A dua bằng… ngôn ngữ

Thứ Sáu, 16/01/2009, 14:00
Ngôn ngữ về một quan niệm nào đấy được xác định như chính sự ghi nhận và duy trì của một tộc người. Hay nói rộng hơn đó là dấu hiệu để nhận biết và trao đổi văn hóa của những xã hội khác nhau. Chẳng thế mà Bảo tàng Dân tộc học luôn phân loại những tộc người sống có cùng một hệ ngôn ngữ với nhau.

"Tây" cũng thế mà "Ta" cũng thế. Trên thế giới chúng ta đã biết có sự tồn tại nhiều hệ ngôn ngữ. Và chính những dân tộc có cùng hệ ngôn ngữ đó đã tạo ra nền văn hóa riêng của mình. Hay nói đúng hơn ngôn ngữ là một công cụ giao tiếp hữu hiệu nhất để gần gũi nhau chia sẻ và phân định xã hội của mình.

Tôi chắc rằng người nào cũng vui mừng tột cùng khi phận đất khách quê người và nghe tiếng nước mình. Cái giây phút xa quê hương Tổ quốc được nghe tiếng "người mình" là một cảm giác thiêng liêng vô cùng. Và chúng ta có quyền tự hào vì chúng ta hiểu nhau, chúng ta thấy chúng ta thật may mắn vì có ngôn ngữ riêng.

Một thứ mà khi chúng ta sinh ra đã có và để duy trì sự hiện diện của dân tộc mình. Đó là may mắn, nhưng ở một khía cạnh nào đấy ở thế kỷ này chúng ta lại không nhận ra nó. Khi mà đang có một số ít người Việt đã ít nhiều chối bỏ sự tự hào này.

Nửa đầu thế kỷ XX, nhà văn Vũ Trọng Phụng trong tiểu thuyết "Số đỏ" có phản ánh lại thực tế của một nền văn hóa "bồi" nơi thành thị, khi dân ta sử dụng tiếng Pháp bồi là một thực tế lan truyền nơi thành thị. Thế hệ lúc đó sử dụng tiếng Pháp trong các cuộc đối thoại như một cách bày tỏ sự "Canh Tân" của mình.

Cũng có thể đó là con đường nhanh nhất để cải tạo giai cấp mà chính họ cũng theo như một sự vô thức. Tiếng Việt với 5 dấu thể hiện được sự lên xuống của thanh âm và tạo nên được dấu hiệu cảm tính trong âm tiết của nó. Hẳn là người Việt Nam nói nhẹ với những âm sắc dịu hơn người Trung Quốc, người Anh hay người Pháp.

Nên các cụ chúng ta nói  tiếng Pháp theo kiểu người Việt. Nhưng đó không phải là ý nghĩa ám chỉ việc dùng tiếng Tây "bồi". Tiếng "bồi" thời đó được cho là xuất hiện khi cô sen, anh hầu dùng xen tiếng Pháp dù nhớ vài từ vựng và lắp ghép nó theo cách nói của tiếng Việt, hoàn toàn sai ngữ pháp.

Cái khó nhất của ngoại ngữ là vậy, không phải chỉ nhớ từ, mà còn phải nói và nghĩ theo cách của loại ngoại ngữ đó. Chúng ta đã có một khoảng thời gian dài, với sự giáo dục tử tế mà ngoại ngữ đã trở thành công cụ rất hữu hiệu để chúng ta có thể tiếp cận văn hóa của nhân loại.

Thế hệ chúng tôi thầm cảm ơn các học giả, các nhà văn, nhà thơ đã nuôi dưỡng tâm hồn chúng tôi, dạy chúng tôi khôn lớn bằng những tác phẩm văn học kinh điển của đất nước cũng như nhiều nền văn hoá nhân loại. Chúng tôi học ngoại ngữ như một nhu cầu muốn tiếp nhận văn hóa của "người ta".

Chúng tôi khao khát việc đó, tuyệt nhiên chẳng có nhu cầu để "tìm được việc làm" vì giỏi ngoại ngữ. Chúng tôi học ngoại ngữ khi đã trưởng thành, biết suy nghĩ. Nói đúng hơn chúng tôi đã được trang bị liều kháng sinh văn hóa và sự tự hào mà dân tộc nào cũng đề cao trong ngôn ngữ. Chúng tôi đã thuần thục tiếng Mẹ.

Ngôn ngữ có phản ánh tình trạng xã hội không? Câu trả là lời là có. Nhiều nhà ngôn ngữ học cũng nhận định như vậy. Chúng ta đã biết hệ thống từ ngữ bị Pháp hóa trong tiếng Việt đầu thế kỷ XX cho chúng ta nhìn thấy quãng giá trị thực tế của xã hội lúc đó.

Và ngày nay hiện tượng sử dụng tiếng Anh một cách đại trà cũng là một sự thật ở đâu đó trong xã hội đương đại Việt Nam. Một thực tế đau đớn khoác chiếc áo "quốc tế hoá -  hội nhập", nếu không được xử lý đúng. Chúng ta đi làm trong công sở, nếu thuần chất là công ty "nội" chẳng sao.

Nhưng nếu chỉ có chút "liên doanh" với nước ngoài thì sẽ thấy các bạn trẻ trong văn phòng dùng quá nhiều thứ tiếng Anh bồi: "YOU rất là Pro nha" (anh rất là chuyện nghiệp nha), "Tôi present một lần là you Get It ngay" (tôi chỉ giới thiệu một lần là bạn làm được ngay) hoặc tần suất sử dụng của các câu nói tiếng Việt trộn lẫn từ tiếng Anh rất dày đặc.

Vậy phải chăng đó là một cách để các bạn trẻ thể hiện mình giỏi ngoại ngữ thuận tiện trong công việc, hay một cách để các bạn cho mọi người thấy mình tiếp cận với thế giới bên ngoài hơn?! Chắc là các bạn trẻ đó cũng chẳng nghĩ được tới việc khẳng định đẳng cấp của mình bằng vài từ tiếng "bồi" như các cụ xưa. Vì như vậy thì nó cũng là một ý thức, cho dù nó cũng phù phiếm như chính cái cách thể hiện đó.

Còn nhớ một lần đi xem phim, tôi có yêu cầu được mua một hộp bỏng ngô cho bạn tôi. Đương nhiên tôi gặp phải ánh mắt rất ngạc nhiên của cô gái trẻ bán hàng, vì "Có phải anh muốn Pop Corn không?". Người bạn trẻ không muốn hiểu từ "bỏng ngô" nó phải là Pop Corn, vì Mỹ nó thế(!).

Một thoáng buồn, vì lại thấy mình đau ngay chính trên quê hương mình. Nơi mà khi đi học ở xa quê hương mấy năm chỉ mong ngày trở về để được nói tiếng mẹ đẻ của mình. Dịp khác được mời ăn trưa trao đổi công việc với một cô đồng nghiệp.

Cô ấy đi học ở Mỹ về theo diện trao đổi 6 tháng. Suốt bữa trưa đó tôi phải nhăn mặt như ăn phải một bát sạn. Vì thứ ngôn ngữ cô dùng để giao tiếp với tôi ngay trên quê hương của hai chúng tôi. Cô ấy phát âm rất chuẩn. Hoàn toàn giống phim Mỹ, duy chỉ có số lượng từ bậy và bẩn cô ấy cũng đưa vào rất nhiều cho nó thêm giống không khí trong phim Mỹ. --PageBreak--

Tôi vẫn nói tiếng Việt, cô ấy dùng tiếng Anh - Mỹ. Chúng  tôi vẫn trao đổi hết tâm tư tình cảm, công việc. Thật là một  trò hề mà tôi chẳng dám khinh khi. Vì đó đang là sự thời thượng của họ! Họ đang rất Tây, nói đúng hơn là đang rất Mỹ(!).

Tôi cũng đã ngồi chết cứng khi mà nghe hai bạn trẻ trưởng thành, cùng là người Việt và nói chuyện tiếng Anh với nhau. Họ tranh cãi nhau và dĩ nhiên không phải là tranh luận chuyên sâu hay học thuật gì. Đó chỉ là tranh cãi thường nhật riêng tư tình cảm. Nhưng cái chính là họ lại tranh cãi bằng tiếng Anh "giả cầy" trộn tiếng Việt.

Nhưng khi gặp người nước ngoài nói tiếng Anh như thứ ngôn ngữ thứ 2, họ, những bạn trẻ đấy ngồi rất im, chỉ cười thôi, dẫu sao tính tự ti và mặc cảm cũng không vượt qua nổi. Chỉ có cười là cách thân thiện nhất hoặc trao đổi vài câu đối thoại đơn giản, dĩ nhiên nhiều cảm thán thì sẽ có vẻ hoà đồng hơn trong các cuộc chuyện phiếm này, "Ok" "Oh My God" "shit" được sử dụng nhiều.

Mặc dù để hiểu thực sự định lượng truyền đạt khi dùng nó thì họ cũng không  hiểu. Vì đã bao giờ sống với ngôn ngữ đó đâu. Tất cả đều học trên phim hoặc từ một thứ ngôn ngữ dân dã hạ cấp. Dĩ nhiên là người Mỹ với nhiều cấp giáo dục khác nhau nên thường họ cũng thoải mái chấp nhận thứ ngôn ngữ giao tiếp như vậy.

Vì họ nghĩ thế nó dân chủ hơn chăng? Nhưng tuyệt nhiên tôi chưa bao giờ nghe thấy những cách nói đó ở những người Mỹ có học vấn và văn hóa. Họ rất ý thức được sự tử tế cần phải học, học ngay cả trong lời ăn tiếng nói của mình.

Chúng ta cũng học nhiều thứ văn minh phương Tây nhưng đâu đó có cả những thứ cặn bã mà đến chính người ta cũng muốn loại bỏ nó đi. Ngay trên sóng phát thanh Xone FM chẳng hạn (một  kênh phát thanh radio âm nhạc tại Việt Nam mà họ cho rằng có tới 9 triệu thính giả), những người dẫn chương trình cũng đang dùng ngôn ngữ Anh Việt hóa với sự phấn khởi kiểu MTV (của Mỹ).

Đôi lúc phấn khích họ buông xõng những thứ tiếng Anh bồi rất nhộn nhạo! TV cũng chẳng tránh được cái mốt thời thượng đó. Hàng loạt các kênh truyền hình ra đời với những tên gọi rất Tây như kênh Style, TV Plus, MusicBox...

Có vẻ như với sự khôn lỏi của người làm quảng cáo vô hình trung lại đang cổ vũ cho cách phá tan tiếng Việt. Dĩ nhiên chúng ta đang sống trong sự giao thoa trong một nền văn hóa quốc tế. Nhưng đâu chỉ là một vài từ tiếng Anh mà có được tiếp cận hay "quốc tế".

Còn nhớ một ca sĩ nổi tiếng trong V-Pop cũng bị chỉ trích gay gắt khi cô bày tỏ sự vui mừng khi nhận giải thưởng âm nhạc trên TV phát sóng toàn quốc bằng "Oh my God, thanks you, I love you". (Lạy Chúa tôi, xin cảm ơn, tôi yêu các bạn). Đại để là rất "Grammy"(!?). Đó là sự đầu độc ngu dốt con em chúng ta bằng chính thứ ngôn ngữ "giả cầy" đó, nó đang dần mòn làm mất đi sự lấp lánh của ngôn ngữ chúng ta.

Tuổi trẻ thì ham cái mới, thích canh tân. Nhưng cũng nên mới trong suy nghĩ. Trong lề lối suy luận, tại sao chỉ mới trong một vài từ của một thứ ngôn ngữ mà chúng ta ảo tưởng là chúng ta đã tham gia vào thế giới rộng lớn kia. Đó thật là một sự ảo tưởng dốt nát.

Và cũng không chỉ có người trẻ. Nhiều người trưởng thành có học vấn cũng bị nhiễm thói "bồi" này. Có rất nhiều nhà báo, nhà phê bình hay trí thức dùng rất nhiều từ tiếng Anh trong bài viết của mình. Họ lý giải vì đó thật sự là việc khó chuyển ngữ các từ chuyên môn hay đó chỉ là một cách "rắc" thêm "gia vị" cho lời nói của mình được đảm bảo bằng những thuật ngữ chuyên môn mang tính học thuật.

Một nhà dịch thuật có tiếng còn làm cả thơ bằng tiếng Pháp ngay ở Việt Nam - thứ ngôn ngữ mà ông không sử dụng hàng ngày trên ngay chính quê hương của mình. Tâm lý "sính  ngoại" đang được hiện diện không ít nơi. Trong phê bình, trong văn hóa, trong giao tiếp, chẳng có gì tự hào với một sự a dua. Đó chỉ là sự yếu đuối được che đậy bởi tính phù phiếm và học đòi.

Phải chăng đó là mặc cảm tự ti được núp dưới vẻ thời thượng. Có một điều thực tế rất lạ là những người biết ngoại ngữ khác lại hiếm khi dùng tiếng “bồi”, trừ tiếng Anh ra. Tôi phải nói rằng chưa bao giờ thấy ai dùng tiếng Đức "bồi", Nga "bồi"...

Vậy vấn đề không phải là việc phải dùng từ nguyên bản của ngôn ngữ đó để truyền tải tốt hơn tiếng Việt. Mà thực tế đây là một hiện tượng của hệ quả sùng bái văn hóa Mỹ bình dân. Hẳn là như vậy khi mà sự đổ bộ ào ạt của văn hóa "ăn nhanh KFC", của phim bình dân, của "R&B" vào lối sống của thế hệ trẻ chúng ta.

Từ sự học hỏi tới việc a dua không có chọn lọc lại là một ranh giới rất mỏng. Và chúng ta không trang bị cho con em chúng ta những kiến thức để chọn lựa, không trang bị cho thế hệ đó sự tự hào về ngôn ngữ mẹ đẻ. Thứ mà nhiều dân tộc bị mất đi trong lịch sử loài người hay bị đồng hóa thèm khát.

Người Ireland đã từng rất tự hào khi hát bằng ngôn ngữ của mình, dù phải giấu giếm nó trước sự đồng hóa bằng quyền lực là tiếng Anh. Chẳng có gì tự hào hơn việc truyền tải và hiểu nhau cảm nhau nhiều hơn bằng chính việc dùng tiếng của mình. Vì đó là tiếng thật nhất của lòng mình, thứ ngôn ngữ chạy trong huyết quản được giáo dục từ tấm bé.

Trách nhiệm gìn giữ tiếng lòng thật này tùy thuộc mỗi chúng ta, sự ý thức cá nhân. Sự ý thức về dân tộc mình, sự tự trân trọng hiện hữu của người Việt. Nên trước khi tỏ ra "sính ngoại" thì cần phải "sính nội" trước. Chỉ có tôn trọng bản thân mình mới là một dấu hiệu tốt khi tham gia thế giới rộng lớn kia

Minh Trí
.
.