Thuế và môi trường

Tăng thuế lúc này là hoàn toàn không phù hợp

Thứ Năm, 31/05/2018, 06:09
Đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính không khác gáo nước lạnh tạt vào dư luận, khiến họ liên tưởng thiệt hại từ những đại án kinh tế tới khả năng thanh khoản của ngân sách nhà nước và từ đó, tăng thuế gấp và vô lý là biện pháp duy nhất Bộ Tài chính có thể làm để bù đắp vào cái ngân sách thâm thủng khủng khiếp kia? 

Chúng tôi tiếp tục trở lại Chuyên đề về thuế môi trường, trong bối cảnh mà Bộ Tài chính kiên quyết tăng kịch trần thuế môi trường trên mỗi lít xăng dầu.

Nhiều Bộ khác đã phản ứng với sự kiên quyết này của Bộ Tài chính vì những lo ngại việc tăng thuế kịch trần sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác về kinh tế, đời sống.


Nếu chúng ta gõ từ khóa “tăng thuế” trên công cụ tìm kiếm của google, chỉ trong vòng chưa đầy 1 giây, ta đã có tới hơn 3 triệu kết quả. 3 triệu kết quả ấy đa số là những tin, bài trên các trang báo đề cập tới những lần đề xuất tăng thuế từ Bộ Tài chính. Và 3 triệu kết quả ấy cũng cho thấy, dường như “điệp khúc tăng thuế” đã trở thành bài hát quen thuộc và ưa thích của Bộ này. 

Có vẻ, nếu một tháng họ không đề xuất tăng thuế một lần thì họ cảm thấy có lỗi với chính mình thì phải(?!). Nhưng họ quên mất rằng, họ đang có lỗi với rất nhiều người khác.

Ở trong một chuyên đề trước, cũng về thuế, chúng tôi đã nói nhiều đến thiệt hại của nhân dân nếu các dự thảo tăng thuế được áp dụng. Thế nên, lần này chúng tôi không nhắc lại cái lỗi của Bộ Tài chính đối với nhân dân nữa, bởi nó đã quá rõ ràng. Lần này, cái lỗi của Bộ Tài chính khi đề xuất tăng thuế là lỗi với Chính phủ, lỗi với Đảng, một cái lỗi rất lớn.

Minh họa: Lê Phương.

Trong các kiến nghị lên Bộ Tài chính về đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu, tôi lưu ý rất kỹ ý kiến của thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Bùi Văn Thành. Đại ý, Bộ Công an lưu ý Bộ Tài chính về việc tăng thuế này sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, xã hội và nền kinh tế của đất nước. 

Có lẽ, kiến nghị công khai không nói quá rõ, bởi có những điều còn cần phải bảo mật nhưng nếu như Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đối thoại cá nhân với Trung tướng Bùi Văn Thành, ông sẽ hiểu được thêm tác động tiêu cực lên xã hội, đặc biệt là an ninh sẽ lớn như thế nào nếu việc tăng thuế này được áp dụng.

Xin quay lại với một bài báo “bịa đặt” (và đã bị xử lý) gần đây của một trang báo điện tử. Đó là bài báo cho rằng 2 căn biệt thự to như lâu đài ở Vườn Đào - Hà Nội là của một UVBCT một Bộ trưởng. 

Chỉ là tin bịa đặt, không chính xác, nhưng ngay cả khi bài báo đã bị gỡ bỏ, những sao lưu khác của nó đều được sử dụng trở thành công cụ chống phá và gây hoang mang trong nhân dân. 

Tôi nhắc lại câu chuyện này để chúng ta cần phải đồng thuận với nhau một điểm rằng: dư luận đang vô cùng nhạy cảm trước các thông tin gắn liền đến tài sản của quan chức, các thông tin liên quan đến ngân sách và nợ công, các thông tin về những vụ tham nhũng, thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. 

Và khi sự nhạy cảm ấy bắt gặp một đề xuất tăng thuế, chắc chắn nó sẽ được thổi bùng thành một nghi ngờ về sức khoẻ của nền kinh tế, từ đó rất dễ dẫn đến những rối loạn xã hội ở giai đoạn tình hình quốc tế đang vô cùng phức tạp như ngày hôm nay.

Và tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng Việt Nam đang ở trong giai đoạn tái cơ cấu lại mạnh mẽ, với cuộc chiến chống tham nhũng đang được đẩy lên cao độ hơn bao giờ hết. 

Nói nôm na theo cách nói của dân chúng là “tình hình củi lửa” đang rất khẩn trương và nếu việc tăng thuế được thực hiện, chúng ta có thể ước đoán được bao nhiêu phần trăm dân chúng sẽ nhận định rằng “tăng thuế là để bù đắp lại vào các thâm hụt ngân sách trầm trọng vốn dĩ là hệ quả của vấn nạn tham nhũng suốt nhiều năm qua?”. 

Tỷ lệ phần trăm ấy rất khó được xác quyết, nhưng tôi tin, nó sẽ chiếm đa số.

Trong thời gian diễn ra cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cách đây chưa lâu, một chuyên gia kinh tế hàng đầu của Pháp (Jullien Marcilly) có nhận xét rằng các trở ngại rất lớn của Việt Nam hiện nay chính là cơ sở vật chất hạ tầng còn thấp kém; tình trạng tham nhũng khá trầm trọng; tỷ lệ nợ công cao (60% GDP) và hệ thống ngân hàng rất mong manh. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, ông Marcilly cũng cho rằng với dân số lên tới 90 triệu người, tỷ lệ tăng trưởng đều đặn 6%/ năm và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài cao (đỉnh điểm là năm 2016 với tỷ lệ đầu tư nước ngoài chiếm 6,2% GDP), Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành con hổ của châu Á nếu khắc phục được các nhược điểm kể trên. 

Và tình hình tăng trưởng đạt 7% trong thời gian qua đã cho thấy Việt Nam đang có những bước chuyển về kinh  tế đáng khen ngợi thế nào. Song, những tín hiệu lạc quan đó rất có thể bị đe dọa nếu như Bộ Tài chính tiếp tục kiên trì với các chính sách tăng thuế bất hợp lý, bất hợp tình và bất hợp thời như lúc này.

Rõ ràng, nợ công cao là vấn đề mà nhiều người Việt đều biết tới. Tất cả đều thừa nhận đó là khó khăn đầy thách thức đối với chính phủ lúc này. 

Và khi Hội nghị Trung ương 7 kết thúc với những quyết sách mạnh mẽ hơn trong công cuộc tái cơ cấu lại, nhiều người đã nghĩ tới tương lai gánh nặng nợ công sẽ được giảm bớt khi bộ máy cồng kềnh được thu gọn dần, chính sách tiền lương bắt đầu tiệm cận dần đến mục tiêu thu phục người làm việc hiệu quả thay vì rải tiền vô ích cho những nhân vật sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. 

Trong không khí ấy, đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính không khác gáo nước lạnh tạt vào dư luận, khiến họ liên tưởng thiệt hại từ những đại án kinh tế tới khả năng thanh khoản của ngân sách nhà nước và từ đó, tăng thuế gấp và vô lý là biện pháp duy nhất Bộ Tài chính có thể làm để bù đắp vào cái ngân sách thâm thủng khủng khiếp kia? 

Những ngờ vực như vậy, những liên tưởng như vậy rõ ràng sẽ khiến tình hình an ninh xã hội trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Và khi xã hội không có được an ninh tốt nhất, việc phát triển kinh tế sẽ vô cùng mơ hồ. 

Rõ ràng, Bộ Tài chính đang có lỗi rất lớn với Đảng và Chính phủ khi họ không thể cân đối lại ngân sách, xử lý tốt vấn đề nợ công và quay trở lại với biện pháp cổ xưa là tăng thuế, một biện pháp chắc chắn tạo nên phản ứng phẫn nộ từ quần chúng.

Hơn lúc nào hết, Chính phủ đang cần những bộ não giúp việc thực hiện công việc một cách sáng suốt nhất. Chính vì thế, hơn lúc nào hết, Bộ Tài chính cần phải hiểu được nghĩa vụ của họ với Chính phủ lớn lao đến nhường nào. 

Và trước mắt, họ nên hiểu, tăng thuế lúc này là hoàn toàn không phù hợp khi chính các Bộ khác cùng có ý kiến phản bác rất mạch lạc, rõ ràng và mạnh mẽ.

Hà Quang Minh
.
.