Nghịch lý chủ trương

Phải cắt đứt vòng lặp luẩn quẩn

Thứ Tư, 18/07/2018, 09:25
17-08-2017, khi mà tình hình ở các trạm thu phí giao thông của các dự án đường bộ được thực hiện theo dạng BOT đang nóng lên, có chiều hướng căng thẳng, Bộ GTVT tổ chức họp báo với sự chủ trì của thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông. 

Chủ trương vận động nguồn lực xã hội thông qua hình thức hợp tác đầu tư như BT (Xây dựng – Chuyển giao) và BOT (Xây dựng - Kinh doanh -  Chuyển giao) là một chủ trương đúng, chính xác.

Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề tồn tại, có dấu hiệu trục lời tiêu cực thông qua hai hình thức đầu tư này cho thấy câu hỏi, “Tại sao chủ trương đúng nhưng khi thực hiện lại thành nghịch lý?” vẫn đang cần lời giải.


Trong buổi họp báo ấy, ông Đông nhắc đến một chi tiết mà nhiều người rất quan tâm tới, nhưng thực sự lại chưa lật được tảng băng chìm đằng sau chi tiết đó. Ấy là con số 12 năm, con số mà ông Đông cho rằng trạm BOT Cai Lậy có thể thực hiện việc thu phí.

Chúng ta hãy dẹp sang một bên câu chuyện vị trí đặt trạm thu BOT mà chỉ phân tích con số 12 năm ấy thôi, để cùng hiểu thực sự vấn đề tồn đọng hiện nay đang là những gì. 

Vâng, 12 năm là quãng thời gian một gia đình nuôi 1 đứa con vào lớp 1 rồi tốt nghiệp PTTH. 12 năm cũng là một bước trong lục thập hoa giáp, có thể nói tương đương với 1 phần 5 cuộc đời của một con người. 12 năm cũng đủ là cả một tuổi xuân sung sức của một con người, tuổi của sáng tạo, tuổi của sự năng động và khả năng tạo ra giá trị rất lớn.

Và 12 năm ấy cũng vừa vặn thời gian của 2 nhiệm kỳ rưỡi cương vị bộ trưởng một bộ bất kỳ, mà trong đó, cụ thể nhất ở ví dụ này là Bộ GTVT.

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

12 năm, 2 nhiệm kỳ rưỡi, cộng với gần 3 năm thi công, có thể nói là tròn 3 nhiệm kỳ cho một dự án BOT như tuyến tránh thị trấn Cai Lậy. 

Và chúng ta có thể phân tích nôm na rằng, dự án này có phần B (Build: xây dựng) kéo dài 3 năm, hơn nửa nhiệm kỳ 1 bộ trưởng; phần O (Operation: vận hành) kéo dài 12 năm, tương đương 2 nhiệm kỳ rưỡi 1 bộ trưởng và cuối cùng mới đến phần T (Transfer: chuyển giao cho nhà nước). 

Như vậy, qua 3 đời bộ trưởng Bộ GTVT, dự án tuyến tránh thị trấn Cai Lậy mới “châu về hợp phố” với chủ dự án (tức là nhà nước). 

Câu hỏi đặt ra, vậy thì ở đời bộ trưởng của nhiệm kỳ thứ 4, tức là nhiệm kỳ nhận chuyển giao (chữ T kết thúc từ BOT), nếu phát sinh những hậu quả từ những sai phạm của 3 nhiệm kỳ trước, ai sẽ phải gánh trách nhiệm dọn dẹp? Sẽ rất oan cho ông Bộ trưởng mới nếu ông phải chịu trách nhiệm xử lý những hệ quả của quá khứ, một nỗi oan thực sự.

Nhưng khoan hãy nói đến nỗi oan. Điều đáng sợ là với chủ trương tích cực của nhà nước là kêu gọi sự tham gia của các nguồn lực của xã hội, hiện tượng lợi dụng chủ trương, chính sách để làm sai, làm trái lại đang diễn ra như một thói quen kiểu “đã có tiền lệ”. 

Và chính cái tiền lệ ấy tạo ra cái chuỗi khốn khổ là cứ mỗi đời bộ trưởng lại có thể phát sinh ra một số dự án BOT mà hệ quả của nó phải tới 3 đời bộ trưởng sau đó mới thấy lộ diện.

Hãy nhìn vào chữ Transfer (chuyển giao) của các dự án BOT để hiểu rằng đang tồn tại nguy cơ nảy sinh những vòng lặp luẩn quẩn thế nào. Chúng ta không thể phủ nhận rằng các dự án BOT, hoặc BT, dù được quản lý bởi bộ nào, ngành nào đi nữa thì cũng là các dự án công huy động nguồn đầu tư từ xã hội. 

Và nếu là dự án công, tức là phục vụ công ích, phục vụ dân sinh, dân chúng phải có quyền được biết chi tiết cơ bản của các hợp đồng.

Vậy mà ở ta, không một dự án BOT nào công khai điều khoản mang tính quy ước rất quan trọng là sau giai đoạn B và O, đến giai đoạn T (chuyển giao, transfer), chất lượng còn lại của công trình sau một thời gian vận hành phải đạt tiêu chuẩn thế nào?

Hãy thử hình dung thế này: nếu tuyến tránh thị trấn Cai Lậy hoàn công với chất lượng là 100%, nhưng sau khi vận hành 12 năm chỉ còn ở mức độ chất lượng dưới 50%, đến khi bàn giao lại cho nhà nước lại rơi vào thực cảnh phải đầu tư xây mới thì sao? có thể lắm chứ!

Tất nhiên, chúng ta vẫn biết mỗi hợp đồng BOT hay BT đều có điều khoản về bảo dưỡng, nhưng đặc biệt với dự án BOT, bảo dưỡng trong thời gian doanh nghiệp đang vận hành (Operation) là bắt buộc, còn khi đã chuyển giao rồi, việc bảo dưỡng ấy cũng chỉ còn nằm trong giới hạn cụ thể và ngắn ngủi mà thôi.

Hơn nữa, tiêu chuẩn về bảo hành như thế nào, tiêu chuẩn bàn giao ra sao, dân chúng hoàn toàn không được biết, dù số tiền thực chất để tạo nên các dự án chính là tiền của họ, được thu lại từ các mục thuế, phí có liên quan.

Như vậy, chủ trương khuyến khích các dự án BT, BOT hay đổi đất lấy hạ tầng của nhà nước là một chủ trương tốt, song không thể loại trừ việc chúng đã bị lợi dụng để làm xấu. Nguy hiểm hơn nữa là thời gian nhiều dự án kéo dài hơn thời gian nhiệm kỳ của người chịu trách nhiệm nên dễ dẫn đến tình trạng đánh bùn sang ao, quýt làm cam chịu. 

Trong tình thế ấy, rõ ràng giám sát là việc rất cần nhưng ai là lực lượng giám sát cơ bản nhất mới là câu hỏi. Lực lượng ấy không ai khác chính là nhân dân, đặc biệt là dân chúng thụ hưởng trực tiếp những dự án. 

Muốn vậy, các chi tiết hợp đồng phải được công khai, thậm chí phải có cả cổng thông tin điện tử tương tác nhanh để khi những người giám sát phản ảnh tình trạng, thực trạng, phải có người giải quyết nhanh, triệt để, rốt ráo. 

Có thế, chủ trương mới đi vào đời sống một cách hiệu quả. Có thế, lòng tin của người dân mới được củng cố vững bền.

Hà Quang Minh
.
.