Phạm Anh Tuấn, Tổng thư ký toà soạn báo Vietnamnet:

Áp lực của tuổi trẻ

Thứ Sáu, 11/07/2008, 15:15

31 tuổi, Tổng thư ký tòa soạn báo điện tử Vietnamnet, Phạm Anh Tuấn được coi là một trong những người trưởng thành sớm trong nghề báo. Nhưng càng lên cao, trách nhiệm càng lớn, độ rủi ro càng nhiều, và những cuộc gọi lúc nửa đêm luôn là điều thường trực. Phạm Anh Tuấn chia sẻ cả ngọt và đắng của nghề báo.

- Anh là một trong những phóng viên báo điện tử đầu tiên của Việt Nam. Anh có thấy là áp lực về sự chính xác luôn là nặng nề nhất với phóng viên báo điện tử?

- Sự chính xác luôn mâu thuẫn với tốc độ, báo điện tử lại là tờ báo cạnh tranh từng giây về thông tin. Ngay cả việc khi chúng tôi cập nhật chính xác thông tin vào thời điểm đó nhưng chỉ vài chục phút sau, những biến cố tiếp tục trên thực tế diễn ra quá nhanh làm thay đổi toàn bộ, thì sự chính xác đã không còn. Cập nhật liên tục, đó chính là cách để chúng tôi hoàn thiện tin tức của mình.

- Nhưng đây đó vẫn còn những điều tiếng về sự "giật gân" quá đà và cách đưa tin không chính xác của báo điện tử, Vietnamnet có khi nào mắc phải?

- Báo giấy thì cách trình bày sẽ tạo ấn tượng với bạn đọc về bài báo. Còn báo điện tử, tít, ảnh và phần trích dẫn hiện ra trang ngoài là cái quan trọng nhất thu hút bạn đọc. Tôi cũng thừa nhận là đôi khi có những cái tít hơi... sốc quá.

Chúng tôi luôn nói với phóng viên của mình rằng, cần phải làm sao cho hấp dẫn, nhưng không được phép đưa tít sai bản chất của thông tin. Cũng có khi có những bài viết "gây sốc" và gây phản ứng với nhân vật được phỏng vấn, đó là điều đáng tiếc.

Chúng tôi có trao đổi lại và đã đi đến được sự thống nhất. Có thể đó là do quan điểm biên tập khác nhau, nhưng tuyệt đối chúng tôi không chấp nhận những thông tin bịa đặt.

- Chúng ta đang sống trong một biển thông tin thực giả lẫn lộn mỗi ngày và báo mạng chính là nơi dễ bị nhiễu loạn thông tin nhất. Và nhà báo hiện đại còn cần phải có bộ lọc tốt và cái đầu rất tỉnh. Đó có phải là áp lực lớn với những người làm công tác tòa soạn như anh?

- Cũng là một áp lực lớn. Mỗi ngày Vietnamnet đăng từ 80 - 100 tin bài, nếu giao cho mình tôi hay bất cứ ai thì không tài nào kiểm soát nổi. Chúng tôi phải có một đội ngũ những người làm chuyên nghiệp. Những người làm tòa soạn giỏi sẽ giúp cho tờ báo có được sự sắc bén và nhìn nhận mọi vấn đề thấu triệt hơn.

- Vậy khi nào thì anh quyết định phải gỡ một bài báo xuống khỏi hệ thống của mình?

- Có hai dạng. Một là đưa thông tin sai, như vậy chúng tôi sẽ gỡ xuống và phải đính chính, xin lỗi nữa. Thứ hai là đưa những thông tin vào thời điểm đó không có lợi cho tình hình chung, có ý kiến phản hồi, có chỉ đạo từ trên. Nhưng chúng tôi có quan điểm của mình và sẽ trao đổi cho ngã ngũ trước khi gỡ bỏ một tin bài. Có những trường hợp chúng tôi bảo vệ quan điểm đến cùng, vì quyền lợi của bạn đọc.

- Và đến giới hạn nào thì anh tự thấy cái nghề mình đã chọn, cái việc mình đang làm là nghề nguy hiểm?

- Tôi đã có những tai nạn nghề nghiệp. Và những khi ấy thì thấm thía thật rõ cái nghĩa của từ "nghề nguy hiểm". Vụ việc "xẻ thịt lòng hồ Trị An" là một ví dụ, chúng tôi đã đưa tin hơi... mạnh tay, vì cảm thấy quá bức xúc. Nhưng trong bài báo đó có thông tin thuộc về bí mật thanh tra. Và bị... tuýt còi. Rất may là sau đó mọi việc giải quyết được.

Hay mới đây là một bài báo liên quan đến vấn đề ngoại giao. Rất may là cái tâm của chúng tôi được cấp trên nhìn nhận chính xác, chứ không thì cũng "gay go". Đấy, đại loại là những thứ đó nó làm cho mình phải đặt một mốc cảnh giới trong đầu, là luôn phải tỉnh táo và phải biết điểm dừng hợp lý.

- Vậy khi nào thì nghề làm cho anh cảm thấy mệt mỏi?

- Không, hiếm khi có trường hợp đó, chúng tôi sống trong môi trường báo chí sôi động, thông tin chạy 24h mỗi ngày. Tôi thường xuyên trực đêm tại tòa soạn. Kể cả khi ở nhà thì những cuộc điện thoại lúc nửa đêm là chuyện thường tình. Điện thoại cấp trên chỉ đạo, của phóng viên báo tin tức mới, của bạn đọc... Nó cũng là áp lực, nhưng trước khi vào nghề báo thì cũng đã phải biết để chuẩn bị tinh thần rồi.

- Vậy làm "sếp" khi còn quá trẻ có phải là một thứ áp lực?

- Áp lực này cũng căng đây. (cười). Chẳng hạn như khi mình quá trẻ thì bên ngoài nhìn vào cũng sẽ có những hồ nghi. Chẳng hạn như việc Tổng biên tập đề bạt tôi làm Phó tổng biên tập từ năm ngoái, nhưng hơn một năm rồi đã được bổ nhiệm đâu. Có thể tôi còn trẻ trong mắt nhiều người. Tôi không thể nói tôi tài giỏi hay đại loại thế được.

Mình chẳng còn cách nào khác phải thể hiện bằng những công việc cụ thể thôi. Còn nhân viên thuộc quyền nữa, mình cũng phải làm sao tạo được lòng tin cho họ. Trong công việc là đương nhiên rồi, nhưng cũng còn trong cả lối sống nữa, tác phong nữa, mình cũng phải nghiêm túc hơn...

- Xin cảm ơn anh!

B.Nguyên
.
.