Bạo lực học đường: Tội lỗi hồn nhiên – hậu quả nặng nề

Thứ Sáu, 10/01/2020, 12:24
Trong giải quyết bạo lực học đường, sự can thiệp và quan tâm kịp thời của các thầy cô giáo là yếu tố rất quan trọng.


“Do chuyển nhà nên em cũng phải chuyển trường mới vào năm lớp 7. Vì không có bạn bè ở trường mới nên em dành thời gian để đọc sách và viết những câu chuyện của mình. Em viết về một thế giới như trong đầu em tưởng tượng. Ở đó em được mọi người yêu thích vây quanh vì em có sức khỏe và siêu năng lực... Đến một ngày, giáo viên thấy cuốn tập em viết câu chuyện đó trên bàn học nên đã lấy, đọc vài trang đầu rồi cười phá lên.

Cô đọc cho cả lớp nghe. Câu chuyện ngô nghê đó bỗng trở thành tâm điểm, cả cô giáo và bạn bè cười cợt em không giấu giếm. Em chỉ còn biết khóc nhưng họ không dừng lại, em bị nhéo tai, bị lôi ra khỏi ghế, cô bắt em nằm dài trên bàn và đánh em vì lý do em làm việc riêng trong giờ học mà còn cãi lại giáo viên, dù em không hề làm vậy.

Tác giả bài viết đang tư vấn một vụ bạo lực học đường.

Những chuỗi ngày sau đó như một cực hình. Em bị chế nhạo bằng nhiều từ ngữ sỉ nhục khác nhau. Giờ ăn ở trường em thường bị mọi người trấn lột tiền, dù em có bệnh về dạ dày nhưng họ không buông tha em. Có ngày, họ hành hạ em bằng cách đổ thật nhiều sa tế cay vào mì, hoặc là em phải ăn hết, hoặc em phải ăn đòn.

Hôm khác, em bị đánh. Sau khi đánh thỏa thuê, một người trong nhóm đạp liên tục vào ngực em, vì mới dậy thì nên ngực rất đau. Rồi họ loan tin em khoe ngực, thách thức trai sờ. Vài ngày sau, em bị mấy anh lớp 9 lôi vào kho để ghế chào cờ ở trường, bắt em cởi quần áo ra, em không làm nên bị đánh, vừa đánh vừa xé áo em bằng dao rạch giấy, em bị thương rất nhiều. Vì em giãy giụa mà dạo rạch giấy đâm vào đùi em máu chảy rất nhiều khiến bọn họ sợ quá nên bỏ đi. Em quá sợ hãi nên tìm lên phòng giám thị cầu cứu và nhận được câu trả lời “tự làm tự chịu””.


Bác bảo vệ bị bịa đặt bôi nhọ.

Câu chuyện trên của em N.V.T., dù đã qua nhưng khi kể lại em vẫn không cầm được nước mắt. Nếu như không tiếp xúc với em, không trực tiếp nghe em kể, có lẽ tôi sẽ không bao giờ ngờ được câu chuyện có nội dung như phim kinh dị ấy lại thực sự diễn ra ngoài đời - tại một nơi mà người ta ngỡ rằng an toàn nhất cho những đứa trẻ: trường học!

Đối với bạn nữ N.H.Y. - hiện đang là sinh viên đại học, nguyên nhân của bạo lực mà em phải chịu đựng suốt những năm ở trường là do vấn đề ngoại hình. Em sinh ra đã có khiếm khuyết về ngoại hình. Năm lớp 6, có một giáo viên bộ môn rất thương em nhưng cô càng thương em thì các bạn càng ghét em. Sau mỗi giờ dạy của cô là những giờ em mệt mỏi nhất. 

Thế nhưng, đó chưa phải điều đáng sợ nhất. Có một bạn học nam chuyển vào lớp em bị một bệnh về thần kinh, ba mẹ bạn nài nỉ cho bạn vào học. Giáo viên chủ nhiệm lớp em chuyển chỗ em đến gần bạn đó để giúp đỡ bạn và cũng bởi cả lớp em không một ai đồng ý ngồi cùng bạn. 

Mỗi ngày đến lớp, cặp sách em bị bạn vứt lung tung, thước, bút em bị bẻ hằng ngày. Bạn hay dùng bút vẽ đầy trên tay, trên áo em, đánh vào đầu hoặc cũng có khi lấy compa, bút hay bất cứ thứ gì đó làm em bị thương. Các bạn nam đã không còn đánh em nữa, thay vào đó các bạn xúi giục bạn cùng hành hạ em bằng những trò do các bạn nghĩ ra. 

Quãng thời gian đó thật sự rất khủng khiếp, kể cả giờ ra chơi bạn ấy cũng rượt đánh em quanh trường, các bạn xung quanh thì cổ vũ, tán dương việc đó. Thời gian đó em ám ảnh đến nằm mơ em vẫn còn mơ thấy gương mặt và nụ cười bạn ấy và em đã có ý định tự sát khi đỉnh điểm các bạn nữ đẩy em vào nhà vệ sinh, cởi áo, dán băng vệ sinh lên người và chụp hình, quay phim lại. Em đã rất tuyệt vọng khi dường như không biết bám víu vào đâu.

Với 5 hay 6 liều thuốc an thần em nói dối để mua từ nhiều tiệm thuốc, sau khi uống em mệt lả, ngất đi lúc nào không hay biết. Em tỉnh dậy vào khuya ngày hôm sau, nhìn thấy mẹ đang đau khổ bên cạnh em. Đó là lần đầu tiên trong đời em khóc trước mặt ba mẹ. 

Từ sau hôm đó, em chán ăn, mất ngủ, đau đầu, hay nôn mửa. Em sợ ra khỏi nhà, sợ gặp người khác, sợ nói chuyện, sợ cả ánh sáng, tiếng ồn và nhiều thứ khác. Em dễ nóng giận, không khống chế được cảm xúc, cũng đã từng tự làm tổn thương mình do em gần như muốn phát điên...

Mỗi khi tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ từ những trường hợp đang phải chịu bạo lực tại trường, tôi đều cố gắng lên kế hoạch hỗ trợ một cách chi tiết. Một trường hợp điển hình của cyberbully (bắt nạt ảo, bắt nạt trên mạng xã hội) mà tôi đã trực tiếp tham gia giải quyết là vụ bắt nạt tập thể xảy ra tại Đà Nẵng, nạn nhân là nữ sinh lớp 8 tên N. Em bị nhóm cán sự lớp bắt nạt, các bạn khác trong lớp cũng hùa theo để nói xấu, cô lập và xúc phạm em bằng những lời lẽ không thể ngờ tới được ở độ tuổi học sinh. 

N. luôn muốn làm vừa lòng mọi người ở lớp để được công nhận là bạn bằng cách ai nói gì là nghe nấy, ai nhờ gì làm đó, từ làm bài thay cho đến hào phóng đưa các bạn mượn đồ... Thế nhưng, các bạn lại càng coi thường và lấn tới, chửi mắng em ngày càng thậm tệ. 

L.N. tự cắt tay vì trầm cảm do bị bắt nạt.

Lớp phó trong lớp N. còn tạo một nhóm trên Facebook, viết và chia sẻ thông tin nói xấu, bôi nhọ N. trong đó. N. liên tục bị bêu riếu và bịa chuyện trên mạng làm cả lớp không ai muốn tới gần hay nói chuyện với.

Đến khi gia đình thấy rõ cô bé nạn nhân hay quên, hay đau đầu, ít ăn ngủ, dễ xúc động, thu mình và đỉnh điểm là nằm sốt cao suốt 3 hôm; tình cờ mở điện thoại của cô bé mới phát hiện ra con em mình đang bị bắt nạt hội đồng ở trường. 

Gia đình liên lạc với cô giáo chủ nhiệm, khi cô hỏi thì các em cán bộ lớp lại bao che lẫn nhau cũng như có hành động thách thức lại đối với nạn nhân, tung tin rằng cô chủ nhiệm đang tìm cách bao che nhóm bắt nạt. Do đó, gia đình liên hệ luật gia để được tư vấn cách giải quyết.

Tôi đã khuyên gia đình giữ bình tĩnh thu thập lại các bằng chứng, đồng thời liên hệ với giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu thông báo rằng vụ việc đã có tham gia giám sát của luật gia và Hội Bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó cần ở bên an ủi động viên, hỗ trợ tâm lý cho bé N. Sau đó nhà trường đã mời các phụ huynh của các học sinh có liên quan lên để tổ chức buổi họp trao đổi. Những em học sinh bắt nạt bạn bị kỉ luật hạ hạnh kiểm, bắt buộc xóa group và các bài viết bắt nạt N. trên mạng, còn bé N. thì được hỗ trợ chuyển lớp khác.

Trong giải quyết bạo lực học đường, sự can thiệp và quan tâm kịp thời của các thầy cô giáo là yếu tố rất quan trọng. Có một vụ việc xảy ra ở Hà Nội đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhờ sự tận tâm của một cô giáo chủ nhiệm.

A. (lớp 7) bị cả lớp ghét. Sáng Thứ hai đầu tuần, một bạn trong lớp bị mất 100 ngàn để trong cặp. Khi cô giáo tìm hiểu thì có 2 bạn tố cáo A. là người ăn cắp, một số bạn khác cũng hùa theo và khẳng định là tận mắt nhìn thấy A. lục cặp bạn bị mất tiền, do đó cô giáo đã tin lời các bạn này. 

Cô cho kiểm tra cặp A. thì thấy có 2 cuốn truyện tranh, cô và các bạn nghĩ rằng A. lấy cắp tiền đi mua truyện, cô chủ nhiệm nói với em: "Cô sẽ giữ kín chuyện này không cho phụ huynh biết, con hãy đi trả lại những quyển truyện này để lấy lại tiền. Giờ sinh hoạt cuối tuần này con phải trả 100 ngàn cho bạn và xin lỗi bạn trước lớp. Ai cũng có sai lầm, các con nên đối diện với sai lầm của mình để sửa sai, thay đổi".

Bé A. không biết phải giải thích thế nào vì truyện tranh là do em bớt xén tiền ăn sáng và tiết kiệm tiền để lén mua. Bé rất sợ hãi. Nếu nói với bố mẹ, bé sợ bị ăn đòn và đốt hết truyện, còn nếu không nói thì kiếm đâu ra 100 ngàn? Tình ngay lí gian. Hôm nào đến lớp cả lớp cũng tránh xa, gọi em là “con ăn cắp”.

Nhận tin nhắn tâm sự như cầu cứu của A., tôi có liên hệ với cô chủ nhiệm để nghe thông tin hai chiều. Đó là một giáo viên lớn tuổi, đứng đắn và ẩn sau sự nghiêm khắc lại là một trái tim đầy quan tâm đến các học sinh. Tôi có giải thích với cô rằng, việc trẻ con đọc truyện tranh cũng như người lớn xem phim vậy, nếu là các ấn phẩm có nội dung trong sáng bình thường thì cũng chỉ là giải trí thôi, và A. cũng đã hứa sẽ không mang truyện đến lớp nữa. Còn về câu chuyện A. có lấy cắp tiền của bạn hay không, làm thế nào để xác minh thật giả đây?

Tôi đã vạch cho cô giáo một kịch bản nhỏ, với đạo cụ là bức ảnh chụp thẻ luật gia của tôi cùng cuốn sổ Công an nhân dân của anh cộng sự.

Buổi học cuối tuần, cô giáo chủ nhiệm vào lớp hỏi lại lần nữa rằng các em có chắc chắn bạn A lấy trộm tiền không? Hai bạn tố giác vẫn khẳng định đã thấy A. lấy tiền, cô liền gọi riêng 2 em học sinh này ra một phòng trống, tách các em ngồi xa nhau không được phép trao đổi và cho mỗi em 1 tờ giấy để viết tường trình trong 10 phút, nhằm mô tả chi tiết về những gì mình đã thấy. 

Khi ngồi viết tường trình, hai bạn đều tỏ ra lúng túng, liên tục liếc nhìn nhau và sau rất nhiều lời khuyên của cô giáo, hai em đã thú nhận với cô rằng thật ra không nhìn thấy mà chỉ nghi là bạn A. lấy thôi. Sau đấy để bảo vệ lời nói dối đầu tiên, em lại cứ tiếp tục phải nói dối mãi.

Cô giáo dành giờ sinh hoạt cuối tuần ngày hôm đó để hai bạn xin lỗi A. cũng như tiến hành hòa giải cho các mâu thuẫn xích mích của các bạn nhỏ. Cô phân tích cho các em là không nên nói dối, bắt nạt bạn bè, các bạn trong lớp cũng coi đây là một bài học để rút kinh nghiệm để từ nay đoàn kết và quan tâm nhau hơn.

Chuyện khép lại với cái kết được coi là có hậu trong số những vụ bắt nạt học đường. Tuy nhiên, trong lòng tôi vẫn băn khoăn: nếu như bố mẹ của A. không quá hà khắc với con cái thì khi có chuyện xảy ra, cô bé ấy đã có thể lập tức tìm đến vòng tay cha mẹ để có sự bảo vệ chứ không phải là hoảng loạn cầu cứu những người lạ trên mạng. Tại sao gia đình lại không thể là chỗ trú ẩn được bản năng lựa chọn đầu tiên khi đứa trẻ gặp bão giông ngoài xã hội?

Nếu người xuất hiện không phải tôi mà là kẻ xấu nào đó thì sao? Đây cũng là câu hỏi mà tôi luôn cảm thấy trăn trở trong hầu hết những vụ việc mà mình từng tiếp nhận.

Những lời kêu cứu trên Internet

Trang hỗ trợ tâm lý Tổ Kén - một page Facebook do nhóm admin liên ngành gồm những luật gia, cảnh sát và chuyên viên tâm lý hoạt động nhằm tiếp nhận và hỗ trợ miễn phí các trường hợp người yếu thế tìm sự trợ giúp trên mạng - trong 11 tháng thử nghiệm đã nhận được rất nhiều tâm sự của các bạn trẻ về vấn nạn bạo lực học đường. 

Cả nam sinh lẫn nữ sinh đều có thể là nạn nhân của bắt nạt, tuy nhiên không phải em học sinh nào cũng tìm được sự che chở từ gia đình và thầy cô.

Lê Bảo Ngọc
.
.