4 câu hỏi đối với hệ thống trường chuyên

Thứ Hai, 09/03/2020, 23:20
Đã gần 60 năm kể từ lớp chuyên đầu tiên ra đời tại miền Bắc, hệ thống đào tạo chuyên, bao gồm các trường chuyên (hay năng khiếu) và các kỳ thi học sinh giỏi đã phát triển mạnh mẽ trong khắp cả nước; trải qua nhiều giai đoạn khác nhau nhưng đều giữ mô hình hoạt động tương đối ổn định.

Hiện nay, trong bối cảnh mới, liệu hệ thống này có cần những thay đổi để bắt kịp thời đại.

Nhìn từ thế giới: bàn về khái niệm đào tạo chuyên

Trên thế giới, có rất nhiều mô hình đào tạo chuyên khác nhau, với những tên gọi không phải lúc nào cũng hoàn toàn giống nhau hoặc có khi có tên gọi giống nhau mà lại có nội hàm khác nhau về đào tạo chuyên. Nhưng, một cách tổng quát, đào tạo chuyên có 3 tên gọi phổ dụng nhất như sau:

- Specialized education: dịch tiếng Việt là “đào tạo chuyên”.

- Gifted education: dịch tiếng Việt là “đào tạo năng khiếu”.

- Talented education: dịch tiếng Việt là “đào tạo tài năng”.

Trong 3 tên gọi trên, có lẽ tên gọi thứ hai là hợp lý nhất theo cả nghĩa tiếng Anh và tiếng Việt: “gifted education” hay “đào tạo năng khiếu”. Nói là “specialized education” hay “đào tạo chuyên” đâu đó sẽ không phản ánh được khả năng vượt trội của học sinh so với các bạn đồng lứa. Trong khi đó, khi nói “talented education” hay “đào tạo tài năng” thì thực ra đây không phải là từ phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Hệ thống đào tạo chuyên ở nước ta đang đứng trước những bối cảnh rất mới. Ảnh: L.G.

Ở lứa tuổi học sinh, phần lớn các em mới bắt đầu bộc lộ “tiềm năng” (chứ không phải “tài năng”) hay nói cách khác, đó là “năng khiếu”. Và, nhiệm vụ của hệ thống giáo dục là làm sao giúp nuôi dưỡng, phát triển “năng khiếu” đó trở thành “tài năng” trong tương lai.

Trong phần tiếp theo, thông qua 4 câu hỏi, tác giả sẽ lần lượt đối sánh việc đào tạo chuyên ở nước ta so với các nước khác trên thế giới; đồng thời đưa ra các gợi ý cho các nhà làm giáo dục.

Có nên tiếp tục mô hình đào tạo chuyên hiện nay?

Trong Luật Giáo dục 2019 cũng như 2005 trước kia, các nhà lập pháp ở nước ta đã dành riêng điều số 62 có tên gọi: “Trường chuyên, trường năng khiếu”. Và đây cũng chính là đặc điểm nổi bật nhất về mô hình đào tạo chuyên ở nước ta: học sinh có tiềm năng, năng khiếu được học trong các trường chuyên hoặc trường năng khiếu, tùy theo cách gọi của từng địa phương.

Cách tiếp cận này là tương đối giống với một số nước trên thế giới như: Áo, Trung Quốc, Phần Lan, Đức, Hàn Quốc, Hà Lan hay Ba Lan (lưu ý: trong các nước này, một số có lớp chuyên thay vì có trường chuyên). Học sinh học tại các trường (lớp) chuyên này sẽ có một chương trình riêng đối với môn chuyên của mình: nặng hơn, khó hơn, yêu cầu cao hơn so với học sinh thông thường.

Mặc dù vậy, mô hình trên không phải là mô hình đào tạo chuyên duy nhất trên thế giới. Trong thực tế, còn có 2 mô hình khác:

Mô hình khác thứ nhất, tiếng Anh gọi là “acceleration allowed” (tạm dịch: “mô hình cho phép học nhanh”). Theo đó, học sinh có năng khiếu sẽ được phát hiện trong quá trình học chung với học sinh thường và khi đủ điều kiện nhất định và có nguyện vọng thì em này sẽ được phép học nhảy cóc, vượt lớp.

Đôi khi, đọc các bài báo ở phương Tây, ta hay gặp các câu chuyện về các thần đồng, kiểu như 12 tuổi đã học xong phổ thông; 14 tuổi đã vào đại học; 20 tuổi đã xong tiến sĩ. Đó chính là các học sinh chuyên học theo mô hình “học nhanh” này. Một số nước đang áp dụng mô hình này bao gồm: Áo, Trung Quốc, Canada, Phần Lan, Hà Lan...

Mô hình khác thứ hai, tiếng Anh gọi là: “enrichment” (tạm dịch: “mô hình học tăng cường”). Theo đó, học sinh năng khiếu cũng được phát hiện trong quá trình học chung với học sinh thường và sau đó các học sinh này sẽ có cơ hội học thêm trong một lớp/câu lạc bộ riêng để phát triển năng khiếu của mình; bên cạnh vẫn học cùng các bạn khác.

Một số nước đang áp dụng mô hình này bao gồm Đức, Trung Quốc, Canada, Hà Lan, Ba Lan. Một số trường tư ở Việt Nam cũng đang áp dụng mô hình này nhưng có thể không triệt để bằng, và cũng ít khi gọi là lớp chuyên.

Ở “mô hình học tăng cường” học sinh năng khiếu sẽ được phát hiện trong quá trình học chung với học sinh thường. Ảnh: L.G.

Có nên tiếp tục cách thức phát hiện năng khiếu như hiện nay?

Cách thức phát hiện năng khiếu như hiện nay ở nước ta chủ yếu dựa vào thi cử. Thường thì học sinh sẽ trải qua một kỳ thi với các môn cơ bản (toán, ngữ văn) và môn chuyên; sau đó, các em đạt điểm cao sẽ được tuyển chọn, em nào trượt rồi thì sẽ rất khó chen ngang để trở thành học sinh chuyên trong các năm sau (trừ khi đợi đến đợt chuyển cấp và thi lại).

Tất nhiên là thế giới cũng có nơi áp dụng mô hình này. Nhưng, họ cũng có mô hình khác. Ví dụ, tại những nơi áp dụng mô hình “học nhanh” hay “tăng cường” thì việc phát hiện năng khiếu chủ yếu dựa vào điểm số, kết quả trên lớp hoặc quan sát, đánh giá của giáo viên trực tiếp giảng dạy. Một số nơi thậm chí tổ chức cả các cuộc phỏng vấn sâu hoặc yêu cầu học sinh phải viết luận để thể hiện mong muốn cá nhân.

Cần nuôi dưỡng năng khiếu của học sinh như thế nào? 

Đây là nội dung mà người viết cho rằng chúng ta làm kém nhất hiện nay. Thậm chí, có thể nói, mô hình nuôi dưỡng năng khiếu đối với học sinh sau khi hết bậc phổ thông ở nước ta còn có những điểm phi khoa học, vô lý, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ tác động ngược. Cụ thể:

- Công tác định hướng nghề nghiệp, học tập bậc cao ở nước ta hiện chưa được quan tâm đúng mức. Không có chính sách cấp vĩ mô đủ mạnh để giúp học sinh chuyên nói riêng và học sinh nói chung có cơ hội được trải nghiệm, tiếp xúc với các ngành, nghề phù hợp với năng khiếu cá nhân cũng như các trường đại học có ngành đào tạo tương ứng. Các nỗ lực với nội dung này hiện nay chủ yếu vẫn là tự phát và manh mún.

- Chính sách tuyển thẳng cho phép học sinh đạt giải quốc gia (chủ yếu cũng là học sinh trường chuyên) có thể đăng ký nhập học bất kỳ chương trình nào ở bậc đại học. Điều đó có nghĩa là một học sinh đạt giải quốc gia môn hóa có thể được tuyển thẳng vào làm sinh viên học ngành thương mại ở bậc đại học hoặc ngược lại, một học sinh đạt giải quốc gia môn văn, nếu thích tuyển thẳng làm sinh viên ngành kỹ thuật. Đây là điều phi khoa học và nó dẫn đến việc nhiều học sinh chọn vào trường chuyên, thi học sinh giỏi không phải là để phát huy năng khiếu của mình mà chỉ để tuyển thẳng đại học. Đây thực sự là một điều nguy hiểm cho bản thân em học sinh cũng như hệ thống đào tọa chuyên.

Cần đầu tư cho đào tạo chuyên ra sao? 

Các chính sách hiện hành đều nói rõ đào tạo chuyên sẽ được ưu tiên đầu tư so với đào tạo thông thường. Mặc dù vậy, chúng ta cũng không biết mức độ ưu đãi đó, cụ thể là bao nhiêu: tính trung bình một năm nhà nước đầu tư cho 1 học sinh chuyên thì nhiều hơn học sinh thường bao nhiêu. Mặt khác, chúng ta cũng thấy rõ là rất nhiều phụ huynh hiện nay cũng sẵn sàng đầu tư thêm để cho con mình phát huy hết tiềm năng. Những người quen trong lĩnh vực đào tạo chuyên đều biết, để đạt được thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, nhiều gia đình đã phải đầu tư rất nhiều chi phí cho con em mình. Cân bằng giữa mức đầu tư của 2 bên: nhà nước - gia đình rõ ràng là một vấn đề cần tính đến.

Như đã phân tích ở đầu bài, hệ thống chuyên ở nước ta hiện nay đang đứng trước bối cảnh rất mới. Từ ngoài vào thì đó là xu thế toàn cầu hóa, sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, cuộc chiến thu hút nhân tài giữa các nước. Từ trong ra thì đó là những yêu cầu mới của nền kinh tế-xã hội; sự xuất hiện ngày càng nhiều của hệ thống trường tư chất lượng cao/trường quốc tế, xu hướng gửi con đi du học ngay ở bậc phổ thông, việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới và việc có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. 

Trong khi đó, cách làm đào chuyên ở nước ta xoay quanh 4 vấn đề nêu trên là hầu như không thay đổi lớn trong hàng chục chục năm.

Và có lẽ, đã đến lúc cách làm này cần có những điều chỉnh nhất định.

* Bài viết có tham khảo từ nghiên cứu Heuser, B. L., Wang, K., & Shahid, S. (2017). Global Dimensions of Gifted and Talented Education: The Influence of National Perceptions on Policies and Practices.Global Education Review,4 (1), 4-21 và một số nghiên cứu khác.

Phạm Hiệp
.
.