Di sản và trí nhớ nhân dân

Thứ Tư, 04/04/2018, 09:53
Một ngày cuối năm 2017, theo lời nhắn nhủ của đại diện một nhà xuất bản ở Hà Nội, tôi ghé tư gia của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ở quận 3, TP Hồ Chí Minh, để chụp lại những tấm ảnh tư liệu trong bộ ảnh “cố Tổng Bí thư và giới văn nghệ sỹ”.

Thước đo vận nước

Mấy lâu trước, nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang có bài viết rất hay đại ý, lấy lòng dân mà đo vận nước. Bài viết cực uyên bác với những dẫn chứng lịch sử, với những minh quân, với những khoảnh khắc thế nước thịnh suy…

Nhưng chung quy lại thì vẫn toát lên ý chính, “Dân dĩ vi bản”, dân vĩnh viễn làm gốc, thế nước mạnh cũng nhờ dân mà thế nước yếu cũng do dân.

Nếu nhân dân là thành trì của một quốc gia thì lòng tin của nhân dân, cảm xúc của nhân dân chính là hành trang để quốc gia đó thịnh vượng và phát triển bền vững.


Tiếp tôi là anh Thành, con trai của ông Mười Cúc (bí danh của ông Nguyễn Văn Linh), một người rất thân thiện, ân cần, nhẹ nhàng. Sau này, anh Thành trở thành người bạn vong niên với tôi, đúng nghĩa hơn là một người anh, với lời dặn dò mà tôi không bao giờ quên: “hãy cố gắng khiêm nhu”.

Hôm ấy, khi bước lên gian phòng lưu giữ những kỷ vật của ông Mười Cúc, tôi đã dừng lại rất lâu trước những hiện vật cũ kỹ, phủ bụi. Chiếc quạt điện nhỏ xinh; những cuốn sách ông Mười Cúc thường đọc; những vật dụng thường ngày giản dị và điểm thu hút tôi nhất chính là chiếc mũ nhà binh, chiếc mũ từ thời ông còn ở Trung ương Cục Miền Nam.

Minh họa: Lê Phương.

Ngay lúc ấy, trong tôi bật ra một từ duy nhất, bằng tiếng Anh. Tôi thường có thói quen khi nghĩ về điều gì đó thực sự ấn tượng thì sẽ nảy ra ngay một từ tiếng Anh mô tả nó trong đầu. Từ ấy là “Legacy”, có nghĩa là di sản.

Sự giản dị của anh Thành, con trai ông Mười Cúc, với tôi chính là một di sản trong rất nhiều di sản đồ sộ mà ông đã để lại cho hậu thế. Tôi có hỏi anh Thành hai câu rằng “Sinh thời, cụ có nghiêm khắc với anh không? Có bao giờ anh quậy quá bị cụ kỷ luật chưa?”. 

Anh mỉm cười chia sẻ “chưa bao giờ anh bị phạt. Ba anh cũng không hà khắc với anh, không khó khăn với anh, nhưng ông có những nguyên tắc mà chính những nguyên tắc ấy khiến anh phải giữ mình, đừng để cụ phải bận tâm đến mình nhiều khi cụ đang quá nhiều việc, đừng làm cụ phải rối trí vì mình”.

Tôi đã thoáng nghĩ, ở thời bây giờ, liệu con của một quan chức cấp cao có thể giữ được sự khiêm nhu và gần gũi như anh Thành, hay con cái của vài cán bộ lão thành ngày xưa hay không? 

Hình như khó. Tôi từng chứng kiến con trai một quan chức hàm thứ trưởng một bộ lớn hành xử thế nào, hách dịch ra sao, khi cậu ta đến nhà bạn thân của tôi uống rượu và đánh bài. 

Và có lẽ cũng như tôi, không ít người trong chúng ta đã được thấy những “cậu ấm con quan” thể hiện thế nào ở ngoài đời. Điều đó cho thấy, chính các quan chức đã tạo cho con mình một suy nghĩ rằng cha mẹ mình có một thế lực rất lớn, đủ sức lấy tay che trời.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn được nhắc tới, và ngợi khen, vì khả năng kỹ trị của ông cũng như nỗ lực hiện thực hóa ý tưởng “nhà nước nhỏ, xã hội lớn” mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng đặt ra. 

Cái ý “xã hội lớn” ấy khiến tôi nghĩ đến tầm quan trọng của xã hội được đề cao đến mức nào trong quan điểm của hai vị thủ tướng đã để lại rất nhiều ấn tượng trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội mấy chục năm qua. Và xã hội được cấu thành từ đâu? 

Từ những gia đình. Vậy thì có phải chính những quan chức biến chất đã làm hỏng tế bào xã hội, tức là chính gia đình mình, khi không để lại một di sản bằng đạo đức của con cái mình?

Chúng ta từng chứng kiến đám tang của ông Mười Cúc (cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh), của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, của đại tướng Võ Nguyên Giáp, và mới đây là của cố Thủ tướng Phan Văn Khải. 

Sự ra đi của họ được đánh dấu bằng những nuối tiếc thực sự trong dân chúng, những người ghi nhận thành quả của họ, nỗ lực của họ không chỉ bằng một vài kết quả cụ thể mà bằng cả một quá trình theo dõi. Và khi trí nhớ của nhân dân luôn lưu giữ lại những hình ảnh tốt đẹp của họ, luôn trân trọng tri ân những thành tựu mà họ mang lại, rõ ràng cả đời họ đã để lại một di sản quá lớn. 

Và tôi nhớ, một người bạn lớn của mình từng nói: “Đời người là một chuyến tàu đi về ga cuối cùng mà ai cũng biết đó là ga nào. Chuyến tàu ấy không bán vé mang theo hành lý”. 

Từ câu nói ấy, tôi chợt nghĩ “đúng là ta không thể mang theo của cải nào theo mình khi chết đi nhưng ta có thể mang theo một thứ: đó là những di sản”. 

Và những người cầm nắm những cương vị lớn lao trong xã hội càng cần phải có những di sản tương xứng với vị trí của mình. Nếu họ đặt mục đích sống làm sao để có thể để lại những di sản tương xứng, và phấn đấu cho mục đích ấy, chắc chắn họ sẽ được lưu giữ trong trí nhớ của nhân dân.

Vài tháng trước đây, một quan chức Bộ Công thương có kể với tôi rằng, trong một cuộc trò chuyện với một lãnh đạo chính phủ, anh đã nói với người lãnh đạo ấy rằng “anh hãy làm đậm nét hơn nữa thương hiệu của mình, đó là thương hiệu tử tế, tuyên chiến với tiêu cực”. 

Tôi có biết người lãnh đạo ấy, đã được vinh dự dùng cơm tối với ông một lần. Và tôi  tin, thương hiệu kia nếu ông làm đậm nét nó hơn nữa, đó chắc chắn sẽ là một di sản lớn trong sự nghiệp chính trị cũng như cuộc đời của mình.

Đến bây giờ, tôi vẫn hình dung ra hình ảnh chiếc mũ giản dị ở nhà ông Nguyễn Văn Linh. Chiếc mũ ấy, ngoài việc ông đã đội nó lúc còn trong chiến khu, nó còn gắn với những đồng đội, bạn chiến đấu của ông, những người có thể đã hi sinh, hoặc chỉ vô danh thôi. 

Nhưng ông lưu giữ trân trọng nó, để sau này con trai ông tiếp tục lưu giữ trân trọng nó, đó chính là một diện mạo của một di sản khác: sự thủy chung của một người cách mạng.

Quan chức hôm nay, nếu thực sự cùng đồng tâm hướng tới những di sản được lưu giữ trong trí nhớ nhân dân, chúng ta lo gì không xây dựng được một “xã hội lớn”, một quốc gia cường thịnh.

Hà Quang Minh
.
.