ASEAN: Đoàn kết là sức mạnh

Thứ Tư, 13/11/2019, 14:09
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 (diễn ra từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 11, tại Bangkok, Thái Lan), lần đầu tiên chứng kiến vấn đề an ninh khu vực trở thành trọng tâm của các cuộc thảo luận. Đã đến lúc ASEAN phải chứng tỏ được vai trò kết nối, vì lợi ích của mọi thành viên.

Một cơ chế - một diễn đàn

Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một liên minh chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Tổ chức này được thành lập năm 1967 với các thành viên đầu tiên là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, và Philippines. 3 động lực tạo nên ASEAN là: phát triển kinh tế, kết nối chính trị và đảm bảo an ninh.

Năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức này. Đến năm 2019, ngoài 10 thành viên chính thức, ASEAN còn có 2 thành viên quan sát là Papua New Guinea và Đông Timor.

Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35.

Hội nghị cấp cao ASEAN, hay Hội nghị thượng đỉnh ASEAN là hội nghị giữa các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên ASEAN, họp thường niên từ năm 2009, để thảo luận về các vấn đề giữa các nước thành viên. Đây là hội nghị có tính chất quan trọng nhất trong hoạt động của ASEAN ở thời điểm hiện tại. Những vấn đề được đưa ra bàn thảo sẽ là những vấn đề quan trọng nhất của cả khối để cùng nhau tìm cách giải quyết.

Điểm nổi bật của hội nghị năm nay là vấn đề an ninh khu vực, với những diễn biến mới ở Biển Đông. Một danh sách hùng hậu các thành viên đối thoại tham gia cùng bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga... và cả Liên Hiệp Quốc cho phép ASEAN thể hiện tiếng nói của mình trước toàn thế giới. Bởi, vấn đề này có tầm ảnh hưởng ở quy mô toàn cầu.

Những khúc mắc

Trước đây, mỗi khi bàn thảo về vấn đề Biển Đông, ASEAN có rất nhiều sự chia rẽ. Những quốc gia xung đột về chủ quyền vùng biển với Trung Quốc một cách trực tiếp luôn tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của cả khối. Song, một số quốc gia không có lợi ích trực tiếp trên Biển Đông (đồng thời lại có ràng buộc kinh tế lớn với Trung Quốc như Campuchia, Malaysia, Singapore...) có thể tìm cách né tránh.

Trong khi đó, nguyên tắc chung của ASEAN là đồng thuận. Nếu một quốc gia không đồng tình thì ASEAN không thể ra quyết định được. Chính vì thế, từ sau Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) hồi năm 2002, Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vẫn chưa được ký kết, dù đã đưa ra bàn thảo từ năm 2013 tới nay.

Nếu như trong những vấn đề kinh tế và văn hóa, các thành viên ASEAN rất dễ dàng tìm được tiếng nói đồng thuận thì trong vấn đề an ninh - chính trị, sự khác biệt về quan điểm dẫn đến rất nhiều bất đồng. Trong quá trình đàm phán COC, một số nước có liên quan thậm chí đã muốn tiến hành những hoạt động riêng lẻ nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Nhưng, nhận thức đó đang dần thay đổi.

Lợi ích kinh tế là căn bản

ASEAN hiện có diện tích 4,46 triệu km² và dân số khoảng 600 triệu người. Năm 2018, tổng GDP ước tính của tất cả các quốc gia ASEAN là xấp xỉ 2.900 tỷ USD. Nếu coi ASEAN là một thực thể duy nhất thì thực thể đó sẽ xếp hạng 10 trong số các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Nhưng, với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, dự kiến đến năm 2030, thực thể này sẽ đứng thứ 4 thế giới, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Là tập hợp của các quốc gia trẻ, đông dân, đang phát triển, nằm giữa khu vực năng động nhất thế giới, bản thân các quốc gia trong khu vực cũng rất ý thức được thời cơ của mình. Thế nên, trong những năm qua, các thành viên ASEAN tập trung nguồn lực cho việc phát triển kinh tế chứ không can dự nhiều vào những vấn đề quốc tế.

Giữa cuộc chiến tranh thương mại nóng bỏng của Mỹ và Trung Quốc, ASEAN đã khôn khéo tận dụng thời cơ này để có thêm nguồn lực. Dựa vào làn sóng đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc cùng việc cải cách thể chế, gia tăng kết nối nội khối, ASEAN đã và đang là khu vực tăng trưởng ấn tượng nhất thế giới với những điểm sáng là Việt Nam, Campuchia hay Indonesia.

Tuy nhiên, việc sống cạnh một người hàng xóm khổng lồ đầy tham vọng như Trung Quốc không bao giờ là điều dễ dàng. Thực tế hiện nay, với sự gia tăng sức mạnh và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ra bên ngoài, sức ép đến các quốc gia trong ASEAN ngày càng lớn.

Bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc đưa ra nhằm áp đặt quyền lợi của Trung Quốc trên Biển Đông - vùng biển cực kỳ quan trọng đối với không chỉ các quốc gia trong khu vực mà còn trên toàn thế giới - đã khiến nhiều nước lo ngại về an ninh khu vực, đặc biệt là an ninh hàng hải. Nên nhớ: Vùng biển trực thuộc của các nước ASEAN có diện tích gấp 3 lần so với đất liền.

Đoàn kết để tạo nên sức mạnh

Trong khi hầu hết các quốc gia khu vực đều là những nước đang phát triển, muốn giữ môi trường hòa bình để thúc đẩy kinh tế thì những hoạt động của Trung Quốc đang đẩy tình hình ngày một phức tạp. Chính điều này đã khiến nhiều quốc gia lên tiếng.

Cho dù không ai “rắc rối” nhưng các quốc gia ASEAN đã nhận thức được rằng nếu không đoàn kết, họ sẽ không có đủ tiềm lực và vị thế để đương đầu với những vấn đề có thể xảy ra trong tương lai. Một chiếc đũa đơn lẻ có thể dễ dàng bị bẻ gãy nhưng nếu bó đũa đó được cột chặt lại, nó sẽ trở nên bền vững gấp bội.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tháng 6 vừa qua, Việt Nam đã đưa vấn đề Biển Đông ra bàn thảo. Sự hưởng ứng của các thành viên ASEAN sau đó được chính thức hóa bằng tuyên bố chung và thống nhất COC sẽ do cả khối ASEAN tiến hành thảo luận với Trung Quốc.

Một ASEAN đoàn kết sẽ đủ sức nói chuyện ngang hàng với Trung Quốc.

ASEAN ngày càng trưởng thành, suốt 10 năm qua. Sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 đã thúc đẩy sự phối hợp và gắn bó lợi ích của các thành viên. Cuộc xung đột giữa Thái Lan và Campuchia năm 2011 tại khu vực biên giới được giải quyết ổn thỏa, hay vấn đề dân chủ hóa Myanmar đã cho thấy vai trò ngày càng lớn của ASEAN. Trong khi với các vấn đề quốc tế, tiếng nói của ASEAN cũng ngày càng có trọng lượng.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN bây giờ không chỉ là cuộc gặp giữa các nước thành viên, nó đã trở thành một hội nghị quốc tế có sức nặng. Đi kèm với Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 là một loạt hội nghị giữa ASEAN với các đối tác lớn như Hội nghị cấp cao Đông Á, Hội nghị ASEAN với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc... và cả Liên Hiệp Quốc. Các hội nghị này đều diễn ra đồng thời với Thượng đỉnh ASEAN và do ASEAN dẫn dắt.

Mới đây, Đức - quốc gia lớn nhất EU - đã trở thành đối tác chiến lược của ASEAN. Một bước thay đổi lớn, khi trước đây chỉ có các khuôn khổ hợp tác song phương với các quốc gia riêng lẻ. Đồng thời, Mỹ cũng đề xuất một hội nghị Mỹ- ASEAN lần đầu tiên vào năm 2020 do họ làm chủ nhà. Điều đó cho thấy uy tín của ASEAN đang ngày càng lớn, với tư cách là một khối thống nhất.

Tại Thượng đỉnh ASEAN vừa kết thúc, ASEAN và Trung Quốc đã khẳng định sẽ thống nhất về COC vào năm 2020. Trong khi đó, bất chấp những nghi ngại của Ấn Độ về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), ASEAN vẫn sẽ thúc đẩy RCEP vào năm sau. Đây là bước đi lớn nhằm gắn kết kinh tế trong toàn bộ khu vực từ Đông Á xuống tận Nam Á với thị trường liên kết gần 3,3 tỷ dân.

Mối quan hệ kinh tế gắn bó hơn này sẽ đồng thời kéo theo sự đảm bảo về an ninh cho khu vực. Và tất cả những thỏa thuận quan trọng đó đều sẽ được thực thi đúng vào năm 2020, khi Việt Nam làm chủ tịch ASEAN với khẩu hiệu rất rõ ràng: Gắn kết và chủ động thích ứng. ASEAN đang tiến những bước mới trên con đường hội nhập của mình.

Tử Uyên
.
.