Nhìn lại một mùa văn học:

Báo động hiện tượng “khảo cổ văn chương”

Thứ Hai, 11/01/2010, 15:57
Người viết trẻ ít thiên kiến và thường nhìn trực diện vấn đề hơn. Họ cũng có nhiều phương tiện để theo dõi và cập nhật đời sống văn học hơn. Họ chia sẻ những góc nhìn khác nhau, nhưng tựu trung cho thấy, văn học 2009 không có điểm sáng, trong khi đó giới phê bình lại đang trốn tránh thực tại, không đồng hành cùng các nhà văn mà tìm kiếm những tác giả và thư tịch cũ như một dạng "khảo cổ văn chương"

Nhà văn Bùi Anh Tấn (NXB Công an nhân dân): Thất vọng!

Văn học 2009 có nhiều niềm mong chờ ở các tác giả từng một thời… ẩn dật, nhưng niềm hy vọng đó lần lượt rơi vào thất vọng, vì tác phẩm tẻ nhạt và thiếu sức sống. Không có một cuốn sách nào thực sự gây xúc động lớn với bạn đọc. Các nhà văn đăng đàn nhiều nhưng họ cũng hoàn toàn không tự tin vào tác phẩm của mình. Có những tác phẩm của nhà văn tên tuổi tôi đọc xong và cảm giác… ngạc nhiên, sao họ lại viết… bình thường đến thế, nếu không muốn nói là có phần hơi cũ kỹ. Các nhà văn trẻ, đặc biệt là những cây bút mới nhầm tưởng văn đàn là showbiz, và việc lên báo PR bản thân của nhà văn sẽ nhanh chóng kiếm lợi danh như các hotboy, hotgirl. Cái gì cũng vội vã, sống vội, viết vội, mưu cầu danh lợi vội vã, mà rốt cùng, tác phẩm thì mỏng dẹt mà không có tác phẩm nào đáng giá. Đó là một nỗi buồn. Tôi viết văn và tôi làm xuất bản, nhưng thật lòng mà nói: Tôi thất vọng!

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn (TP HCM): Báo động hiện tượng "khảo cổ văn chương"

"Văn học là lĩnh vực duy nhất trong đời sống xã hội năm 2009 không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế. Sách vẫn ra đều, thậm chí còn được giới thiệu rất trang trọng và các nhà văn đăng đàn rất vui vẻ. Dẫu vậy, thì năm qua chưa có một cuốn sách nào thực sự nổi bật, cũng không có tác giả nào vượt hẳn lên để tạo thành một hiện tượng. Tôi cảm giác như đang có một cuộc chuẩn bị và tất cả vẫn còn âm ỉ. Bứt phá, có lẽ phải là vài năm nữa. Điều đáng buồn nhất trong văn học năm qua là các nhà phê bình không theo kịp đời sống văn học. Và đang có nguy cơ xuất hiện một thế hệ phê bình làm công việc "khảo cổ văn chương". Nếu như nhiệm vụ của các nhà phê bình phải là đồng hành cùng các nhà văn thế hệ mình, thì hiện nay họ đang trốn tránh trách nhiệm đó. Họ bắt đầu đi "khai quật" những tư liệu, nhân vật cũ và nhẩn nha tìm hiểu, như những người làm khảo cổ vậy. Tôi cho đó là điều bất thường".

Nhà thơ Hồ Huy Sơn (Nghệ An): Lạc quan, dù chưa có gì nổi bật

Cá nhân tôi cho rằng,  đời sống văn học càng ngày càng sôi động, được quan tâm và chú ý hơn. Các buổi tọa đàm về tác phẩm của các nhà văn trẻ đã tạo ra không khí sáng tác cho các nhà văn trẻ và làm cho đời sống văn học nước nhà bớt đi sự lặng lẽ vốn có. Bên cạnh đó, sự duy trì của các giải thưởng tư nhân dành cho thơ và tiểu thuyết giống như một màng lọc giúp độc giả "lọc" ra được những tác phẩm có chất lượng. Mặc dù chưa có những tác phẩm nổi bật nhưng văn học mạng đóng vai trò giống như một kênh thưởng thức nhanh và tiện lợi dành cho độc giả.

Nhà văn Đinh Lê Vũ (Đà Nẵng): Văn chương và cơm áo… vênh nhau

Sẽ rất khó đòi hỏi trong bối cảnh này có một tác phẩm xuất sắc. Mọi thứ đang vừa phải, nếu không muốn nói là đẹp nhàn nhạt. Nhà văn thì không có đủ sự tâm huyết đến cùng và cơm áo thì không bao giờ nhường nhịn với văn chương cả, đó lúc nào cũng là cuộc đấu tranh quyết liệt, người theo đường cơm áo thì bỏ văn chương từ lâu, còn người vẫn lẽo đẽo với văn chương thì việc kiếm sống vẫn còn đeo đẳng. Thành ra, đòi hỏi tác phẩm lớn là không dễ dàng. Nhưng điều quan trọng nhất là nhà văn chưa thực sự sống, chưa đi sâu vào đời sống, thiếu thực tế. Các tác phẩm văn học do các công ty tư nhân chọn và liên kết xuất bản thì rơi vào tình trạng dễ đọc, dễ xin giấy phép nhưng cũng hời hợt và dễ quên. Cuối cùng là các nhà văn trẻ khá thực dụng, nóng vội, muốn được nổi tiếng nhanh, muốn có sách in nhiều và ít nhiều thiếu đầu tư vào trang viết của mình. Cảm giác như với họ, khái niệm "trách nhiệm với xã hội" của người viết là điều khá mơ hồ

B.B.
.
.