Bi kịch nào nữa cho Trung Đông?

Thứ Sáu, 01/05/2020, 14:44
“Hãy chuẩn bị cho một kịch bản tồi tệ ở Trung Đông!” - Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) cảnh báo, hôm 16-4. Dường như, tai họa vẫn đang sẵn sàng trút thêm tang tóc lên vùng đất đã thấm đầy máu và nước mắt, cũng như vẫn còn đang vang rền tiếng súng, tiếng bom ấy.

Người giàu cũng khóc

Chưa cần virus SARS-CoV-2 xuất hiện, Trung Đông đã luôn là cái vạc dầu sôi mà trong đó những thân phận vô danh cứ mãi bị cuốn vào và nung chảy trong thứ hỗn hợp kinh khủng của thù hận, xung đột, chiến tranh..., để rồi liên tục đối diện với nguy cơ xảy ra các thảm họa nhân đạo.

Chưa có đại dịch COVID-19, ở Yemen cũng đang có 260.000 trẻ em suy dinh dưỡng nghiêm trọng; 2 triệu trẻ em khác suy dinh dưỡng; hơn 75% dân số phải trông chờ vào cứu trợ của cộng đồng quốc tế, và cả đất nước lâm vào cảnh bần cùng. Ở Syria, hàng triệu người vẫn chưa thể trở về mái nhà đã bị bom đạn dập vùi của mình mà vẫn phải bằng lòng với cảnh sống tạm bợ trong các khu tị nạn, khi lò lửa xung đột bùng lên từ đầu thập niên 2010 vẫn còn chưa thể bị dập tắt.

Mỗi giọt nước sạch thực sự là một giọt vàng đối với trẻ em Yemen.

Trên Dải Gaza và quanh những bức tường nghìn năm của cổ thành Jerusalem, người Palestine vẫn đang tiếp tục cuộc đấu tranh mỗi lúc một trở nên khó khăn, để đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của mình. Và Iran, với con sốá người chết bởi dịch bệnh tăng chóng mặt trong vòng vây cấm vận.

Ngày 20-4, lan truyền trên mạng là một tấm ảnh của phóng viên hãng thông tấn Reuters, ghi lại cảnh tượng một cuộc biểu tình kỳ lạ ở Israel, khi những người tham gia biểu tình đứng cách xa nhau 2m, đeo khẩu trang kín mặt, và yên lặng. Israel là quốc gia giàu có, hùng mạnh, thịnh vượng bậc nhất Trung Đông và tấm ảnh đó khắc họa nỗi ám ảnh ghê gớm của đại dịch COVID-19, đồng thời gợi lên những liên tưởng u ám cho số phận người dân ở những đất nước nghèo túng, khốn quẫn hơn nhiều lần so với họ.

Yemen - nơi diễn ra thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất mà thế giới đang chứng kiến - là một thí dụ. Gần tròn một tháng trước, khi COVID-19 còn chưa thực sự tàn phá Trung Đông, giới quan sát quốc tế đã lặng người trước một video clip cùng thông tin được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) đăng tải, trong đó hằn lên những ánh mắt lo sợ của trẻ em Yemen. Khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến khích rửa tay để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, trẻ em Yemen lại không thể làm điều đơn giản đó nhằm tự bảo vệ mình.

Kẹt trong binh lửa giao tranh, chỉ khoảng 30% dân số Yemen có thể tiếp cận với nước sạch. Với gần 18 triệu người, bao gồm khoảng 9,2 triệu trẻ em, nước uống còn khô khát, nói gì đến dung dịch sát khuẩn và nước để rửa tay?

Và hiện tại, như Phó Tổng thư ký Liên Hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Mark Lowcock cảnh báo, có thể 31 trên tổng số 41 chương trình viện trợ nhân đạo dành cho Yemen sẽ phải ngưng lại, do thiếu ngân sách cũng như do xung đột vẫn cứ tiếp diễn. Hàng triệu người Yemen nữa sẽ không còn nhận được nguồn cung cấp các dụng cụ vệ sinh thiết yếu, không thể được chăm sóc y tế đủ tiêu chuẩn, thậm chí khó được một bữa no mỗi ngày.

Nếu móng vuốt chết chóc của con quái vật COVID-19 chạm tới, họ sẽ chỉ còn có thể ngồi yên, nhắm mắt, cầu nguyện và chấp nhận định mệnh. Đến một cường quốc hàng đầu khu vực như Saudi Arabia cũng đã phải ghi nhận 6.380 ca nhiễm bệnh và 83 ca tử vong (số liệu ngày 16-4). Những số liệu này ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là 5.825/35; ở Qatar là 4103/7; ở Israel là 12.758/143.

Mà đó mới chỉ là những số liệu khắc họa tình cảnh của những “người giàu”...

Cuộc biểu tình kỳ lạ mang bóng hình nỗi sợ hãi dịch bệnh ở Israel.

Mịt mù

Có cách nào để Yemen nói riêng và Trung Đông nói chung tự cứu được mình? Trên lý thuyết là có nhưng bởi tính bất khả thi của những giải pháp ấy nên trong thực tế là không.

ICRC, không còn cách nào khác, đã phải hối thúc các chính quyền Yemen, Syria, Iraq, Jordan, Lebanon và toàn Dải Gaza chuẩn bị cho những kịch bản ghê rợn: Những “hậu quả mang tính tàn phá” và “những cuộc biến động kinh tế - xã hội” - các tiền đề hiển nhiên của những thảm họa nhân đạo mới.

Cả Trung Đông đã thực sự đến rất gần nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng, bởi sự thiếu thốn những công cụ phòng vệ cơ bản. Để đối phó, tạm thời chưa có cách nào khác, nhiều nước trong khu vực đã áp đặt các lệnh giới nghiêm hay phong tỏa. Tuy nhiên, động thái này lại đang làm trầm trọng thêm tình cảnh bi đát của những thân phận bần cùng. Trước khi chết vì COVID-19, họ cũng có thể chết đói.

Trong khi đó, tại những miền đất mà lửa xung đột vẫn còn đang bốc lên ngùn ngụt, trên những cơ sở hạ tầng bị hư hại nặng nề, giá cả đang không ngừng leo thang. Theo ước tính của ICRC, chỉ riêng 3 nước Syria, Yemen và Iraq đã có tới gần 40 triệu người dân cần được hỗ trợ nhân đạo.

Tạm thời, ở Yemen, liên quân do Saudi Arabia đứng đầu đã tuyên bố ngừng bắn với phiến quân Houthi. Thế nhưng, sau khi Houthi tuyên bố bắn rơi một máy bay do thám không người lái của liên quân Arab ở miền Tây Yemen, mọi sự vẫn có thể chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực.

Binh lửa vẫn đang tàn phá Syria.

Cùng lúc, ở Iraq, 2 quả tên lửa rơi xuống gần một khu vực khai thác dầu mỏ ở phía Đông Baghdad. Ở Syria, tình trạng căng thẳng do cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ vẫn vô cùng gay gắt. Trên các phương tiện thông tin đại chúng toàn cầu, Iran vẫn đang cứng rắn tuyên bố “sẽ đáp trả bất cứ sai lầm nào của Mỹ ở Vùng Vịnh”.

Tại Dải Gaza, một chính phủ mới của Israel đã được thành lập khẩn cấp và phía Palestine đánh giá điều đó có nghĩa là “sự chấm dứt giải pháp hai nhà nước, đồng thời loại bỏ các quyền của người Palestine”. Bởi vì, Thủ tướng Israle Benjamin Netanyahu đã tiến một bước thần tốc thông qua việc thỏa hiệp với đảng Xanh - Trắng để có được liên minh mới, nhằm đẩy nhanh tiến trình chính thức sáp nhập các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây cũng như Thung lũng Jordan - những vùng đất vẫn đang bị cộng đồng quốc tế (trừ nước Mỹ) đánh giá là chiếm đóng trái phép.

Chính trị (hay đúng hơn là lợi ích), cho đến lúc này, vẫn giữ vị trí “thống soái” chi phối mọi vấn đề, kể cả điều vẫn thường được nhắc tới một cách “sách vở”: Không có gì quý hơn sinh mạng của con người. Trong sự tàn phá của dịch bệnh, những cú đòn chính trị - ngoại giao lại càng trở nên đáng sợ khi chúng hoàn toàn có thể quay lại tác động tương hỗ để khiến những hậu quả khủng khiếp của dịch bệnh nhân lên gấp nhiều lần.

Và ở bên kia Đại Tây Dương, nước Mỹ - trung tâm quyền lực quan trọng nhất thế giới, có sức tác động đến mọi “điểm nóng” (đặc biệt là tại Trung Đông) chỉ với các diễn biến trong chính trường nội tại - vẫn đang loay hoay với những vấn đề của riêng mình. Họ cũng đang bị đe dọa bởi COVID-19. Những thân phận dưới đáy xã hội của họ cũng đang lâm nguy. Các thiết chế kinh tế - xã hội của họ cũng đang bị lay động. Song, nước Mỹ cũng vẫn đang trong một guồng quay không thể ngưng lại: Cuộc đua đến ngôi vị ông chủ Nhà Trắng.

Vì cuộc đua ấy, để “lập uy” cho mình và chiến thắng trong cuộc đua ấy, người đứng đầu nước Mỹ sẵn sàng “dằn dỗi” cắt hỗ trợ tài chính cho WHO. Bất kể, hành động này càng khiến tình cảnh của những thân phận vô danh ở những nước nghèo hay những vùng lãnh thổ tan hoang đang vật vã chờ đợi sự hủy diệt của COVID-19 thêm bi đát, tang thương...

Đông Phong
.
.