Australia - Trung Quốc: Vạch mây mù tìm lối đi!
- Ngã rẽ mới trong quan hệ Australia-Trung Quốc
- Im lặng và phớt lờ trước Australia: Trung Quốc muốn gì?
Từ đối tác chiến lược
Trong nhiều năm, mối quan hệ Australia và Trung Quốc từng diễn ra vô cùng tốt đẹp. Bất chấp giữa hai bên vẫn tồn tại một số bất đồng thì sự tương hỗ của hai nền kinh tế đã thúc đẩy nhu cầu làm ăn giữa hai nước. Đó đã từng là nền tảng quan trọng cho mối quan hệ đối tác chiến lược được hai bên xây dựng từ năm 2014.
Chỉ 1 năm sau khi nâng cấp quan hệ song phương lên thành quan hệ đối tác chiến lược, hai nước đã ký hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy trao đổi kinh tế. Hiệp định này ngay từ đầu đã đem đến lợi thế lớn cho Australia với hơn 85% chủng loại hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc được miễn thuế hoặc có mức thuế ưu đãi. Hiệp định tạo nên cú hích đáng kể giúp tổng giá trị thương mại giữa hai nước tăng thêm 100 tỷ USD chỉ sau 5 năm.
Mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc vốn dĩ luôn ẩn chứa những bất đồng. |
Đặc biệt, Australia được hưởng lợi lớn với khoản thặng dư hằng năm mà chỉ riêng trong năm 2019 đã đạt mức kỷ lục lên tới 50 tỷ USD trong số 235 tỷ USD tổng giá trị giao dịch hai nước. Đây là quốc gia hiếm hoi trên thế giới đạt thặng dư thương mại với Trung Quốc, nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại.
Nhìn vào những mặt hàng xuất khẩu then chốt của Australia, chúng ta mới hiểu được tại sao quốc gia này có lợi thế lớn để xâm chiếm thị trường Trung Quốc. Với những mặt hàng chủ lực là quặng sắt, than đá, nguyên liệu thô và các sản phẩm nông nghiệp, Australia đã trở thành nhà cung cấp nguyên liệu lớn và an toàn bậc nhất cho nền kinh tế đang phát triển nóng như Trung Quốc. Thậm chí, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra, mối quan hệ thương mại giữa hai bên còn nồng ấm hơn khi chính Australia trở thành nhà thay thế Mỹ trong nhiều mặt hàng trọng yếu.
Với việc Trung Quốc đang nhập khẩu tới hơn 2/3 số quặng sắt của Australia, khoảng 30% tổng sản lượng thịt bò và lúa mạch trị giá tới hàng chục tỷ USD đều đặn mỗi năm, Trung Quốc chính là đối tác thương mại lớn nhất và quan trọng nhất của Australia. Còn với Trung Quốc, đây đều là những mặt hàng thiết yếu để duy trì nền sản xuất và "nuôi sống" một đất nước khổng lồ tới 1,4 tỷ người.
Tới những bất đồng
Tuy quan hệ kinh tế đang diễn ra hết sức tốt đẹp nhưng không phải không có những yếu tố nghi ngại giữa hai bên, đặc biệt là từ phía Australia. Đầu tiên là quan ngại về sự trỗi dậy "không hòa bình" của Trung Quốc. Giới chức chính trị Australia luôn lo lắng về sự can thiệp của Trung Quốc vào các vấn đề nội bộ của nước này, cùng những hành động gây hấn với các quốc gia láng giềng liên quan đến chủ quyền biển đảo vốn rất gần Australia, hay những hành vi bị coi là "vi phạm nhân quyền" mà giới chức phương Tây liên tục cảnh báo.
Đặc biệt, đại dịch COVID-19 bùng nổ trong năm nay được cho là khởi nguồn từ Vũ Hán cũng đặt ra câu hỏi lớn, có hay không sự thiếu minh bạch của Trung Quốc trong vấn đề này.
Những lo ngại lớn dần lên từ những năm đầu thập niên 2010 khi Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Với nguồn lực lớn hơn, chính sách đối ngoại của Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn với những công kích nhằm thẳng vào các quốc gia thường xuất hiện chỉ trích họ, nhất về vấn đề nhân quyền, trong đó có Australia bên cạnh Mỹ, Anh và Canada. Trong khi đó, thông qua hệ thống học viện Khổng Tử, các khoản đầu tư và cộng đồng Hoa kiều rộng lớn, ảnh hưởng của Trung Quốc tại Australia ngày càng lớn. Điều này đã khởi phát tâm lý e dè đến từ giới chính sách Australia mỗi khi nhìn về Trung Quốc.
Biếm họa mô tả việc Australia đang ở vào thế đi trên dây trong mỗi quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. |
Việc cố gắng kết hợp Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc với Sáng kiến phía Bắc Australia đã gây ra cuộc tranh cãi lớn giữa cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ với cộng đồng an ninh quốc phòng trong thời gian dài. Trong đó có việc biến cảng Darwin, vốn là điểm đến thường xuyên của hải quân Mỹ trong khu vực thành một phần của BRI đã khiến đồng minh của Australia cảm thấy "rất không hài lòng".
Dưới sức ép của đồng minh lớn là Mỹ, Australia cũng có những động thái mạnh mẽ phản ứng lại Trung Quốc trong những năm qua. Tháng 11-2017, Australia công bố Sách trắng Đối ngoại bày tỏ lo ngại về những hành động làm nóng tình hình ở Biển Đông của Trung Quốc. Đến tháng 8-2018, nội các Australia tuyên bố cấm các công ty Trung Quốc tham gia mạng lưới 5G của nước này còn Bộ Quốc phòng đưa ra lệnh cấm với ứng dụng WeChat và các điện thoại do Huawei sản xuất khơi mào cho những phản ứng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc.
Australia chính là quốc gia đầu tiên sau Mỹ chính thức hóa những lệnh cấm này với các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc. Thời điểm đó, Australia gần như đã lựa chọn đứng về phía Mỹ, đồng minh của họ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Đại dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán cuối năm 2019 càng khoét sâu thêm ngăn cách giữa Canberra và Bắc Kinh. Tháng 2 năm nay, Australia khiến Bắc Kinh nổi đóa khi trở thành quốc gia đầu tiên áp dụng lệnh cấm du lịch đối với du khách và sinh viên đến từ Trung Quốc. Sau đó, lời kêu gọi của Thủ tướng Morrison về một cuộc điều tra độc lập nguồn gốc của đại dịch hồi tháng 5 khiến Bắc Kinh "nóng mặt".
Để trả đũa, Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với Australia. Họ áp thuế cao với sản phẩm lúa mạch và cấm dần các nhà xuất khẩu thịt bò để đóng cánh cửa vào thị trường quan trọng nhất của Australia. Quan hệ hai nước còn bị ngưng đọng khi các bộ trưởng Australia tìm cách tiếp cận với những người đồng cấp Trung Quốc thì đều bị từ chối. Tiếp đó, Bắc Kinh đưa ra khuyến cáo đi lại để ngăn cản du khách Trung Quốc tới Australia. Nguy cơ về cuộc chiến tranh thương mại giữa hai đối tác thân thiết này hiện ra ngay trước mắt. Bạn đã bị biến thành thù.
Bất đồng và lợi ích cốt lõi
Tuy mối quan hệ giữa hai bên đã chuyển biến xấu rất nhanh trong thời gian qua nhưng nếu hiểu vấn đề một cách rõ ràng, chúng ta sẽ có được những đánh giá chính xác hơn. Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Australia, một quốc gia đem lại những lợi ích kinh tế sâu sắc mà những nhà làm chính sách của Australia không thể bỏ qua được, nhất là trong bối cảnh khó khăn của đại dịch hiện tại cũng như sau đó. Sự khác biệt về nhận thức trong một số vấn đề có thể gây nên va chạm nhưng không thể vì thế mà đóng lại cánh cửa hợp tác làm ăn với Trung Quốc.
Người Australia hiểu rằng, với một quốc gia "khổng lồ" như Trung Quốc, việc tách rời về mặt kinh tế và địa chính trị là "không thực tế". Bản thân Trung Quốc cũng cần Australia như một đối tác cung cấp những loại hàng hóa quan trọng cho quá trình phát triển của mình, điều này sẽ giúp cho cả hai bên có thể đi đến những bước hòa giải dễ dàng hơn trong thời gian tới.
Vì thế, cho dù được đánh giá là quốc gia đứng về "phe Mỹ" trong cuộc cạnh tranh chiến lược toàn cầu với Trung Quốc, Australia cho đến lúc này vẫn đang cố gắng cân bằng hai mối quan hệ dựa trên lợi ích chiến lược của mình. Cùng với việc tham gia một liên minh quân sự với Mỹ, Australia cũng không từ chối cơ hội gia nhập RCEP, một khối thị trường chung do Trung Quốc đứng đầu. Australia nhận thức rõ vị trí địa lý gần gũi giữa họ với Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho làm ăn buôn bán hơn là đối đầu trong mọi vấn đề.
Thậm chí, những lời kêu gọi cho một Australia độc lập hơn với cả Mỹ lẫn Trung Quốc đang lan rộng trong giới chính trị Australia. Con số thống kê lượng hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn tăng đều đặn trong 9 tháng đầu năm nay bất chấp mức xuất khẩu chung giảm 15% cho thấy, Australia không dại gì tự đóng lại cánh cửa với thị trường lớn nhất của mình. Đây mới thực sự là lợi ích cốt lõi mà họ cần bảo vệ.