Ánh nhìn tiệm cận

Thứ Tư, 01/10/2014, 16:18

Đám đông, bao giờ cũng khắt khe. Khắt khe còn hơn cả bà mẹ chồng trong ánh nhìn con dâu mới. Thế nhưng, đám đông bao giờ cũng sòng phẳng. Tất nhiên, đám đông trên mạng Internet hay Facebook thì rất dễ cáu giận, mà dễ cáu giận thì sự sòng phẳng cũng giảm đi ít nhiều. Đám đông, lắm lúc như một chiếc gương soi.

Chiếc túi từ thiện

Cô người mẫu lại vừa bị ném đá tập thể, ở lần bị ném đá này không liên quan đến phát ngôn, không liên quan đến kiểu “Yêu không tiền thì cạp đất mà ăn” hay “Mỗi lần đi shopping tôi xài 1,5 tỷ”, “Tôi nhập hàng fake (hàng nhái) nhưng xài hàng hiệu”…

Cô người mẫu này bị ném đá vì làm từ thiện. Chuyện thật như đùa, đùa như thật!

1. Trong dịp Trung thu vừa rồi, cô người mẫu cùng bạn mình trao quà từ thiện cho các em nhỏ đang gặp khó khăn. Chuyện sẽ chẳng có gì là ầm ĩ nếu như trên một trang web chuyên chế ảnh không cho đăng bức hình những túi giấy đựng quà có hình của cô người mẫu. Đó là tấm hình cô người mẫu để trần hai vai, xõa tóc. Một hình ảnh như sự bảo chứng thương hiệu của cô tại spa do cô làm chủ.

Vậy là, phong ba nổi lên tắp tự. Hàng loạt những bài báo kiểu cô người mẫu lấy túi có ảnh bán nude của mình để làm từ thiện. Rồi nữa là lợi dụng làm từ thiện để PR cho bản thân…

Với một kẻ cổ hủ và cực đoan như tôi, tôi vẫn không thấy chiếc túi ấy có gì phản cảm. Với lại, chuyện một doanh nghiệp hay cá nhân dùng túi có logo hay nhãn hiệu của doanh nghiệp để đựng quà từ thiện vẫn là chuyện thường xảy ra. Tôi còn biết có những đơn vị từ thiện còn đặt hàng nhạc sĩ viết ca khúc để tự vinh danh mình, rất phản cảm.

Vấn đề ở đây chính là, tại đấy là cái túi của cô người mẫu. Chứ nếu là cái túi của một ai đó khác, thì sẽ chẳng có chuyện gì.

Cô người mẫu hiện hữu trong mắt dư luận từ trước cho đến nay như là một hình mẫu của sự hư hỏng, ăn bám và những câu chuyện không hay khác. Là do cô lựa chọn điều này. Có ai đó từng hơn một lần nói với tôi, cô ấy hiền quá, cô ấy khờ quá, cô ấy thật thà quá nên hay bị truyền thông gài bẫy thành ra thường có phát ngôn gây sốc. Tôi cũng không biết nữa, vì một cá nhân hết lần này đến lần khác sập bẫy của truyền thông thì chỉ có thể gọi là sập bẫy một cách có ý thức.

Trước những cơn phản ứng của dư luận, cô người mẫu đã không xem đó là gương soi. Thay vào đó, cô xem đó là vật cản mà để bước qua cô chọn cách ngoảnh phía sau của vòng ba về phía họ. Để rồi, ngay cả khi cô tâm thành thì vẫn chịu tiếng là gieo nghiệp xấu.

2. Không chỉ có cô người mẫu này, rất nhiều cô người mẫu hay anh người mẫu, cô ca sĩ hay anh ca sĩ cũng lâm vào tình trạng ấy.

Các anh các chị nói gì, làm gì cũng khiến đám đông hồ nghi, đám đông dị ứng và đám đông rủ nhau ném đá. Bất chấp, có những lần vấp ngã cố tình hay vấp ngã vì sự cố, đám đông cũng sẽ mặc nhiên xem đó là hành vi “chơi ngu lấy tiếng”.

Bởi, có quá nhiều lần các anh các chị đã chọn kiểu chơi này để hy vọng tiệm cận với danh vọng. Và cũng bởi, đã có quá nhiều lần các anh chị tự cho mình cái quyền khác biệt đám đông theo chiều hướng tiêu cực nhân danh người của công chúng.

Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ kéo dài từ ngày này sang ngày khác, để khi thật tâm muốn dừng lại, mà không biết dừng lại từ đâu. Muốn khác đi, mà không biết khác đi từ đâu.

Để nói theo cách đầy uất ức như cô người mẫu thì: “Em làm sao mọi người mới thương em”.

Sẽ chẳng còn ai thương cô cả, bởi cô đã trót biến thành cậu bé chăn cừu từ rất lâu trong mắt dư luận rồi.

Nhìn cái sai của người để tránh cái sai của mình là chuyện rất nên làm. Vì cuộc đời dài lắm, mà miệng thế gian thì cay nghiệt lắm. Tránh được, cố hết sức mà tránh thôi.

Tất nhiên là tôi vẫn biết các anh các chị sẽ mỉa mai với những gì tôi vừa viết, và mọi thứ sẽ chẳng thay đổi được gì cả. Nhưng tôi tin rằng, ai đó mà tôi gọi là dư luận, đọc xong bài viết này biết đâu đấy sẽ thay đổi một ánh nhìn trong từng vụ việc để bình tâm suy xét.

Ác Lai còn hiến Phật tâm thành của mình, thì làm sao lại có thể hồ nghi tất cả(?!).

Chúng ta không thể yêu thương nhau bằng định kiến. Nên thôi, hãy cố bao dung nhau khi còn có thể.

Nghệ sĩ ưu tú Công Ninh: Hãy cố mà giữ mình

- Anh sợ áp lực của dư luận với người nghệ sĩ?

- Ai cũng biết nghệ sĩ là người của công chúng và mỗi chuyển động của người nghệ sĩ trên mặt thông tin mọi người đều nhìn vào. Một mặt, đó là lợi thế của người nghệ sĩ bởi được mọi người biết đến, được mọi người quan tâm; đó là một niềm vui. Trái lại, đó cũng là điều nguy hiểm khi ai đó có những hành động, phát ngôn không đúng thuần phong mỹ tục, đạo đức, quy luật cuộc sống xã hội thì nó sẽ gây ra điều rất tồi tệ cho chính người nghệ sĩ trong con mắt công chúng. Và phạm vi ảnh hưởng của nó là phạm vi xã hội mà người nghệ sĩ đang sống cho nên theo tôi áp lực dư luận với nghệ sĩ là kinh khủng.

Cho nên theo tôi người nghệ sĩ phải hết sức cẩn thận trong các mối quan hệ, cũng như trong những phát ngôn của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng, phải hết sức giữ mình thì mới có hình ảnh đẹp trong con mắt công chúng.

- Hiện giờ có nhiều người thích tạo ra dư luận bằng những chiêu trò. Anh nghĩ gì về việc này?

- Tôi theo dõi thông tin của rất nhiều nghệ sĩ thì thấy thậm chí có không ít thích tạo scandal. Nhưng scandal thì có nhiều loại, có những scandal hay thì “ok”, nhưng có những scandal không hay nó cũng tạo được sự ồn ào trong công chúng, nhưng công chúng nhìn những người nghệ sĩ đó thiếu thiện cảm.

Ví dụ như là những phát ngôn gây sock, ăn mặc hở hang… Những chiêu đó theo tôi thì cũng tạo được dư luận, nhưng dư luận đó không hay, không đẹp. Công chúng biết đến mình tại vì tò mò chứ không yêu mến. Tôi nghĩ nên tạo những hiệu ứng khán giả bằng tài năng của mình là tốt nhất. Mỗi nghệ sĩ hơn nhau là ở chỗ giá trị của họ và tất nhiên để làm được điều đó là khó chứ không phải dễ. Cho nên phải tìm những phương án để tạo dấu ấn trong công chúng, thì đó là những tiêu cực mà người nghệ sĩ cần suy nghĩ đến.

- Nhưng đôi khi, nghệ sĩ là nạn nhân của dư luận. Có những luồng dư luận không đúng xuất phát từ những thông tin sai lệch thiếu kiểm chứng hoặc xoi mói đời tư của họ quá lố. Hẳn đó là điều đáng cảm thông với người nghệ sĩ?

- Tôi nghĩ điều đó phụ thuộc cái tâm của người đưa thông tin. Họ có thể tạo ra mọi cách để làm cho bài viết của họ có điều gì đó hấp dẫn công chúng, thì vô tình họ vi phạm quyền lợi cá nhân của người nghệ sĩ, thậm chí họ viết mà không thông qua người nghệ sĩ đó. Tôi biết có những bài viết rơi vào trường hợp như vậy, sau đó người nghệ sĩ phản ứng rất dữ nhưng chuyện cũng đã rồi! Theo góc độ nào đó thì cũng tội nghiệp cho người nghệ sĩ.

Nghệ sĩ ưu tú Công Ninh.

Chức năng của người nghệ sĩ là đem đến niềm vui cho mọi người, họ trao đi và nhận lại tình cảm yêu mến của công chúng, thì tôi nghĩ truyền thông, công chúng nên giúp đỡ họ. Vì họ không có gì khác ngoài niềm vui công việc, họ mang đến sự giải trí, thỏa mãn cho công chúng. Vì vậy, tôi nghĩ nếu giúp được thì giúp, không thì đừng nên làm tổn thương họ. Người nghệ sĩ rất nhạy cảm với những vấn đề xảy đến từ dư luận. Ví dụ người bình thường họ đau một thì người nghệ sĩ đau mười, thậm chí không ăn ngủ được.

- Nói về mặt tích cực, áp lực dư luận tạo cho người nghệ sĩ động lực để buộc họ phải sửa và tránh những sai sót cho lần sau. Anh nghĩ sao?

- Ví dụ người bình thường làm việc sai trái khi bị đăng báo thì công chúng chỉ theo dõi một thời gian rồi thôi, còn nghệ sĩ mang tai tiếng đến suốt cả cuộc đời làm nghệ thuật. Theo tôi, nếu có một lời khuyên cho anh em nghệ sĩ thì tôi khuyên hãy cố giữ mình!

- Trong suốt quãng đời làm nghệ thuật của anh có khi nào anh phải gặp áp lực trước dư luận mà anh nhớ nhất?

- Chưa bao giờ tôi bị áp lực từ dư luận cả, tại tôi không có sự liều lĩnh kiểu tạo ra một cái gì đó bất chấp để được chú ý, tôi chưa bao giờ có quan niệm đó. Tôi nghĩ nếu được nổi tiếng và được công chúng yêu mến thì phải bằng giá trị tác phẩm.

Đã chọn nghề nghệ sĩ thì người đó phải qua khổ luyện và phải gần như đồng cảm với khán giả. Khán giả luôn mong muốn một điều gì đó tốt đẹp cho cuộc sống của họ và nghệ sĩ hãy hiểu rằng những điều đó khán giả cũng mong muốn ở mình. Họ mong muốn mình đem đến những tác phẩm và nhân vật hay cho họ, chứ họ không muốn mình đem tác phẩm dở, chiêu trò nhố nhăng. Thế thì hãy cố gắng làm điều đó và mình sẽ được bù lại bằng tình cảm yêu mến của khán giả.

- Theo anh, cách tốt nhất để  nghệ sĩ vượt qua áp lực dư luận là gì?

- Nếu rơi vào lỗi lầm thực sự tôi nghĩ họ nên xin lỗi chân thành trên phương tiện truyền thông, đó là cách ứng xử văn minh. Tôi thấy trên thế giới họ đã làm rồi, nghệ sĩ xin lỗi trực tiếp, không có gì phải ngại. Tôi thấy điều đó rất đáng quý, và công chúng họ sẽ không khắt khe đâu, họ sẵn sàng bỏ qua và tha thứ. Thậm chí những lời xin lỗi đó sẽ tạo thêm những thiện cảm của công chúng dành cho người nghệ sĩ đó.

Còn nếu như cứ chống đối làm việc gì đó coi như bất cần dư luận thì điều đó rơi vào sự khủng hoảng, cực đoan quá. Nó sẽ làm cho sai lầm nối tiếp sai lầm. Dần dần mình sẽ đánh mất cảm tình của khán giả

Ca sĩ Quang Hà: Dư luận như tổ ong

- Có thể nói, với người nghệ sĩ thì công chúng quyết định sự tồn tại của họ. Công chúng yêu mến thì họ được nhờ, công chúng quay lưng thì họ cũng phải chuyển sang nghề khác. Nhưng để được công chúng yêu mến thì hoàn toàn không phải là chuyện dễ. Anh nghĩ sao?

- Đây là thời điểm mà điều bạn hỏi đang được minh chứng rõ ràng nhất. Trong xã hội phát triển, công chúng có quá nhiều nguồn, nhiều thể loại giải trí để lựa chọn. Mỗi nghệ sĩ đều biết mình đang bị cạnh tranh khốc liệt.

Ca sĩ Quang Hà.

Ngoài duy trì phong độ, người nghệ sĩ còn phải biết giữ gìn hình ảnh của mình ở phía sau tấm màn nhung nghệ thuật, có nghĩa là ngoài đời. Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, chỉ cần một hành động nhỏ không đúng lan truyền trên mạng, người nghệ sĩ có thể bị “ném đá” và công chúng dễ dàng chuyển ngay từ trạng thái “yêu” sang “ghét”. 

Nói chung nổi tiếng đã khó, giữ gìn sự nổi tiếng càng nan giải hơn, vừa phải rèn luyện, làm mới mình trong nghệ thuật, còn phải chăm chút lối sống của mình. Đôi khi cũng hành động đó, lời nói đó, xuất phát từ một người bình thường, thì không vấn đề gì, nhưng nếu ở nghệ sĩ thì lại khác, có thể gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại “khủng khiếp” cho người nghệ sĩ. Nghệ sĩ cũng là một con người nhưng họ khác người bình thường là như vậy!

- Anh có sợ áp lực từ dư luận hay không? Bản thân tôi quan sát thấy áp lực dư luận  thật khủng khiếp, nó có thể xô ngã tất cả.

- Có chứ! Áp lực dư luận làm cho tôi phải phấn đấu không ngừng, rèn luyện nghề nghiệp và giữ gìn hình ảnh đẹp trong mắt công chúng. Và đôi khi cũng rất mệt mỏi.

- Nhưng có một điều là đám đông chưa hẳn là đúng, anh thấy thế chứ?

- Câu bạn hỏi, làm tôi nhớ câu chuyện: Có một căn biệt thự quanh năm đóng cửa im ỉm. Nhiều người đi qua, nhìn cánh cửa phủ màu thời gian, đã nghĩ rằng chủ nhân ngôi biệt thự đó đang rất u buồn hay đã chết. Lời đồn cứ lan truyền, thêu dệt từ người này qua người khác. Một ngày nọ, cánh cửa ngôi biệt thự mở toang, rộn rã tiếng chim hót, khung cảnh đầy cỏ hoa. Chủ nhân ngôi biệt thự tươi cười hạnh phúc…

Tôi nghĩ, đừng nên đánh giá, phán xét một vấn đề gì đó, nếu mình chưa biết chắc chắn. Trong nghệ thuật, gần như ai cũng ít nhất trải qua một lần bị dư luận bủa vây. Quan trọng là mình có đủ bản lĩnh để đứng vững và ứng phó hay không…

- Là người lâu năm trong nghề, anh làm gì để vượt qua những áp lực dư luận kiểu như thế khi vướng phải?

- Tôi chọn giải pháp im lặng. Dư luận như một tổ ong, bạn càng phản ứng mạnh, ong càng bay ra dữ dội, chích bạn đau hơn.

- Dư luận không hay cũng xuất phát từ những thông tin thiếu chính xác về nghệ sĩ. Trường hợp này giờ đây khá nhiều. Ở góc độ nào đó, nghệ sĩ là đối tượng đáng cảm thông chứ không hẳn đám đông đang ném đá ai đó, điều đó đồng nghĩa họ xấu!

- Bạn đã không sợ mất lòng đồng nghiệp mà nói ra một sự thật này! Đúng là tôi thấy nhiều bạn bây giờ lười quá, trở thành những “phóng viên salon” đúng nghĩa. Họ không cần gặp nghệ sĩ, cứ mò vào Facebook của họ, xem họ viết gì, rồi làm ngay một bài báo… Nhiều lúc, những trang Facebook mà phóng viên vào lấy thông tin chỉ là Facebook giả mạo. Thế là sự cố xảy ra, người thật việc thật xuất hiện, phản ứng bài báo. Tòa soạn báo mạng vội vàng gỡ bài, xóa dấu tích. Thế là huề cả làng.

Tôi cũng không đồng ý những bài viết kiểu chụp ảnh sự kiện, viết qua loa vài dòng chú thích, giật tít thật “ác liệt”, rồi đăng báo… Tôi nhớ có lần, đọc một bài báo, phóng viên chụp cận cảnh nách của một cô người mẫu, cố tình cho độc giả thấy một vết sẹo, rồi phán bừa cô này nâng ngực, như một phát hiện động trời. Xem bức ảnh cái nách của cô người mẫu, chình ình đập vào mắt, tôi thấy xấu hổ.

Tôi nghĩ, nếu mỗi người đều có tâm khi đặt bút viết về nghệ sĩ, thì giữa nghệ sĩ và phóng viên sẽ có sự hợp tác rất thoải mái. Đừng biến họ thành công cụ câu “view” cho tờ báo, đó cũng là nguyên nhân gây cho họ sự e dè, đề phòng của người nghệ sĩ với truyền thông bây giờ!

- Nhưng nói đi cũng phải nói lại, đôi khi áp lực của đám đông, tiếng nói của đám đông giúp chúng ta nhìn ra sự thật và cũng là động lực buộc ta phải tích cực sửa sai, tránh sai. Anh đồng ý chứ?

- Với điều kiện đó là những lời góp ý, thậm chí là chửi rủa cũng được, nhưng là đúng.

- Và dù muốn dù không, khi bước chân vào nghệ thuật, trở thành người của công chúng thì bạn phải trang bị cho mình kỹ năng vượt qua sóng gió dư luận. Bởi bạn không vượt qua được điều này, đồng nghĩa với bạn khó có thể trụ lâu lại với nghề, phải không anh?

- Tôi thấy nhiều người mới bước vào nghề còn cố tình tạo scandal làm nổi sóng dư luận đấy chứ. Họ có sợ gì đâu? Nhiều người còn “hợp tác” với các trang báo mạng, tung ra những thông tin trời ơi đất hỡi, khiến dư luận phản ứng rần rần!

Nhưng, tôi muốn nói rằng: Khán giả hiện nay rất thông minh. Họ nhìn nhận một vấn đề rất sâu sắc, thật giả họ đều nhận ra. Mỗi nghệ sĩ nên giữ hình ảnh của mình, đừng để tạo ra những scandal, rồi mới tìm cách đối phó. Người nghệ sĩ cần phải đẹp trong mắt công chúng.

Tôi rất sợ cảm giác một sáng đang ngủ, điện thoại réo liên tục, nghe những câu kiểu như: “Anh làm gì mà bị lên báo rần rần kìa”. Tôi sợ “bị” lên báo kiểu này lắm!

Ca sĩ - diễn viên Trương Thế Vinh: Sợ nhất người thân bị ảnh hưởng

- Trương Thế Vinh đã bao giờ phải đối mặt sóng gió dư luận chưa?

- Vinh chưa phải là một cái tên tâm điểm, cũng như không thích làm những chuyện gây sốc nên có lẽ sóng gió dư luận với Vinh không nhiều. Mọi thứ với Vinh bình thường và sản phẩm của Vinh đến với công chúng cũng rất âm thầm. Như bên phim ảnh, hầu hết khán giả truyền hình đều biết Vinh. Họ yêu mến và vẫn đón chờ phim của Vinh, không bởi vì bản thân được truyền thông chú ý mà vì sản phẩm tới họ, họ ưng ý nên xem.

Ca sĩ - diễn viên Trương Thế Vinh.

Vinh cũng xác định đối tượng khán giả rõ ràng của mình và hướng đến việc “chăm sóc” họ bằng những sản phẩm có đầu tư. Vinh không quan tâm lắm đến dư luận xung quanh bởi Vinh biết họ có nghe nhạc, xem phim Vinh đâu nhưng nghe thông tin trên báo chí nào đó đó rồi bàn tán, nói xấu.

Ví dụ như với phim, khán giả thực sự là những bà nội trợ hay xem phim truyền hình. Còn âm nhạc, Vinh đi diễn tỉnh thì khán giả tới xem cho bằng được, họ thật sự yêu mến và những người đó chưa chắc đã đọc báo về Vinh. Và Vinh cũng không nghe họ chê bai mình, đó là những khán giả thực sự.

Cũng chính vì thế mà với Vinh, chuyện áp lực đám đông dư luận không mấy làm ảnh hưởng đến Vinh bởi vì lượng khán giả thật sự của mình không hề bị ảnh hưởng, còn những đám đông chỉ biết đem chuyện ra bàn tán thì cứ để cho họ nói; đã là dư luận thì không nên quan tâm bởi điều đó sẽ không làm ảnh hưởng gì mấy. Bài hát hay thì người ta nghe, vai diễn hay thì khán giả xem thôi. Người nghệ sĩ được công nhận hay không là bằng tài năng, sản phẩm nghệ thuật chứ không phải từ chuyện dư luận!

- Nhưng khi Vinh rơi vào tình huống những chuyện riêng tư bị nhiều người tò mò, soi mói, bàn tán, thậm chí chỉ là chuyện bạn yêu ai, đi chơi với ai… Hẳn điều đó cũng làm Vinh khó chịu đấy chứ?

- Chuyện đó giống như đồ ăn phải có gia vị, xung quanh người nghệ sĩ có rất nhiều câu chuyện để bàn tán thì rõ ràng cũng thú vị hơn. Ví dụ đồ ăn ngon là một chuyện, trang trí lại là một chuyện khiến nó càng thu hút hơn.

Khi đã làm nghề này thì không ai tránh khỏi và Vinh cũng không lên án điều đó. Cả thế giới bị chứ không riêng gì Việt Nam, cũng như riêng Vinh. Câu chuyện của Vinh cũng không có gì quá ghê gớm cả. Và nếu chuyện đó khiến các bạn cảm thấy vui thì các bạn cứ tìm hiểu chúng tôi. Chọn nghề nào cũng có cái nghiệp và mình chấp nhận hết. Nhưng chấp nhận không phải là vui, bản thân Vinh thấy không thoải mái lắm nhưng cũng không đến mức quá cộc cằn hay bực bội gì.

- Vậy những ngày qua, khi bạn gái của Vinh, một nữ phi công, một người không hề liên quan gì đến showbiz lại đang bị áp lực dư luận về những thông tin sai lệch của cô ấy trên các trang báo. Và áp lực đó, một phần xuất phát từ việc người yêu cô ấy là một người của công chúng. Vinh cảm thấy thế nào? 

- Đây là lần đầu tiên Vinh va chạm chuyện như thế này nên không khỏi bối rối. Vinh biết cô ấy đang bị ảnh hưởng rất lớn từ áp lực dư luận. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi cô ấy không phải là người trong giới showbiz để quen với chuyện đó. Và điều đó làm Vinh cũng bị ảnh hưởng, Vinh làm việc thấy căng thẳng và thiếu tập trung.

- Như vậy, hóa ra cái đáng sợ nhất của dư luận đôi khi không phải là với bản thân người nghệ sĩ mà là ảnh hưởng đến người thân xung quanh họ?

- Có lẽ là đúng như vậy! Đến bây giờ Vinh rút ra được một điều là áp lực lớn nhất của người nghệ sĩ là vô tình làm ảnh hưởng đến những người thân xung quanh. Chứ dư luận đối với người nghệ sĩ xem ra không gây áp lực với họ nhiều, phần vì họ quen, phần vì đã làm nghề thì ai cũng biết một điều đó là chuyện không thể tránh.

Vinh thấy rõ là nếu có một điều gì đó xảy ra với cá nhân mà không ảnh hưởng đến người xung quanh thì Vinh chịu đựng được. Bạn sống với lũ rồi thì phải biết bơi. Còn những người trên núi thả xuống biển thì sao họ chịu được. Như những người không liên quan gì đến nghệ thuật nhưng bị lôi vào thì họ thấy sốc, ngỡ ngàng ngay. Nếu bản thân người đó không muốn nổi tiếng, không muốn ồn ào thì đó là một tai họa, là điều rất khủng khiếp. Nó ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của họ và đặc biệt là những sang chấn tâm lý. Vì vậy Vinh cảm thấy phục những bạn cố tình tạo đủ scandal, thậm chí khiến dư luận chửi rủa, phỉ báng mình cũng được, miễn sao là nổi. Các bạn đó quá can đảm và lỳ đòn

Thực hiện: Hoàng Lãm - Nguyệt Lãng
.
.