLV Henrique Calisto khi đó vẫn đau đáu với cái nan đề: phải làm gì để trở thành số 1 Đông Nam Á? Bởi theo ông "Tô" thì lúc đó chúng ta chỉ mới thắng những trận đánh cụ thể chứ vẫn thua về đẳng cấp. Nhưng 10 năm sau, mọi chuyện đã khác. Chúng ta vô địch Đông Nam Á lần 2 (ở cấp độ Đội tuyển Quốc gia), và đã thực sự đẩy đẳng cấp của mình lên một tầm cao mới. Chúng ta đã đi qua Mã, đi qua Indo và đang ở một đẳng cấp ngang bằng với Thái.

Nhưng cũng không thể vì vậy mà ngủ quên với sự thăng tiến của mình. Bởi tạo dựng đẳng cấp đã khó, nhưng liên tục duy trì đẳng cấp, hướng đến việc nâng tầm đẳng cấp lại là việc khó hơn. Cái đẳng cấp mà chúng ta đang có đến từ một hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ chuyên nghiệp, bài bản của cùng lúc rất nhiều lò bóng đá. Cái đẳng cấp mà chúng ta đang có được "gọi ra" bởi khả năng cầm lái không thể phù hợp hơn của vị thuyền trưởng Park Hang Seo. Rất nhiều những yếu tố, cả chủ quan, cả khách quan, cả nền tảng, cả hiện tượng cùng hội tụ trong một thời điểm để bước đầu xác lập được cái gọi là "đẳng cấp". 

Và theo những chiến lược phát triển đã được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vạch ra trong những ngày đầu tiên của năm 2020 dương lịch thì từ cái nền đẳng cấp đã có, chúng ta đặt mục tiêu tham dự VCK World Cup 2026. Tức là chúng ta đang nỗ lực đẩy cái đẳng cấp hiện tại lên một tầm cao hơn. Đấy là một chiến lược rất đáng để chờ đợi, bởi nó không viển vông và đầy huyễn tưởng như những lần đặt "mục tiêu World Cup" trước đây.

Từ giờ đến năm 2026 còn 6 năm. Khi ấy, lứa cầu thủ U.22 hôm nay sẽ chín thêm. Khi ấy những lứa cầu thủ mà bây giờ đang là U.19, U.16 sẽ trưởng thành. Chờ 6 năm cho một mục tiêu World Cup của một nền bóng đá vừa vượt lên chính mình để trở thành "số 1" Đông Nam Á!  n

Diệp Xưa
.
.