Biến tướng lạm quyền

Thứ Ba, 22/10/2019, 20:54
Nếu như lãnh đạo Trung ương ngày càng quan tâm đến hình ảnh, phát ngôn thì có vẻ như nhiều cá nhân đang giữ chức vụ ở địa phương lại vẫn giữ thói quen cũ, đó là thói quen muốn phát ngôn sao thì phát ngôn, muốn làm gì thì làm.

Hàng loạt vụ việc diễn ra trong thời gian gần đây nhanh chóng tạo thành các vấn đề thời sự nóng, thu hút sự quan tâm cũng như nỗi bức xúc của dư luận. Nếu như lãnh đạo Trung ương ngày càng quan tâm đến hình ảnh, phát ngôn thì có vẻ như nhiều cá nhân đang giữ chức vụ ở địa phương lại vẫn giữ thói quen cũ, đó là thói quen muốn phát ngôn sao thì phát ngôn, muốn làm gì thì làm.

Bất chấp trong thời điểm hiện tại, cá nhân nắm giữ chức vụ bị giám sát bằng nhiều phương tiện hơn, bằng các phương thức tạo nên sự tương tác nhiều hơn.

Từ miền cao đến đồng bằng

Cách đây gần hai năm, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật ông Ngô Văn Tuấn bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng. Ông Ngô Văn Tuấn từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, tiếp đến giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh này. Ông Ngô Văn Tuấn về sau bị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định cắt chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh. 

Câu chuyện của ông Ngô Văn Tuấn giành được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, gói gọn trong vài từ "nâng đỡ không trong sáng". Người được ông Ngô Văn Tuấn nâng đỡ không trong sáng là cô Trần Vũ Quỳnh Anh, người được biết nhiều với danh xưng "hotgirl Thanh Hóa". 

Khi chuyện liên quan đến ông Ngô Văn Tuấn với sự đề bạt bổ nhiệm theo lối tùy tiện ban phát còn chưa kịp trôi vào quên lãng, thì người phụ nữ đang là Trưởng phòng Quản trị thuộc Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố cáo sử dụng bằng cấp 3 của người thân và đang bị kiểm tra xử lý. Bất chấp trước đó, người phụ nữ trên đã chủ động nộp đơn xin thôi việc.

1. Công tác cán bộ là công tác quan trọng, công tác sống còn của tổ chức... ai cũng hiểu rõ điều này. Đáng tiếc là trong thời gian qua, công tác cán bộ lại tồn tại nhiều vấn đề nguy hại.

Vụ hotgirl Thanh Hóa thôi không nhắc lại khi mà một cô nhân viên tạp vụ được bế lên đặt ở vị trí lãnh đạo phòng ban nghiệp vụ, quy hoạch làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng rồi đột ngột biến mất như một trò đùa, vụ việc ở Đắk Lắk cũng không khác nhau là mấy về con đường thăng tiến. 

Cũng học hết bậc Trung học Cơ sở rồi mượn giấy tờ bằng cấp của người thân để đi làm, trong quá trình đi làm được lãnh đạo cấp trên "ưu ái" ra sao đó nên trở thành lãnh đạo cấp thấp hơn của lãnh đạo cấp trên... Mọi việc cứ êm ái vậy cho đến khi bị phát hiện.

Báo giới vừa đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy Hà Giang đã thành lập 36 đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 trên địa bàn tỉnh này. 

Trong số các cán bộ, đảng viên bị xử lý có mấy cái tên đặc biệt được chú ý nhất là khi con gái của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh (hiện đang là Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương) cũng được nâng điểm trong kỳ thi này.

Điều kỳ lạ là trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang lại kết luận, "Vợ ông Triệu Tài Vinh bị kiểm điểm vì "để em chồng tác động nâng điểm thi cho con"". Trước đây, ông Triệu Tài Vinh cũng đã rất nhiều lần tâm tư vì nhiều người thân của ông được đề bạt giữ các chức vụ lãnh đạo tại địa phương.

Trước vụ việc ở Tỉnh ủy Đắk Lắk hay kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang, thì Tỉnh ủy Sóc Trăng chiếm sóng thông tin khi chi gần 1 tỷ đồng để lắp camera giám sát an ninh cho mười mấy cán bộ nằm trong Thường vụ Tỉnh ủy. Vụ việc này vừa không đúng vừa gây ầm ĩ đến mức Tỉnh ủy Sóc Trăng phải ban hành quyết định thu hồi quyết định cũ, thu hồi tiền ngân sách chi lắp camera, kiểm tra xử lý các cán bộ liên quan...

2. Giám sát được quyền lực là điều mà Trung ương đang quyết tâm thực hiện, bởi phải giám sát được quyền lực thì mới ngăn chặn được sự tha hóa, sự lạm quyền và hàng loạt những biến tướng đầy nguy hiểm khác.

Độ tháng 6-2019, một ông Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng ủy của một xã thuộc huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), đang yên đang lành lại đi chặt cây trên đất nông nghiệp của người dân để bị tố cáo. Thêm nữa là cảnh cả một xã thiếu nợ của người dân mà lãnh đạo Tỉnh chỉ đạo mãi không xong ở Thanh Hóa, rồi chuyện chính quyền xã lại đi tiếp khách rồi cơm rượu thiếu nợ chây ì...

Tôi nghĩ rằng, nếu giám sát quyền lực hợp lý hiệu quả, thì những câu chuyện trên đây rất khó có cơ hội để hiện hữu. Bởi đề bạt bổ nhiệm bao giờ cũng được thực hiện hết sức chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị nên chuyện bằng cấp, nên chuyện lọt cái này hay cái kia là điều rất khó để xảy ra. Ngoại trừ, "thủ trưởng đã đồng ý nên cứ vậy mà làm".

Giám sát được quyền lực sẽ đảm bảo được cho mong ước của nhân sĩ Thân Nhân Trung, "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia". Còn nếu không thực hiện được điều này, thì rõ ràng quyền lực của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị là không thể cản được.

Mà một khi quyền lực không cản được thì chuyện lạm quyền hẳn là đương nhiên, đó cũng là chuyện, lệnh sếp to hơn pháp luật cũng là đương nhiên. Và lúc đó những trái khoáy như những sự vụ tôi vừa nêu sẽ là chuyện luôn luôn có rất nhiều tiềm năng xuất hiện.

Ngay công tác quan trọng nhất là cán bộ còn tùy tiện rất có biểu hiện lạm quyền thì e rằng không còn gì là cá nhân sử dụng quyền lực một cách tự tung tự tác không dám thực hiện. 

(Ngô Nguyệt Lãng)

Quyền lực tùy nghi

Phải nói rằng, chuyện những ông quan lạm quyền là không hề mới. Mỗi ông với chức vụ và quyền hạn khác nhau thì có kiểu lạm quyền khác nhau. Từ việc dùng xe công, đến sai phạm trong thi hành công vụ gây thất thoát tiền của nhân dân, tư lợi… Sự lạm quyền phổ biến đó cho thấy một điều rằng, sự ngộ nhận quyền hạn với trách nhiệm đang ngày càng trở nên phổ biến.

Tôi từng viết rằng, bây giờ có lẽ chẳng mấy ai còn nghĩ quan chức là đầy tớ của nhân dân; những ông quan không nghĩ thế đã đành, người dân lại càng không dám nghĩ thế. Nên một bộ phận quan chức thay vì dùng quyền hạn của mình để phục vụ nhân dân theo đúng trách nhiệm và nghĩa vụ thì lại ngộ nhận rằng mình có quyền hành với nhân dân và còn dùng quyền đó để ngồi trên luật pháp, đứng ngoài luân thường đạo lý!

Người ta không hiểu vì sao một Phó chánh toà án một quận của TP.HCM lại có thể ngang nhiên đến “xâm phạm chỗ ở của người khác”, rồi lại có hành vi bị tố là bắt cóc trẻ em! Thế nhưng, vị Phó chánh tòa án quận đó giải thích rằng ông đến là để nhận nhà đã làm hợp đồng thuê với người được ủy quyền của căn nhà này. Khi đến nhận nhà, ông thấy có đứa trẻ mấy tháng tuổi khóc nên đã bế đi loanh quanh ở khu vực trước nhà mấy phút trước sự chứng kiến của nhiều người!

Thật buồn cười khi người ta chỉ đi “nhận nhà thuê” mà kéo theo hàng chục người, rồi dọn đồ của người đang có quyền sử dụng căn nhà đó ra đường,… Và thêm chi tiết khó hiểu là sự việc hôm đó còn có cả lực lượng chức năng, dân phòng,… Thật tình không hiểu sự có mặt của lực lượng này trong vai trò gì, là cùng lực lượng “làm nhiệm vụ” với vị Phó chánh tòa án kia chăng?!

Một Phó chánh tòa án, về lý thuyết là một người rành luật nhưng lại hành động theo kiểu vô pháp vô thiên. Có nhiều người cho rằng, nên xem lại kiến thức, bằng cấp của vị này. Song, e đây không phải lỗ hổng kiến thức bởi một công dân bình thường cũng có thể biết những hành vi trên là trái luật. Chỉ có cách giải thích hợp lý hơn, đó là vị này đang cố tình ngồi trên pháp luật, đó là một hành vi lạm quyền của một ông quan tòa án?!

Rồi đến câu chuyện phản cảm của các quan chức ở Sóc Trăng khi chi gần 1 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Đảng để lắp camera cho hơn 10 người trong Ban thường vụ Tỉnh ủy. Đây là câu chuyện vô tiền khoáng hậu và không thể chấp nhận được về sự lạm quyền của những ông quan. Xưa nay, người ta chỉ có chủ trương dùng tiền ngân sách lắp camera để điều tiết giao thông, kiểm soát an ninh trật tự, phòng chống tội phạm chứ không ai lại dùng tiền của nhân dân đi bảo vệ riêng cho nhà quan bao giờ. Mà tiền này, còn là tiền dự phòng ngân sách Đảng!

Có thể nói, đó là một sự lạm quyền vô lối của những ông quan nơi đây.  Chưa kể là số tiền lắp camera kia cũng bị đặt ra nhiều nghi vấn bởi nó quá cao so với giá hệ thống camera phòng vệ hiện đại trên thị trường hiện nay.

Vốn là một tỉnh còn nghèo, hàng năm còn phải nhờ viện trợ từ ngân sách Trung ương, thế mà lãnh đạo lại an nhiên nướng tiền ngân sách Đảng của tỉnh để trang bị camera cho riêng biệt thự nhà mình. Đó là điều khiến bất kỳ ai đọc tin cũng thấy vô cùng bức xúc. Không hiểu các vị trong Ban thường vụ tỉnh ủy đã nghĩ gì? Hay họ vô tư cho rằng, họ có đặc quyền, đặc lợi như thế!

Với những ông quan cùng tư duy như vậy thì những ồn ào, tiêu cực chấn động gần đây ở tỉnh này, cũng liên quan đến những ông quan, cũng là điều hiển nhiên! Và dù Sóc Trăng đã thu hồi quyết định lắp camera an ninh cho nhà cán bộ lãnh đạo nhưng thiết nghĩ là chưa đủ, cơ quan cấp cao cần thanh kiểm tra việc đấu thầu các thiết bị này trước đó có đúng không? Và phải xử lý thật nghiêm nếu có dấu hiệu vi phạm, lạm quyền.

Nói đến chuyện lạm quyền thì không thể không nhắc đến quan niệm “làm quan thì phải được… ưu tiên”, vốn cũng là một biểu hiện của sự lạm quyền. Còn nhớ vào năm 2016, ông chủ tịch huyện ở Nghệ An đã nói một câu kinh điển về việc ông này lắp đèn ưu tiên sai quy định lên xe biển xanh của mình, rằng: “Mục đích là để các xe khác tránh cho an toàn, chứ ý thức của người dân ở đây rất kém!”. Rồi gần đây, có chuyện “người nhà lãnh đạo bộ ngành” dùng xe biển xanh vào tận chân máy bay để đón.

Người xưa có câu “Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp” là vậy. Khi cái tâm lý muốn thể hiện sự quan trọng của bản thân quá lớn, người ta dễ dàng bất chấp tất cả để tìm kiếm cảm giác đó. Cái xe biển xanh ở cửa máy bay như miếng cỗ giữa làng ngày xưa, không phải bất cứ ai cũng có cơ hội được sử dụng, dù giàu có đến đâu.

Việc làm quan thì phải được… ưu tiên gần như đã trở thành một tín điều với một bộ phận quan chức hiện nay. Và bất chấp sự lên án, chỉ đạo ngăn ngừa, xử lý thì tín điều ấy trường tồn và lây lan ra nhiều con người.

Sự ngộ nhận về quyền lực vốn dĩ không khó hiểu. Nhưng, điều khó hiểu ở đây là thái độ của một bộ phận người thừa hành luật pháp đã mặc nhiên thừa nhận, cùng phe với những cán bộ ngông nghênh đứng trên luật pháp.

Những người đại diện cơ quan quyền lực nhà nước có được phép đứng trên pháp luật, được ưu tiên không bị áp dụng các quy định pháp luật hay không? Những hành vi vi phạm luật của người cán bộ có được xử lý một cách nghiêm túc và công khai hay không?

Về lý thuyết, không ai có đặc quyền đứng trên luật pháp nhưng trên thực tế, những cán bộ vẫn thường được bỏ qua khi vi phạm luật pháp, bởi sự e ngại của lực lượng thừa hành luật pháp đối với những nhân vật này.

Điều đó có lẽ đã tạo nên một tiền lệ, hay nói thẳng ra là một thói quen vô cùng độc hại đối với một bộ phận quan chức. Bởi khi người ta có thể nhân danh quyền lực nhà nước để vi phạm những quy định của pháp luật thì điều tất yếu người ta sẽ lạm dụng nó. Đó chính là căn nguyên của bệnh lạm quyền của những ông quan. Và, bất cứ điều gì có thể dễ dàng lạm dụng đều sẽ gây nghiện.

Mà đã nghiện thì hẳn rất dở rồi! 

(Hoàng Lãm)

Lạm bàn về lạm quyền

Trong rất nhiều sự kiện nóng (nói nôm na là “trong xu hướng quan tâm của dư luận), chắc có lẽ rất nhiều người theo dõi sát sao các diễn biến của vụ “cưỡng chế” nhà trái pháp luật ở địa chỉ 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Dakao, quận 1, TPHCM. Vô vàn tấm ảnh, video và các dòng tin tức đã được đưa nhiều ngày gần đây liên quan đến cái tên Lâm Hoàng Tùng và Nguyễn Hải Nam. 

Họ, một người phó chánh án Toà án nhân dân quận, một người giảng viên một học viện của ngành kiểm sát, đã tạo ra tấn trò mỉa mai nhất đến độ cộng đồng phải thốt lên nhiều câu từ đầy trớ trêu về chuyện những người trong hệ thống tư pháp lại phạm pháp một cách có chủ đích.

Khi xem video về họ, nhiều người chắc sẽ bị ám ảnh bởi cảnh bế những đứa trẻ lên xe taxi không khác gì bắt cóc công khai. Nhưng riêng tôi lại ám ảnh bởi 2 chi tiết khác của câu chuyện. 

Thứ nhất, đó là khi Nguyễn Hải Nam trả lời chuyện một người Nhật Bản vốn đang tạm trú tại căn nhà ấy xin được vào lấy hộ chiếu để ra sân bay cho kịp. Cái câu “vé máy bay bao nhiêu tiền anh trả” quả thật đáng báo động về đạo đức cán bộ công quyền. 

Hải Nam là phó chánh án Toà án quận, theo lương bậc ngạch, thêm phụ cấp, chắc chắn thu nhập tối đa không thể quá 20 triệu một tháng từ công việc chính của mình. Vậy thì hành động dám đền một cái vé máy bay quốc tế mới tinh của Hải Nam cho thấy ông ta phải có rất rất nhiều tiền. 

Nếu không được thừa hưởng từ cha mẹ một gia tài kếch sù; nếu không ăn bám một người vợ tài ba kiếm ra rất nhiều tiền; nếu không làm thêm những nghề phụ khác để tăng thêm thu nhập như kinh doanh, tư vấn hay thậm chí là chạy xe ôm và gia công chổi chít, chổi đót, Hải Nam lấy đâu ra tiền?

Chi tiết thứ hai tôi quan tâm đó chính là khi thực hiện lệnh tạm giam Lâm Hoàng Tùng để điều tra, Tùng và luật sư của mình đã cùng thống nhất “im lặng không khai trước cơ quan điều tra khi chưa có sự chứng kiến của luật sư riêng”. Chi tiết này cho thấy Lâm Hoàng Tùng rất am hiểu luật pháp và các trình tự tố tụng ở Việt Nam. 

Đau đớn cho hệ thống tư pháp của chúng ta là ở chỗ đó. Khi những kẻ am tường luật, làm việc trong bộ máy tư pháp, hành pháp lại đạp lên pháp luật mà hành xử rồi sau đó khi bị xử lý lại dùng sự hiểu biết pháp luật của mình để làm công cụ chống đỡ, có thể nói đất nước này đã không còn nhiều cơ hội để tiến bộ nữa.

Quay trở lại với chi tiết đầu tiên, thực ra việc nhìn vào tài sản của một cán bộ, quan chức rồi lập tức suy nghĩ họ làm bậy mới giàu là một suy nghĩ hồ đồ. Khi chưa có bằng cớ, chúng ta không có quyền luận tội bất kỳ ai cả. Nhưng điều gì đã diễn ra bấy lâu nay để cho dân chúng nghiễm nhiên sử dụng cái quyền luận tội không bằng cớ ấy? 

Đơn giản là đạo đức và thái độ của cán bộ đã tha hoá và xuống cấp kinh khủng. Nếu nói số lượng cán bộ liêm chính bây giờ chỉ còn là thiểu số, ắt hẳn chúng ta sẽ dễ bị quy chụp là bi quan, tiêu cực, nhìn nhận với con mắt chống phá. 

Nhưng ai cho chúng ta một cơ sở vững chắc để tin tưởng rằng cán bộ hôm nay còn giữ được sự liêm chính mà các thế hệ đàn chú của họ đã có, ở cái thời khổ thì cả nước cùng khổ như nhau và bất kỳ ai bất chính đều rất dễ “lòi” ra trong cái mặt bằng chung quan cũng như dân ấy?

Song, vượt trên tất cả những đánh giá phổ thông về cán bộ, quan chức hôm nay, câu chuyện 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm nêu bật lên một thói tha hoá rất khủng khiếp trong bộ máy hiện nay: thói lạm quyền, cửa quyền và cậy quyền. 

Khi nghe chuyện nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, thực ra tôi không ngạc nhiên là mấy. Đơn giản, trước đó tôi đã nhận được lời mời (và từ chối) tham gia hùn vốn buôn bất động sản cùng một nhóm chỉ chuyên buôn “hàng thi hành án”. 

Họ có đường dây với nhau, và bắt nguồn của đường dây ấy là từ đâu? Dễ hiểu, từ các cán bộ thi hành án, cán bộ tư pháp có liên quan đến việc xử lý những bất động sản tranh chấp. Và đó chính là sự lạm quyền, cửa quyền và cậy quyền. Họ cậy vào quyền lực mà họ có trong tay để trục lợi. Trong quá trình trục lợi đó, nếu cần phải đè đầu cưỡi cổ người dân nhằm tạo điều kiện cho các phi vụ của mình, hoặc đồng bọn của mình, trót lọt hơn, họ cũng sẵn sàng làm.

Và nói thật ra, thói lạm quyền này đã trở thành một thứ văn hoá phổ thông của người Việt hiện đại. Chắc ai trong chúng ta cũng biết câu chuyện “lá thư tay giới thiệu” từ xưa tới nay rồi. Chính cái hành vi gửi thư tay giới thiệu người thân, người quen cũng là một trong những biến thể của lạm quyền. Hay là chuyện nhà báo dùng thẻ nhà báo để tránh bị xử lý vi phạm luật lệ giao thông cũng vậy. Nó cũng là thói lạm quyền, dù hậu quả của nó chỉ nhỏ và hẹp. 

Chính cái tư tưởng cho rằng cứ có vị trí cao trong bộ máy hành chính nhà nước là sẽ có một loại quyền hành đặc biệt nào đó đã hình thành luôn một thói quen rất xấu của người Việt hiện đại là làm thì lười nhưng lúc nào cũng thích lôi một vài “ông to to” nào đó ra chém gió với thông tin chia sẻ kiểu “thân với tôi lắm đấy”.

Ở xã hội nào cũng vậy, ở thể chế nào cũng vậy, con người luôn tồn tại trong xã hội với hai ràng buộc “quyền lợi và nghĩa vụ”. Ai cũng có những quyền lợi nhất định và ai cũng có nghĩa vụ nhất định. 

Nhưng thật đáng sợ khi ngày mỗi ngày, sau những vụ án được khui ra, chúng ta càng nhận thấy rằng đã và đang tồn tại một lực lượng cán bộ, quan chức lạm quyền thì nhanh nhưng chưa bao giờ chạm đến sàn nghĩa vụ của mình. 

Thay vào đó, cứ có trách nhiệm phải gánh chịu, hai tiếng “tập thể” lại được lôi ra để làm chiếc phao cứu sinh. Và ngay cả cách lợi dụng danh nghĩa tập thể như vậy cũng đã là một cái cách lạm quyền mất rồi. 

(Hà Quang Minh)

Ngô Nguyệt Lãng - Hoàng Lãm - Hà Quang Minh
.
.