Nước mắt nông dân, thái độ quan nhân

Ai là ông bụt cho dân?

Thứ Tư, 24/05/2017, 09:02
Tôi thực sự không còn cảm giác nào cụ thể nữa khi đọc những thông tin về đợt kêu gọi "giải cứu lợn" trên mạng xã hội gần đây. Có thể nói, tôi thẳng thắn thừa nhận sự vô cảm của mình. 

Lại vẫn là một câu chuyện cũ, tiếc rằng câu chuyện cũ ấy ẩn chứa nhiều nước mắt. Lại càng đáng tiếc hơn khi biết là chuyện đã cũ nhưng mãi vẫn không có hướng giải quyết nào tích cực hơn.


Vẫn biết người Việt có truyền thống lá lành đùm lá rách, nhưng cứ năm này qua tháng khác, người ta lại phải kêu gọi nhau giải cứu một nông sản cụ thể nào đó, chắc chắn cảm thức yêu thương sẽ chai sạn dần, để lại trong lòng chỉ còn là sự thờ ơ bởi ta hiểu, có giải cứu hết lần này đến lần khác, chúng ta cũng không thể cứu chuộc nổi bất kỳ điều gì.

Chúng ta có thể dễ dàng kể tội những thương lái Trung Quốc trong các đợt kiếp nạn với bà con nông dân mà hệ quả cuối cùng là các phong trào giải cứu trong cộng đồng được phát sinh, từ cà chua tới dưa hấu, từ thanh long tới thịt lợn, nhưng có lẽ chúng ta nên học quen với một thị trường hoàn hảo là như thế nào. Đó là một thị trường khắc nghiệt mà trong nó, người mua có quyền lựa chọn của mình.

Người sản xuất, người bán rất cần người mua, song nếu để phụ thuộc hoàn toàn vào một lực lượng người mua nào đó, điều ấy đồng nghĩa với tự sát. Và có phải chúng ta đã và đang đẩy mình vào chỗ tự sát hay không, sau những bài học "trào máu mắt" của con tôm, cây trái, gia súc và gia cầm?

Minh họa: Lê Phương.

Tôi nhớ một câu chuyện cổ tích rất xưa, câu chuyện mà tôi vô cùng thích thú. Nó là câu chuyện minh định những khác biệt độc đáo của người Việt với người Hoa trong những mảng chườm văn hóa chung mà cụ thể là cái tết Nguyên đán. Người Hoa không có cây nêu như người Việt và cái sự tích cây nêu bỗng nhiên hiển hiện về trong đợt giải cứu lợn hôm nay. À, khi con quỷ đòi lấy ngọn, Bụt dạy nông dân trồng khoai, trồng sắn, trồng lạc. 

Rồi khi con quỷ đòi lấy gốc, Bụt lại dạy nông dân trồng lúa. Và kết cục, lúc con quỷ tham lam đòi cả gốc lẫn ngọn, Bụt dạy người nông dân trồng ngô. Chiến thắng của chính trước tà hóa ra không phải bằng một đụng độ sa trường sử thi như những cuốn phim kiểu The lord of the rings hay Warcraft mà cần nhờ vào sự thông thái mà cụ thể là những gì Bụt dạy bảo người dân hiền lành của mình. Vậy thì ở thời nay, Bụt của người nông dân ở đâu?

Thực sự, chúng ta đang tiến hành các ngành công nghiệp của mình theo cách nào, đó chính là vấn đề trọng tâm nhất cần được đặt ra lúc này. Vâng, ở đây xin đừng coi hai chữ "công nghiệp" theo hiểu biết đơn thuần là những gì liên quan đến máy móc, công nghệ, dây chuyền... 

Công nghiệp (industry) phải được hiểu trong ngữ cảnh ngành, ví như ngành công nghiệp âm nhạc, ngành công nghiệp giải trí... Chúng ta đang thực hành các ngành công nghiệp của mình theo cách hoàn toàn manh mún: theo cách làm kiểu những con buôn cổ điển.

Một con buôn, một thương lái cổ điển thực sự không gắn liền với 1 sản phẩm cố định nào. Họ chỉ là những người đu theo sóng thị trường để sinh lời. Hôm nay gạo được thì buôn gạo. Ngày mai trầm tốt lại buôn trầm. Và khi các ngành sản xuất ở Việt Nam đang chạy vội vã theo thị trường theo kiểu thương lái ấy, cái việc khủng hoảng thừa, bị ép giá... sẽ chỉ còn là chuyện quá bình thường.

Phải thừa nhận rằng, nông dân Việt thiếu kiến thức vô cùng. Và vì mưu sinh, họ sẽ chỉ cần biết cái gì đang thắng thì họ lao theo cái đó. Cách phát triển không bền, mang tính thời vụ, không có đường dài ấy chính là nguyên nhân nền tảng của các cuộc khủng hoảng chứ không phải do bất kỳ lý do nào khác. Dễ hiểu, khi họ đưa vào thị trường những sản phẩm mà bản thân người bán không có giá trị quyết định gì thì chắc chắn họ sẽ trở thành nô lệ của chính thị trường ấy.

Trong hoàn cảnh đó, nhiệm vụ của những "ông Bụt" quản lý chiến lược ngành là gì? Thực sự, ngoài chuyện thể hiện mối lo, mối quan tâm sâu sắc khi nông dân gặp vận hạn ra, họ chẳng biết làm gì. Sách lược nào cho người nông dân vẫn còn là câu hỏi luẩn quẩn từ thời của mấy Đại hội Đảng trước mà những nhà quản lý cấp Bộ nối tiếp nhau không thể trả lời. Bởi thế, câu hỏi "Cây gì? Con gì?" tới lúc này dường như vẫn chưa có lời giải.

Ở thời hôm nay, có những người Việt khởi nghiệp rất thành công và nhìn vào thành công của họ, thực sự chúng ta nhận ra được rằng tất cả mọi hoạch định, kế sách là chính họ tạo ra, chứ không phải họ đi theo chỉ dẫn của một cơ quan quản lý nào cả. Người nông dân thua xa những người khởi nghiệp ở thành thị ở chỗ đó. Họ không có kiến thức, họ vô cùng bối rối trong việc chọn lựa hướng đi của một cái "nghiệp" lâu dài. Họ chỉ là những người thực hành (doer) chứ không phải là những người hoạch định (thinker). Nhưng không ai giúp đỡ họ trong việc hoạch định cả. Và khi những người chỉ giỏi lao động chân tay bị buộc phải lao động cả bằng trí óc, chắc chắn họ sẽ gặp thất bại thường xuyên. Cái vận nghèo, cái kiếp nghèo vì thế cũng thường xuyên.

Hôm trước, một ông chủ tịch quận ở Đà Nẵng có nói, nếu được tự quyết, ông chỉ cần 5 người là đủ làm được hết việc của 25 người trong bộ máy cồng kềnh hiện tại. Và đó cũng là câu chuyện chung cho mọi cơ quan quản lý nhà nước nào khác. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có bao nhiêu công chức đang sáng sáng cắp cặp tới và chiều chiều cắp ô về? Câu trả lời chắc không khó. 

Nhưng Bộ ấy có được bao nhiêu cán bộ thực sự đang chú tâm vào một dự án cụ thể, cho một vùng sản xuất cụ thể, với hướng quy hoạch nông sản mang tính chiến lược lâu dài, có thể lấy cái lời lãi của 2 hay 3 vụ để đổi đắp lại cho 1 hay 2 vụ kế tiếp không được mùa mà nông dân vẫn kiên trì và thực sự yêu thương cái sản phẩm gắn liền với họ? Câu trả lời này khó lắm. Bởi vì sau một nhiệm kỳ, người tư lệnh mới của ngành có khi cũng còn bỡ ngỡ, chưa thể nắm được nhân viên dưới trướng của mình có mấy ai thực tâm, thực tài...

Vậy thì ai sẽ là "ông Bụt" cho dân đây?  

Quang Minh
.
.