“Bình thường mới” đến với chúng ta như thế nào?

Thứ Hai, 25/05/2020, 15:44
Vấn đề quan tâm lớn nhất của rất nhiều người trên thế giới, trong đó có người Việt Nam chúng ta hiện nay, đó là sự trở lại sau đại dịch COVID-19. Trên thế giới, nhiều thành phố đã mở cửa sau nhiều tháng, nhiều ngày phong tỏa. Ở Việt Nam, lệnh cách ly xã hội cũng đã hết hạn, và từ giáo dục đến giao thông, từ những vận động lớn của đời sống kinh tế quốc gia đến những vận động nhỏ của từng nhà, từng người cũng dần trở lại bình thường.

Kính gửi Tòa soạn báo An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng!

Vấn đề quan tâm lớn nhất của rất nhiều người trên thế giới, trong đó có người Việt Nam chúng ta hiện nay, đó là sự trở lại sau đại dịch COVID-19. Trên thế giới, nhiều thành phố đã mở cửa sau nhiều tháng, nhiều ngày phong tỏa. Ở Việt Nam, lệnh cách ly xã hội cũng đã hết hạn, và từ giáo dục đến giao thông, từ những vận động lớn của đời sống kinh tế quốc gia đến những vận động nhỏ của từng nhà, từng người cũng dần trở lại bình thường.

Cuộc sống đang dần trở lại sau đại dịch COVID-19. Ảnh: L.G

Tuy nhiên, đấy không phải là trạng thái "bình thường cũ", hiểu theo nghĩa là mọi nề nếp, thói quen sẽ quay trở về đúng như trước khi xuất hiện đại dịch. Bây giờ, trên khắp các trang báo, và trong nhiều câu chuyện, chúng ta vẫn nghe đến khái niệm "bình thường mới", tức là đã "bình thường" rồi, nhưng lại "mới" (trong sự đối sánh với cái "cũ"), và chắc chắn là trong cái "mới" hẳn nhiên sẽ có cả nguy mới lẫn cơ mới. Vậy thì chúng ta phải chuẩn bị những kỹ năng mới nào để có thể thích nghi, làm quen với trạng thái bình thường mới?

Chúng ta sẽ phải làm như thế nào để "cơ" mới được phát huy và "nguy" mới bị đẩy lùi? Theo quan điểm của tôi, đây là những câu hỏi rất quan trọng đối với mỗi quốc gia - mỗi xã hội - mỗi con người trong cái hoàn cảnh "mới" chưa từng có trước đây. Nếu được, mong báo ANTG GT-CT có thể cùng trao đổi, bàn bạc về chủ điểm này, và trả lời giúp tôi câu hỏi này. Xin chân thành cảm ơn! - Nguyễn Đức (Thành phố Hồ Chí Minh)

Kính gửi độc giả Nguyễn Đức!

Vấn đề độc giả đặt ra rất thú vị, và cần thiết. Theo chúng tôi "bình thường mới" đúng là một khái niệm cần phải được mổ xẻ nhiều chiều. Bởi chúng ta bắt buộc phải hiểu đúng và trúng về nó thì mới tìm được những phương pháp ứng xử với nó, nhằm đạt được hiệu quả lớn nhất cho sự phát triển của một quốc gia, một xã hội, cũng như một con người.

Thưa độc giả, nhìn ở cấp độ vĩ mô, chúng tôi nghĩ rằng mỗi quốc gia sẽ có cách phân tích, giải mã trạng thái "bình thường mới" khác nhau, liên quan đến những cấp độ hiệu quả khác nhau trong quá trình chống dịch. Với Việt Nam chúng ta, có một sự thật không thể phủ nhận là chúng ta đã chống dịch một cách hiệu quả, và theo chúng tôi sự hiệu quả đó đến từ 2 nguyên nhân: 1/Tinh thần chống dịch như chống giặc; 2/Sự minh bạch trong quá trình xử lý thông tin và sự tham gia liên ngành, toàn dân vào một nhiệm vụ lớn.

Vậy thì ở trong trạng thái "bình thường mới" chúng ta cần phải phát huy triệt để 2 nguyên nhân này để không chỉ thành công trong việc chống dịch, mà còn phải hướng đến thành công trong việc phát triển, xây dựng đất nước. Ví dụ, khi chúng ta đã quyết tâm đặt khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc" thì phải chăng bây giờ cũng cần phải đặt ra những khẩu hiệu tương tự như: "Chống tham nhũng như chống giặc", "chống lãng phí như chống giặc", "chống tụt hậu như chống giặc".

Và trong quá trình "chống giặc", chúng ta phải tiếp tục xử lý và cung cấp các nguồn thông tin một cách minh bạch hơn nữa, phải đề nghị liên ngành hoạt động hiệu quả hơn nữa, phải đề nghị người dân tham gia sâu sát hơn nữa. Rất nhiều chuyên gia kinh tế phân tích rằng sau đại dịch COVID-19, rất nhiều công ty lớn có xu hướng thu hẹp lại những mắt xích sản xuất của họ ở thị trường Trung Quốc, và có xu thế chuyển dịch nó đến những thị trường an toàn, có khả năng ứng phó với những vấn đề bất thình lình của nhân loại một cách hiệu quả. Và đấy chính là cơ hội của những đất nước đã chống dịch thành công như Việt Nam.

Về tâm lý, chắc chắn Việt Nam sẵn sàng đón nhận một làn sóng đầu tư rất quan trọng này. Nhưng về mặt hiệu quả, rõ ràng là chúng ta phải cải thiện được chất lượng bên trong của mình để làn sóng này - cơ hội này không trôi qua lãng phí. Giáo sư kinh tế Trần Văn Thọ - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đã phân tích rất chí lý rằng, nền kinh tế Việt Nam đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội phát triển trong quá khứ, điển hình nhất là giai đoạn giữa những thập niên 90 của thế kỷ 20.

Đấy là giai đoạn mà Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam, cũng là giai đoạn Việt Nam tham gia ASEAN, hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế. Thậm chí một số chuyên gia kinh tế Nhật Bản đã dự đoán với Giáo sư Trần Văn Thọ rằng kinh tế Việt Nam sẽ sớm trở thành một "con hổ ở châu Á".

Tuy nhiên, do nhiều rào cản về chính sách, cùng cách thức làm việc cũ kĩ, chưa phù hợp mà Việt Nam đã không thể tận dụng được cơ hội này. Đồng cảm với nhận định của Giáo sư Trần Văn Thọ, chúng tôi nghĩ rằng, phát huy tối đa năng lực bên trong, tận dụng tối đa cơ hội mình đang có chính là nhiệm vụ quan trọng của kinh tế Việt Nam ở trạng thái "bình thường mới" hiện nay. Nếu không thể tận dụng được cơ hội này, chúng ta chỉ có thể tự trách mình.

Vẫn ở trong trạng thái "bình thường mới", theo chúng tôi, mỗi ngành, mỗi nghề, mỗi người cũng đều phải có những nhìn nhận, phân tích thấu đáo những gì đã qua, để tìm ra một hướng phát triển tốt nhất cho mình.

Ví dụ như ngành giáo dục, lịch sử. Ngành giáo dục Việt Nam tính từ năm 1975 đến nay chưa bao giờ có tình trạng bị ngắt nhịp tới hơn 3 tháng, tính từ ngày nghỉ Tết 18-1. Trong hơn 3 tháng đó, giáo dục trường lớp đã chuyển qua hình thức "giáo dục online", và theo một số giáo viên thì chính trong hoàn cảnh này, kỹ năng dạy học online của họ được nâng cao đến bất ngờ.

Vậy thì lúc này, khi đã chính thức trở lại với trạng thái "bình thường", chúng ta sẽ quay trở lại với đúng cách dạy học trường lớp trước đây, và khai tử phương pháp "dạy học online"? Chắc chắn là không! Ở trong trạng thái "bình thường mới" của nền giáo dục, việc đan xen giữa hai hình thức dạy học cũ - mới để đạt được hiệu quả tối đa là điều phải được tính toán một cách kỹ càng.

Từ câu chuyện "dạy học Online" của ngành giáo dục có thể nhìn rộng ra câu chuyện "hoạt động Online" - "ứng xử Online" của toàn xã hội nói chung. Cho đến trước khi xuất hiện đại dịch COVID-19, chúng ta vẫn thấy đâu đó những lời than trách về "một thế hệ cúi đầu", hiểu theo nghĩa là một thế hệ thường xuyên cúi mặt vào điện thoại.

Nhưng ở một góc độ nào đó thì chính "một thế hệ cúi đầu" lại khiến cho những giao dịch số - những ứng xử số - thậm chí là những tâm tình số được phát huy khi chúng ta phải thực hiện cách ly xã hội. Vậy thì bây giờ, trong trạng thái "bình thường mới", chúng ta phải nhìn nhận lại những hoạt động số như thế nào, và đánh giá về "một thế hệ cúi đầu" ra sao?

Hẳn nhiên, chạy từ cực nọ sang cực kia của một vấn đề rất dễ đẩy con người vào trạng thái lầm lạc cực đoan, nhưng nhìn ra cái hay của mỗi cực, và tìm cách tích hợp chúng trong một vận động thông minh luôn là điều kiện tối quan trọng để phát triển. Và theo chúng tôi, đây cũng chính là một trong những nhiệm vụ tối quan trọng ở trạng thái "bình thường mới".

Thưa độc giả Nguyễn Đức, trong trạng thái bình thường mới, hẳn nhiên cũng không tránh được những đau khổ mới, liên quan trực tiếp đến từng người, từng nhà. Tổ chức Lao động Quốc tế cho rằng, sẽ có 1,25 tỷ người bị đe dọa mất việc hoặc giảm lương vì đại dịch COVID-19. Có nghĩa là với trạng thái "bình thường mới", sẽ có nhiều người không được làm công việc như cũ, không được nhận mức lương như cũ, không được hưởng những chế độ ưu đãi như cũ.

Trên chuyến xe taxi mới đây, chúng tôi được anh tài xế taxi kể về câu chuyện rất nhiều bạn bè của anh bây giờ đã phải bán xe, bán đi cái "cần câu cơm" duy nhất của mình. Vì trở lại  "trạng thái bình thường mới" cũng là lúc họ đã tiêu sạch những đồng vốn khiêm tốn mình tích luỹ. Bán xe lúc này là một giải pháp bắt buộc để vừa giảm áp lực vừa có thể tìm cách cầm cự qua ngày. Xã hội nào, đất nước nào hiện nay cũng sẽ có những số phận, những con người như thế.

Và chính vì thế mà nhiều gói cứu trợ xã hội, dành cho những người không có thu nhập đã được tung ra ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh việc sử dụng nguồn kinh phí từ những gói cứu trợ xã hội, thì trong trạng thái "bình thường mới", những người lao động nghèo có lẽ cũng cần phải nghĩ đến một ý chí mới - một tinh thần mới - một nghị lực mới. Bởi, một ý chí bền bỉ vào lúc này sẽ là chiếc "kim chỉ nam tinh thần" hữu hiệu ít nhất cũng có thể giúp chúng ta yên tâm cầm cự, chờ đợi một cơ hội mới.

Kính thưa độc giả, "bình thường mới" đúng là một khái niệm cần phải được nhìn nhận tổng luận từ nhiều ngành, nhiều người, nhiều cấp độ. "Bình thường mới" cũng là một khái niệm chất chứa trong nó nhiều câu chuyện, nhiều mảnh đời, nhiều số phận với những thăng trầm, khác biệt. Hy vọng là mỗi người chúng ta, với những góc nhìn và hoàn cảnh riêng của mình có thể nhìn nhận, giải mã trạng thái này một cách tối ưu, để ít nhất cũng có thể giải quyết được những vấn đề của riêng mình sao cho hiệu quả.

Chân thành cảm ơn độc giả, và chúc độc giả có một "bình thường mới" bình an!

Vương Trọng Tín
.
.