8 phút 46 giây và một ảo tưởng lộ nguyên hình

Thứ Bảy, 20/06/2020, 14:43
8 phút 46 giây. Đó là khoảng thời gian vừa đủ cho bản ballade số 1 của Chopin, hoặc một bản Drei Klavierstucke của Franz Schubert. Đó là khoảng thời gian vừa đủ cho một game tennis giằng co.

Có cả một cuốn sách mang tên “Tám phút để nâng cao kỹ năng golf”. Chừng ấy cũng vừa đủ cho một bộ phim ngắn của nữ đạo diễn người Pháp Chantal Akerman.

8 phút 46 giây cũng đủ để giết một người. 8 phút 46 giây cũng đủ để hoài thai một tấn kịch cho cả một xã hội vốn đang lao đao trên những tấn kịch khác. Những tấn kịch thì không bao giờ là đủ. Khi Oedipus phát hiện ra mình đã vô ý giết cha, ông còn phát hiện luôn ra rằng ông đã kết hôn với mẹ của mình. Từ thời Hy Lạp, họa vô đơn chí.

Hình ảnh một người biểu tình ở Mỹ với khẩu hiệu “Tôi không thở được”.

Cảnh sát Derek Chauvin 8 phút 46 giây để khống chế và đè lên cổ George Floyd, một người đàn ông da đen bị tố cáo sử dụng 20 USD giả để mua hàng. Floyd hấp hối kêu lên rằng anh không thở được nhưng vị cảnh sát nhất quyết không buông anh ra. Và cảnh mà vị cảnh sát da trắng gương mặt bình thản quỳ trên cổ cái xác cứng đơ của một nghi phạm da màu, nó kinh khủng tới mức cực đoan, tới mức nó không giống thật mà giống một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt ám ảnh với thông điệp về phân biệt chủng tộc.

Cũng có khi, nhìn bức ảnh ghi lại cảnh tượng đó, tôi liên tưởng đến bức tranh “Minotaur đang yêu một nhân mã cái” của danh họa Pablo Picasso. Trong tranh, quái vật nửa người nửa thú Minotaur đè nghiến lên một sinh thể đầu người mình ngựa, gương mặt sinh thể như thất thần, không cách nào chống đỡ nổi sức mạnh của kẻ đang cưỡng bức mình. Dù khác ở chỗ, với Minotaur, hành vi ấy là biểu hiện cho một thứ tình yêu man rợ, còn với Chauvin, hành vi ấy biểu hiện cho một sự căm ghét vô tri nhưng, dường như chúng đều đem tới cho kẻ mạnh một cơn cực khoái của sự trấn áp.

Thật ác nghiệt khi nghĩ rằng, trong một thế giới mà những gương mặt bị giấu đằng sau khẩu trang, một thế giới mà chỉ thở thôi cũng có thể khiến bạn trở thành vật chủ của loài virus chết người SARS-CoV-2, chỉ thở thôi cũng đã đủ tạo nên một bộ phim kinh dị, trong thế giới ấy, có một người da đen chết vì “tôi không thở được”.

George Floyd chỉ là một trong hàng triệu công dân Mỹ bị mất việc làm vì sự ngưng trệ kinh tế gây ra bởi đại dịch. Khi lệnh cách ly xã hội được ban bố, Floyd - người đang làm bảo vệ của một nhà hàng ở bang Minnesota - ngay lập tức bị sa thải. Floyd không phải một công dân hữu hảo. Anh có tiền án tiền sự, từng đột nhập tư gia người dân và thực hiện cướp bóc có vũ trang vào năm 2007. Anh bị tuyên 5 năm tù giam.

Sau khi mãn hạn tù, anh hoàn lương và kiếm sống bằng những công việc cơ bản như lái xe tải hay bảo vệ. Cho đến ngày anh dùng đồng 20 USD giả để mua thực phẩm và bị cảnh sát truy đuổi. Floyd có một vóc dáng khổng lồ, anh cao gần 2 mét và bởi thế, nhìn cách mà anh nằm bẹp trên mặt đất và “chết như một con chó” (một cụm từ thật hay mà Franz Kafka đã dùng để mô tả cái chết bất minh của nhân vật K. khi bị cảnh sát xử tử) cứ như là Goliath đang bị hạ đo ván bởi David.

Nhưng Goliath và David của thế kỷ 21 giờ đây hoán chỗ cho nhau, David không còn là vị anh hùng và Goliath cũng không còn là kẻ thù của công lý. Mà, công lý nào mới được?

“Chà, nếu một người thật sự muốn biết công lý đang được thực thi ra sao trên đất nước này, người đó sẽ không hỏi cảnh sát, luật sư, quan tòa, hay những người thuộc tầng lớp trung lưu được bảo vệ”, James Baldwin, nhà văn người Mỹ gốc Phi vĩ đại của thế kỷ 20, người đứng đầu nhiều phong trào xã hội chống phân biệt chủng tộc viết.

Ông viết tiếp: “Người đó phải đến với những người không được bảo vệ - những người mà chính xác ra cần sự bảo vệ của luật pháp hơn bất cứ ai - và lắng nghe lời chứng của họ. Hãy hỏi bất cứ người Mexico nào, người Puerto Rico nào, bất cứ người da đen nào, bất cứ người nghèo nào - hỏi những người khốn cùng làm cách nào họ vào được sảnh đường công lý, rồi bạn sẽ biết, không phải chuyện đất nước này có công lý hay không, mà là nó có chút tình yêu nào dành cho công lý hay không, hay bất cứ ý niệm nào về điều đó hay không. Rõ ràng là trong mọi trường hợp, sự ngu ngốc đi kèm quyền lực là kẻ thù hung hăng nhất của công lý”.

Thế người da đen còn muốn gì nữa? Họ đã có một tổng thống da màu, họ được đi học, được vào đại học, được tham gia chính trường, những điều mà trước đây họ chưa từng được làm, có điều gì người da trắng được phép làm mà họ không được phép làm đâu? Khi hãng thời trang xa xỉ Gucci bán ra những chiếc áo len cao cổ che khít mặt với hình ảnh mặt đen - một hình ảnh được coi là phân biệt chủng tộc, cộng đồng người da đen phản đối.

Nhiều người tỏ ra bực tức vì sự nhạy cảm thái quá của người da đen và cho rằng họ chỉ đang tự kỷ ám thị với bóng tối quá khứ chứ chẳng ai có ý phân biệt họ. Nhưng, người da trắng đâu từng có một lịch sử làm nô lệ? Không một người da trắng tự do nào đang đi trên đường bỗng chốc bị bắt cóc về một đồn điền và trở thành tôi đòi suốt 12 năm như Solomon Northup.

Bức họa “Minotaur đang yêu một nhân mã cái” của Pablo Picasso.

Không một người da trắng nào buộc phải tự tay giết đi đứa con gái 2 tuổi của mình bởi chỉ có cái chết là “nơi đứa bé được an toàn” như Sethe trong tiểu thuyết Người yêu dấu vốn lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật. Ngu ngốc làm sao khi nghĩ rằng phân biệt chủng tộc chỉ còn là vết sẹo để lại từ thuở xa xưa.

Người da đen là bộ phận chết nhiều hơn cả trong đại dịch ở Mỹ. Họ cũng là những người dễ mắc nhất. Họ cũng mất việc nhiều hơn. Đến cả Tổng thống Donald Trump cũng phải thừa nhận điều đó. Trong một cuộc họp báo hồi tháng 4, ông đặt ra câu hỏi: “Tại sao những người Mỹ gốc Phi lại mắc dịch nhiều hơn nhiều lần so với những người khác? Nó không hợp lí chút nào. Tôi không thích thế”.

Ông Trump không thích thế nhưng không có gì là bất hợp lí ở đây. Xã hội Mỹ, và rộng ra là cả thế giới, đã luôn được xây dựng trên nguyên tắc “sự phân chia lao động và phân bổ nguồn lực, tương ứng với đời sống xã hội được cải thiện dành cơ hội cho người da trắng và những đứa trẻ da trắng”, theo triết gia chính trị Charles W. Mills. Mills viết điều này vào năm 1999, nhưng nó vẫn đúng ở thì hiện tại.

Ngay trong thời gian Barack Obama tại nhiệm, chàng thanh niên da màu 18 tuổi Michael Brown không vũ khí cũng bị một cảnh sát da trắng bắn chết mà cuối cùng vị cảnh sát được xử trắng án. Tất cả những gì vị tổng thống luôn cố gắng đấu tranh cho các vấn đề chủng tộc có thể làm được là gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình Brown và sau đó là xuất hiện trước công chúng và bày tỏ rằng “chúng ta phải chấp nhận phán quyết này đã được bồi thẩm đoàn đưa ra”. So với một thiết chế đã được cài đặt vững như bàn thạch suốt 400 năm, ai cũng hiểu quyền lực của tổng thống quá bé mọn để làm nên thay đổi.

Đúng, suốt 400 năm lịch sử nước Mỹ, phân biệt chủng tộc đã luôn là căn bệnh không vaccine, không thuốc gì cứu chữa, như tài tử George Clooney bình luận.

Người ta nói SARS-CoV-2 nguy hiểm nhất với những người mắc bệnh lí nền, vậy thì nếu xã hội cũng là một con người, SARS-CoV2 cũng đang phóng đại lên tất cả những “bệnh lí” sâu xa của nó. Nếu không có đại dịch này, khủng hoảng thất nghiệp đã không diễn ra, George Floyd đã không mất việc và rơi vào hoàn cảnh phải dùng tiền giả, cảnh sát Derek Chauvin cũng không bị kích hoạt sự thù ghét của mình. 10 năm qua, kinh tế Mỹ hồi phục và khởi sắc, tỉ lệ thất nghiệp xuống rất thấp, người da đen cũng có việc làm và ta bị ru ngủ bởi cảm giác không ai bị bỏ lại. Thế rồi dịch bệnh bùng nổ, trong cơn bĩ cực, mọi vấn đề thường ngày được đắp điếm bằng ảo tưởng giờ đây lộ nguyên hình.

Một cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng hơn thế, đó còn là một cuộc khủng hoảng nhân tính, một cuộc khủng hoảng công lý, một cuộc khủng hoảng niềm tin. Derek Chauvin có thể chỉ cần 8 phút 46 giây để giết George Floyd nhưng 8 phút 46 giây ấy là kết quả của hàng trăm năm, hàng ngàn ngày, hàng triệu giờ của nỗi đau âm ỉ và rồi sau 8 phút 46 giây ấy, ta sẽ mất bao lâu để sửa chữa lỗi lầm?

Còn phải có bao nhiêu người chết nữa đến khi ta nhận ra có quá nhiều người đã chết?

Hiền Trang
.
.