Báo tết CAND, ANTG món quà xuân quý giá với mỗi người Việt ở nước ngoài

Thứ Hai, 18/02/2008, 09:00
Biết chúng tôi sẽ dừng chặng đầu tại Franfurt, CHLB Đức, anh Quân An đón chúng tôi từ khách sạn Achat bằng ôtô. Dọc đường, anh nói: “Thành phố Franfurt là một trong những trung tâm thương mại lớn của châu Âu, Việt kiều sinh sống ở đây với nhiều ngành nghề, trong đó có bán báo, đưa báo. Sở thích chủ yếu của độc giả là ANTG tuần, các báo tết CAND, ANTG, Văn nghệ Công an”.

Chúng tôi nhìn theo hướng tay chỉ về phía trung tâm, hai bên đại lộ là quầy bán báo, bưu ảnh, các cửa hàng của địa phương. Chúng tôi hỏi: “Báo của người Việt bán ở đâu, cách phát hành?”.

Dẫn chúng tôi đi thẳng vào trung tâm thương mại của người châu Á, dừng lại trước cổng lớn, có hàng chục xe đang bốc, xếp hàng, Quân An nói: “Xe thùng màu vàng của bưu điện Đức vừa từ sân bay chở báo đến đây. Xe ở các tỉnh lân cận về đây nhập các loại hàng, kết hợp chuyển báo về các cửa hàng của người Việt Nam. Người Việt Nam tại các tỉnh, sau giờ làm ngày thứ tư hàng tuần, qua các cửa hàng lấy báo “nóng hổi” về đọc. Số ít nhờ đem về hộ. Người có công mang về được “ưu tiên” đọc trước, khi đi tàu điện ngầm. Họ giao ước đôi bên cùng có lợi, tiết kiệm tiền đặt báo. Đó là cách phát hành theo tuyến đường bộ”.

Trong bữa cơm thân mật tại gia đình, chúng tôi trao đổi nhiều về hình thức, nội dung các bài trong báo tết của lực lượng Công an, Quân An tâm sự: “Những năm trước đây, một bộ phận độc giả “dị ứng” với báo chí lực lượng Công an bởi toàn bài nghiệp vụ. Nhưng mấy năm gần đây, tờ ANTG tuần, tờ CAND, ANTG tết đã có chỗ đứng vững chắc trong một bộ phận người Việt ở nước ngoài.

Những bài báo tết trên Báo CAND rất “đắt” ngôn từ, phong phú thể loại, quan tâm đúng mực đến Việt kiều ở nước ngoài. Nội dung báo tết ANTG thật sự cô đọng nhưng lại bao quát được an ninh trong nước, thế giới. Đặc biệt có những bài “độc” mà các báo khác không có, ví dụ như các bài đời tư của các nguyên thủ quốc gia, bài dạng “vén bức màn bí mật”. Kiểu giật tít bài cũng rất đanh, toát đủ nội dung trong bài”.

Trong không khí đầm ấm gia đình giữa khách và chủ, cháu Mai - con của Quân An - cũng góp ý kiến hóm hỉnh: “Thưa các bác, cháu thích báo tết CAND có mẩu chuyện về thiếu nhi có ích cho chúng cháu”. Ở bên này, chúng cháu không có báo thiếu nhi để đọc. Mỗi lần có người về nước ăn tết, cháu phải giấu bố mẹ, gọi điện nhờ bố mẹ bạn cháu mua hộ báo thiếu nhi, chúng cháu thích đọc lắm”. Chia sẻ với những suy tư hồn nhiên của tuổi thiếu nhi, chúng tôi hiểu và thông cảm những khó khăn về tinh thần đối với những tầng lớp bà con Việt kiều.

Chia tay với gia đình người Việt tại Franfurt, 8 giờ sáng hôm sau, gia đình chị Nguyệt lái xe từ thành phố Tiere, cách xa 230 km lên đón. Thomas, chồng chị Nguyệt, chủ động đón chúng tôi với vẻ lịch lãm, cởi mở: “Biết đoàn sang có việc, kết hợp làm phóng sự, cả ngày hôm qua, gia đình tôi đã chuẩn bị bữa tiệc tinh thần để đón đoàn”.

Đường cao tốc, chỉ hơn một tiếng đồng hồ, xe đã về đến nhà. Thời tiết miền Tây nước Đức gần thời điểm Noel, tuy có ấm hơn ở Áo, qua khung cửa sổ vẫn phảng phất những cánh tuyết rơi, phủ trắng mái nhà ngói, cành cây, ngọn cỏ, tạo thành những mảng trắng nhấp nhô, trùng điệp.

Bên bàn khách, những tách cà phê tỏa hương thơm ấm cúng. Chị Nguyệt nói: “Tết vừa rồi, cả gia đình em về TP HCM ăn tết. Khi quay trở lại, chúng em xin người nhà một số loại báo tết. Bạn bè người Việt đến chơi, ai cũng đòi mượn báo tết CAND, ANTG”.

Thomas kể lại chuyến cùng gia đình về thăm Việt Nam: “Báo tết ở Việt Nam dày, nặng, nhưng em cố đem sang Đức cho gia đình, bạn bè đến chơi cùng xem. Gia đình em thích nhâm nhi cà phê với thú đọc báo tết. Em tuy người Đức, nhưng cũng thích đọc báo tết ANTG. Báo tết của Việt Nam rất nhiều màu pha trộn trong cách trình bày. Báo Đức không vậy”.

Thomas nhìn dòng đầu của các trang báo CAND tết, đọc rất sõi, hỏi: “Sao trang nào cũng có dòng chúc mừng năm mới vậy? Ngoài bìa đã có dòng tít to rồi”. Chúng tôi nhìn nhau, thông cảm vì sự khác biệt nét văn hóa Á, Âu, giải thích: “Đó là ý tưởng của họa sĩ thể hiện nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam, cứ mỗi độ Xuân về, ngoài cành đào, bánh chưng truyền thống, phải có báo tết, thậm chí có cả hội thi báo Xuân trên quê hương chúng tôi”.--PageBreak--

Thomas đã hiểu rõ hơn về nét văn hóa của người Việt Nam, gật gù, thán phục: “Dịp tết cách đây vài năm, em có nhìn thấy một vài điểm bán Báo CAND, ANTG tết ngay tại bưu điện trong khu nhà ga tàu hỏa sầm uất của thành phố Tiere này, em lấy máy ảnh chụp quầy bán, mua đủ bộ báo tết CAND, ANTG đem về cho vợ, con em xem. Cả gia đình mừng rỡ. Tết năm đó, gia đình em vui như... tết. Từ đó em càng hiểu phong tục quê hương vợ mình trong những dịp tết đến”.

Chúng tôi rời nước Đức trên tàu hỏa siêu tốc. Tàu vào ga Termin, Roma (Italia) khi Tòa thánh Vatican và thành Roma tắm mình trong ánh nắng bình minh, với làn gió mát thổi nhẹ. Thời tiết Roma rất đẹp. Bác sĩ Minh Việt cùng vợ Pirna, đón chúng tôi về thẳng gia đình.

Cả gia đình quây quần bên bàn tiệc. Sau những tiếng cụng ly và lời chúc, chúng tôi bất ngờ được gia đình “phỏng vấn” trước: “Lần này các anh sang, với đề tài phóng sự báo tết? Thật đơn giản. Bên Thương vụ Việt Nam tại Italia sẽ có người sang cung cấp tài liệu. Các anh cứ yên tâm?” - Anh Việt nói.Chúng tôi mừng rỡ như được thỏa cơn khát.

Trong khi chờ đợi, anh Việt cho hay, trước đây Thương vụ Việt Nam tại Italia chỉ có thể để các loại báo tại văn phòng, kiều bào ta đến giao dịch, tranh thủ đọc.

Ngày nay, cơ chế thị trường, Việt Nam gia nhập WTO, nhiều lĩnh vực kinh doanh thương mại, kể cả phát hành báo chí cũng hoàn toàn tự do chuyển từ Việt Nam sang, rất thuận lợi cho giới doanh kiều. Kiều bào ta ở Roma khoảng 500 người, số còn lại đa phần ở Bắc Italia, số ít ở Nam Italia.

Anh Việt cho biết thêm: “Tôi làm bác sĩ ở đây từ năm 1971. Tôi thường xuyên lui tới Thương vụ. Tết nào gia đình tôi cũng sang nghe Đại sứ chúc tết, được nhận quà tết. Gia đình tôi chẳng thiếu gì, chỉ cần có các tờ báo ANTG, CAND, Văn nghệ Công an (VNCA) hoặc tờ báo Hội Người Việt tại Italia là mừng lắm rồi. Cũng có tết “xui” quá, báo tết không đến lượt mình. Tôi phải nhờ bạn bè tìm mua hộ trong giới doanh nhân ta tại Italia”.

Bỗng có tiếng chào, cả nhà nhìn ra cửa, chúng tôi tay bắt mặt mừng, phấn khởi. Người mới đến là anh Thắng, từng là Trưởng Thương vụ tại Italia trước năm 2002, anh cho biết: “Báo của lực lượng CAND Việt Nam, các cán bộ, nhân viên thương vụ rất ưa thích. Báo phát theo tuyến ngoại giao cũng có, nhưng hạn chế số lượng. Ngày nay, báo được độc giả chọn hàng “top ten” ở khối châu Âu như ANTG tuần, có số lượng hàng đầu so với các loại báo khác. Báo được các đại lý lớn từ TP HCM, Hà Nội, chuyển theo đường hàng không, đến cảng sân bay quốc tế Franfurt (Đức), Charles de Gaulle (Pháp), Roma (Italia), từ đó đi theo các tuyến vận tải liên tỉnh. Số lượng báo phát hành ở mỗi nước rất khác nhau. Các đại lý không “dại gì” bộc bạch, vì liên quan đến thuế trên doanh thu”.

Chúng tôi hỏi anh Thắng: “Nghe kiều bào kể việc “lưu” báo cũ tới... chục năm, chuyền tay nhau đọc?”. Anh Thắng vồn vã: “Đúng vậy. Tuy ngày nay công nghệ thông tin phát triển, báo điện tử cũng rất phong phú, nhưng mọi người không có nhiều thời gian để ngồi bên máy tính. Lớp người cao tuổi, hiếm người sử dụng thành thạo máy tính. Chi phí cho thuê bao, thiết bị, bảo trì ở châu Âu khá đắt. Không đơn giản chút nào. Như thế, báo in vẫn chiếm ưu thế, thuận tiện, lưu được, cho nhau mượn được”.

Những ngày ở Đức, Italia với những cuộc trò chuyện thân tình, cùng bè bạn thăm danh lam thắng cảnh, chúng tôi đã bắt gặp không khí chuẩn bị đón Noel và năm mới của bạn. Những ngày này, không khí chuẩn bị mua báo tết, sắm tết trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Tết Mậu Tý 2008 này, sẽ có nhiều chuyện kể về những bài báo, trang báo của lực lượng Công an, hướng tới kiều bào ta ở nước ngoài, như sợi chỉ hồng nối đất mẹ  với những đứa con

Thọ Cao - Văn Vinh
.
.