Phía sau lời xin lỗi

Dòng chữ trên hàng rào

Thứ Hai, 11/06/2018, 14:24
Có ít nhất hai Bộ trưởng trong kỳ họp Quốc hội này lên tiếng nhận trách nhiệm và xin lỗi về những tồn tại trong lĩnh vực quản lý của mình, đó là điều mà nhiều người đã được nghe và thấy nên tôi không lạm bàn nữa.

Có rất nhiều lời xin lỗi được đưa ra từ lãnh đạo các bộ ngành, địa phương. Song hành với lời xin lỗi, còn có cả nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm…

Nhưng rồi hành trình từ xin lỗi, nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm cho đến sửa đổi, có giải pháp để hướng đến sự hoàn thiện, sự phát triển là còn thăm thẳm xa.


Tuy nhiên, có lẽ ở thời điểm này lời nói phải đi đôi với hành động quyết liệt thì mới thuyết phục được nhân dân.

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể xin nhận khuyết điểm về đường sắt, về BOT. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xin nhận khuyết điểm, “Bản thân ngành còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Thời gian qua còn nhiều việc tồn tại, gây bức xúc cho nhân dân. Với trách nhiệm người đứng đầu ngành, chúng tôi xin chịu trách nhiệm về những gì chưa làm được”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đảm nhiệm vị trí tư lệnh ngành Bộ Giao thông Vận tải với rất nhiều hy vọng của nhân dân, đặc biệt là trong vấn đề về BOT vốn đang gây bức xúc đối với dư luận, nhất là khi hàng loạt trạm BOT đặt sai vị trí ngay trên những tuyến Quốc lộ huyết mạch vẫn nghiễm nhiên tồn tại. 

Hy vọng là bởi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã có thời gian dài làm Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trước khi được điều chuyển về đảm nhiệm vị trí Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng rồi quay ngược về Trung ương làm Bộ trưởng.

Minh họa: Lê Phương.

Đáng tiếc là cho đến giờ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng ấy, Bộ trưởng vẫn loay hoay với bài toán “BOT và cảm xúc nhân dân”, loay hoay đầy chậm rãi và không khỏi khiến sự hồ nghi về việc hợp thức hóa cho cái sai hiện hữu.

Có rất nhiều điều Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phải xin ý kiến của Thủ tướng, trong đó đáng kể nhất là giải quyết trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), đây là trạm BOT do chính Bộ trưởng ký với chủ đầu tư khi còn là Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Nghĩa là, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nắm hết chân tơ kẽ tóc nhưng lại lấn cấn trong mệnh đề trả lời “là đúng hay sai” để có giải pháp phù hợp. 

Thay vào đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chọn cách giải quyết an toàn và dễ dàng hơn, đó là xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Trong nhiều chuyên đề trước, chúng tôi có bình luận về quả bóng trách nhiệm chuyền cho Thủ tướng của các tư lệnh ban ngành, lãnh đạo địa phương. Thậm chí, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đã từng phản ứng về vấn đề này. 

Dẫu vậy, bất chấp phản ứng của lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, mọi thứ đâu vẫn vào đấy, cái chìa khóa “Xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng” đã trở thành bảo bối vượt can qua của nhiều cá nhân đang đảm nhiệm các vị trí đứng đầu ở những cơ quan ban ngành.

2. Cũng như Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chưa ghi được bất cứ dấu ấn nào trong việc làm an tâm những bậc phụ huynh có con em đang thụ hưởng những gì mà giáo dục của nước ta mang lại.

Câu chuyện thu giá dịch vụ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng bị phản ứng khủng khiếp, thú thật là cảm giác rất kỳ lạ xuất hiện là khi tôi chứng kiến cụm từ mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sử dụng, ngay khi “Trạm thu giá” của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bị phản biện quyết liệt và chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phải tốn thời gian nhắc nhở.

Nếu xem giáo dục là rường cột của quốc gia, là nền tảng vững chắc nhất, cốt yếu nhất để thúc đẩy quốc gia trở nên văn minh và phát triển thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vẫn chưa xây dựng được những tiền đề để hướng đến điều tốt đẹp ấy. 

Mặc cho Bộ trưởng có cam đoan, “Chúng tôi tin rằng trong từng mốc thời gian sẽ có kết quả. Trong nhiệm kỳ của mình, chúng tôi tin rằng việc đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa phải đạt kết quả. Về đại học thì đẩy mạnh tự chủ, nâng cao chất lượng, đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.

“Đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa phải đạt kết quả”, lại là đổi mới nói trắng ra thì lại là cải cách, bao nhiêu năm vẫn một lối mòn “cải cách”. Giáo dục có phải là áo quần đâu mà nay thì hợp, mai lại lỗi mode.

Giáo dục là sự kiên trì, giáo dục không phải là trang sách để đọc hết thì lại lật sang trang mới xoành xoạch.

3. Đúng hai năm trước cũng vào quãng thời gian này, ông Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã xin lỗi bà con khiếu kiện đất đai ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2, TP HCM về những chậm trễ khi tiếp xúc với bà con. 

Nhưng rồi hai năm sau, vẫn chưa có gì thay đổi ở nơi này để rồi báo giới ầm ào về những đớn đau mà bà con Thủ Thiêm đã phải gánh chịu. Để rồi thêm lần nữa, Thủ tướng Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo Thanh tra Chính phủ vào cuộc với hạn định có kết quả báo cáo trước ngày 15-7.

Còn rất nhiều lời xin lỗi mà tôi không thể viện dẫn hết trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin lấy hình ảnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi Thủ tướng xin lỗi vì không biết nên đã để đoàn tháp tùng điều khiển xe ô tô vào tuyến cấm ở Hội An cách đây gần hai năm, cho đến giờ Thủ tướng vẫn chưa làm bất cứ điều gì để khiến cảm xúc tiêu cực nảy sinh. Đó là lời xin lỗi chân thành.

Ở thành phố Hồ Chí Minh một dạo người ta cho in những lời xin lỗi trên tấm chắn các công trình xây dựng, xin lỗi vì tạo tiếng ồn, vì bụi bẩn, vì sự bất tiện của người tham gia giao thông do việc thi công công trình mang lại.

Lời xin lỗi ấy đứng cùng nắng mưa sớm tối, công trình thi công vẫn cứ trễ nải  như thường. Buồn hơn, lời xin lỗi vô tri đến độ, ai đọc thì đọc ai không đọc thì thôi, ai chấp nhận thì chấp nhận, ai không chấp nhận thì thôi.

Lời xin lỗi chót lưỡi đầu môi, thốt ra gió thổi bay đi mất, thì có ý nghĩa gì.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.