Tinh gọn bộ máy: Cần một cuộc "chưng cất" mạnh mẽ

Thứ Sáu, 02/03/2018, 07:43
Bộ máy hành chính kềnh càng, chồng chéo và rối rắm, ngày càng phình to ra nhưng lại kém hiệu quả không phải là điều bây giờ mới nhận thấy. Những năm trước, lãnh đạo cũng đã nói nhiều, nhân dân cũng ca thán nhiều, tuy nhiên sự quyết tâm tinh gọn là điều không rõ ràng.

Năm 2018 này, trọng tâm sẽ là tinh gọn bộ máy. Theo tính toán, nếu tinh gọn thành công 10% biên chế như mục tiêu đặt ra thì ngân sách sẽ có thêm hàng nghìn tỷ đồng dành chi cho đầu tư phát triển hay để tăng lương.

Để đất nước có thể cất cánh như kỳ vọng thì chắc chắn việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy phải được thực hiện một cách có hiệu quả, triệt để và đầy quyết tâm, quyền lợi cá nhân phải được thu vén lại để nhường cho quyền lợi tập thể. 

Đặc biệt là trong bối cảnh tiếng trống lệnh đã điểm khi lãnh đạo các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ lần lượt đã nhận nhiệm vụ mới, chính thức đánh dấu sự kết thúc hoạt động của các cơ quan này.

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà những thành quả chống tham nhũng đã, đang và sẽ được cụ thể hóa, khi mà Chính phủ kiến tạo chuyển động không ngừng nghỉ theo chiều hướng tích cực, thì không thể nào có một thời cơ tốt hơn để thực hiện điều này.

1. Tinh gọn bộ máy, bốn chữ nói ra thật sự rất đơn giản nhưng để thực hiện thì lại vô cùng khó khăn. Khi tinh gọn bộ máy tức là đụng chạm đến quyền lợi của nhiều cá nhân, thậm chí là tổ chức. 

Sòng phẳng mà thừa nhận, một cá nhân phấn đấu để trở thành lãnh đạo một cơ quan, một đơn vị cũng phải trải qua một quá trình dài cống hiến và làm việc. Nên khi tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại nhân sự thì chắc chắn cá nhân đó cũng sẽ có nhiều suy nghĩ, tâm tư.

Minh họa: Lê Phương.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Trung ương VI vào tháng 10-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Bộ máy chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo, cơ cấu bên trong chưa hợp lý. Tổ chức bộ máy của khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập chậm đổi mới. Tổ chức và biên chế ngày càng phình to trong khi cơ cấu, chất lượng cán bộ còn nhiều bất cập. Số lao động phục vụ gián tiếp quá nhiều trong khi thiếu nhân lực trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước ở các đơn vị sự nghiệp công và người hoạt động không chuyên trách cấp xã ngày càng nhiều”.

Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương thì tính cho đến tháng 9-2017, Việt Nam có gần 3 triệu công chức, viên chức (CCVC) đang làm việc và hưởng lương ngân sách trong bộ máy nhà nước, tương đương tỷ lệ 30,5 CCVC/1.000 dân. Con số này là quá cao so với các nước trong khu vực: Indonesia là 17,64; Philippines: 13,02; Singapore: 25,69…

Công chức nhiều dẫn tới mức chi trả ngân sách nhà nước (NSNN) quá lớn. Tỷ trọng chi tiền lương trong tổng chi NSNN và trên GDP ở Việt Nam hiện ở mức cao nhất trong khu vực, lên tới gần 10%.

Một chỉ số khác mà Ban Kinh tế Trung ương dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, tỷ lệ chi tiền lương/tổng chi NSNN ở nước ta cũng đứng đầu bảng với hơn 35%.

2. Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội thừa nhận: “Chúng ta đang đứng trước quá nhiều sức ép buộc phải cải cách bộ máy, trong đó phải kể đến sức ép về chi tiêu. Hiện nay chi tiêu nuôi bộ máy chiếm một tỷ trọng rất lớn và lớn chưa từng thấy trong ngân sách (hiện chi thường xuyên dao động khoảng 70% ngân sách), trong khi sức ép nợ công ngày càng lớn. Nếu không cải cách bộ máy mà cứ để phình ra thì không ngân sách nào nuôi nổi, nhất là với bộ máy có quá nhiều người làm lãnh đạo, quản lý lại không hiệu lực, hiệu quả thì đó là một nguy cơ. Cần có một cuộc “chưng cất” lại, kiên quyết cắt bỏ thật sự những tầng nấc trung gian, loại khỏi bộ máy những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc”.

Rõ ràng, không còn đường lùi trong công tác tinh gọn bộ máy. Nếu xem quốc gia là một thực thể, thì tinh gọn bộ máy chỉ là cởi bớt sức nặng cho thực thể ấy, giúp cho thực thể ấy có thêm điều kiện để tiến lên phía trước.

Tinh gọn bộ máy cũng là cách để tăng cường chất lượng trong công tác đề bạt bổ nhiệm lãnh đạo, nghĩa là công tác tổ chức cán bộ, một trong những công tác vô cùng quan trọng. Khi một bộ máy gọn nhẹ, người không có năng lực sẽ bị đào thảo để nhường chỗ cho người có năng lực, và một khi người có năng lực được ngồi vào vị trí điều hành thì viễn cảnh tươi sáng là điều hoàn toàn có thể sớm hiện hữu.

Trải qua nhiều lần tinh gọn bộ máy nhưng điều kỳ lạ chính là “tình trạng bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, chồng chéo, càng thực hiện tinh giản biên chế thì bộ máy càng phình to hơn, biên chế càng tăng; sự suy thoái và tiêu cực, nhũng nhiễu trong một bộ phận cán bộ công chức, viên chức nhà nước”, lời của Trưởng Ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính khi làm việc với Thành ủy Hà Nội vào tháng 9-2016.

3. Thế cho nên, công cuộc tinh gọn bộ máy cần phải được thực hiện với tinh thần quyết tâm cao, trách nhiệm cao. Muốn làm được điều này đòi hỏi những cá nhân tham gia sắp xếp lại bộ máy phải thật sự công bằng, nghiêm túc và minh bạch. Tránh tình trạng ban phát, hoặc được nhờ vả gửi gắm để nhân cơ hội tinh gọn bộ máy nhằm loại người tài để giữ (hay gài) người nhà ở lại.

Cuối cùng, tôi vẫn tin rằng nếu những cá nhân thực hiện sứ mệnh này yêu lấy quốc gia, lấy đại cục làm trọng, lấy sự phát triển của đất nước làm kim chỉ nam, lấy ngày mai tươi sáng của dân tộc làm điểm tựa thì không việc gì lại không thể hoàn thành, không rào cản nào lại không thể vược qua, không khó khăn nào lại không thể khắc phục.

Đảm bảo quyền lợi cho cá nhân, nhưng phải đặt lợi ích của đất nước lên trên hết.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.